Khi nhắc đến Thanh Long đao hay yển nguyệt đao thì người ta nhớ ngay đến chủ nhân của nó là Quan Vũ. Thậm chí hơn năm trước, còn có cả bộ phim được người Việt Nam dịch tựa đề là “Yển nguyệt đao” để dễ gây ấn tượng.
Nội dung phim thì cũng bám khá sát cốt truyện chính trong Tam Quốc diễn nghĩa. Quan Vũ bị Phan Chương của quân Ngô hại chết trong trận chiến Mạch thành và Yển Nguyệt Đao cũng bị cướp đi. Rất may, con trai của Quan Vũ là Quan Hưng sống sót, khổ luyện võ công và một lòng muốn báo thù cho cha mình. Hai năm sau, Lưu Bị chuẩn bị thảo phạt nước Ngô, Quan Hưng đứng đầu đội quân tinh nhuệ trẻ tuổi đi trả thù. Kết của phim cũng giống như trong truyện, Quan Hưng đánh bại Phan Chương ở thủy trại, lấy lại Yển Nguyệt Đao.
Hình ảnh thanh yển nguyệt đao xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim tạo cảm giác huyền ảo, thiêng liêng cho một bảo khí vậy. Thực ra ngay trong truyện thì La Quán Trung cũng đã huyền thoại thanh đao này để xây dựng hình tượng Quan Vũ như là thần tướng.
La Quán Trung mô tả Vân Trường đánh một thanh long đao nặng tám mươi hai cân, tất nhiên là cân Tàu. Mà cân tàu mỗi thời có giá trị khác nhau nên 82 cân ước tính ở mức 18 kg hoặc 48 kg - tùy theo hệ đo triều đại nhà Hán hoặc triều đại nhà Minh. La Quán Trung ở thời nhà Minh nên nếu tả đao của Quan Vũ ở mức 18kg thì khá sát thực tế nhưng như thế thì khá… bình thường. Còn nếu tả đao nặng 48kg thì có vẻ quá nhiều cho một thứ vũ khí cầm tay.
Thực ra đao nặng 82kg thì cũng có thật nhưng nó mang tính chất như dụng cụ trong cử tạ thì đúng hơn. Trong triều đại nhà Thanh, một số loại đao được đúc đặc biệt nặng với mục đích này: một kẻ tham gia ứng tuyển võ quan phải có thể sử dụng vũ khí có trọng lượng 80, 100 hoặc 120 cân Tàu (48, 60 hoặc 72kg,) thông qua đó chấm điểm ban chức. Cái gọi là "Quan đao thử thách" nặng nhất, nằm trong một bảo tàng ở Sơn Hải Quan, nặng 83kg.
Việc thi nâng sức nặng vốn là một phần trong thi tuyển của võ quan thời xưa bên cạnh các bộ môn mà từ thời nhà Đường đã có là thi nâng đá. Khoa thi võ thường chia làm 2 trường thi là nội và ngoại. Thi nội là thi các loại binh thư, binh pháp còn thi ngoại là cưỡi ngựa, bắn cung, đao, thạch (tức là nâng tạ). Để được điểm từ các giám khảo trong thi ngoại thì các thí sinh không ngại khoe sức mạnh bằng việc dùng các thanh đao siêu to khổng lồ để biểu diễn.
Có thể các thanh đao dùng trong võ kho đó chịu ảnh hưởng bởi cuốn Tam Quốc (được viết trong triều đại nhà Minh). Nó hàm ý rằng các viên võ tướng phải có khả năng dùng đao như Quan Vũ thì mới gọi là tài.
Với một thanh đao nặng như vậy thì việc nâng lên hay múa vài đường chỉ có ý nghĩa về khoe thể lực chứ không chứng minh nhiều trong thực chiến. Vũ khí này cũng được các võ sĩ sử dụng rộng rãi cho mục đích đào tạo và thể hiện sức mạnh. Bằng cách luyện tập này, người ta sẽ kiểm soát tối đa bộ pháp và cách vận lực xoay bằng cả cơ thể, bổ trợ rất nhiều cho việc sử dụng các thế võ và các loại binh khí khác.
Từ chỗ là thứ vũ khí mang tính chất “làm màu”, đại đao kiểu này đã được sử dụng trong tập luyện bởi tất cả các quân của Lục doanh binh nhà Thanh. Và cũng vì ảnh hưởng của Tam Quốc nên thứ đao dài và nặng như vậy được gọi luôn là Quan đao cho dễ hình dung. Cuốn Võ chí bị cũng chép: "Yển nguyệt đao dùng để tập luyện tỏ sức mạnh, thực không thể dùng ngoài trận".
