Ngày trước, trường tiểu học nào cũng mở đăng kí báo đọc cho học sinh. Ba tờ báo cơ bản nhất là Chăm học, Nhi đồng và Khoa học Khám phá. Bạn nào "rủng rỉnh" thì mua đọc báo Thiên thần nhỏ hay Học trò cười. Những năm đầu tôi cũng không được bố mẹ cho đọc báo Thiên thần nhỏ, mãi tới lớp 5 mới được mua.
"Đu thần tượng" ngày trước: Vở SHINee, thước kẻ SNSD
Kí ức lúc đó về tờ báo này là một tờ báo màu sắc, thiết kế đẹp, chất liệu báo khác với mấy báo còn lại. Mỗi số báo ra lại có ảnh của các nhóm nhạc thần tượng đính kèm. Từ ngày đó tới cấp hết cấp 2, cứ số nào có ảnh của nhóm mình thích, tôi sẽ cắt ra và cho vào một kẹp file.
Nhờ sự phổ cập kiến thức của cô bạn cùng bàn, lần đầu tiên tôi biết tới một nhóm nhạc K-pop là SNSD. Suốt lớp 5, cứ mỗi lúc ra chơi, tôi lại tranh thủ mở báo, nhìn mặt để học thuộc tên từng người một.
Ban đầu, tôi thường nhầm YoonA với Yuri với nhau nên bị bạn la ó suốt. Những hôm nghỉ học bán trú, tôi lại bật ti vi ở nhà và nghe nhiều bài hát nổi tiếng thời đó như Sorry Sorry, Oh!, Mirotic…
Tôi cũng nhớ hồi học cấp 2, ở trường tổ chức hội chợ học sinh, tôi lao vào ngay mấy quầy bán thước kẻ với vở in hình thần tượng. Còn mua cả mấy cái huy hiệu I <3> để đeo ở ba lô. Ngày đó còn có mốt đeo vòng tay nhựa dẻo nên cũng tôi cũng "đua đòi" mua cho bằng bạn bằng bè. Một số bạn trong lớp thời ấy còn dùng vở SHINee hay thước kẻ in hình SNSD.
Lúc mới bước vào lớp 6 cũng là lần đầu tôi biết tới Facebook. Mùa hè năm đó cũng là kỷ niệm lần đầu tôi lập một trang fanpage cho thần tượng của mình. Tôi còn nhớ như in tôi thường xuyên dán mắt vào màn hình máy tính, cập nhật thông tin để đăng lên trang.
Ngày đó, tự bản thân tôi chạy trang cũng lên được tới hơn 3000 lượt thích. Sau đó, tôi tuyển thêm một bạn thiết kế để làm ảnh đại diện, ảnh bìa cho trang của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng là admin của một trang khác không do tôi tự lập. Trang đó nhiều bạn làm nên ai đăng bài cũng phải có một chữ ký ở dưới.
Ngẫm lại, có thể vì vậy nên giờ tôi lại hợp theo ngành truyền thông. Những năm tháng đó đã cho tôi kỹ năng quản trị trang Facebook, lên ý tưởng bài viết hay tập tành thiết kế cơ bản ngay khi mới chỉ là một học sinh cấp 2. Đến lúc vào năm học, tôi cũng không còn đăng bài nhiều. Tôi chạy trang của mình được hơn một năm thì xóa trang với gần 6000 lượt thích.
Những năm còn lại trong cấp 2, tôi vẫn theo dõi K-pop bằng cách đọc tin tức, giao lưu với cộng đồng người hâm mộ, xem MV… Tôi nhờ bạn tải cho cả trăm bài nhạc Hàn Quốc để nghe trong chiếc điện thoại "cục gạch" ngày đó. Tới giờ ngủ trưa, tôi lại đeo tai nghe, đi ngủ cùng hàng loạt hit đình đám nhộn nhịp bên tai.
Mấy lần ở lớp, chúng tôi hay bật các bài hát trên ti vi rồi cùng nhau hát hò, nhảy theo vũ đạo. Năm lớp 9, vào tháng cuối ôn thi, tôi và một nhóm bạn khác sang lớp bên cạnh, bật Lion Heart của SNSD hát tới khản cả cổ.
"Đu thần tượng" ngày nay: Mua album, đi concert, cày view MV
Tới đầu lớp 12, lần đầu tiên tôi ủng hộ một nhóm nhạc khác ngoài SNSD, đó chính là NCT. Lúc ấy, bạn tôi giới thiệu cho nghe một bài hát của nhóm, tôi đã cảm thấy: "Trời ơi, cái nhóm đó nghe lạ hoắc xong nhạc lại còn dị, không nghe đâu". Ai ngờ nghe xong tôi lại "kết" luôn, rồi đi tìm cả mấy bài ra đời từ trước của nhóm để nghe.
