Xung quanh chuyện tác quyền phim Trạng Tí nhiều lùm xùm, tranh cãi tốn khá nhiều giấy mực mấy ngày qua thì thực tế vụ việc vẫn chưa dừng lại ở đó.
Bắt đầu từ buổi họp báo ra mắt phim, Phan Gia Nhật Linh (đạo diễn phim Trạng Tí) chê nguyên tác: "Toàn dạy con nít những trò khôn lỏi, ranh mãnh”. Ngày 27/1, Phan Gia Nhật Linh tiếp tục đăng tải dòng trạng thái dài trên mạng xã hội, giải thích về phát ngôn của mình trong buổi họp báo.
Trong đó đạo diễn họ Phan viết: "Một trong những điều mình không thích ở bộ truyện Thần Đồng Đất Việt chính là việc truyện dựa vào nhiều tích dân gian, trong đó có nhiều mẩu truyện dạy con nít những trò khôn lỏi, khôn vặt, ranh mãnh, chứ không bằng trí thông minh để giải quyết vấn đề. Mình không muốn đưa những trò khôn lỏi, khôn vặt đó vào phim, mình muốn đề cao trí tuệ bằng tư duy logic và toán học, đồng thời lên án những trò khôn vặt cũng như cho thấy những trò khôn vặt có thể gây nên hậu quả như thế nào.
Hay do các bạn bây giờ vẫn yêu thích những trò khôn lỏi, khôn vặt trong các truyện Trạng nên các bạn phẫn nộ? Thế thì mình thua vậy. Nếu thế thì phim Trạng Tí thật sự sẽ khiến bạn tức giận nếu bạn là fan của những trò trí khôn của ta đây".
Dòng bày tỏ quan điểm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Những chia sẻ của Phan Gia Nhật Linh lập tức nhận về hàng loạt ý kiến phẫn nộ từ cộng đồng mạng, số đông không đồng tình. Nhiều ý kiến bày tỏ "Thần đồng đất Việt" lấy chất liệu từ tích xưa, là các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, có yếu tố văn học dân gian, những câu chuyện thú vị, niềm tự hào dân tộc đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. Do đó, việc đạo diễn chê nhân vật Tí khôn vặt, ranh mãnh và tác phẩm dạy hư trẻ em dường như dễ gặp phải phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng.
Một số còn bức xúc: "Lần đầu thấy chuyển thể phim từ truyện mà đạo diễn quay lại chê tác phẩm gốc, chê nhân vật nguyên tác, còn chê cả tác giả không theo phe "người tốt các anh" nữa chứ. Nếu anh sửa luôn cả nhân vật nguyên tác và cốt truyện rồi thì lấy tên Trạng Tẻo Trạng Tèo gì đó đi chứ đừng lấy Trạng Tí làm gì".
Hình ảnh phim Trạng Tí.
Tuy nhiên, ngày 29/1/2021, một tài khoản facebook khác có tên là Nhu To tiếp tục có 1 bài dài phân tích đồng tình với đạo diễn họ Phan. Thậm chí người này còn dùng từ mạnh hơn “mất dạy” để chê nhân vật từ nguyên tác. Bài viết có tên là: “Thần đồng căn tính ghét người giàu, sẵn sàng vu oan giá họa”.
Tác giả viết có đoạn: “Những phân tích tập trung vào việc nhân vật Trạng Tí trong bộ truyện tranh như: "Cái căn tính sợ cường quyền nên sẵn sàng ủng hộ bẻ cong pháp luật, căn tính thù ghét người giàu, căn tính sẵn sàng vu oan giá họa cho người khác để trục lợi cá nhân, căn tính sẵn sàng đâm sau lưng người khác, đó có phải “những mẩu chuyện dạy con nít những trò khôn lỏi, ranh mãnh” mà đạo diễn họ Phan đã ám chỉ không? Đó là căn tính người Việt chúng ta sao? Chúng ta có nên dạy trẻ con thành những “thần đồng” như vậy không?”.
Một ý kiến khác phân tích mổ xẻ kĩ hơn nhưng cũng không nhận được sự đồng tình từ MXH.
Thậm chí tác giả còn phân tích cụ thể xung quanh tập 4 mang tên “Thánh chỉ đá” để khẳng định cả câu chuyện xoay quanh sự bất công của cường quyền khi đặt ra hình phạt, nhưng chẳng những Trạng Tí không chống lại bất công mà còn lợi dụng nó để kiếm lời. Trạng Tí cũng không trả đũa được Mẹo mà bày trò khác để trả thù. Và một mặt chính mình xui bá hộ làm, một mặt đâm sau lưng ông ta.
Tác giả cũng khen “ekip làm phim đã sàng lọc các tình tiết đẹp của Trạng Tí trong “Thần đồng đất Việt” để xây dựng nên một Trạng Tí trong “Trạng Tí” trong sáng và biết lẽ phải hơn.
Tuy nhiên, để phân tích kỹ về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Có nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng: “Truyện dân gian nào mà chẳng bênh vực người nghèo, còn nhà giàu là phản diện. Bởi vì nó được viết dưới góc nhìn của người nghèo, phản ánh xã hội phong kiến cường quyền. Truyện Thần đồng đất Việt viết dùng tư liệu dân gian thì như thế là đúng rồi. Mà truyện này 10 ông quan 10 ông giàu chỉ có 1 vài ông bị đem ra chế giễu, chứ có phải đổ cho cứ giàu là độc ác đâu. Tí cũng chỉ chơi khăm thôi còn chả có trò nào đoạt mạng hay cướp của phóng hỏa cả”.
Tuy nhiên, điều đáng bàn hơn chúng tôi muốn nhấn đến đó là ý kiến của một số chuyên gia, của những nhà giáo dục, người đã đọc Thần đồng đất Việt họ có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Họ cho rằng Thần đồng đất Việt có yếu tố dạy trẻ khôn lỏi, ranh mãnh, "dạy hư" trẻ hoặc làm mất đi sự ngây thơ trong sáng của trẻ nhỏ không?
Bởi vì thực tế có nhiều điều xưa nay chúng ta vẫn nghĩ rằng là đúng, là ký ức tuyệt đẹp của tuổi thơ nhưng liệu có còn đúng với hiện tại không, khi "lũ trẻ" ngày nay giờ đã khác rất nhiều "lũ trẻ" xưa, tính phản biện cao và sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả trong phần tiếp theo.
Pháp luật và bạn đọc