Thầy giáo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người thân tại nhà riêng ở TP.HCM lúc 23 giờ 25 phút ngày 6.5.2020, hưởng thọ 73 tuổi. Sự ra đi của ông đã khiến cho nhiều người nuối tiếc bởi ông không chỉ là nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc nước nhà mà còn là người nặng tình với quê hương xứ sở.
Vũ Đức Sao Biển rời quê hương Quảng Nam đi về phương Nam và thành danh ở đó nhưng trong gói hành trang của mình, hình ảnh của đồi sim tím, mùa thu đầy nắng gió và dòng sông đã từng “đưa người tình đi biền biệt” vẫn day dứt mãi trong ông. Đó cũng là nguyên cớ để tình khúc bất hủ “Thu hát cho người” ra đời.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thời trai trẻ
Nhà riêng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ở TP.HCM là một địa chỉ thân quen cho anh em văn nghệ sĩ, nhà báo đến thăm và đàm đạo câu chuyện văn chương chữ nghĩa. Những người đồng hương trong giới văn nghệ xứ Quảng mỗi lần có dịp vào Sài Gòn công tác đều nhất định phải đến thăm ông. Đồng hương đến nhà dù ở lứa tuổi nào, thế hệ nào ông cũng đón tiếp chân tình, nồng hậu. Ông cũng hay gọi những người trẻ tuổi hơn bằng cái tên trìu mến "Thằng em xứ Quảng".
Dưới đây là câu chuyện của "Thằng em xứ Quảng" - nhà nghiên cứu lịch sử Lưu Anh Rô (LAR), Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng với cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ
Có lần, tôi và người bạn làm ở Văn phòng đại diện Bộ VHTT-DL tại TP.HCM đến thăm ông. Ông dẫn chúng tôi đến một căn phòng có đến ba lần khóa để giới thiệu về những cổ vật mà một đời sưu tầm được. Nhiều món thật quý và cổ, để rồi ông nói: “Chỉ có LAR và Đức thì mới được mình cho xem đó nghe!”.
Có lần, tôi và một tay bạn tranh nhau đứa nào hát bài “Thu hát cho người” của ông hay hơn, bạn thì nhận mình là người cùng quê với họ Vũ, còn tôi nhận mình là người rất được họ Vũ thương quý! Những sách tôi viết và ký tặng ông, cả cuốn vừa được tái bản, sau khi đọc thì ông nói: “Đọc sách của LAR mình càng thấy yêu xứ Quảng, LAR đã chọn cho mình một hướng nghiên cứu độc đáo”. Người nhạc sĩ tài hoa của Thu hát cho người, Đêm Gành Hào, Dạ cổ hoài lang... ấy vừa cho tôi biết ông đã sáng tác được 322 bản nhạc, 60 đầu sách với vài ngàn bài báo.
Tác giả (bên trái) trong một lần đến thăm nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tại nhà riêng ở TP.HCM
Chính tôi, thông qua anh Huỳnh Hùng lúc đó là Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng (DRT), để ông có cuộc giao lưu rất hay và ý nghĩa tại Đà Nẵng cách đây vài năm. Chính tôi là người gợi ý, đặt hàng để ông sáng tác ca khúc cho Đà Nẵng Đêm sông Hàn nghe tiếng hò khoan... Chỉ tiếc, bài viết đã xong nhưng ông bị “tắt tiếng” nên không thể cùng ca sĩ dựng được như mong muốn.
Vài lần trở lại thăm ông, vẫn đon đả đốt hương trầm để tiếp chuyện chúng tôi vì như ông nói “LAR là khách quý của mình”, vẫn nụ cười dễ mến ấy nhưng ẩn trong đôi mắt ông là một nỗi buồn khó tả. Căn bệnh ung thư thực quản làm cho dây thanh quản của ông không thể nói được. Ông nói mà nghe như gió thoảng, phải tập trung lắm mới có thể nghe được, muốn diễn đạt rõ hơn, chúng tôi đành phải “bút đàm”.
Hãy tưởng tượng xem, một nhạc sĩ mà không thể nói được thì có gì buồn hơn. Với bệnh tình của họ Vũ, tôi như “sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ”, tôi chờ đợi và ước mong rằng anh sẽ lại nói được như xưa, như “Ta vẫn đợi em dưới gốc sim già đó!”.
Vũ Đức Sao Biển với sách “Điệu Bolero”
Boléro là một dòng nhạc tân thời hay một trường phái? Tại sao Boléro lại cho thấy một chất sống riêng biệt, mãnh liệt và kỳ lạ đến vậy? Ai là người đầu tiên sáng tác bản Boléro tại Việt Nam, liệu dòng nhạc này có sự cộng sinh từ cuộc chiến tranh Việt Nam... và hiện nay Boléro đang “sống dậy” như thế nào, làm thế nào để nó có thể sống lâu hơn?
Đã có quá nhiều người viết về Boléro song chưa thấy ai làm được như Vũ Đức Sao Biển khi ông chọn một cách tiếp cận khá lạ là làm một tập chuyên khảo về Boléro với những cung bậc, giai điệu, tình cảm và cái nhìn của một con người lớn lên cùng Boléro, chung sống cùng Boléro, sáng tác Boléro và lặng lẽ quan sát, ghi chép về ảnh hưởng của Boléro trong đời sống người Việt; với một văn phong độc đáo, phong cách thể hiện riêng có, của một nhạc sĩ tài hoa.
Tác phẩm của Vũ Đức Sao Biển
Cầm tập sách được ông tặng, tôi thật xúc động bởi lẽ dù đang mang trọng bệnh song ông vẫn miệt mài nghiên cứu, hệ thống một cách bài bản, giúp cho chúng ta có một cái nhìn chính xác về một dòng nhạc mà bản thân nó, là một đề tài rất mở.
Boléro khóc cho thân phận nghèo, cho một cuộc tình dang dở, cho những chia lìa, nhung nhớ song dưới ngòi bút của họ Vũ, ông đã chạm đến một khía cạnh mà không phải ai cũng có thể bàn đến: Boléro và tâm trạng người lính. Đó là một sự quan sát tinh tế về giai tầng xã hội, về thân phận chiến tranh, về số phận những con người dù chán ghét chiến tranh nhưng vẫn phải lao vào cuộc chiến. Với họ, Boléro là ước vọng “một ngày chinh chiến tàn”, có thể trở về trên “băng ca, nạng gỗ”, là nỗi kinh hoàng khi phải ở nơi “nhiều Đông lắm Hạ nối tiếp đi qua, thiếu bóng đàn bà”…
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (thứ 2 từ trái sang) trong một lần đón đồng hương đến thăm tại nhà riêng ở TP.HCM
Vũ Đức Sao Biển mắc bệnh ung thư vòm họng từ năm 2018, đến tháng 5-2019 di căn sang phổi và điều trị ung thư phổi đến nay.
Hiện linh cữu nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đang quàn tại nhà (22/7 TTN18 - phường Tân Thới Nhất - Q.12, TP.HCM).
Chương trình lễ tang:
- 13 giờ ngày 7.5: nhập quan.
- Lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ ngày 7.5.
- 6 giờ ngày Chủ nhật 10.5 sẽ làm lễ động quan, an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương.
Lưu Anh Rô (nhà nghiên cứu lịch sử)