Cuộc sống là một chuỗi những cuộc thương lượng, dù là mua một chiếc xe hơi, đòi tăng lương hay hợp tác làm ăn với ai đó. Dưới đây là những chiến lược thuyết phục giúp bạn chiếm ưu thế và giành được những gì mình muốn trong các cuộc đàm phán như vậy.
1. Quy tắc 51/49
Quy tắc 51/49 rất đơn giản: Hãy cố mang lại ít nhất 51% giá trị cho mọi mối quan hệ.
Để xây dựng và duy trì các mối quan hệ, cần phải có sự trao đổi về lợi ích, và bạn hãy cố mang lại cho đối tác nhiều hơn những gì mình được nhận từ họ.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi: “Làm thế nào tôi làm được nhiều hơn cho đối tác của mình để họ nói những điều tốt đẹp về tôi sau lưng tôi?” Khi bạn cho đi nhiều hơn – mà không trông đợi được đền đáp – bạn sẽ nằm ở vị trí có nhiều quyền lực hơn. Bạn cần ít hơn và người ta sẽ trân trọng bạn hơn. Dù trong cuộc sống hay công việc, hãy cho đi trước.
2. Biết ai có nhiều lựa chọn hơn
Trước hết, bạn phải đọc được tình huống và biết liệu mình ở vị trí ưu thế hay phải phục tùng. Nếu bạn đang có ưu thế, bạn có thể làm mọi việc theo ý mình vì người kia có ít lựa chọn hơn.
Nếu bạn yếu thế hơn, bạn sẽ phải tỏ ra khiêm nhường hơn, chậm rãi hơn và kiên nhẫn hơn. Tương tự Lý Tiểu Long đã nói “Hãy như dòng nước”. Kiên nhẫn là một kỹ năng thương lượng cực kỳ uy lực.
Cuối cùng, bạn cần biết làm thế nào để nắm quyền chủ động và nói, “Chấp nhận hoặc là hủy bỏ,” và biết cách thỏa hiệp. Hãy đánh giá số lượng các lựa chọn mà đối tác có để biết mình đang ở vị trí nào. Bạn càng có nhiều lựa chọn, thì đối tác càng có ít ưu thế.
3. Tập trung vào giá trị mà bạn mang lại
Khả năng thuyết phục người khác là một kỹ năng quan trọng cần trau dồi trong cuộc sống, và nó ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ của bạn.
Khi đàm phán bất cứ điều gì, mục tiêu của bạn là đạt được một thỏa thuận nhờ tạo ra giá trị trong lời đề xuất của mình. Tiêu điểm của cuộc thương lượng nên là giải pháp mà sản phẩm, dịch vụ hay ý tưởng của bạn mang lại – chứ không phải mức giá mà bạn đạt được.
Bàn đàm phán có thể gồm nhiều thứ như những việc phải làm, cái tôi và cả các cảm xúc. Người đàm phán giỏi biết cách làm thế nào để giữ bình tĩnh, tỏ rõ bản lĩnh lạnh đạo và tập trung vào các giải pháp, trong khi đó người đàm phán kém sẽ bị tác động rất nhiều bởi những xáo trộn trong không gian và chỉ tập trung vào những vấn đề của riêng mình hoặc những xúc cảm vô ích.
4. Tìm ra điều khiến họ đồng ý
Dù bạn đang bán một món hàng nhỏ hay đàm phán một thương vụ lớn, tất cả đều nhằm mục đích làm cho khách hàng đồng ý với đề xuất của bạn.
Hầu hết mọi người đều đi sai hướng vì giành phần nói từ đầu đến cuối. Họ trình bày bài thuyết trình của mình, và điều này có vẻ đúng. Nhưng đó lại là vấn đề: Người ta trình bày những gì mình nghĩ là cần thiết cho khách hàng, thay vì hỏi khách hàng chính xác điều gì là quan trọng với họ.
Con người ai cũng muốn nói về chính mình. Hãy tận dụng nhu cầu ấy và bạn sẽ có được điều mình cần để biết khách hàng muốn gì.
Hãy khiến cho khách hàng tham gia vào cuộc đối thoại, hỏi những câu hỏi mở như: “Bạn đã thử những gì khiến bạn thích thú?” hay “Bạn đã áp dụng những cách gì mà không có tác dụng?”. Một câu hỏi cực hay nữa là: “Hãy mô tả cho tôi giải pháp lý tưởng mà bạn cần.”
5. Bổ sung những điều khoản phụ
Điều cốt yếu để chốt các thương vụ lớn là lắng nghe. Hãy lắng nghe mọi phía và nhận biết những điều khoản chủ chốt nào mà đối tác muốn.
Sau đó, đàm phán về các điều khoản chủ chốt và tìm cách đưa thêm các điều khoản phụ mà có thể khó đạt được, nhưng bạn có thể sử dụng chúng để đổi lấy những gì mình muốn.
Bạn có thể cứng rắn về một số điều khoản nhưng nên mềm mỏng ở những khía cạnh chấp nhận được. Nhưng đừng bao giờ làm giảm giá trị của chính mình. Nếu một thương vụ không diễn ra theo đúng ý bạn, vẫn còn nhiều thương vụ khác để đàm phán.
Tạo ra các tình huống có lợi cho cả đôi bên là một nghệ thuật. Hãy đảm bảo là cả đối tác và bạn đều vui vẻ khi rời bàn đàm phán. Hãy cổ vũ ý tưởng cho rằng những điều tươi sáng chắc chắn sắp xảy ra. Hãy để cho đối tác cảm thấy họ đã giành chiến thắng.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị