Trịnh Công Sơn - Những hạt kim cương bất hoại

28/02/2019 17:12
Trịnh Công Sơn - Những hạt kim cương bất hoại

LTS: Nếu còn sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ đón sinh nhật lần thứ 80 vào ngày 28.2.2019. Nhưng trong mắt nhiều thế hệ yêu âm nhạc, ông mãi mãi là người tình không tuổi, và thế giới thanh âm ông tạo ra là một cõi bất hoại.

Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà thơ Du Tử Lê từng in trong tập nhạc “Một cõi đi về” ấn hành ở Mỹ (*). Đây là phiên bản được sự cho phép của tác giả đăng báo ở Việt Nam.

Tôi vẫn nghĩ, chia ly và bất hạnh là, phần đất mầu mỡ nhất cho những hạt giống hiếm quý nẩy sinh, tươi tốt. Tôi vẫn nghĩ, đọa đầy và vĩnh biệt là những thửa ruộng đầu tiên, mang lại cho nhân loại, những mùa gặt nhân phẩm cao quý và những hạt mầm trí tuệ vạm vỡ mai sau.

Tôi vẫn nghĩ, sự xuất hiện của mỗi thiên tài, trong từng lãnh vực, chính là sự khai mở một cánh cửa khác cho tâm hồn hay não bộ. Nó, tựa những tia sáng hồng ngọc, có khả năng cắt bỏ xích xiềng vong thân, giải phóng tâm thức đọa lạc. Nó, tựa những bông hoa cảm thông, mọc lên từ những phần thịt xương đã lấp.

Nhìn tự lăng kính này, nhạc Trịnh Công Sơn, đã mở ra không chỉ một mà, rất nhiều chân trời, rất nhiều cửa khác. Sự định hình của cõi âm nhạc mang tên Trịnh Công Sơn là một định hình rõ, dứt. Như một định tinh, cõi nhạc Trịnh Công Sơn đã gửi đi những tín hiệu thương yêu, phát ra những nguồn ánh sáng đùm bọc.

Cùng với vận nước, cõi nhạc Trịnh Công Sơn nổi trôi theo từng mái đầu Việt Nam, cúi xuống. Cùng với Tổ quốc, cõi nhạc Trịnh Công Sơn đã đứng hẳn về phía mái đầu Việt Nam, ngẩng cao. Sự ở được và ở với chiều dài của năm tháng, vực sâu của lịch sử, cõi nhạc Trịnh Công Sơn tự nó, đã nói lên sự hòa nhập, thấm tan trong từng tế bào, lẫn trong từng huyết quản nòi giống.

Người ta từng cáo buộc nhạc Trịnh Công Sơn là, những lượng bạch phiến, không thừa cũng đủ độ làm tê liệt sức đề kháng hay khả năng miễn nhiễm tiềm tàng trong cơ thể...

Người ta từng cáo buộc cõi nhạc Trịnh Công Sơn là, những khối chất nổ không dư, cũng đủ đưa tới giựt sập một thể chế... Người ta cũng từng có những âm mưu thô bỉ dùng cõi nhạc Trịnh Công Sơn, như một vũ khí cần có để xâm thực ý chí đấu tranh hoặc niềm tin nơi một lý tưởng... Trước sau, mọi cáo buộc, mọi khai thác, lợi dụng, chỉ cho thấy, cõi nhạc Trịnh Công Sơn là những hạt kim cương bất hoại.

Trước sau, mọi cáo buộc, mọi lợi dụng, khai thác, đều không làm mờ được những lượng sáng thủy tinh nguyên chất, chiếu ra từ cõi nhạc này. Tín hiệu phát đi từ những âm vực Trịnh Công Sơn, đã là những tín hiệu của nắng mưa, đời kiếp. Ánh sáng phát đi từ những dòng nhạc Trịnh Công Sơn, đã là những ánh sáng của lầm than sẽ mất, đời sau sẽ còn. Cuộc chiến giữa các ý thức hệ, hay giữa những đối lực đã dứt, bốn mươi bốn năm đã lùi xa, người ta đã kiểm điểm những thương vong, kết toán những đổ nát..., cùng lúc với nỗ lực thiết kế những rào cản, từ nhiều phía, đã không tắt dập được cõi nhạc Trịnh Công Sơn. Nó vẫn bay bổng, vẫn thẩm thu trong những nhịp đập Việt Nam lưu lạc.

