Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đi ở tuổi 94 tại nhà riêng ở TP.HCM tối 26.12.2019. Tin buồn được báo chí trong và ngoài nước đồng loạt đăng lên trang nhất trên các phiên bản báo điện tử bằng các dòng tít rất trân trọng như Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – tác giả của ca khúc nổi tiếng “Dư âm” qua đời ở tuổi 94, Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả "Dư âm", Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ của tình khúc bất hủ Dư âm - qua đời ở tuổi 94...
Nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất, người yêu âm nhạc đã bày tỏ niềm thương ông bằng cách chia sẻ lên mạng xã hội những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp âm nhạc của ông trong quá khứ, trong đó không ai không nhắc tới Dư âm – ca khúc làm nên tên tuổi Nguyễn Văn Tý từ những năm 50 thế kỷ trước.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và tác phẩm nổi tiếng Dư âm - Ảnh: Tư liệu
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam, những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà đã được nhà nước ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000.
Di sản âm nhạc ông để lại cho hậu thế là hàng loạt ca khúc đi vào lòng nhiều thế hệ người yêu nhạc. Tác phẩm của ông rất đa dạng về thể loại, từ những bản tình ca lãng mạn dạt dào cảm xúc như Dư âm, cho đến những ca khúc xây dựng trên chất liệu dân ca Bắc Bộ gần gũi yêu thương, trào dâng cảm xúc như Mẹ yêu con, Tiễn anh lên đường, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Cô nuôi dạy trẻ. Âm hưởng dân ca Bắc Trung Bộ thì có Người đi xây hồ Kẻ Gỗ , Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh... Âm hưởng dân ca Nam Bộ có Dáng đứng Bến Tre... Rồi đến những bản nhạc hừng hực khí thế chiến đấu, thúc giục tinh thần yêu nước như Múa hát mừng chiến công, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Vượt trùng dương...
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Ảnh:Tư liệu
Trong tất cả những ca khúc kể trên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có thể nói Dư âm là bài đặc biệt nhất. Dư âm khiến cho người yêu nhạc say đắm với giai điệu nhẹ xao xuyến về câu chuyện tình lãng mạn thuần khiết của chàng trai trẻ mơ về cô gái ôm đàn ngồi hát dưới trăng…Điều đặc biệt của Dư âm còn là bối cảnh ra đời và số phận của bài hát. Chuyện kể rằng sau khi ra đời vào năm 1950, bài hát Dư âm của nhạc Nguyễn Văn Tý bị cấm hát ở miền Bắc trong nhiều năm trời. Trái lại ở miền Nam ca khúc được phổ biến rộng rãi, nhiều ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ như Elvis’ Phương, Vũ Khanh, Tuấn Ngọc... biểu diễn.
Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xuất bản tại miền Nam trước 1975
Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại “đoạn trường” của bài hát: “Hồi đó, tình ca không được phép phổ biến vì e làm nao núng tinh thần chiến sĩ nhưng lớp trẻ vẫn chuyền nhau bài Dư âm, học thuộc và hát với nhau. Dư âm nổi tiếng ngay tuy nhiên cũng vì thế, mà tôi bị đoàn đưa ra phê bình và không những bị kiểm thảo, kỷ luật, tôi còn phải đi khắp nơi để nói chuyện “bài xích” chính bài hát của mình. Tôi có đi nhưng nói tới đâu, người ta lại cười đến đó”.
Từ một chàng trai đi hát phòng trà, Nguyễn Văn Tý rồi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Qua thời đỉnh cao của sự nghiệp, ông về hưu và sinh sống tại TP.HCM. Là nghệ sĩ nhưng Nguyễn Văn Tý cũng là người có cá tính đặc biệt. Trong những năm cuối đời, tuổi già bệnh tật khiến ông trở nên khó tính, ông hay tủi thân thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người con trong gia đình. Năm 2017, người mến mộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xôn xao khi nghe báo chí thông tin ông sống cô đơn và túng thiếu ở trong căn nhà nhỏ ở đường Trần Khát Chân. Q.1, TP.HCM. Tuy nhiên sau đó mọi người mới vỡ lẽ ra đó chỉ là biểu hiện của “tuổi già đỏng đảnh”, lúc nhớ lúc quên của ông. Trên thực tế đời sống kinh tế của ông vẫn thong dong với suất lương hưu, các khoản trợ cấp người có công và tiền tác quyền cùng sự yêu thương chăm sóc của hai người con gái ruột.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đi, để lại cho đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng nhưng có lẽ Dư âm là ca khúc đáng nhớ nhất của ông, bởi nó được sáng tác bằng cảm xúc chân thành từ trái tim về mối tình rất đẹp nhưng không có đoạn kết của ông thời trai trẻ. Có lẽ chính vì những cảm xúc chân thành tha thiết đó nên dù năm tháng trôi qua, Dư âm vẫn xao xuyến, đong đưa trong hàng triệu trái tim người yêu nhạc:
“Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung
Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng…”.
