Khi nói về việc ra mắt một bộ phim, người ta thường nhìn vào doanh số phòng vé để quyết định xem bộ phim ấy có thể được xem là thành công hay không. Nếu một bộ phim không gây được hiệu ứng ngoài phòng vé khi ra rạp, thường sẽ bị gọi là “bom xịt” ngoài rạp chiếu, như vậy là một phim thất bại xét về yếu tố thị trường.
Dù vậy, cũng có những trường hợp lội ngược dòng ngoạn mục, bởi ngay cả khi phim ra rạp thất bại, không đưa về doanh số ấn tượng, thậm chí không nhận được sự hưởng ứng từ giới phê bình và công chúng, nhưng qua thời gian, những bộ phim này lại vượt qua được thất bại ban đầu để trở thành bộ phim được yêu thích về sau đối với người yêu điện ảnh nhiều thế hệ.
“Almost Famous” (Sắp nổi tiếng - 2000)
Kinh phí: 60 triệu USD
Doanh thu: 47,4 triệu USD
Bộ phim bị lỗ vốn về mặt doanh thu nhưng kể từ sau khi ra rạp, phim càng lúc càng được người xem đánh giá cao và được coi là một trong những phim hay nhất nói về lứa tuổi mới lớn và chặng đường của sự trưởng thành. Phim từng nhận được nhiều sự khen ngợi từ giới phê bình, nhận được 4 đề cử Oscar, trong đó có đề cử cho Kịch bản gốc xuất sắc.
“Matilda” (1996)
Kinh phí: 36 triệu USD
Doanh thu: 33 triệu USD
Bộ phim được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Roald Dahl, qua năm tháng, bộ phim đã dần trở thành một tác phẩm điện ảnh được yêu thích, để cả gia đình có thể cùng nhau thưởng thức.
Khi mới ra rạp, dù nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình, phim vẫn thất bại về mặt doanh thu. Nhưng thời gian đã lấy lại vị thế đích thực cho phim khi người xem về sau lại rất hứng thú với “Matilda” và phim đã được chiếu lại nhiều lần trên sóng truyền hình.
“The Shawshank Redemption” (Nhà tù Shawshank - 1994)
Kinh phí: 25 triệu USD
Doanh thu: 28,4 triệu USD
Khi nghĩ về bộ phim này, người yêu điện ảnh thường hình dung đó là một phim kinh điển với sức hấp dẫn vượt thời gian, nhưng nhận định đó không phải đã xuất hiện ngay khi phim ra rạp. Thoạt tiên, phim rất “lẹt đẹt” ngoài phòng vé và nếu chỉ xét tới con số 16 triệu USD thu về từ lượt đầu ra rạp, đây có thể xem là một phim thất bại về mặt doanh thu.
Có nhiều lý do đã được phân tích xung quanh thất bại ban đầu của bộ phim, như việc phim phải cạnh tranh với những “bom tấn” ngoài phòng vé ở thời điểm đó như “Pulp Fiction” hay “Forrest Gump”, ngoài ra, việc phim khai thác bối cảnh trong nhà tù cũng khiến khán giả ngần ngại, trong phim không có nhiều nhân vật nữ, ngay cả tên phim cũng không tạo nên sự hiếu kỳ.
Dù vậy, phim đã được giới phê bình đón nhận tích cực, chính khi “The Shawshank Redemption” gây tiếng vang tại giải Oscar, nhận về 7 đề cử, phim mới được giải cứu. Lúc này, phim được cho ra rạp lần nữa và tổng cộng doanh thu hai lượt ra rạp lên tới 58,3 triệu USD, giúp phim thoát khỏi việc bị cho là “bom xịt”. Những giá trị nghệ thuật trong phim đã được nhìn nhận sâu sắc hơn qua thời gian.
Giờ đây, ê-kíp thực hiện “The Shawshank Redemption” có thể tự hào về mức độ thành công của phim, bởi cho tới tận hôm nay, phim vẫn thường xuất hiện trong danh sách những phim phải xem một lần trong đời.
“Blade Runner” (Tội phạm nhân bản - 1982)
Kinh phí: 28 triệu USD
Doanh thu: 41,5 triệu USD
Bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng của đạo diễn Ridley Scott lần đầu được chiếu ngoài rạp hồi năm 1982. Bộ phim thoạt tiên không nhận được sự đánh giá cao từ giới phê bình và cũng không tạo hiệu ứng mạnh ngoài phòng vé, nhưng phong cách làm phim độc đáo đã khiến “Blade Runner” trở thành một bộ phim có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thể loại phim khoa học viễn tưởng.
Bộ phim liền trở thành tác phẩm đình đám, nên xem một lần trong đời đối với những fan yêu dòng phim khoa học viễn tưởng. Cho tới hôm nay, đây vẫn là một bộ phim có lượng người xem mới ổn định qua năm tháng. Phim còn có phần tiếp theo được thực hiện ở thời điểm 35 năm sau khi phần phim đầu ra mắt.
“Willy Wonka & The Chocolate Factory” (Willy Wonka và nhà máy sôcôla - 1971)
Kinh phí: 3 triệu USD
Doanh thu: 4,5 triệu USD
Bộ phim ca nhạc với diễn xuất của Gene Wilder trong vai Willy Wonka. Thoạt tiên, phim không được khán giả đương thời quan tâm dù nhận được những đánh giá tích cực từ giới phê bình khi ấy.
Trải qua thời gian, bộ phim dần trở nên hấp dẫn đối với những thế hệ người xem sau này và được xem như một tác phẩm điện ảnh nổi bật trong thể loại phim ca nhạc, trở thành một phim được yêu thích về sau, được chiếu lại nhiều lần trên truyền hình và các kênh giải trí trực tuyến.
“It’s A Wonderful Life” (Cuộc sống tuyệt vời - 1946)
Kinh phí: 3,18 triệu USD
Doanh thu: 3,3 triệu USD
Giờ đây, “It’s A Wonderful Life” được xem là một bộ phim kinh điển, nhưng khi bộ phim ra mắt trong mùa Giáng sinh năm 1946, một khởi đầu khó khăn đã ập đến với bộ phim. Phim bị đánh giá là thất bại về mặt doanh thu.
Nhưng ngay sau đó, thành công về mặt nghệ thuật đã tới khi phim nhận được 5 đề cử tại giải Oscar và cho tới hôm nay vẫn tiếp tục là một trong những phim được xem nhiều nhất mỗi mùa Giáng sinh.
Bích Ngọc
Theo Bored Panda/Daily Mail