Chúng ta hãy bắt đầu từ những nỗi buồn nho nhỏ, những nỗi buồn thông thường mà hầu như ai trong chúng ta cũng từng phải đối mặt là buồn vì bị hiểu lầm, bị la mắng, buồn vì cảm thấy không có gì để làm, chán đời, nhàn rỗi...
Trưởng thành nhanh nhất là cọ xát, còn nếu hoàn cảnh chưa cho cọ xát, hãy học qua kinh nghiệm của nhà biên kịch và tác giả sách!
Đối với những nỗi buồn này, tôi cho là nó xuất phát từ những bạn chưa thật sự trưởng thành nhiều hơn. Thật đấy! Vì khi bạn đã thực sự trưởng thành, bạn sẽ hiểu không thể vừa lòng tất cả mọi người, nhận xét của người ngoài sẽ không quá ảnh hưởng đối với tâm trạng của bạn. Còn nếu người đó thực sự là người có thể ảnh hưởng đến bạn, bạn sẽ biết cách làm thế nào để cân bằng các mối quan hệ. Vậy thì việc cần làm là học cân bằng và lắng nghe chính bản thân mình, điều hòa giữa cái tôi cá nhân và tha nhân. Đó là cả một hành trình đấy và chúng ta có thể học bằng đọc sách, ngẫm nghĩ về những trải nghiệm, đi du lịch, xem những bộ phim được đánh giá là đáng xem nhất...
Ý trên cũng sẽ đồng thời giải quyết cái nỗi buồn buồn chán chán vì thấy cuộc sống vô vị không biết làm gì. Một ngày chán chường, bạn có thể tập viết một đoạn văn mạch lạc nói ra các cảm xúc của mình xem sao, học một ngoại ngữ mới, đọc một quyển sách hay, vẽ một bức tranh, tập bất cứ một môn thể thao nào bạn yêu thích, hay đơn giản là hát và thu âm lại một bài hát tủ của mình và gửi đến cho bạn bè thân.
Tôi tin rằng đó là những cách tút lại tâm trạng thật hiệu quả. Đối với con gái, chúng ta thường có nhu cầu rất lớn về tâm sự, nếu có một người luôn sẵn sàng lắng nghe thì thật không còn gì bằng. Nhưng nếu không, thì vẫn có thể tự chăm sóc tâm trạng của mình bằng các cách trên. Sẽ đến một ngày, có thể là gần 30 tuổi, như tôi chẳng hạn, bạn sẽ thấy rằng ôi chẳng bao giờ có đủ thời gian để ngồi thở ngắn than dài cả.
Cuộc sống thật ngắn ngủi và 24 giờ mỗi ngày là quá ít để có thể vừa làm việc mưu sinh, vừa thực hiện các sở thích cá nhân (viết lách, vẽ, làm bánh, ca hát...), vừa dành thời gian quan tâm chăm sóc người thân, vừa nghĩ cách làm gì đó để cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời (thật đấy, cống hiến là điều bất cứ ai cũng làm được, bạn không cần phải quá tài giỏi xuất chúng hay giàu có thì mới cống hiến được đâu).
Lại còn phải kể đến thời gian dành cho việc học hỏi trau dồi tâm hồn và lắng nghe bản thân nữa chứ. Mỗi một ngày trôi qua, tôi đều cảm thấy tiếc nuối vì hôm nay chưa kịp tập yoga, quên để ý nhịp hít thở, hoặc hôm nay chưa kịp làm một điều gì đáng yêu cho ai đó, hay là hôm nay chưa kịp đọc một trang sách nào, hay thậm chí là, hôm nay không kịp đi ngủ đúng giờ. Thật thế đấy, ôm đồm và không đi ngủ đúng giờ thực ra không phải là làm được nhiều việc hơn, chúng ta chỉ đang bớt việc chăm sóc cơ thể để làm việc khác mà thôi. Nên tôi khẳng định lại, 24 giờ quả thật quá ngắn ngủi để than buồn.