Ban đầu tôi mến nhóm vì âm nhạc hay và ngoại hình khả ái. Thế nhưng, điều giữ chân tôi ở lại đó chính là nhân cách. Thành viên tôi thích nhất nhóm là một người hay tham gia các sự kiện từ thiện. Anh ấy cũng được công ty chiêu mộ trong lúc đang làm tình nguyện tại trường.
Với NCT tôi có rất nhiều kỷ niệm lần đầu tiên, trong đó có kỷ niệm lần đầu tự mua album. Ngày trước, tôi cũng chỉ có 1-2 chiếc là được mẹ cho tiền hoặc bạn tặng. Ngày thi xong tốt nghiệp THPT, tôi đã bán hai chiếc máy tính cầm tay cũ để mua album ủng hộ thần tượng. Album đó cũng kỷ niệm lần đầu tôi được đón sự trở lại của nhóm với tư cách là người hâm mộ.
Sau lần đầu mua album thì tôi cũng đã có cả trải nghiệm lần đầu đi concert (đêm nhạc). Hai năm trước, vào tháng 11, tôi nghe tin nhóm sẽ tổ chức concert tại Thái Lan. Ban đầu, tôi cũng không có ý định đi nhưng được bạn bè rủ rê nên cũng "máu lên", xin bố mẹ cho đi. Cứ tưởng bố mẹ sẽ làm khó nhưng nào ngờ hai người đều đồng ý cho tôi đi.
Ngày tôi bay sang Thái Lan cũng là lần đầu tôi đi nước ngoài, vừa được gặp thần tượng lại vừa có cơ hội đi chơi. Những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm từ công việc gia sư cũng được dùng cho chuyến đi ấy. Ban đầu, tôi không thể đặt được vé trực tiếp qua website mà phải mua lại từ người khác nên đắt hơn nhiều so với giá gốc. Vì đam mê tôi cũng vẫn cắn răng trả tiền nhưng đó quả là một chuyến đi đáng nhớ!
Đêm nhạc đó, tôi đã đứng ở ngay hàng rào đầu của khu vực khán giả, có cơ hội được nhìn tận mắt các thần tượng của mình. Tôi cho rằng nếu bạn thích một thần tượng nào đó, hãy cố gắng một lần tới xem concert của họ. Không khí trong buổi concert diễn ra sôi động, cứ bài hát này rồi tới bài hát khác. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hai giờ lại trôi qua nhanh tới vậy.
Sau chuyến đi đó, tôi đã về mua hết các album từ khi ra mắt tới hiện tại của nhóm nhạc mình thích. Các mùa sau tôi luôn dành thời gian cày view cho MV của nhóm nhạc, thậm chí còn tải cả ứng dụng để bỏ phiếu trên các chương trình âm nhạc ở Hàn Quốc. Nhìn thấy nhóm thắng giải hay đạt một thành tích mới, tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi biết có một phần nhỏ công sức mình đóng góp trong đó.
Cả năm sau đó, tôi đã để dành một số tiền để chuẩn bị đi xem concert tiếp theo. Trớ trêu thay, Covid-19 lại tới, tôi bị mắc kẹt ở nhà.
Ngay lúc này, Nhà nước kêu gọi đóng góp quỹ vaccine, nhiều trang fanpage K-pop cũng kêu gọi quyên góp từ mọi người để giúp đỡ đất nước, dưới danh nghĩa của thần tượng mình.
Nhìn thấy hành động đó, tôi cũng trích một khoản từ vốn tiết kiệm của mình để đóng góp cho quỹ. Đó quả là một nghĩa cử cao đẹp đến từ cộng đồng người hâm mộ. Hàng ngày lên mạng xã hội, tôi lại thấy các ảnh chụp chứng nhận chuyển khoản vào quỹ vaccine, quỹ chống dịch của Nhà nước.
Cần "đu thần tượng" với thái độ tích cực
Sau một thời gian dài theo đuổi thần tượng, tôi thấy đây là một thứ tình cảm cần có lý trí. Việc ủng hộ thần tượng không xấu nhưng cần phải có sự tỉnh táo trong việc nên ủng hộ tới mức độ nào. Chỉ tới khi lên đại học, biết kiếm tiền thì tôi mới dám bỏ tiền vào "công cuộc" theo đuổi nhóm nhạc tôi thích.
Nhìn lại hơn 10 năm "đu thần tượng", tôi không hề cảm thấy hối hận. Cuộc sống của một fan girl này đã mang tới nhiều người bạn mới, kỹ năng mới và cả mục đích trong cuộc sống. Báo chí đã nói nhiều về mặt trái của hâm mộ K-pop, thế nhưng, đó không còn là câu chuyện của tất cả mọi người hâm mộ.
Đam mê K-pop cũng giống như những đam mê khác như vẽ tranh, đọc sách, nghe nhạc, xem phim… Tại sao chúng ta không cấm cản những đam mê đó nhưng lại cấm cản việc thích thần tượng Hàn Quốc? Vấn đề nào cũng có hai mặt, vậy nên đã đến lúc để nhìn việc hâm mộ thần tượng với một cái nhìn tích cực hơn.
Hà Mi