Năm 1950, tôi đang làm Trưởng đoàn Văn công. Trong kỳ nghỉ phép, một người bạn thân rủ tôi về nhà anh ấy chơi tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà anh bạn có hai người con gái: Chị 22, em 16, mà tôi hồi đó 26 tuổi. Hình như ý muốn của anh bạn là để tôi kết cô chị, cho thành anh em. Tôi gặp cô này và đôi lần trò chuyện nhưng chẳng thấy có cảm xúc gì. Một hôm, đang nói chuyện với cô ta, thì cô em đến tì cằm vào thành ghế chị ngồi, và nghiêng đầu nhìn tôi với đôi mắt đen tròn lay láy. Ôi! đôi mắt kỳ diệu hút hồn tôi …
Thấy tôi bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và ... đứng dậy bỏ đi, cô em sợ quá, cũng đi luôn. Sau đó, tôi bị gia đình này cấm liên lạc với cô em vì cô còn ít tuổi, so với tôi. Nhưng ... nhớ quá, tôi tới liều. Gia đình không cho vào nhà mà để tôi ngồi tại một góc sân.
Ngồi mãi … bất chợt thấy Hằng (tên cô em) xuất hiện với mái tóc xõa ngang vai, cô ấy vừa mới gội đầu, ra ngồi hong tóc ngoài thềm, cách tôi cái sân rộng. Cô ôm chiếc ghi ta, xoay lưng lại phía tôi, và bắt đầu gảy đàn… Cô hát khe khẽ những gì, tôi không rõ nhưng cho rằng đó là một phản ứng của cô chống lại khuôn phép gia đình và xã hội, đồng thời gửi cho tôi một thông điệp, cho nên tôi ghi nhận hình ảnh đó một cách trọn vẹn.
Tôi ra về, mang nặng trong lòng sự tan vỡ. Về đến đơn vị, đêm hôm ấy, khi mọi người đã ngủ, tôi thắp ngọn đèn dầu, ngồi trong tấm cót cuộn tròn, viết Dư âm, viết cho chính mình những điều không thể nói cùng ai, viết một mạch, không sửa chữ nào. Bản nhạc hoàn tất khi trời hừng sáng.
Hồi đó, tình ca không được phép phổ biến vì e làm nao núng tinh thần binh sĩ nhưng lớp trẻ vẫn chuyền nhau bài Dư âm, học thuộc và hát với nhau. Dư âm nổi tiếng ngay tuy nhiên cũng vì thế, mà tôi bị đoàn đưa ra phê bình và không những bị kiểm thảo, kỷ luật, tôi còn phải đi khắp nơi để nói chuyện “bài xích” chính bài hát của mình. Tôi có đi nhưng nói tới đâu, người ta lại cười đến đó.
Bài Dư âm bị cấm tại miền Bắc trong nhiều năm trời, chỉ miền Nam mới phổ biến rộng rãi. Cuối năm 1957, tôi được chỉ định làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì báo Nhân văn ra đời, rồi xảy ra vụ Nhân văn giai phẩm. Anh Lưu Hữu Phước khuyên tôi đi tránh. Tôi nghe theo và đi nghiên cứu dân ca.
Năm 1958, tức là tám năm sau cái đêm trăng ấy, có lần tình cờ tôi gặp lại Hằng nhưng lúc ấy, tôi đã lập gia đình nên phải đi nhanh qua mặt nàng, đi như chạy trốn. Đó là lần cuối cùng thấy nhau.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Nghe bài hát dư âm qua tiếng hát Elvis' Phương:
Tiểu Vũ