Saxch1 cũng ghi chép nhiều nét cạnh của Hà Nội, những suy tư xoay quanh vài món ăn, chuyện xe kéo, chuyện nhảy đầm, cũng có khi là chuyện bộ com lê thời thuộc địa khiến ai nấy mặc vào ăn ảnh, có khi là chuyện một bài ca cứ nhắc ta nhớ mãi một chiếc thắt lưng xanh, cách phục sức hay tâm tình của con người đô thị Hà Nội…
Nguyễn Trương Quý từ lâu đã xác lập mình là nhà văn của Hà Nội. Ở một khía cạnh nào đó, có thể xem anh là người tiếp nối bước chân của các nhà Hà Nội học như Hoàng Đạo Thúy hay Nguyễn Vinh Phúc, dù theo một cách khác. Anh say mê ghi lại những trầm tích quá vãng cả trong đời sống vật chất lẫn thế giới tinh thần. Những ghi chép đi vào những ngách hẹp quanh co tưởng như mất hút nhưng sau cùng lại dẫn tới một bức tranh Hà Nội rộng lớn, không chỉ theo chiều không gian mà cả chiều thời gian.
Nguyễn Trương Quý từ lâu vẫn trung thành với tản văn, thể loại cho anh không gian để tung tẩy ngòi bút, tạt ngang tạt dọc. Nhưng ở những cuốn gần đây, với kiến thức tích lũy nhiều năm, tản văn của Trương Quý trở nên giàu tính khảo cứu hơn, và vì thế có một vẻ hấp dẫn mới.
Tản văn của Nguyễn Trương Quý giàu cảm xúc, nhưng không bao giờ chỉ là cảm xúc, nó là những quan sát, khảo sát, tỉ mỉ đến ngạc nhiên, những liên tưởng quá khứ và hiện tại hé lộ vốn kiến thức rộng rãi. Lối viết của Nguyễn Trương Quý thường chậm, chắc, ít màu mè trưng trổ, và luôn luôn trong rất nhiều trang viết một cái cười ý nhị phảng phất đó đây.
Hà Nội bảo thế là thường như những câu chuyện bên chén trà ngoài quán nhỏ hay mâm cơm trong gia đình, ghi chép nhiều nét cạnh của Hà Nội, những suy tư xoay quanh vài món ăn, chuyện xe kéo, chuyện nhảy đầm, cũng có khi là chuyện bộ com lê thời thuộc địa khiến ai nấy mặc vào ăn ảnh, có khi là chuyện một bài ca cứ nhắc ta nhớ mãi một chiếc thắt lưng xanh, cách phục sức hay tâm tình của con người đô thị Hà Nội… Đó chính là những mảnh ghép của Hà Nội, là bản sắc, căn tính, những đặc trưng, nho nhỏ thôi, nhưng để Hà Nội không lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Nguyễn Trương Quý hay bắt đầu với những quan sát nhỏ mà ít người để ý, tưởng như chẳng cần cho ai. Anh miêu tả, nhẩn nha, để rồi nối được một sợi dây giữa xưa và nay, cũ và mới, cho thấy những biến động của lịch sử đô thị tác động lên con người.
Như Trương Quý lý giải, người Hà Nội thích ngồi chè chén vỉa hè vì nó mang lại cảm giác khinh khoái giang hồ vặt: “Ở Hà Nội, quán nước chè và quán bia hơi giống như một sự nối dài các không gian cộng đồng. Những địa điểm này tập trung tinh thần những giai thoại “người Bắc có lý luận”, khi những người uống bia hơi và nhấp chén trà không say cồn mà say giành phần thắng trong tranh cãi.
Nết ăn ở, cách phục sức, lối đi lại, cách thưởng lãm thú vui ở đời, dường như những thứ đời thường ấy có thể gợi ra vài câu hỏi về nét tính cách cư dân cộng đồng Hà Nội. Đã có những gì “di truyền” qua chừng trăm năm trở lại đây? Đã có những gì biến cải cho phù hợp với nhịp sống hôm nay? Câu trả lời chẳng bao giờ là tuyệt đối, bởi tưởng như vừa có đáp án đã lại thấy có vô vàn nghiệm số khác.
Một đôi chuyện về thói ăn mặc hay nết người Hà Nội có thể khiến người đọc kêu lên: Cầu kỳ thế! Sự cầu kỳ đến mức tưởng như khó nhọc của một số người sống ở Hà Nội có khi nói lên một điều: họ đang tận hưởng cảm giác muốn làm một chúa trời của thế giới họ đang sống, dẫu có khi chỉ quanh quẩn vài con phố. Nhưng có hề gì, khi việc nhấm nháp cái đã qua, chứng kiến cái sắp qua và đón đợi cái sắp đến còn đầy ắp niềm hưng phấn, thì ta bảo, cảm giác ấy ở Hà Nội thế là thường!
Hà Nội bảo thế là thường cùng với nhiều cuốn sách khác của Nguyễn Trương Quý góp phần làm nên một định nghĩa về Hà Nội, cố định những giá trị, để Hà Nội dù trở nên hiện đại vẫn là một đô thị có hồn cốt riêng.