Từ những đốm lửa bấp bênh trại, đảo; từ những bục gỗ chói lòa điện tử hôm nay; từ những miếng đất trời trắng tuyết... ở đâu, cõi nhạc Trịnh Công Sơn, cũng vẫn như một có mặt thân ái, một an ủi, xẻ chia tận cùng.

Bốn mươi bốn năm hết rồi bom đạn mà, Việt Nam cuối đất cùng trời, vẫn tiếp tục nâng niu cõi nhạc Trịnh Công Sơn qua hàng trăm ngàn thước băng nhựa, như tìm lại chính mình. Những tiếng hát không ngừng cất lên. Những dấu hỏi tiếp tục được đánh xuống.

Tại sao? Tại sao? Ôi! Tại sao?

Phải chăng cõi nhạc Trịnh Công Sơn đã mở ra những cánh cửa mới cho âm nhạc Việt với tính chất tiên tri, qua những cảm nhận siêu hình? Như “bao nhiêu năm làm kiếp con người - chợt một chiều tóc trắng như vôi - lá úa trên cây rụng đầy - cho trăm năm vào chết một ngày”.

Phải chăng cõi nhạc Trịnh Công Sơn đã mở ra những chân trời khác cho âm nhạc Việt Nam, với minh chứng thi, ca là một? Qua những hình ảnh thơ, mang ẩn dụ nhân sinh. Hay Trịnh Công Sơn đã thi ca hóa những phi lý, ngây ngô của ngôn ngữ để bẩy bật lên cái khía cạnh bất toại của kiếp ngườỉ, họa diệt vong của một nòi giống? Như: Vết lăn trầm. Như Tuổi đá buồn. Như “Tình yêu như trái phá” (Tình sầu)... Như chưa một nhạc sĩ nào lựa chọn những “như” như thế.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Ảnh: TL

Tất cả, mọi phải chăng, chỉ là hệ quả của thói quen duy lý thấp tè trên mặt đất. Chẳng bao giờ ta có được một giải thích minh bạch trước một thiên tài. Cũng như chẳng bao giờ ta có một soi rọi thấu đáo trước một trái tim vốn lớn. Mỗi chúng ta, chỉ nắm được một phần sự thật. Mỗi chúng ta, trong hữu hạn buồn thảm của mình, với một đôi chân, chỉ có thể chọn lựa bước về, một phía trời thích ứng. Điều duy nhất ta có thể quả quyết, đó là cõi nhạc Trịnh Công Sơn, khởi đi từ một trái tim Việt Nam tha thiết.

Tôi chưa được đọc chữ viết của nhạc sĩ Văn Cao về cõi nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi cũng chưa được xem sắc màu của họa sĩ Thái Tuấn về chân dung Trịnh Công Sơn. Nhưng tôi tin, hai tài năng hiếm quý này, qua từng loại ngôn ngữ, đã thấy trái tim Việt Nam trong lồng ngực Trịnh Công Sơn là một trái tim rất lớn.
Ở đây, tôi chấp nhận bất trắc, nếu có, để được nói rằng, tôi muốn cảm ơn Trịnh Công Sơn, người đã cho tôi cùng lúc vực sâu và núi cả.

Trong Lời bạt tập nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao viết:

“Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền.

Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ Văn Cao. Ảnh: TL

Mãi hơn một năm sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi mới thực sự nhìn mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?), hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn guitar duy nhất có trong nhà. Sau này, Sơn kể cho tôi nghe rằng những bài đó, Sơn đã sáng tác trong những ngày trốn lính, sống lê la với bạn giang hồ.

Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả ở bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975.

Có lẽ cũng không cần nghe lại nữa, dù bây giờ và sau này Sơn có in thêm, một lần là đủ, từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một - tâm - hồn - chị - em xẻ chia Một cõi đi về. Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc của Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm...”

Du Tử Lê/ Người Đô Thị

(*) Trích tuyển tập nhạc “Một cõi đi về”, bài Tựa, Nhà xuất bản Hồng Lĩnh, California, 1991


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024