TP.HCM công bố tình trạng bình thường mới, từng bước mở cửa giúp cho hoạt động nghệ thuật được tái khởi động. Tuy nhiên, thực tế chỉ những nghệ sĩ tham gia các dự án phim truyền hình, gameshow hay talkshow truyền hình, webdrama có cơ hội hoạt động. Còn các loại hình phim màn ảnh rộng, sân khấu cải lương, sân khấu kịch, sân khấu và phòng trà ca nhạc vẫn “án binh bất động”.
Vừa làm vừa lo
Mấy ngày qua, nhiều nghệ sĩ mừng vui báo tin rằng họ đã được trở lại nghề sau 5 tháng nằm nhà tránh dịch. Thông tin này khiến nhiều người lạc quan trước dấu hiệu hồi sinh của toàn xã hội nói chung và của lĩnh vực giải trí nói riêng.
Hãng phim Xuân Phước của đạo diễn Xuân Phước đã bắt đầu khai máy. Quốc Thịnh, một diễn viên kiêm tác giả quen thuộc của đài truyền hình HTV cũng đã bắt đầu tất bật với vai trò diễn viên, biên kịch cho các dự án kịch truyền hình. Theo Quốc Thịnh, việc xa rời ánh đèn sân khấu và ánh sáng trường quay quá lâu khiến anh buồn đến rã rời. Một điều chẳng kém phần quan trọng, khi đã sử dụng đến những đồng tiền dành dụm cuối cùng, việc được quay lại với nghề là một niềm vui không thể miêu tả bằng lời với một diễn viên không dư giả vật chất như Thịnh.
MC Cát Tường cũng liên tục chia sẻ thông tin đang làm việc trên phim trường gameshow. Nghệ sĩ Hoàng Mập, ông chủ hãng phim Hoàng Thần Tài đang gấp rút hoàn thành bộ phim Hoàng Hạc Lâu bị tạm ngưng vì dịch, để chuẩn bị bấm máy bộ phim truyền hình mới. NSƯT Trịnh Kim Chi chia sẻ về vai diễn mới trong vở kịch truyền hình Ông ấy là ba tôi sẽ được phát sóng trên HTV. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tập hợp anh em nghệ sĩ bắt đầu tập tuồng mới.
Được làm việc sau nhiều tháng ngày giãn cách thì ai nấy đều rất vui, hồ hởi, nhưng làm việc trong tình trạng dịch bệnh hãy còn đe dọa quả thật cũng khiến mọi người "vừa làm vừa lo".
Tất cả các diễn viên bắt buộc phải được tiêm 2 mũi vắc xin. Tại đài truyền hình, và nhiều phim trường, toàn bộ ê-kíp chương trình được test nhanh. Ai âm tính thì vào làm việc, ai dương tính thì đi bệnh viện. Để đề phòng việc mất người giữa chừng, có đạo diễn quy định quay liên tục trong 5 ngày là hoàn tất một chương trình. Các nhà sản xuất phim truyền hình phải thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau cũng quy định tương tự như thế.
Nhìn chung, các yêu cầu về sức khỏe có linh hoạt với hoàn cảnh, chứ chẳng có gì là chắc chắn, và xảy ra nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Như NSƯT Cát Tường đến phim trường quay gameshow. Chị test nhanh âm tính nên vô hậu trường chờ trang điểm. Chuyên viên make up đến sau, test nhanh tại phòng bảo vệ, kết quả bị 2 vạch (dương tính). Thế là tiến độ công việc bị ảnh hưởng. Nghệ sĩ vốn ham vui, mê diễn nhưng rõ ràng việc có người chẳng may bị nhiễm COVID-19 cũng khiến cả ekip hồi hộp, âu lo. Và tất nhiên, những cảnh ôm hôn, tình tứ cũng phải được lùi về sau.
An toàn là trên hết
Đến giờ, khi dịch bệnh vẫn còn là một nỗi lo, tái bùng phát ở nhiều quốc gia, hệ thống rạp tại TP.HCM chưa biết đến khi nào mới mở cửa phục vụ khán giả. Tất nhiên, các nhà sản xuất phim màn ảnh rộng lệ thuộc vào hệ thống rạp chiếu nên cũng chưa làm gì ngoài việc phải chờ đợi. Nếu hiện tại, các nhà sản xuất tiến hành làm phim, không có rạp chiếu thì tiền đầu tư đổ sông đổ biển. Hay thậm chí, thời gian chiếu trì hoãn quá lâu, khả năng thu hồi vốn hoàn toàn bất khả thi. Một số phim đã hoàn thành, thông báo sẽ ra rạp vào tháng 12.2021 nhưng lịch chiếu vẫn kèm theo hai chữ “dự kiến” vì còn tùy vào diễn biến dịch bệnh.
Có thể nói rằng, trong giới nghệ sĩ phía Nam, nghệ sĩ cải lương và thoại kịch là những người đam mê nhất. Vì rằng trong lúc chưa có dịch bệnh khán giả mua vé xem kịch và cải lương không đông bằng xem phim hay các hoạt động giải trí khác. Nhiều ông bà bầu phải chạy vạy đủ đường để có tiền nuôi sân khấu. Nhiều diễn viên phải chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online, bán quán ăn để “có thực mà vực đạo”. Dẫu vậy, họ vẫn cố gắng cho sân khấu sáng đèn, để mỗi tuần được thấy số khán giả ít ỏi, và được khóc cười với nhân vật.
Dịch bệnh khiến cho việc tập trung đông người trở thành nguy cơ lây lan, sân khấu đóng cửa để giữ an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Giờ đây, khi thành phố công bố bình thường mới, mọi loại hình sân khấu đều chưa được hoạt động. Một ít nghệ sĩ sân khấu được mời talkshow hay gameshow còn có đất sống, phần lớn là tiếp tục làm nghề khác mưu sinh, hoặc bó gối chờ đợi. Ngay cả sân khấu Hoàng Thái Thanh công bố mở lò đào tạo diễn xuất, lấy tạm mốc thời gian là tháng 12.2021 khai giảng, nhưng vẫn "thòng" thêm một thông tin phụ, "nếu đến đó (thời gian) thành phố vẫn chưa hết dịch sẽ thông báo lại".
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dù tập tuồng mới nhưng chưa biết khi nào công diễn. Toàn bộ các đoàn cải lương tư nhân thì vẫn im hơi lặng tiếng chờ thông báo của chính quyền thành phố. Ca sĩ là nhóm nghệ sĩ hoạt động mạnh mẽ nhất, hiện tại, cũng phải chờ đợi. Một vài ca sĩ linh động tham gia các mạng xã hội, tại đó, họ sẽ hát tặng khán giả qua hình thức online. Đó là cách mà họ vẫn giữ lửa với nghề trong khi chờ đợi trạng thái bình thường thật sự. Thế nên nhiều nghệ sĩ chưa được làm nghề thấy buồn vô cùng.
Dẫu vậy, bản thân họ cũng biết rằng sức khỏe là quan trọng nhất, đặc biệt, trong mùa dịch vừa qua có quá nhiều đồng nghiệp đã ra đi. Dù ‘khóc thầm” nhưng họ vẫn chấp nhận vì có muốn diễn vẫn không có cách gì khác tốt hơn.