Như vậy, khối lượng dù là 18 hay 48kg thì Yển nguyệt đao tả trong Tam Quốc cũng quá nặng để thực chiến ngoài trận mạc vì vũ khí đánh nhau thường chỉ có khối lượng dưới 4kg thôi. Thậm chí, yển nguyệt đao này còn đang được rao bán trên mạng với giá 800 euro kèm chứng nhận giám định cổ vật. Trọng lượng: 2,708 kg, chưa bằng 1 phần 10 truyền thuyết.
Có một thanh bảo đao ở nước ta có thể so sánh với yển nguyệt đao khi cùng là họ trường đao. Định Nam Đao có chiều dài 239cm Trọng lượng đao hiện tại khi đã bị rỉ, sứt lưỡi là 12,8kg, ước tính trọng lượng khi mới sử dụng khoảng 15kg tương ứng khoảng 25 cân cổ. Nhưng chủ nhân thanh đao là Thái tổ nhà Mạc là Mạc Đăng Dung cũng chỉ dùng đao này để tập luyện chứ chẳng ai tả xung hữu đột với cục tạ này.
Nhưng ngay cả khi lý thuyết là có tồn tại đao nặng như Thanh long đao của Quan Vũ thì thực tế chứng minh là nó không tồn tại ở thời Hán. Trong lịch sử, Đại Đao được ghi nhận xuất hiện ở Trung Quốc từ sau đời nhà Đường. Hiện chưa có chứng cứ lịch sử nào để khẳng định rằng loại đao lớn này đã tồn tại từ trước khi nhà Đường được thành lập. Do vậy, nếu có thực sự tồn tại trước đó thì đại đao kiểu yển nguyệt đao cũng chỉ là một loại vũ khí không phổ biến.
Như vậy, dù chúng ta tạm tin rằng nếu Quan Vũ hồi đó chơi trội rèn một thanh đao 82 cân thì ông cũng chỉ dùng để tập luyện hoặc lúc chỉ huy quân đội chứ còn lúc xông pha phải dùng vũ khí khác. Dùng đao nặng quá thì chẳng những khó nâng đao mà ngựa Xích thố cũng khuỵu chân mất.
Học giả Đào Hoằng Ảnh (456-536 SCN) ghi lại trong Cổ kim đao kiếm lục rằng Quan Vũ rèn một cặp đao được làm từ sắt ông thu được từ núi Võ Đô Sơn có thể đã truyền cảm hứng cho câu chuyện mà Quan Vũ tự phát minh vũ khí của mình. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ ra rằng ông không sử dụng Quan đao hay thậm chí bất cứ thứ gì giống như Quan đao, vì vũ khí dao được gắn trên gậy hay có tay cầm dài như phác đao hay đại đao đều được cầm bằng hai tay và do đó sẽ không thể tạo ra hoặc được sử dụng thành một cặp.
Và những gì mà Quan Vũ dùng thì đều có thể được thần thoại hóa. Và truyện dân gian Trung Quốc đã nhắc chuyện Quan Vũ dùng thanh long đao là 1 cặp chứ không phải là một thanh dài.
Tam Quốc ngoại truyện kể: Một con rồng xanh giơ nanh múa vuốt trườn vào cửa sổ, uống trộm dầu đèn. Chỉ thấy hai con mắt nó xanh là chớp loáng, hơi lạnh thấu xương. Cặp sừng của con rồng dài tới ba thước. Thường Sinh (tức là tên hồi nhỏ của Quan Vũ) tung người lao về phía trước, một tay nắm chặt một chiếc sừng của con rồng, ra sức ấn xuống. Rồng xanh bị bất ngờ, giật bắn mình, ra sức giãy giụa. Chỉ nghe "rắc" một tiếng, chiếc sừng rồng đã bị bẻ gãy tận gốc. Rồng xanh lùi mình, quay đầu bay lên không đi mất. Thường Sinh cúi xuống nhìn thấy chiếc sừng rồng đang cầm trong tay đã biến thành hai thanh bảo kiếm sáng lạnh. Trên kiếm có chạm khắc hoa văn rồng xanh, đúng là một đôi thư hùng bảo kiếm. Thường Sinh vui sướng quá cứ nhảy nhót hoài. Cậu đặt tên cho hai thanh kiếm ấy là “Thanh long bảo kiếm".
Đó là cái tên Thanh Long. Còn về Yển nguyệt thì sao? “đao trăng nghiêng", cái tên này luôn xuất hiện trong các bản văn từ các triều đại của nhà Tống đến nhà Thanh như Vũ kinh tổng yếu và Hoàng triều lễ khí đồ thức. Cái tên có vẻ khá hợp với hình dáng của lưỡi đao nhưng theo truyện dân gian thì nó còn liên quan đến vũ Quan Vũ hành hình Điêu Thuyền, người đẹp được mệnh danh là Nguyệt thẹn.