Tôi tin chắc chúng ta ai cũng có những nỗi buồn riêng. Có những nỗi buồn thật sự rất lớn và sâu, lớn đến nỗi có thể đánh gục chúng ta ngay trong khoảnh khắc, sâu đến nỗi có thể chôn vùi cả một cuộc đời. Tất cả sụp đổ, trái tim bị bóp nghẹt và khoảng trời trước mắt tối tăm. Nỗi buồn có thể đi kèm một cơn đau nơi lồng ngực trái và khi cơn đau qua đi rồi, nỗi buồn giống như một vết sẹo, lì lợm ở đó mãi không mờ. Vậy thì làm sao bây giờ?
Hãy trở thành bác sĩ thẩm mỹ cho chính mình, tự tay xóa dần vết sẹo ấy.
Tôi cũng như bạn, thật sự đã từng ngập trong nỗi buồn tưởng khó đứng dậy nổi. Không phải một, mà là hai, ba lần trong cuộc đời. Cơn đau qua đi vẫn để lại muôn vàn hệ quả dai dẳng. Để rồi những nỗi tuyệt vọng thỉnh thoảng lại ập đến không báo trước, tàn nhẫn bắt ta phải rơi nước mắt và thậm chí muốn chấm dứt cuộc sống này. Khi ấy thì đọc sách ư, vẽ tranh ư, đi chơi đâu đó ư, hay là gặp ai đó, tất cả dường như chẳng gì có thể cứu vãn nổi. Tôi cảm thấy nghẹt thở: mình sắp chết!
Nỗi buồn đó thật đáng sợ đúng không? Nếu không làm ta quẫn trí tự tìm đến cái chết thì nó cũng bóp nát tâm hồn ta khiến ta chết dần từng ngày. Hay là uống cho thật nhiều rượu để say thật say và quên sạch ưu phiền? Hay là phóng xe thật nhanh? Hay tìm một người tình và ngả vào vòng tay của họ, thậm chí tình một đêm thôi cũng được!
Tôi đồng ý, những kích thích tạm thời và những ảo giác sẽ lôi chúng ta ra khỏi cơn muộn phiền thật nhanh. Nhưng sau khi tỉnh lại, tất cả vẫn còn đó, có phải vậy không? Và ta còn được khuyến mãi thêm một thân xác rã rời, một tinh thần kiệt quệ. Tệ hơn, là một sự lệ thuộc vào ai đó, hay một cái gì đó, để cứ đều đặn mỗi ngày ta lại phải tìm đến, như một cứu rỗi.
Tôi chưa bao giờ có ý định chấm dứt nỗi buồn lớn bằng những phương pháp trên. Tôi hữu duyên được tiếp nhận một điều rằng: "Tất cả những buồn đau hay vui sướng đều là ảo giác, đều không có thật". Nhắm mắt lại, nghĩ rằng bước qua một nỗi buồn, nghĩ rằng bản thân mình là một bông hoa tuyệt đẹp, và bạn hãy mỉm cười đi. Mọi vui sướng hay đau buồn, có thể sinh ra ngay đó, tắt ngay đó, chỉ trong một phút giây, là do chính tâm tưởng của ta thêu dệt nên, thì chính ta cũng có thể dập tắt đi.
Nếu bạn đọc đến đây mà vẫn hứng thú, bạn cũng như mình, có duyên với phương pháp sống mà Phật pháp gọi là "chánh niệm*", bạn tìm hiểu thêm về nó nhé. Khi đó ta hiểu rằng, cuộc sống là phép nhiệm màu, bản thân ta là thành quả của muôn vàn phép nhiệm màu. Không có lý do gì để vì một nỗi buồn do ảo giác của tâm trạng mà kết thúc sự sống của chính mình.
