Bà Margaret Keane đã qua đời tại nhà riêng ở Napa, bang California, Mỹ, vì một cơn đau tim. Trong sự nghiệp hội họa của mình, bà Margaret thường được biết tới với những bức tranh chân dung "mắt to". Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, những bức vẽ do bà Margaret thực hiện đã bị chồng cũ của bà đem ra quảng bá và rao bán với danh nghĩa đó là tác phẩm của chính ông này.
Sau khi hai người ly hôn, một cuộc chiến pháp lý đã nổ ra để bà Margaret có thể giành lại những gì đích thực thuộc về mình. Câu chuyện của bà Margaret đã từng được đạo diễn Tim Burton kể lại trong bộ phim điện ảnh "Big Eyes" (Mắt to - 2014). Thông tin về sự ra đi của bà Margaret đã được con gái của bà - bà Jane Swigert xác nhận với giới truyền thông.
Bà Margaret Keane có tên thật là Peggy Doris Hawkins, bà từng học chuyên ngành thiết kế tại New York, Mỹ, trước khi tìm tới hội họa hồi thập niên 1950. Bà đã thực hiện những bức chân dung "mắt to" từ trước khi gặp người chồng tương lai của mình - ông Walter Keane hồi năm 1955.
Ông Walter ấn tượng với những bức vẽ chân dung khắc họa nhân vật có đôi mắt to tròn do bà Margaret thực hiện. Sau khi kết hôn, bà thường ký tên trên tranh là Keane, nên ông dễ dàng mang những bức tranh của vợ ra ngoài giới thiệu và rao bán với danh nghĩa đó là tranh do chính ông thực hiện.
Ông Walter đã thuyết phục được bà Margaret tin rằng cách ông đang làm đưa lại lợi ích cho cả hai người. Đến thập niên 1960, những bức tranh của bà Margaret đã rất được yêu thích và được nhiều ngôi sao sưu tầm.
Thực tế, những bức tranh của bà Margaret không được giới hội họa đánh giá cao, thậm chí, những bức tranh này còn phải hứng chịu nhiều tranh cãi, chỉ trích vì cho rằng quá nhàm, na ná nhau, vô nghĩa, vô vị...
Khi tranh của bà Margaret được đem trưng bày tại một số triển lãm, đã có những phản ứng dữ dội xảy ra trong giới chuyên môn và có những người yêu cầu phải gỡ bỏ tranh của bà vì không xứng đáng được trưng bày như một tác phẩm hội họa.
Vì mọi người vẫn tưởng đó là tranh do chồng bà thực hiện, nên bà Margaret đã âm thầm sống trong đau khổ trước những phản ứng của giới chuyên môn, dù tranh bà được thị trường đón nhận.
Ông Walter và bà Margaret ly hôn năm 1965, sau đó, bà tuyên bố mình mới là tác giả đích thực của các bức chân dung "mắt to". Đến năm 1986, bà quyết định kiện ông Walter ra tòa do ông này vẫn ngoan cố khẳng định mình là tác giả đích thực của các bức tranh "mắt to".
Sau cùng, bà Margaret giành chiến thắng trong vụ kiện vì bà có thể thực hiện những bức chân dung "mắt to" ngay trước tòa, còn chồng cũ của bà thì không. Ông Walter buộc phải bồi thường cho bà Margaret 4 triệu USD, nhưng vì khi đó, ông đã bị phá sản, nên bà không bao giờ nhận được khoản tiền này.
Cú lừa lớn nhất trong lịch sử hội họa
Ông Walter Keane (1915 - 2000) từng được xem là một trong những họa sĩ ăn khách nhất tại Mỹ hồi thập niên 1950. Ông Walter từng khẳng định rằng ông được truyền cảm hứng để vẽ nên những bức tranh khắc họa những em bé có đôi mắt mở to, sau khi ông gặp những đứa trẻ sống trên đường phố Berlin (Đức) thời kỳ hậu chiến.
"Trong ánh mắt của những đứa trẻ đó ánh lên những câu hỏi và câu trả lời dành cho cả nhân loại. Tôi muốn mọi người đều biết tới những đôi mắt đó, tôi muốn những bức tranh của mình chạm tới trái tim của mọi người, khiến họ đồng lòng nhận ra rằng chúng ta cần phải hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn", ông Walter đã từng chia sẻ như vậy.
Ông cũng luôn lặp đi lặp lại câu nói "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn" để giải thích vì sao các nhân vật trong tranh chân dung của ông luôn có đôi mắt to tròn giàu biểu cảm.
