Năm nào giỗ Mẹ, mình cũng rất buồn. Bà mất vào đêm rằm tháng 7. Mùa Vu lan báo hiếu. Khi mẹ còn sống, không phải lúc nào mình cũng làm cho bà hài lòng. Khi bà mất, lòng ân hận tăng lên gấp bội.
Dù khi mình đã lớn tuổi, sắp thành người già, đi đâu về, thấy trong tủ lạnh luôn có trứng, có chả lụa, có cái bánh đúc, bánh ú quê, ai đó ngoài quê gởi cho hoặc mua ngoài chợ, nếu mình chưa về kịp, bà luôn để dành đợi con về. Mỗi lần vậy, cứ cảm giác như thuở nhỏ, nhà mình những lúc cuộc sống không sung túc... Bà đối với các cháu càng như thế...
Mỗi năm đến giỗ bà, bạn bè gia đình mình tụ lại, mình không dám mời rộng rãi, vì sợ phiền phức, nhưng bạn bè vẫn không quên vì ngày giỗ của bà đúng vào ngày rằm tháng 7, Vu lan báo hiếu, dễ nhớ, nên bè bạn, con cháu thường đến thắp hương, ăn mì Quảng, để cùng nhau nhớ bà. Hầu như năm nào cũng vậy, nhiều người đến sớm hơn một ngày, bởi đúng ngày giỗ, bận bịu công việc...
Hôm nay, 14 tháng 7 âm lịch, bạn bè đến, có vợ chồng cô ca sĩ bên Mỹ về, rồi cô phóng viên trước làm ở báo Thanh Niên, nay làm cho một đài ở châu Âu... đến thắp hương trước. Gia đình soạn vài mâm cơm, vừa để cúng sớm, vừa có dịp ngồi với nhau, trước khi mình xuống Bình Dương dự bế mạc Giải U.19 Quốc tế và xem trận đấu được chờ đợi nhứt trong giải - trận đương kim vô địch Malaysia gặp đội chủ nhà Việt Nam chiều nay, lúc 6 giờ 15.
Ngồi với bạn bè, người thân trong dịp lễ Vu lan, càng thêm nhớ Mẹ. Mình thích nhứt vẫn là lời ca trong bản nhạc Bông hồng cài áo của Thầy Nhất Hạnh, do Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. “Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào, Mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu...”, từng lời, từng giai điệu thấm sâu vào lòng, nhất là cái hôm Thầy Nhất Hạnh xuống thăm vườn nhà mình, khi Thầy còn khỏe, mình đã đề nghị Sư cô Chơn Không hát tặng mình và gia đình bài ấy.