Trong cuộc sống, những người lười biếng thường không được đánh giá cao, đặc biệt là khi không ít triệu phú và tỷ phú tự thân thành công nhất thế giới lại là người vô cùng chăm chỉ.
Người sáng lập tập đoàn Virgin - tỷ phú Richard Branson, hay thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày. Ông luyện tập, ăn sáng với gia đình, đọc tin tức, trả lời email, tham gia các cuộc họp cùng nhiều công việc khác, từ sáng sớm đến 11 giờ tối.
Trong khi đó, người lười bị coi là kém thông minh và thành công hơn. Thế nhưng, khoa học đã phát hiện ra rằng lười biếng có thể là một dấu hiệu của thông minh.
Dữ liệu cho thấy những người có chỉ số IQ cao ít rơi vào cảnh dễ bị buồn chán. Điều này khiến họ ít hoạt động hơn và dành nhiều thời gian để suy nghĩ. Như vậy, có thể nói rằng họ "lười biếng" hơn.
Trong khi đó, nhóm hoạt động tay chân nhiều rất dễ thấy nhàm chán khi phải ngồi yên. Vì thế, họ kích thích trí óc bằng những việc như chơi thể thao hay hoạt động thể chất khác.
Theo các nhà khoa học, có khả năng rằng những thứ chúng ta cho là lười biếng thực sự lại không phải dấu hiệu của nó. Vậy nên, tất cả chỉ là cách chúng ta nhìn nhận về khái niệm lười biếng.
Một trong những câu nói nổi tiếng của tỷ phú Bill Gates là: "Tôi luôn chọn người lười để làm việc khó bởi họ sẽ tìm ra cách dễ nhất để làm điều đó". Bản thân Bill Gates có thể không lười biếng nhưng chắc chắn ông ấy hiểu giá trị thực sự của sự lười biếng.
Có lẽ kiểu lười biếng mà Bill Gates nhắc đến không phải là ngồi chơi cả ngày, không làm gì cả mà là chủ động, nhanh chóng giải quyết vấn đề. Việc thuê người lười không phải là ý tưởng quá tồi bởi họ có thể là những nhà tư tưởng chiến lược với lối tắt hay cách giải quyết thông minh, tiết kiệm thời gian cũng như đóng góp ý tưởng sáng tạo cho công ty.
Thậm chí một giám đốc còn nói rằng nhân viên lười biếng là tài sản quý giá nhất trong công ty của mình. Đây là kiểu người có thể giúp doanh nghiệp phát triển bởi họ tìm ra cách nhanh nhất, đơn giản nhất để hoàn thành công việc phức tạp.
Michael Lewis, tác giả của hai cuốn sách bán chạy nổi tiếng "Moneyball" và "The Big Short", không cảm thấy có vấn đề gì khi bị gọi là lười biếng. Ông thậm chí còn nói rằng phần lớn thành công của mình là do lười biếng.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ: "Sự lười biếng của tôi đóng vai trò như một bộ lọc. Một thứ gì đó cần phải thực sự tốt, vượt qua được bộ lọc thì tôi mới quyết định bắt tay vào thực hiện". Điều này có thể gọi là sự lười biếng "giả tạo".
Trò chơi điện tử là một ví dụ khác về lười biếng "giả tạo". Nó thường được coi là hoạt động không cần trí óc được hầu hết người lười yêu thích. Nhưng bất kỳ ai đã từng chơi Fortnite đều biết rằng nó đòi hỏi một lượng lớn tư duy chiến lược và khả năng giải quyết vấn đề.
Elon Musk là người rất thích chơi game nhưng ông không phải kẻ lười biếng khi làm việc tới 100 giờ/tuần và không nghỉ phép trong nhiều năm. Chỉ số thông minh của tỷ phú này cũng thuộc dạng "đáng gờm". Hay hai ông trùm công nghệ Mark Zuckerberg và Larry Page cũng thích chơi game đồng thời là những người cực kỳ thông minh và thành công.
Nguồn: CNBC
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị