Bức ảnh chụp một con báo nằm ẩn mình hoàn hảo trên núi đá đã trở thành bức ảnh gây sốt nhất của nhiếp ảnh gia người Ấn Độ Saurabh Desai, những ngày qua, cộng đồng mạng đang thi nhau "căng mắt" để tìm ra con báo.
Bức ảnh được chụp trong dãy Himalaya phần nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. Nhiếp ảnh gia Saurabh Desai đã bắt đầu leo núi quanh khu thung lũng Spiti kể từ năm 2019 với một nhiệm vụ duy nhất mà anh tự đặt ra cho mình: "Tôi muốn chụp được một con báo tuyết khi nó đang ngụy trang tài tình trong dãy núi đá".
Sau gần 3 năm kiên nhẫn chờ đợi một khoảnh khắc ưng ý, cuối cùng, anh Saurabh Desai đã chụp được một bức ảnh khiến chính anh cảm thấy hài lòng, bởi anh biết rằng người xem ảnh sẽ phải "căng mắt" ra mới có thể tìm được con báo trong bức ảnh.
Điều thú vị là trong khoảnh khắc anh Saurabh Desai bấm máy thì con báo cũng đang nhìn anh.
Anh Desai đến từ bang Gujarat, Ấn Độ, dù anh Desai đã dành ra 3 năm để chờ đợi khoảnh khắc hoàn hảo này, nhưng anh vẫn bị choáng ngợp khi khoảnh khắc ấy thực sự xuất hiện trước mắt.
Khi bức ảnh này lan truyền trên mạng những ngày qua, nhiều cư dân mạng đã bỏ ra cả tiếng đồng hồ mà không thể tìm ra nổi con báo xuất hiện trong bức ảnh.
Nhiếp ảnh gia người Scotland - anh Alan McFadyen chuyên chụp ảnh thiên nhiên phong cảnh đã say mê chụp những chú chim bói cá trong suốt 6 năm, tới tháng 11/2015, anh mới bắt được một khoảnh khắc hoàn hảo nhất khi chú chim lao mình thẳng đứng xuống mặt hồ phẳng lặng như gương để bắt cá.
Từ nhỏ, nhiếp ảnh gia người Scotland - anh Alan McFadyen - đã thường cùng với ông mình đi dạo chơi quanh các vùng hồ, chim bói cá gắn liền với ký ức tuổi thơ bên người ông quá cố. Anh chọn chú chim bói cá là chủ đề nhiếp ảnh để thường xuyên theo đuổi.
Mỗi khi mang máy đi chụp, anh McFadyen bấm hàng trăm kiểu ảnh, cố gắng ghi lại được cú bổ nhào hoàn hảo của chim bói cá khi bắt mồi.
Trong vòng 6 năm qua, anh McFadyen thường dành ra vài ngày mỗi tuần, tương đương khoảng 100 ngày mỗi năm, để chụp những chú chim bói cá trong khoảnh khắc chúng lao xuống mặt hồ.
Tính tổng cộng, anh McFadyen đã bỏ ra 4.200 tiếng đồng hồ, bấm khoảng 720.000 bức ảnh trước khi thực hiện được khoảnh khắc hoàn hảo chụp chú chim bói cá với cú bổ nhào nhanh như cắt xuống mặt hồ, ở đúng thời điểm chú chim tạo thành một góc vuông hoàn hảo với mặt nước tĩnh lặng như gương, chưa hề có một bọt nước nào bắn lên.
Nhiếp ảnh gia McFadyen rất tự hào với bức ảnh kỳ công của mình: "Chim bói cá lao mình xuống rất nhanh, vì vậy để có được một bức ảnh đẹp đòi hỏi cả sự may mắn và kiên nhẫn. Bức ảnh tôi đã thực hiện ghi lại một cú bổ nhào hoàn hảo của chim bói cá, thân mình chú chim thẳng đứng so với mặt nước, không hề có bọt nước nào bắn lên.
Bức ảnh này không chỉ đòi hỏi tôi phải ở vào một vị trí hoàn hảo, có được sự may mắn nhất định mà còn đòi hỏi cả chú chim cũng phải thực hiện một cú bổ nhào vuông góc".
Hồi tháng 6/2016, những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Úc - Tim Samuel ghi lại hình ảnh một chú cá không may nằm gọn trong bụng một chú sứa cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm. Bức ảnh được chụp ở vịnh Byron của Úc.
