Mê văn chương
Nguyễn Thị Mỹ Châu sinh năm 1952 tại TP.HCM. Từ nhỏ bà đã học chương trình Pháp nên bà có cái tên khác là Jenny. Năm 1969, lúc 17 tuổi, Jenny định cư tại thành phố Montpellier (Pháp). Tại đây, bà học tại Đại học Paul Valerie chuyên ngành văn chương.
Bà cho biết: “Ngay từ bé tôi rất mê thơ ca và văn chương Việt Nam. Khi tiếp cận văn học Pháp, tôi như được khám phá một thế giới vô cùng lãng mạn. Tôi say mê nó. Trong các buổi học tôi luôn được chọn đọc thơ. Tôi sáng tác thơ và viết nhiều truyện ngắn nhưng chỉ giữ riêng cho mình. Đây chính là động lực để tôi theo học ngành văn chương”.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp, bà hoàn thành cử nhân văn chương Ý. Tiếp đến là hoàn thành tiến sĩ văn chương Mỹ. Từ đây, bà được mời giảng dạy văn chương Mỹ tại chính nước Mỹ 1 năm. Trong thời gian đó, bà cũng đăng ký học múa đương đại Tây phương và Nhật Bản. Lý do thích học múa vì bà cảm nhận rằng múa cũng có vẻ đẹp như văn chương vậy.
Đến một ngày, Nguyễn Thị Mỹ Châu cảm thấy bên trong bà có một sự thôi thúc mạnh mẽ đối với kịch nghệ. Bà trở về Pháp để thực hiện giấc mơ của mình. Vào năm 1983, bà đã lên Paris tham gia thi tuyển diễn viên cho một vở kịch. Bà được chọn, từ đó vừa tập kịch vừa tự tìm hiểu nghệ thuật diễn xuất.
Nhờ tâm hồn thấm đẫm vẻ đẹp văn chương và khát khao diễn xuất, Nguyễn Thị Mỹ Châu đã được mời vào nhiều vở kịch khác nhau. Hình ảnh và tên tuổi của bà thường xuyên xuất hiện trên các pano quảng cáo những vở diễn mà bà tham gia.
Từ kịch nghệ, bà được các đạo diễn điện ảnh và truyền hình quan tâm. Bà đã tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có thể kể như Le Bal des actries, Little Wenzhou, Sarah Lévy... Thậm chí bà còn được đạo diễn huyền thoại Guy Hamilton mời vào phim Try this one for size.
Nghệ sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu hóa thân vai người mẹ trong vở kịch Saigon
Thành lập đoàn kịch Việt Nam
Kể từ năm 1983, Nguyễn Thị Mỹ Châu đã được chính phủ Pháp công nhận là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Điều này được xác nhận nếu trong một giai đoạn nào đấy, số giờ lao động nghệ thuật của bà ít. Tức là khi thu nhập thấp, chính phủ Pháp sẽ tài trợ cho bà số tiền giúp bà không phải lo nghĩ về kinh tế. Chế độ này không dành cho các nghệ sĩ amateur.
Dẫu vậy, theo Mỹ Châu, bà hầu như chưa từng lĩnh lương trợ cấp dành cho nghệ sĩ bởi vì số dự án nghệ thuật mà bà tham gia rất nhiều. Từ khi bước chân vào nghệ thuật đến nay, không lúc nào bà ngơi nghỉ. Các đạo diễn đánh giá cao khả năng diễn xuất kết hợp nội tâm và biểu thị ngôn ngữ hình thể của bà. Còn bà thì xem diễn xuất là một lẽ sống bởi tin rằng khi xem kịch hay phim, khán giả được giải tỏa cảm xúc. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa.
Suốt nhiều năm sinh sống tại Pháp, bà hoài niệm ký ức tuổi thơ ở Việt Nam. Để chia sẻ điều đó, bà thành lập đoàn kịch La Granme d’or năm 1989, chuyên dựng các vở kịch lấy từ những truyện dân gian Việt Nam. Bà tập hợp các nghệ sĩ Việt kiều như huyền thoại tuồng cổ Bạch Lê, nghệ sĩ Trần Nghĩa Hiệp, Nguyễn Nhất Lý (người sau này về Việt Nam dựng kịch xiếc À ố show) và nhiều nghệ sĩ khác.
Đoàn kịch của bà dựng nhiều vở từ dân gian Việt Nam, trong đó có: Le sonye de Nam Kha, Anfil de l’eau, Le mat du Tet. Các vở diễn này thu hút lượng khán giả Việt cũng như Pháp rất đông. Đoàn kịch của bà hoạt động suốt 10 năm, được công chúng ủng hộ. Về sau, do các thành viên chủ chốt theo đuổi dự án riêng, đoàn tạm dừng hoạt động. Dẫu vậy máu nghệ thuật vẫn cuộn chảy trong huyết quản của bà. Bà tham gia các vở diễn của những đoàn kịch do người Pháp quản lý. Nhằm mở rộng hoạt động nghệ thuật, bà thành lập Le Salon des arts tại Paris từ 1999- 2015. Thời điểm này, không gian nghệ thuật của bà dùng để trình diễn kịch nghệ, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật....
Không gian nghệ thuật này chính là điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Pháp. Tại đây, bà gặp nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn, người đã từng xem bà diễn trước đó. Nữ đạo diễn này đánh giá cao tài năng của bà nên đã mời vào vở Mon grand amouer.
Nghệ sĩ Mỹ Châu và các diễn viên tham gia vở kịch Saigon của nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyen
Đây là vở kịch theo phong cách thể nghiệm đương đại rất độc đáo. Cả vở diễn chỉ có 2 diễn viên gồm 1 nam, 1 nữ. Đây là hai người yêu nhau nhưng họ quyết định chia tay nhau. Họ phải diễn thật đạt cảm xúc vừa yêu thương, vừa muốn lìa bỏ nhau. Điều đặc biệt, nữ dạo diễn dựng sân khấu mà khán giả và diễn viên gần như ở chung trong bối cảnh của một căn phòng chung cư. Khán giả ngồi gần sát diễn viên, yên lặng xem họ diễn.
Chính vì thế, diễn viên phải diễn thật tập trung và xuất thần. Vở diễn tạo tiếng vang rất lớn cho dù mỗi suất diễn chỉ bán 20 vé cho khán giả. Tài năng của Nguyễn Thị Mỹ Châu được công chúng tán thưởng.
Sống nội tâm và không màng danh vọng
Từ vở kịch đầu tiên, Caroline Guiela Nguyen đã mời bà tham gia vai bà mẹ Việt Nam có nhiều xung đột cảm xúc với đứa con trai lai Pháp trong kịch Saigon đang thành công lớn. Đây là vai diễn khó, đòi hỏi bản lĩnh của diễn viên. Bà đã làm tốt hơn cả mong đợi.
Từ thành công này, tên tuổi bà càng được công chúng biết đến nhiều hơn. Nhưng bà không quan tâm điều đó. Bà thấy được niềm vui từ bên trong tâm hồn mình chứ không phải niềm vui từ danh tiếng. Bà vui hơn khi thấy được nụ cười và nước mắt của khán giả trong mỗi lần diễn xuất. Bà biết họ đang hạnh phúc.
Bài và ảnh: Huy Nguyễn