Tôi đối diện với nỗi buồn lớn bằng cách nằm thả lỏng và để mặc nó chảy trong tâm tưởng. Trái tim mình đang đau, tâm hồn mình đang tan nát. Tôi yêu thương và lắng nghe nó. Nước mắt muốn được tuôn ra. Được, cứ tuôn đi. Tôi thấy buồn lắm. Được, cứ buồn đi. Tôi muốn vừa khóc vừa cười như một con điên. Được, cứ điên đi, nhưng đừng làm mình đau hay mệt hơn nhé... Tôi đang lắng nghe và đối thoại với chính mình.
- Đừng chạy trốn nỗi buồn: Khi bạn có một ngón chân bị đau, bạn không thể cắt bỏ ngón chân đó để chấm dứt cơn đau được. Hãy chăm sóc và chữa lành nó, hãy dành thời gian để buồn, để khóc, để suy nghĩ về căn nguyên của nỗi buồn, và về bản thân.
- Học cách tha thứ: Sẽ đến lúc chúng ta nhận ra rằng, tha thứ cho người, kẻ đầu tiên được tha thứ chính là ta. Nỗi buồn to lớn sẽ từ từ được dỡ bỏ nếu bạn thật sự tha thứ cho người đã mang đến nỗi buồn đó. Tôi không giận, tôi không trách, vì vậy tôi không buồn. Mà để không giận, không trách, phải thấu hiểu. Ta cần học cách đặt mình vào hoàn cảnh, địa vị của đối phương, cần tìm cho ra cái đau khổ mà đối phương đang gánh chịu, khi đó, ta sẽ thôi không còn oán trách.
- Tìm người đau khổ hơn mình và giúp họ: Khi chúng ta đang ngột ngạt trong vũng bùn của sự đau khổ và nỗi buồn, ta cho rằng mình bất hạnh nhất trần đời, ta oán trách, hay sợ hãi, và muốn chết. Nhưng tỉnh táo lại và mở mắt ra. Chạy ra ngoài kia, lắng tai nghe những lời tâm sự, mở mắt nhìn những mảnh đời. Hãy đến bệnh viện, hãy vào cô nhi viện, hãy đến viện dưỡng lão, hãy đến một vùng quê mà những đứa trẻ rét buốt rách bươm trong giá lạnh. Hay đơn giản lắm, hãy thử nghe lời tâm sự của những người xung quanh mình, xem họ đang gặp vấn đề gì, và tự hỏi xem liệu mình có thể giúp gì cho họ. Cho dù chỉ là trong chốc lát, cũng sẽ tốt cho tinh thần hơn nhiều, tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn, hoặc vẫn có ích cho ai đó, và tiếp tục đứng dậy.
Sau tất cả những phương pháp trên, nếu vẫn còn buồn thì sao? Và bạn sẽ bảo, chẳng tìm đâu ra một người đáng thương hơn bạn để mà giúp đỡ, dù có, bạn cũng không có sức đi tìm, cũng chẳng ai thèm tìm bạn. Bạn sẽ bảo, nếu nằm nghe và chăm sóc nỗi buồn, bạn sẽ chết mất, chứ chẳng bước qua nó và biến thành bông hoa mỉm cười được. Ừ, vậy thì, chuyển dịch đi thôi!
Nếu được, hãy chọn một điểm đến thật nhiều hấp dẫn và cùng với một chút thử thách, bạn sẽ quên đi nỗi buồn dù nó lớn đến cỡ nào, vì ngoại cảnh bắt buộc bạn phải thế. Cách này hữu hiệu hơn cả đối với những ai dễ bị tác động và lệ thuộc ngoại cảnh. Mà trong thời đại này, hầu như chúng ta ai cũng mắc căn bệnh trầm kha. Lợi dụng chính nó, thay đổi ngoại cảnh, sự chuyển dịch và thích nghi sẽ giúp bạn trải nghiệm và vững vàng hơn.
Khi một người đủ vững vàng, anh ta sẽ biết, nỗi buồn không hẳn là kẻ thù. Biết đâu đấy, một ngày bạn chẳng nhận ra, nỗi buồn nào cũng như một người bạn, không có nó, cuộc đời bớt vui!
Theo Trí Thức Trẻ