Tranh cãi chuyện giới trẻ chọn Tết xách ba lô và đi thay vì Tết đoàn viên

17/01/2022 10:00
Tranh cãi chuyện giới trẻ chọn Tết xách ba lô và đi thay vì Tết đoàn viên

Tết là dịp để đoàn viên. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ hiện đại lại chọn không về hay "xách ba lô và đi", bởi họ đang bị áp lực về kinh tế, áp lực gia đình… và nỗi sợ "Tết".

Không khí Tết cận kề đang lan tỏa trên khắp mọi nẻo đường, ngõ xóm từ cây đào, cây quất cho đến nồi bánh chưng ở góc bếp. Tết chính là dịp để trở về và quây quần bên gia đình sau một năm bôn ba vất vả. Nhưng vì "Tết này chẳng giống Tết xưa" mà không ít bạn trẻ cho rằng Tết không nhất thiết phải đoàn viên. 

Miễn là Việt Nam thì đâu chẳng là Tết? 

Nam, 29 tuổi, hiện đang là một HR Manager (Trưởng phòng hành chính nhân ѕự  - PV) cho một công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, anh đã có "thâm niên" 4 năm xê dịch trốn nhà vào dịp Tết.

"Mình từ bé đến lớn đều ở chung với bố mẹ nên Tết là lúc mình nghỉ xả hơi cho một năm vất vả, các dịp nghỉ lễ trong năm thì không thể sắp xếp công việc để có thể đi du lịch. 

Mình cũng đã quá chán với những mớ câu hỏi lặp đi lặp lại dịp Tết như bao giờ lấy vợ… thế nên mình thường "trốn" Tết bằng một chuyến nghỉ ngơi cuối năm", Nam nói.

Tranh cãi chuyện bạn trẻ chọn Tết đi trốn thay vì Tết đoàn viên - 1

Chuẩn bị chu đáo Tết cho bố mẹ là 26, 27 Tết Nam lại cùng bạn bè "xách ba lô" thỏa mãn đam mê xê dịch của mình (Ảnh: NVCC).

Nam chia sẻ: "Tết năm nào cũng ở nhà, cũng có bấy nhiêu món ăn, bao nhiêu đó thứ. Cứ mỗi năm mình sẽ khám phá một vùng đất mới. Tuổi trẻ thì phải khám phá thế giới, khám phá đất nước mình, cứ quanh quẩn mãi với những điều xưa cũ thì làm sao mở mang tầm mắt được?"

Tranh cãi chuyện bạn trẻ chọn Tết đi trốn thay vì Tết đoàn viên - 2

Nhiều người nói những người như Nam, thế hệ gen Z là lớp người "mất gốc", sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân vì cả năm không đi cứ nhè Tết nhất lại vắng mặt? (Ảnh: NVCC).

Anh Nam bộc bạch: "Nhưng bố mẹ có biết đâu, cả năm đi làm mình làm ngày 9 - 10 tiếng, ngay cả những ngày nghỉ ngắn ngủi cũng bị điện thoại, email quấy rầy. 

Tết dường như là khoảng thời gian duy nhất không ai sách nhiễu và nghỉ ngơi. Với người đi làm xa xôi thì không nói, đằng này mình ở chung với bố mẹ, giỗ chạp hay bất cứ có lễ là mình không vắng mặt". 

Trái ngược với quan điểm của Nam, nữ Trung úy Nguyễn Đặng Anh Phương bày tỏ: "Còn bao nhiêu cái Tết được ở bên cha mẹ nữa, hãy về nhà thay vì những chuyến đi xê dịch".

Cô nàng tâm niệm mình còn trẻ và đời cô còn đủ dài cho những chuyến đi. Trong khi ấy, cha mẹ không có nhiều thời gian để chờ con về bên nhau mỗi mùa xuân. Vì vậy khi nào còn có thể, cô sẽ nâng niu từng cơ hội ở bên gia đình để sau này không phải hối tiếc vì sống vội mà đánh mất đi những phút giây quý giá.

Tranh cãi chuyện bạn trẻ chọn Tết đi trốn thay vì Tết đoàn viên - 3
Theo Trung úy Anh Phương, người buồn nhất nếu con cái không về sum vầy có lẽ là các bậc cha mẹ. 

Bởi: "Nhìn hàng xóm con cái đầy đủ nói cười bên nhau, trong giây phút ngồi ngóng con cái là ánh mắt đượm buồn, lòng đau đáu ngóng trông đứa con về nhà sum họp. Với họ, dù có là 30, Tết còn xa lắm khi các con chưa về.

Mùa xuân sinh ra cho những nụ cười đoàn viên, buổi tất niên sẻ chia vui buồn của một năm vất vả, nơi người thương nhau tìm về bên nhau".

Áp lực bủa vây mà nỗi sợ mang tên "Tết"

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết, nhưng Hà Anh (28 tuổi, Bắc Giang) vẫn còn áp lực trong vô số những nỗi sợ, gộp chung lại thì vẫn là sợ "Tết".

"Tết là lúc để bố mẹ hay họ hàng lấy câu chuyện thành công của con cháu ra làm câu chuyện. Các cụ xưa vẫn có câu "Áo gấm về làng, vinh quy bái tổ", nhưng với những người trẻ khởi nghiệp như mình thì dịch Covid-19 đã lấy đi gần hết những dự định ấp ủ bấy lâu.

Tranh cãi chuyện bạn trẻ chọn Tết đi trốn thay vì Tết đoàn viên - 4

Sợ Tết, trốn Tết đang trở thành trăn trở của rất nhiều người trẻ và Hà Anh mỗi dịp cuối năm vì về quê cũng đồng nghĩa với rất nhiều gánh nặng (Ảnh: NVCC).

