Thủy Hử của Thi Nại Am chủ yếu kể về những cuộc chiến của nghĩa quân Lương Sơn Bạc cùng hành trình tụ nghĩa của 108 anh hùng hảo hán.
Bên cạnh đó, 'Bến Nước' cũng họa nên chân dung của nhiều danh tướng - dù là phe ta hay phe địch - thì họ đều sở hữu tài năng võ thuật xuất quỷ nhập thần cùng lòng dũng cảm khó có người địch nổi. Nhờ họ, những màn tỉ thí, giao đấu của các anh hùng trở nên hấp dẫn, kịch tính hơn.
Vậy, đâu là 5 danh tướng có lòng dũng cảm hơn người, sẵn sàng tả xung hữu đột nơi chiến trường trong Thủy Hử? Lương Sơn Bạc sở hữu 1 người - đó là ai?
Vương Ân vốn là thợ đá tại vùng núi Hấp Châu (An Huy, Trung Quốc ngày nay). Do tinh thông sách lược và có tài bày binh bố trận nên người này sớm được Phương Lạp chiêu mộ và phong đến chức thượng thư.
Tài dụng binh khí nổi tiếng của Vương Ân chính là cưỡi binh mã giao đấu bằng giáo sắt. Giáo sắt trong tay Vương Ân trở nên đầy sức mạnh đến mức không thể ngăn cản được. Trong khi đó, ngựa chiến tên Chuyển Sơn Phi của Vương Ân được biết đến là có khả năng leo núi và băng trên mặt nước dễ dàng tựa như chạy trên thảo nguyên xanh.
Có tài dụng binh khí và binh mã là thế nhưng do giữ chức thượng thư nên Vương Ân hiếm khi trực tiếp ra trận điều binh khiển tướng mà lui về trấn giữ thành Hấp Châu cho Phương Lạp; cũng như bày mưu lược cho các tướng Phương Lạp thực hiện.
Khi "Tam kiệt Hà Bắc" Lư Tuấn Nghĩa của Lương Sơn Bạc dẫn binh tiến đánh thành Hấp Châu, Vương Ân khôn khéo bày kế "vườn không nhà trống" - Giả vờ bỏ thành rút chạy nhưng thực chất là sai quân lính đào hầm sập sát cổng thành, trong khi cửa thành mở toang.
Nóng lòng lập công lớn, hai tướng Lương Sơn Bạc là "Thánh thủy Tướng quân" Đan Đình Khuê và "Thánh hỏa Tướng quân" Ngụy Định Quốc thúc ngựa xông thẳng vào cổng thành. Cả hai tướng không ngờ rằng cả người và ngựa đều rơi thẳng vào hầm sập của quân địch.
Mưu kế của Vương Ân trót lọt. Lương Sơn Bạc cùng lúc mất 2 tướng tài. Cả hai bị trăm mũi tên của quân địch giết chết.
Dưới sức mạnh của quân Lương Sơn, thành Hấp Châu nhanh chóng thất thủ. Vương Ân lúc này buộc phải thúc ngựa phá vòng vây và đụng độ hai tướng Lương Sơn khác là Lý Vân và Thạch Dũng.
Dưới sức mạnh ác liệt của giáo sắt và ngựa chiến, Vương Ân nhanh chóng khiến hai tướng này tử trận tàn khốc.
Thấy huynh đệ thất thủ, 4 tướng Lương Sơn lao lên trả thù. Lúc sau, Lâm Xung cưỡi chiến mã lao tới. Vương Ân một mình tả xung hữu đột cùng 5 tướng Lương Sơn. Sau chục hiệp đấu, Vương Ân đuối sức, không địch nổi 5 tướng liên thủ, cuối cùng tử trận.
Nổi tiếng trong giang hồ bởi tài dùng phương thiên hoạ kích cùng võ thuật cao cường, Phương Kiệt là một trong những tướng dũng cảm nhất của quân Phương Lạp.
Người này quê gốc ở Hấp Châu và là cháu đích tôn của Phương Hầu (chú Phương Lạp). Chứng kiến cảnh Phương Hầu tử trận dưới tay của Lư Tuấn Nghĩa, Phương Kiệt nóng lòng báo thù cho ông.
Khi đến Thanh Khê, Phương Kiệt chạm trán với đội tướng tiên phong của Tống Giang, bao gồm Chu Đồng, Hoa Vinh, Quan Thắng, Tần Minh. Chính cuộc chạm trán này đã gây nên cái chết đầy tiếc nuối cho Lương Sơn Bạc khi "Tích lịch hỏa" Tần Minh bỏ mạng dưới sức mạnh đầy hằn thù của cây phương thiên hoạ kích trong tay Phương Kiệt.
Trong trận Thanh Khê, Tần Minh (một trong Ngũ Hổ tướng của Lương Sơn) vốn tính tình nóng nảy đã xung phong đánh trận đầu với Phương Kiệt. Hai bên giao đấu được 30 hiệp thì Tần Minh bất ngờ bị viên tướng khác của địch phóng lao ám sát. Tránh được lao song tướng Lương Sơn không tránh được đòn chí mạng của Phương Kiệt khi người này nhanh chóng nhìn thấy cơ hội kết liễu đối thủ.
