Tối 13/11, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương là người thầy, tác giả sách được nhiều người Việt yêu mến đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với sinh viên tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
TS. Lê Thẩm Dương giảng dạy tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội) từ năm 1982, sau đó chuyển công tác đến trường Đại học Ngân hàng TP.HCM. Ông cũng là giảng viên chính chương trình cấp chứng chỉ hành nghề của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, là khách mời thường xuyên của nhiều diễn đàn cấp quốc gia và khu vực về lĩnh vực kinh tế.
Ngay từ đầu chương trình giao lưu với sinh viên, TS Lê Thẩm Dương không giấu nổi niềm tự hào: "Chúng ta đã tạm thời thắng địch, virus corona chính là quân địch. Cảm xúc của tôi với tư cách là người Việt, tôi hiểu rằng thành tích của dân tộc ta là quá lớn khi chiến thắng đại dịch, ít nhất tại thời điểm này.
Thế giới đang đánh giá rất cao chiến thắng của chúng ta, Tôi rất yên tâm và lạc quan vào tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.".
Thầy Dương cho rằng dịch bệnh đã dạy cho con người một bài học, đó là biết sợ rủi ro.
Thầy Lê Thẩm Dương cho hay: "Con người ta không thành công vì họ đối mặt với 6 nỗi sợ (sợ đói, sợ tổn thương người khác, sợ mất tình yêu thương, sợ bệnh tật, sợ già và sợ chết). Khi vượt được 6 nỗi sợ này mới có tinh thần khởi nghiệp. Có tinh thần khởi nghiệp mới có thể bắt đầu khởi nghiệp".
Ông cho rằng thanh niên phải có khát vọng và biến khát vọng thành niềm tin. Niềm tin phải xây dựng từ sự hiểu biết nỗi sợ hãi và có kiến thức để vượt qua nỗi sợ hãi.
"Người ta hay nói đùa rằng hung hăng là trẻ trâu. Người trẻ không nên hung hăng mà phải biết nỗi sợ hãi là gì và chiến thắng nỗi sợ ấy", TS. Dương nói.
Đó cũng là lí do TS. Lê Thẩm Dương viết cuốn sách "Người trưởng thành là người biết sợ" để chia sẻ với những người đang tìm kiếm định hướng cho bản thân. Cuốn sách được chấp bút bởi nhà báo Nguyễn Tuấn Anh.
Thầy Lê Thẩm Dương nêu lên vấn đề rằng các bạn trẻ thường giáo dục là "người ta làm được mình cũng làm được", nhưng theo TS. Lê Thẩm Dương điều đó là sai.
TS. Dương nói rằng mỗi người có sở trường riêng, đó là: "Bạn làm được chưa chắc tôi đã làm được. Câu nói "người ta làm được mình cũng làm được", nếu xét ở tinh thần có thể chấp nhận nhưng nếu là hành vi thì không nên áp dụng. Bạn bảo tôi giỏi tôi không dám nhận nhưng tôi biết tôi giỏi cái gì và phát huy cái tôi giỏi".
Xung quanh chủ đề này, nhiều bạn sinh viên đặt câu hỏi cho thầy Dương. Có bạn hỏi rằng khi nào thì nên khởi nghiệp? Thầy Dương đáp rằng lứa tuổi không quyết định một người nên hay không nên khởi nghiệp mà điều quan trọng là bản thân người đó đã có tinh thần khởi nghiệp và tri thức để khởi nghiệp hay chưa.
"Đừng bao giờ hỏi rằng tuổi nào thì thích hợp làm việc gì, ví dụ như tuổi nào nên khởi nghiệp, tuổi nào nên cưới vợ... Hãy chăm chỉ học tập, đọc sách. Đọc sách là cưỡi lên vai người khổng lồ, song đọc phải biết áp dụng vào thực tế. Đừng mang sách ra "doạ" người khác mà hãy làm chủ nó, biến kiến thức thành học vấn của mình", thầy Dương nói.
Đồng thời ông cũng chia sẻ kinh nghiệm là để có thể liên tục phát triển thì phải liên tục phủ định bản thân, không hài lòng với chính mình. Người trưởng thành là người gặp sự cố vẫn nở nụ cười và nói rằng "Tôi đã ngờ rồi", không phải người luôn nói "không ngờ".
M.C