Cho nên, khi bản thân vẫn chưa thể tự hào với những gì chính mình làm được trong một năm vừa qua, mình bỗng sinh ra tâm lý trốn tránh việc trở về đoàn viên dịp Tết. Thời điểm này sự nghiệp dang dở nửa chừng, đồng lương thu nhập chỉ vừa đủ ăn đủ tiêu mà thôi", Hà Anh bộc bạch. 

Mỗi khi gia đình đoàn tụ, vấn đề hôn nhân sẽ luôn đem tới vô số câu hỏi đau đầu như là "Có người yêu chưa?", "Bao giờ lập gia đình?", ... Mỗi năm lại lần lượt đối mặt với những lời thăm hỏi khó xử như vậy, sao Hà Anh có thể không tìm mọi cách trốn tránh và bị áp lực?

Tết để đoàn viên, lên dây cót tinh thần cho một năm mới

Đối với nhà văn 9x Sơn Paris, về quê ngày Tết còn là sự tìm về với những cảm xúc ấm cúng và thân thương nhất. 

"Cả năm xa nhà, bôn ba vật lộn ở thành phố, nếu Tết đến cũng chẳng về quê nữa, vậy đợi khi nào, tiền bạc làm ra rốt cuộc để phục vụ cho điều gì? Gia đình, quê hương luôn là cội rễ của mỗi người. 

Về nhà dịp Tết không chỉ để đoàn viên, sum vầy, đó còn là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, lên dây cót tinh thần cho một năm mới tới", nhà văn 9x nói.

Tranh cãi chuyện bạn trẻ chọn Tết đi trốn thay vì Tết đoàn viên - 5

Cựu Thủ khoa Học viện Ngoại giao không cổ xúy việc nhiều bạn trẻ "trốn Tết" bằng cách ở lại thành phố hoặc đi du lịch thay vì trở về nhà (Ảnh: NVCC).

Sơn Paris chia sẻ: "Nhiều bạn trẻ do áp lực kinh tế mà không về, một số khác sợ phải đối diện với những câu hỏi về công việc, tình duyên, thậm chí lý do vì... năm qua chẳng làm được gì. 

Ở lại thành phố để giấu đi sự bất lực của bản thân, "né" Tết vì những áp lực nội tại, điều đó chỉ thể hiện sự yếu kém trong tinh thần và suy nghĩ của các bạn trẻ mà thôi".

Nhà văn trẻ cho rằng, Tết sẽ trở nên nhẹ nhàng và ý nghĩa hơn khi ta suy nghĩ về nó thật sự đơn thuần. Tết giờ đây không phải là lúc để khoa trương mình sắm sửa được những gì, dư dả bao nhiêu, tặng cha biếu mẹ như thế nào..., gia đình - người thân khỏe mạnh, bình an là được rồi. Vì thế, đừng tự tạo những áp lực để làm khó chính mình.

Không ít mùa Tết bạn bè "lên kèo" rủ Ngọc Sơn đi du lịch nhưng anh đều từ chối. Tết của nhà văn trẻ chính là dịp để gần bên gia đình, lên kế hoạch cho năm mới với những mục tiêu và quyết tâm mới. 

Năm nào cũng vậy, Sơn luôn cố gắng giải quyết, sắp xếp công việc ở thành phố để về quê sớm trước vài ngày. Không khí những ngày trước Tết bao giờ cũng náo nhiệt và háo hức hơn rất nhiều.

Tết chẳng thể đoàn viên, ước về nhà quây quần bên bố mẹ

Thấy bạn bè đăng hình du xuân cùng gia đình, Thanh Tâm nghẹn ngào nhớ về mẹ và nước mắt lăn trên má lúc nào không hay. Năm nay, Tâm lại đón cái Tết nơi xứ người.

Tranh cãi chuyện bạn trẻ chọn Tết đi trốn thay vì Tết đoàn viên - 6

Dù là ở Nhật Bản nhưng chính nỗi nhớ về gia đình, về quê hương chính là động lực để cho tâm cố gắng để năm sau được về ăn Tết cùng gia đình (Ảnh: NVCC).

"Mình nhớ mỗi lần Tết đến đều chuẩn bị hành lý về quê và thích nhất cảm giác sắp được gặp lũ cháu. Chiều 28 Tết, chuyến xe đêm đông đúc, ồ ạt, sáng 29 tới nhà mình xắn tay vào dọn dẹp rồi trang trí lại mọi thứ trên bàn thờ, đi chợ cùng mẹ. 

Chiều lại cùng lũ cháu rửa lá dong để gói bánh chưng. Anh trai chị gói bánh chưng đẹp nên năm nào hàng xóm cũng mang đồ gói bánh qua nhờ gói giúp. Sáng nay lên Facebook, thấy bạn bè đăng hình đón Tết mà mình cũng  nghẹn ngào, nước mắt cũng chực tuôn ra", Tâm nghẹn ngào nói.

Dù chọn tận hưởng Tết bằng cách nào, chúng ta đều không nên đánh giá người khác qua việc đó bởi vì mỗi người mỗi hoàn cảnh, nên lý do cũng không giống nhau. Suy cho cùng, Tết là để hạnh phúc, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một năm dài phía trước. Chỉ cần con người hạnh phúc là đủ.

Tết Nguyên đán mỗi năm chỉ có một lần, cả năm đã đi nhiều rồi, còn mỗi dịp Tết là để trở về đoàn viên và sum họp thôi. Bạn sẽ chọn đi xa hay trở về nhà, chọn sống vì đam mê có phần ích kỷ của tuổi trẻ hay vì tình yêu dành cho bố mẹ - những người yêu thương, trân trọng bạn nhất trên đời?


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025