Ngày nay, máy tính là công cụ làm việc và học tập của nhiều gia đình, và cả trẻ em. Ở những gia đình không sử dụng máy tính, trẻ con có thể dùng máy chung với bạn bè hoặc tại các dịch vụ bên ngoài. Còn ở trường, trẻ có thể sử dụng máy tính trong các giờ học chuyên môn. Nhằm bảo đảm việc trẻ sử dụng máy tính vừa có lợi vừa nâng cao hiệu quả học tập, cha mẹ cần chú ý những điều như sau để bảo vệ trẻ tốt hơn.
Lợi ích của máy tính
Sau những giờ học căng thẳng, trẻ chơi vi tính là cách giải tỏa các ức chế thần kinh. Đây cùng là cách giữ chân trẻ, cách ly với một số cạm bẫy bên ngoài và cũng để cha mẹ có thời gian làm việc khác hoặc giải trí cá nhân.
Nếu được chọn lọc cẩn thận, các trò chơi điện tử có tác dụng phát huy tư duy logic, tăng sự chú ý có định hướng ở trẻ, tăng bản lĩnh trẻ, rèn tính kiên nhẫn và lòng tự tin. Đây còn là loại trò chơi tự học, trẻ vừa chơi vừa khám phá ra luật chơi, phải chơi đúng luật mới có điểm cao hoặc tiếp tục chơi. Khi thắng, trẻ cảm thấy phấn chấn, khi thua vì là thua máy nên trẻ cũng không đánh mất sự tự in của bản thân.
Kiểm soát việc sử dụng máy tính của trẻ
Đề phòng những kẻ săn mồi trên mạng, vì chúng thường truy tìm “khách hàng” qua các phòng chát, địa chỉ chơi games hoặc các diễn đàn trao đổi, vì thế trẻ thường rất dễ bị “dụ” thông qua sự quan tâm, tình cảm thậm chí là những món quà… Những kẻ săn mồi này tỏ ra thông thạo với những sở thích, tính cách của trẻ. Hơn thế, chúng còn tìm cách tung ra những “chiêu độc” khác để kích thích trí tò mò, vốn là sở trường của trẻ. Bạn cần lưu ý trẻ tránh hồi âm ngay với “những thông điệp khẩn cấp” hoặc e mail từ người lạ.
Cách chọn nickname. Hướng dẫn trẻ chọn một nickname “trung tính” và tránh thể hiện quá rõ về những thông tin của bản thân mình. Khuyên trẻ không tiết lộ những thông tin cá nhân như giới tính, tên tuổi, sở thích cá nhân…với bất kỳ một kẻ lạ hoắc nào đó trên mạng. Đề phòng gặp tình huống quá khó xử hoặc bất ổn sau khi chat xong, nói trẻ phải nói với người lớn để tìm cách giải quyết.
Không cho trẻ ngồi quá lâu trước máy tính. Điều này dễ làm cho trẻ bị gù lưng, khô và mỏi mắt…Thiếu vận động vì ngồi nhiều bên máy tính còn dẫn đến béo phì, hệ cơ xương cũng vì thế kém phát triển hơn. Có nhiều trẻ vì quá “nghiện” vi tính đã gây nên ảo giác, làm lu mờ ranh giới giữa hiện thực cuộc sống và tưởng tượng, gây nên sự thiếu chính xác, minh mẫn trong công việc và học tập. Hơn thế, thế giới ảo do vi tính mang lại cùng những trò chơi games còn hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của trẻ.
Một số nghiên cứu về phát triển con người cho biết, trẻ ngồi hàng giờ chơi game và tiếp xúc với thế giới ảo do vi tính mang lại sẽ phát triển khả năng tư duy sáng tạo. Từ đó, trẻ trở thành người tiếp thu thông tin sẵn có một cách thụ động. Hơn thế, máy vi tính có thể là kẻ “ăn cắp thời gian”, trẻ bị hạn chế với việc giao tiếp bạn bè, các kỹ năng xã hội và ngôn ngữ kém phát triển.
Nếu trẻ ham chơi hoặc xem đĩa vi tính, cha mẹ cần trò chuyện với trẻ, đồng thời chia sẻ những thú vui do vi tính mang lại, khéo léo thiết lập những nguyên tắc trong gia đình, chẳng hạn như học xong mới đựơc chơi, chỉ chơi từ 30 đến 45 phút/ngày, chọn phim hay và bổ ích bỏ vào kệ đĩa, cài mật mã trên máy để hạn chế mở máy. Và điều cơ bản là, bạn đừng chơi vi tính nhiều, ít nhất trước mặ trẻ, tham gia thể thao giải trí để lôi cuốn trẻ cùng chơi. Ngoài ra, bạn có thể hạn chế tác hại của máy bằng kính bảo vệ màn hình, đặt cây xương rồng trong phòng hoặc quan tâm đến bàn ghế sao cho vừa tầm của trẻ…
Ở tuổi thiếu niên, trẻ cần các trò chơi vận động, chơi thể thao có yếu tố thi đua lành mạnh để vừa phát triển thể lực, vừa hình thành tính tập thể. Trẻ cần tiếp xúc với thiên nhiên, với cuộc sống thực. Nếu không, sau này rất khó giải quyết những tình huống trong cuộc sống, dù chỉ rất đơn giản.
Thùy Như