Vũ Thanh Hà (nickname Kate Vũ), hiện đang là sinh viên năm thứ 3 lớp Y3YK1, trường Đại học Y Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên ở Ukraine, Thanh Hà gây ấn tượng với mọi người xung quanh bởi khả năng sử dụng thành thạo 4 thứ tiếng là tiếng Ukraine, tiếng Nga, tiếng Việt và tiếng Anh).
Nữ sinh luôn thu hút người đối diện bởi vẻ ngoài điển hình của mẫu người con gái truyền thống: nhỏ nhắn, dịu dàng và duyên dáng.
Trong các năm học phổ thông, mỗi lần chuyển đi chuyển về giữa Ukraine - Việt Nam, nữ sinh đều không tránh khỏi khó khăn vì thay đổi môi trường sinh sống, học tập và thay đổi ngôn ngữ.
Tuy vậy, cô đã đạt danh hiệu học sinh giỏi trong tất cả các năm học, ngoài ra đạt giải Nhì môn Toán và tiếng Anh cấp thành phố ở Ukraine. Nữ sinh cho biết lựa chọn theo đuổi ngành Y đa khoa là một quyết định dựa theo định hướng của gia đình.
"Thời điểm mình lựa chọn học khối B, mình biết sẽ rất khó khăn. Và sự thật là nó khó khăn thật. Thay vì là những con chữ, thay vì là cảm xúc giờ mình phải tập trung vào những con số, những phép tính đầy hóc búa, não bộ phải tư duy, suy luận rất nhiều.
Năm nhất, mình đã cảm thấy rất "choáng" với khối lượng kiến thức phải học trong 1 kỳ ở trường Y. Lượng kiến thức học 1 buổi ở đại học bằng học cả tháng ở cấp 3, đồng thời học cả lý thuyết và thực hành xen kẽ.
Lên năm 2 thì mình đã quen với cường độ học tập và biết cách phân bố thời gian hiệu quả hơn. Hiện tại năm thứ 3, mình và các bạn học đã bắt đầu được đi học và đi trực ở bệnh viện.
Tiếp xúc với bệnh nhân và môi trường bệnh viện giúp chúng mình nhận ra thêm nhiều điều mới mẻ so với 2 năm đầu tiên chỉ học tại trường." - Kate Vũ cho biết.
Chia sẻ về những trải nghiệm khi được thực tập, Kate Vũ chia sẻ khi được giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân, học cách hỏi bệnh và suy luận chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, tham gia phụ giúp bác sĩ trong những buổi trực ở bệnh viện giúp nữ sinh có được những trải nghiệm phong phú, trau dồi thêm nhiều kiến thức của một bác sĩ thực thụ.
Được biết, cô gái sinh năm 2000 tích cực tham gia các hoạt động của khoa, của trường, là thành viên của EOC- Ban tổ chức sự kiện Đại học Y Hà Nội, tham gia tổ chức chương trình Sinh viên của năm (SVCN) 2019, 2020 và Chào Y1 2020.
"Trải nghiệm đáng nhớ nhất trong năm nay với mình là SVCN 2020, khi làm quản lý thí sinh. Khi nhắc nhở, thúc giục các thí sinh từng li từng tí, theo chân họ đi mọi nơi, chọn cho họ từng bộ quần áo,...
Đặc biệt ở vòng 3 SVCN, khi mình vừa làm BTC vừa làm bạn diễn của thí sinh, cảm giác hồi hộp vô cùng. Nhờ đó mình còn đồng cảm và hiểu được cảm giác lo lắng của thí sinh nữa." - nữ sinh bộc bạch.
Là người có cơ hội đi nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, Thanh Hà nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam có rất nhiều ưu điểm: chăm học, chịu khó, năng động, sáng tạo, tích cực phát triển bản thân không kém các bạn nước ngoài.
Tuy vậy, cô cho rằng giới trẻ Việt cũng có một số điểm yếu như phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng bởi dư luận, có người thì quá nhút nhát không dám nói lên chính kiến của mình mà luôn phải theo số đông, có người thì lại tâng bốc bản thân quá đà.
Bởi vậy, nữ sinh luôn cố gắng trau dồi kiến thức, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để học hỏi, trải nghiệm, có thêm nhiều kĩ năng mềm, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Hiện tại, lịch học của một sinh viên ĐH Y khá kín: buổi sáng học tại trường, buổi chiều thực tập ở bệnh viện, buổi tối có thể sẽ có lịch trực. Bởi vậy, Thanh Hà thường tranh thủ những buổi tối không có lịch trực để dạy thêm tiếng Nga, tập thể thao, học tiếng Anh hoặc tham gia hoạt động của CLB.
Bên cạnh đó, nữ sinh cũng giành thời gian làm thêm và thử sức ở lĩnh vực chụp ảnh. Những bức ảnh chân dung của Kate Vũ luôn nhận được nhiều lượt yêu thích của bạn bè bởi nhan sắc xinh đẹp nhưng vẫn luôn toát lên vẻ mộc mạc, hồn nhiên đúng lứa tuổi.
"Do lúc bé, mình từng sống ở Ukraine nên có thể nói thành thạo tiếng Nga, tiếng Ukraine, tiếng Việt và tiếng Anh. Hiện tại điều khiến mình cảm thấy tự hào nhất đó là đã tự lập về tài chính từ khi lên đại học.
Nhờ vốn ngoại ngữ, mình đã được thử sức với nhiều công việc liên quan đến tiếng Nga. Năm nhất đại học, mình đã được nhận làm phiên dịch cho chuyên gia kĩ thuật người Nga ở một thương hiệu xe nổi tiếng.
Sau đó, mình bắt đầu tìm thêm các công việc khác như dịch tài liệu, dạy thêm và cả thu âm cho một kênh Youtube tiếng Nga. Đối với mình những công việc này tuy chỉ là nghề tay trái nhưng đã giúp mình trưởng thành và độc lập hơn rất nhiều.
Do bố mẹ mình vẫn sinh sống ở bên đó đã lâu nên mình chuyển đi chuyển về nhiều lần. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình mình đành tạm xa nhau.", Hà chia sẻ.
Mặc dù đã thử sức nhiều công việc khác nhau nhưng Thanh Hà luôn xác định nghề chính của mình vẫn là ngành Y.
Định hướng của cô là hoàn thành 6 năm học Đa khoa, sau đó tham gia kỳ thi Bác sĩ Nội trú - nơi mà các sinh viên y đa khoa sẽ lựa chọn chuyên khoa để học tiếp trước khi chính thức hành nghề.
Hồng Minh