Con trai nhà văn Trương Đạm Thủy, anh Trương Minh Thủy thông báo tin buồn: “Nhà văn Trương Đạm Thủy đã tạ thế vào lúc 18 giờ 20 phút ngày 12.10.2021 tại Bệnh viện đã chiến quận Tân Bình, TP.HCM sau 5 ngày điều trị COVID-19.
Con trai của cố nhà văn cho biết, sau khi nhận được bình tro cốt của cha, gia đình sẽ làm lễ tang cho ông tại nhà riêng ở TP.HCM.
Trương Đạm Thủy là thành viên thứ ba của Hội Nhà văn TP.HCM qua đời vì COVID-19. Trước ông là hai nhà văn Nguyễn Quốc Trung và Trần Hữu Lục cũng mất vì đại dịch này.
Nhà văn Trương Đạm Thủy, tên thật là Trương Minh Hiếu, sinh năm 1940 tại Bến Tre, sống trong cô nhi viện từ 4 tuổi và bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1960. Ông từng đoạt giải truyện ngắn trên nhật báo Tiếng Chuông ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1960.
Nhà văn Trương Đạm Thủy cũng là người biên tập tuyển chọn thơ cho các tuần báo văn chương nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 như Lẽ sống, Chuông mai, Tia sáng...
Từ năm 1960 đến 1975 hàng loạt tác phẩm của Trương Đạm Thủy đã xuất hiện trên văn đàn miền Nam như Miền đất hồi sinh (tập truyện), Cành cây nước lũ (tiểu thuyết), Chuyện những dòng sông (tập truyện).
Sau năm 1975 ông ngừng viết một thời gian. Từ năm 1990 Trương Đạm Thủy bắt đầu cầm bút trở lại với chùm tác phẩm Không có tình yêu (tiểu thuyết), Bên kia bờ cỏ xanh (tiểu thuyết), Như lá vàng bay (tiểu thuyết) và nhiều truyện ngắn, tùy bút.
Về thơ, Trương Đạm Thủy đã xuất bản 2 tập gồm Hát xẩm giữa đêm, Hợp tuyển thơ Bến tâm hồn (2008).
Tác phẩm cuối cùng của ông là tập truyện ngắn Nước mắt tuyết (NXB CAND, 2020) gồm 15 truyện ngắn Gió bấc trở về, Bên cầu Tắm Ngựa, Tiếng mèo trong đêm, Tiếng chó sủa trăng, Ma xem hát…
Về văn chương của Trương Đạm Thủy, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan viết: “Chạm ngõ 80 năm sinh ra làm người trần gian, nhà văn Trương Đạm Thủy vẫn sống âm thầm bằng ngòi bút của mình trên nhiều lãnh vực như: báo chí, văn học (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn…). Thú vui của anh là buổi sáng ngồi vỉa hè ngắm người qua lại chuyện phím thời sự với bạn bè. Chiều và đêm là khoảng thời gian dành cho trang giấy. Làm thơ là thoáng bất chợt, còn viết văn và viết báo là sự trường kỳ, là yêu thích và say mê không có điểm dừng.
Thơ của Trương Đạm Thủy thì buồn man mác, thấm đẫm và da diết. Anh thường chỉ làm thơ khi cảm xúc bùng phát. Thơ viết cho người tình không bao giờ có, thơ viết cho một người bạn tri kỷ vừa ra đi, thơ viết cho những cơn mưa và những nỗi buồn không biết nguyên nhân.