Một trong những biểu hiện nổi bật của lòng yêu nước trong văn học là tinh thần tự tôn dân tộc; là ý thức về độc lập chủ quyền, về tư thế bình đẳng của đất nước trước lân bang. Đặc biệt, trong văn học trung đại (từ thế kỷ 10 đến hết thế kỉ 19), khi giặc ngoại xâm chủ yếu đến từ Trung Quốc (các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh), các nhà văn, nhà thơ nước ta thường có khuynh hướng đặt ra thế đối sánh giữa Đại Việt và Trung Quốc, giữa phương Nam và phương Bắc, từ đó dõng dạc tuyên bố về độc lập chủ quyền, khẳng định vị thế bình đẳng của dân tộc trước ngoại bang trên mọi phương diện.
Thử điểm lại thì thấy họ có cái gì, ta có cái đó, không thua kém bất cứ điều gì. Phương bắc có bắc đế thì phương nam có nam đế “Nam quốc sơn hà nam đế cư” (Sông núi nước nam vua nam ở - thơ Lý Thường Kiệt). Phương bắc có Hán, Đường, Tống, Nguyên thì phương nam có Triệu, Đinh, Lý, Trần “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương” (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương - Nguyễn Trãi). Bắc có Lã Vọng, Hàn Tín thì nam có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn “Mạnh Tân chi hội ưng dương nhược Lã/Duy Thủy chi chiến quốc sĩ như Hàn/Duy thử giang chi đại tiệp/Do đại vương chi tặc nhàn” (Hội nào bằng hội Mạnh Tân, như vương sư họ Lã/Trận nào bằng trận Duy Thủy, có quốc sĩ họ Hàn/Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng/Bởi đại vương coi thế giặc nhàn - Trương Hán Siêu). Phương bắc có trận Xích Bích, trận Hợp Phì thì phương nam có trận Bạch Đằng giang “Mạnh Đức Xích Bích chi sư đàm tiếu phi hôi/Bồ Kiên Hợp Phì chi trận tu du tống tử” (Khác nào trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay/Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết rụi - Trương Hán Siêu)...
Thế nhưng, bên cạnh lối viết đối sánh trên vị thế ngang bằng ấy thì lịch sử văn học còn chứng kiến một trường hợp nhà thơ dựa vào những cứ liệu lịch sử mà đặt nước Việt cao hơn Trung Hoa, đặt phương nam lên trên phương bắc, từ đó bày tỏ niềm tự tôn dân tộc sâu sắc. Đó là trường hợp bài thơ Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông của Trần Dụ Tông – hoàng đế, thi sĩ thời Trần. Bài thơ như sau (phiên âm):
Dịch thơ:
Sáng nghiệp Việt, Đường hai Thái Tông
Đường xưng Trinh Quán, Việt Nguyên Phong
Kiến Thành bị giết, An Sinh sống
Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng
(Đào Phương Bình dịch, Thơ văn Lý Trần tập 3)
Bài thơ ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 4 câu thất ngôn mà gợi cho người đọc nhớ đến hai câu chuyện nổi tiếng về hai ông vua: vua Trinh Quán (tức Đường Thái Tông Lý Thế Dân) của Trung Quốc thời Đường và vua Nguyên Phong (tức Trần Thái Tông Trần Cảnh) của Việt Nam thời Trần.
Sử Trung Quốc kể, đời Đường, trong cuộc tranh giành quyền lực giữa các con của Đường Cao Tổ Lý Uyên, Lý Kiến Thành (con cả) bày mưu hãm hại em mình là Lý Thế Dân. Không ngờ Lý Thế Dân đã ra tay trước, bày mưu giết chết Kiến Thành ở cửa Huyền Vũ.
Sử Việt kể, đời Trần, vì bất mãn việc vợ mình đang có mang lại bị Trần Thủ Độ ép gả cho em mình là vua Trần Thái Tông, An Sinh vương Trần Liễu dấy binh làm loạn. Sau thấy mình yếu thế, không thể chống nổi Thủ Độ, Trần Liễu đã lẻn lên thuyền mà tạ tội với vua. Trần Thủ Độ cho quân đuổi tới định giết. Trần Thái Tông đã lấy thân mình che chở cho Liễu nên Trần Liễu mới thoát được.
Dễ thấy, trong bài thơ trên, nhà thơ thực hiện một phép so sánh để chỉ ra nhiều điểm tương đồng của hai ông vua. Đây đều những ông vua sáng lập triều đại, đều xưng miếu hiệu Thái Tông và đều phải đối diện với cuộc binh biến của anh ruột mình. Thế nhưng, tuy trải qua một hoàn cảnh tương tự nhau nhưng cách hành xử của hai ông vua ấy lại hoàn toàn trái ngược nhau. Vua Đường Thái Tông thì tự tay giết chết anh trai mình, còn vua Trần Thái Tông thì tự mình che chở để cứu thoát anh trai.
Người đọc nhận ra rằng, trong rất nhiều điểm tương đồng như thế, hai ông vua ấy có một điểm bất đồng duy nhất đó là “ đức”, tức là đức hiếu sinh, lòng nhân ái, là tình người, tình anh em sâu nặng. Chính sự khác nhau trong chữ “đức” ấy đã tạo nên hai tầm vóc, hai tư cách khác nhau. Từ điều này, nhà thơ bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về vua Trần Thái Tông – một ông vua anh minh, nhân ái, đức độ. Cao hơn nữa, đó còn là niềm tự hào về một nền văn hóa trọng tình trọng nghĩa; về lối sống nhân ái nhân văn đã trở thành một truyền thống cao đẹp của người Việt tự ngàn xưa. Chính chữ “đức” ấy đã khiến vua Trần Thái Tông nói riêng và các vua Trần nói chung cố kết được lòng dân mà làm nên những chiến công hiển hách. Chữ “đức” ấy cũng chính là cội nguồn sức mạnh khiến dân tộc ta dù trải qua bao gian lao, vất vả; bao cơn binh lửa chiến chinh vẫn vững chãi trường tồn. Đó là điều mà Trương Hán Siêu từng nói trong Bạch Đằng giang phú:
Tín tri: bất tại quan hà chi hiểm hề
Duy tại ý đức chi mạc kinh
(Giặc tan muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao)
Đó cũng là điều mà sau này, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:
Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn
Dĩ chí nhân nhi dị cường bạo
(Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo).
Với tinh thần ấy, bài thơ Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông của Trần Dụ Tông xứng đáng được xem là một bài thơ giàu giá trị, một khúc ca thấm đẫm tinh thần yêu nước, chứa chan niềm tự hào dân tộc.
Hồ Tấn Nguyên Minh