Kỳ thực, đối với ông Walter, đôi mắt còn là cửa sổ gia tài. Hồi thập niên 1950 - 1960, ông Walter là họa sĩ có số lượng tranh bán chạy hàng đầu tại Mỹ, những bức tranh sơn dầu khắc họa những đứa trẻ với vẻ mặt buồn bã và đôi mắt mở to xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Những ngôi sao Hollywood nổi tiếng thời bấy giờ như Joan Crawford, Natalie Wood, Kim Novak… không chỉ thích thú sưu tầm tranh của Walter Keane mà còn đặt hàng ông vẽ chân dung họ theo phong cách "mắt to".
Thuở đó, những bức chân dung "mắt to" của ông Walter còn được so sánh với... bức "Mona Lisa", vì tính chất ám ảnh của những đôi mắt đối với người xem. Dù các chuyên gia phê bình hội họa không đánh giá cao tranh của Walter, nhưng điều đó chẳng thể ảnh hưởng tới thực tế là tranh ông bán rất chạy.
Không mệt mỏi đánh bóng hình ảnh bản thân trước công chúng, ông Walter được xem là họa sĩ ngôi sao. Thời đó, mỗi bức tranh của Walter có giá lên tới 50.000 USD (gần 1,2 tỷ đồng), ông trở thành một hiện tượng trong giới mỹ thuật về khả năng kiếm tiền.
Nhưng có một vấn đề là Walter chưa từng... vẽ nổi một bức tranh. Thực tế, Walter đã cùng vợ tạo nên một cú lừa ngoạn mục trong giới hội họa Mỹ.
Tác giả đứng sau những bức tranh làm nên tên tuổi của Walter chính là người vợ của ông - bà Margaret Keane - người luôn tránh mặt truyền thông, âm thầm vẽ nên những bức tranh làm nên danh tiếng và đem về tiền tài cho chồng. Cuối cùng, đến năm 1970, 5 năm sau khi ly hôn, bà Margaret quyết định nói ra sự thật đằng sau một "hiện tượng mỹ thuật" đình đám thời bấy giờ.
Trước tòa, có những lần bà Margaret và ông Walter đã được yêu cầu cùng vẽ tranh chân dung "mắt to", nhằm chứng minh ai mới là tác giả thực sự của những bức chân dung đang vướng vào tranh chấp. Lần nào bà Margaret cũng hoàn thành bức vẽ ngay trước tòa, còn ông Walter thì luôn từ chối vẽ vì những lý do khác nhau.
Ông Walter đã qua đời hồi năm 2000, thọ 85 tuổi. Bà Margaret vừa qua đời trong tháng 6 này, thọ 94 tuổi. Về phần ông Walter, quả thực, ông từng có thời theo học mỹ thuật ở Paris (Pháp) hồi thập niên 1940 và cũng từng tới thăm thành phố Berlin (Đức) thời hậu chiến. Chỉ có điều, ông không phải tác giả của những bức chân dung "mắt to".
Về bà Margaret, bà đã vẽ hình ảnh những đứa trẻ mắt to từ khi bà còn là một cô bé nhút nhát lớn lên ở bang Tennessee (Mỹ). Lý giải về việc bà hay khắc họa những đứa trẻ có đôi mắt mở to buồn bã, bà Margaret từng cho biết đó chính là hình ảnh phản chiếu nội tâm của chính bà.
Sau khi kết hôn, bà Margaret luôn ký tên trên tranh là Keane, nên ông Walter dễ dàng bán được tranh và nói dối khách hàng rằng chính ông là tác giả của tranh. Bà Margaret biết chuyện này sau 2 năm chung sống trong hôn nhân, nhưng bà bị chồng dùng lý lẽ thuyết phục và quyết định giữ im lặng. Sau đó, ông Walter đã cố gắng học cách vẽ của Margaret nhưng không thể.
Khi tranh càng lúc càng bán chạy, bà Margaret có thời điểm buộc phải cặm cụi vẽ tới 16 tiếng một ngày để đáp ứng kịp các đơn hàng, trong khi đó, chồng bà thoải mái tận hưởng cuộc sống giàu sang, được mọi người biết đến và ông bắt đầu ngoại tình.
Ngay cả những người giúp việc trong nhà cũng không biết Margaret là tác giả của những bức tranh, bởi mỗi khi bà vẽ, cửa phòng luôn được khóa lại để đảm bảo không ai có thể biết sự thật rằng bà mới là tác giả của những bức tranh.
Trong khi vui chơi ở ngoài, ông Walter vẫn không quên "nhiệm vụ", ông thường xuyên gọi điện về nhà nhắc bà Margaret tích cực vẽ tranh. Bà Margaret cảm thấy hoàn cảnh của mình quá tệ hại.
Cuối cùng, năm 1965, bà Margaret quyết định ly hôn. Năm 1970, bà quyết định công khai bí mật đằng sau loạt tranh "mắt to". Ông Walter sau đó rời khỏi nước Mỹ, sang Châu Âu sinh sống để lảng tránh dư luận.