Tam Quốc ngoại truyện đã kể thế này:
Quan Vũ lúc thường đều lim dim mắt, lúc nào mở to mắt tức là muốn giết người. Hiện giờ, Quan Vũ mày tầm dựng ngược, tròng mắt trợn to hơn cả cái chuông đồng, đối mặt với Điều Thiền; thấy nàng kiều diễm đáng yêu, mặt hoa da phấn, mắt liếc đưa tình, còn đẹp hơn cả đóa phù dung trên mặt nước, quả thực khiến người không nở nhẫn tâm làm đau đến nửa sợi lông trên thân thể nàng, bất giác con tim mềm yếu, vội quay mình, ngoảnh mặt đi chỗ khác.
Đêm ấy là đêm Trung thu, ảnh trăng vàng vặc, chiếu bóng Điều Thiền, vòi vọi như ngọc đứng, rõ ràng đến xúc động lòng người, thật giống như một bức tranh mỹ nhân được trải ra trên mặt đất. Quan Vũ nhìn, trong lòng càng kinh sợ: ngay đến cái bóng của nàng còn khiến cho người ta hồn xiêu phách lạc, huống chi nếu để sống ở đời chắc gì không gây họa cho đại ca và tam đệ? Nhất định phải vững tâm trở lại! Quan Vũ nâng đao thanh long yển nguyệt, nhìn lần cuối cùng cái bóng của Điều Thiền.
Lúc này, nàng sợ hãi run lẩy bẩy, dáng vẻ như dương liễu bị gió dập, như mẫu đơn bị mưa vùi, lại càng làm xúc động người ta, khiến người ta thương cảm. Quan Vũ không có đủ dũng cảm để nhìn nữa, bất giác hai mắt nhắm nghiền, đao thanh long yển nguyệt cũng tuột khỏi tay rơi xuống, vừa vặn trúng vào bóng của Điều Thiền in trên mặt đất. Ngờ đâu lúc ấy, Điều Thiền cũng theo tiếng đao rơi mà ngã xuống, đầu lìa khỏi cổ. Hóa ra khi cái bóng của Điều Thiền bị đao rơi trúng thì thân thể cũng bị trúng đao mà tử thương.
Đao nghiêng, trăng rụng. Vậy là đao trăng nghiêng trở thành một cái tên đầy thi vị cho một bảo khí khát máu. Dù gọi là Quan đao, Thanh Long đao hay Yển nguyệt đao thì nó cũng liên quan đến các điển tích trong tam quốc. Chỉ có điều chẳng ai biết trong tam quốc thực thì Quan Vũ dùng song đao hay đơn đao.
Trí Thâm liền đi thẳng vào trong hàng quán mà hỏi rằng:
- Các anh làm thợ rèn ở đây, có thép tốt hay không?
Anh thợ rèn ngẩng trông lên thấy Lỗ Trí Thâm, tuy ăn mặc lối nhà chùa, song mặt mũi dữ tợn, mà mái tóc lại giở ngắn giở dài, trong bụng cũng có phần kinh sợ, bèn mời Trí Thâm ngồi mà hỏi rằng:
- Chẳng hay hòa thượng muốn đánh vật gì để dùng?
- Ta muốn đánh một cây thuyền trượng, và một thanh giới đao, nhưng không biết rằng có thép tốt hay không?
- Bẩm có, hòa thượng định dùng bao nhiêu cân, để đánh thuyền trượng?
- Ta muốn đánh cây thuyền trượng nặng 100 cân, có thép tốt hay không?
Phó rèn cười mà đáp rằng:
- Bạch hòa thượng, thế nào mà tôi đánh không được, nhưng chỉ sợ hòa thượng không dùng nổi mà thôi, đến như cây đại đao của đức Thánh Quan ngày trước, cũng chỉ có 80 cân nữa là...
Trí Thâm cau trán mắng rằng:
- Ta đây lại không bằng Quan Công à? Hắn cũng là người chứ gì?
- Cứ như ý chúng tôi, chỉ đánh vào khoảng 40, 50 cân, cũng nặng lắm rồi.
- Ừ thôi ta cũng nghe lời anh, cứ đánh 80 cân và nặng bằng cây đao của Quan Công cũng được.
Phó rèn nghĩ một lát rồi nói:
- Tôi thiết tưởng sư phụ to béo như thế, mà cầm cái cây gậy nặng quá thì không tốt, vậy tôi xin chọn thứ thép tốt đánh độ 62 cân cũng được, còn thanh giới đao thì tôi hiểu rồi, bất tất phải nói nữa.Trích hồi thứ 3 Thủy Hử tả sức nặng của Thanh Long đao