Sau khi giết chết Tần Minh, Phương Kiệt đối mặt cơn thịnh nộ không gì có thể ngăn cản nổi của quân Lương Sơn Bạc. Sau khi phải thúc ngựa bỏ chạy khi giao đấu không nổi với cùng lúc 4 tướng Lương Sơn, Phương Kiệt không ngờ bị Sài Tiến - khi đó đang làm nội gián, trà trộn vào quân Phương Lạp - dùng thương đâm trúng.
Yến Thanh thấy vậy lao lên ứng chiến. Dùng một đao kết liễu Phương Kiệt, trả thù cho hảo huynh đệ Tần Minh.
Đỗ Học là một tướng lĩnh cao cấp trong chính quyền Vương Khánh, giữ chức Tổng tư lệnh Mặt trận phía Tây. Người này nổi tiếng bởi võ nghệ xuất quỷ nhập thần cùng tài sử dụng vũ khí là bát xà mâu cực kỳ đỉnh cao.
Khi quân Lương Sơn tiến công thành Tây Kinh (Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc ngày nay) Vương Khánh sai Đỗ Học nhận binh phù, tướng lệnh, đem 12 phó tướng cùng 2 vạn quân đi cứu viện Tây Kinh.
Tổng binh đô đầu lĩnh Lư Tuấn Nghĩa dàn quân ở tây Long Môn mười dặm chờ quân Đỗ Học tới. Khi hai bên giao chiến, Đỗ Học thúc ngựa nhắm thẳng vào Lư Tuấn Nghĩa.
Hai bên giao đấu 50 hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Cuộc chiến chỉ ngã ngũ khi Tôn An lao lên trợ chiến. Đỗ Học nhanh chóng bị "Sát long" Tôn An chém đứt cánh tay phải. Bất ngờ, chùn bước, Tổng tư lệnh của quân Vương Khánh sau đó bị Lư Tuấn Nghĩa dùng một đao chém chết.
"Ngọc Kỳ Lân" Lư Tuấn Nghĩa - người đứng ở vị trí thứ hai chỉ sau thủ lĩnh Tống Giang - nắm giữ chức vụ cấp cao Tổng binh đô đầu lĩnh của nghĩa quân Lương Sơn Bạc. Thi Nại Am mô tả Lư Tuấn Nghĩa là một chiến tướng thực sự bất khả chiến bại.
Người này tướng mạo tựa thần, sở hữu tài võ nghệ cao cường, là cao thủ mạnh bậc nhất trong giới võ thuật của Thủy Hử khi sử dụng thuần thục nhiều binh khí như côn, giáo, đao và có tài dùng binh mã đỉnh cao nên được mệnh danh là "Tam kiệt Hà Bắc".
Sau khi tụ nghĩa trên Lương Sơn, Lư Tuấn Nghĩa đã đồng hành cùng Tống Giang chinh Nam phạt Bắc, tham gia nhiều trận chiến quy mô lớn, lập được vô số chiến công. Có thể kể đến như các trận đánh tan quân Điền Hổ, quân Vương Khánh và bình định Phương Lạp.
Trong cuộc chiến với quân Phương Lạp tại thành Hấp Châu, Lư Tuấn Nghĩa cùng "Thần cơ quân sư" Chu Vũ đã giết chết được Bàng Vạn Xuân - cung thủ siêu phàm của Phương Lạp - người từng khiến nhiều chiến tướng của Lương Sơn thất bại nặng nề.
Lý Trợ là cố vấn quân sự cấp cao của Vương Khánh. Người này nổi tiếng với tài dùng kiếm thuật siêu phàm. Những đường kiếm nhanh như chớp của Lý Trợ từng khiến nhiều kẻ thù phải khiếp sợ.
Ngoài tài dùng kiếm vô song, Lý Trợ còn thông thạo kỹ năng của 18 loại võ thuật. Không chỉ giỏi võ thuật, tài dùng kiếm đỉnh cao, Lý Trợ còn là cố vấn quân sự rất đắc lực của Vương Khánh, không ít lần góp chiến lược thành công cho Vương Khánh.
Sức mạnh của Lý Trợ được tỏ rõ trong trận chiến với Lương Sơn Bạc. Khi Lư Tuấn Nghĩa thúc ngựa truy đuổi Vương Khánh, đã đụng độ Lý Trợ. Hai bên giao đấu quyết liệt, Tam Kiệt Hà Bắc nhanh chóng nhận ra tài năng kiếm thuật đỉnh cao của địch thủ và có đôi phần lao đao.
Sau 10 hiệp đấu bất phân thắng bại, Lư Tuấn Nghĩa nhận thấy khó có thể chống cự khi chiến đấu với Lý Trợ. Nếu không có 'bậc thầy đạo giáo' của Lương Sơn là Công Tôn Thắng niệm chú trong trận chiến và hất kiếm của Lý Trợ xuống đất, thì Lư Tuấn Nghĩa đã không thắng được người của Vương Khánh.
Lư Tuấn Nghĩa không giết chết Lý Trợ mà bắt sống người này. Về sau, Lý Trợ bị kết án chặt đầu trước dân chúng.
Tham khảo: Nhiều nguồn