Các tờ báo giới thiệu những bức ảnh thú vị này từng gọi đây là những bức ảnh may mắn được chụp với tỉ lệ 1/1 triệu. Thậm chí, nhiều nhà hải dương học khi xem bức ảnh này cũng phải nhận xét rằng khoảnh khắc quá độc đáo và hiếm hoi, bởi chính họ, dù thường xuyên nghiên cứu các động vật biển cũng chưa từng nhìn thấy một khoảnh khắc nào như vậy.
Bức ảnh của Tim Samuel đã chụp lại được sự khắc nghiệt của đời sống dưới biển, khi một động vật biển có thể trở thành kẻ đi săn hoặc bị săn bất cứ lúc nào. Bức ảnh chụp lại một chú cá nhỏ đang mở to mắt nhìn ra xung quanh, nhưng hoàn toàn bất lực bên trong bụng một chú sứa trong suốt.
Khi đang lặn biển cùng với bạn thì nhiếp ảnh gia Tim Samuel bất ngờ nhìn thấy cảnh tượng kỳ thú này. Để chụp được bức ảnh này cũng không đơn giản, bởi Tim đã phải đi theo chú sứa trong khoảng 20-30 phút, máy ảnh không dễ gì tập trung tiêu cự vào một sinh vật biển cỡ nhỏ, liên tục chuyển động như chú sứa trong suốt này.
Sau cùng, Tim cũng có thể ghi lại được một vài khoảnh khắc và đăng tải lên tài khoản mạng xã hội của mình. Ngay lập tức, những bức ảnh đã thu hút sự quan tâm thích thú lớn.
Ở thời điểm Tim bấm máy, chú cá vẫn còn sống, chú ta cố gắng bơi ra khỏi bụng sứa nhưng chú sứa cũng "không vừa" và liên tục thay đổi hướng bơi để chú cá không thể nào bơi ra khỏi bụng nó. Chứng kiến cảnh tượng đó, nhiếp ảnh gia Tim Samuel đã có ý định giải cứu chú cá nhỏ, nhưng cuối cùng, anh cho rằng mình nên để tự nhiên diễn ra theo cách của nó.
Tuy vậy, tình huống chưa hẳn đã hoàn toàn là "bi kịch" đối với chú cá, bởi sau khi xem bức ảnh này, nhà hải dương học Ian Tibbetts của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hải dương thuộc trường Đại học Queensland (Úc) đã cho rằng chú cá này có thể đang "quá giang" và sử dụng chú sứa như một cỗ xe giúp nó di chuyển không tốn sức lại được bảo vệ khỏi bị "cá lớn nuốt".
Ông Ian Tibbetts cho rằng: "Rất khó để có thể nói đây là một bi kịch hay… hài kịch của đại dương, và cũng khó có thể biết chú cá đang hoảng sợ hay đang vui vẻ. Dù tác giả ảnh miêu tả chú cá đã cố bơi ra khỏi bụng sứa, nhưng theo tôi, cũng có thể nó đang rất vui vẻ và thoải mái khi biết mình đang được bảo vệ an toàn trong đó". Vì vậy, bức ảnh thú vị này lại càng trở nên thú vị bởi sự bí ẩn của nó.
Bức ảnh chụp một chú thằn lằn nằm tắm nắng trong vườn do nhiếp ảnh gia Yan Hidayat (35 tuổi) chụp tại Padang, tỉnh Tây Sumatra, Indonesia. Khoảnh khắc nhiếp ảnh này gây sốt hồi tháng 9 năm nay. Chú thằn lằn này là thú cưng của nhiếp ảnh gia Yan Hidayat, mỗi ngày, chú thằn lằn được ra ngoài tắm nắng hai tiếng trong vườn nhà.
Nhiếp ảnh gia Yan Hidayat rất hứng thú với đề tài nhiếp ảnh xoay quanh các loài động vật. Hồi đầu năm nay, anh cũng gây sốt với khoảnh khắc hài hước hiếm thấy của thế giới tự nhiên, khi một con ếch cưỡi lên mai của một con rùa, tranh thủ "quá giang". Bức ảnh cũng được chụp tại Padang, tỉnh Tây Sumatra, Indonesia.
Bích Ngọc
Theo New York Post/Daily Mail