Ông Trần Định (tên thật là Trần Công Thành), hiện là Chủ nhiệm CLB Ảo thuật TP.HCM, Trưởng đoàn chỉ đạo Nghệ thuật Xiếc - Ảo thuật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Đợt phong tặng lần này, có 299 người được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, trao vào ngày 29.8. Nhưng tính đến nay, trong lĩnh vực xiếc - ảo thuật, ông Trần Định mới là nghệ sĩ thứ 6 được nhận danh hiệu này, sau hơn 50 năm theo nghề.
Gia đình ông Trần Định cả 3 đời đều làm nghệ thuật (cha mẹ ông Định là cặp đôi nghệ sĩ xiếc Trần Lực - Lê Hoa), và trước năm 1986, ông từng công tác tại đoàn Xiếc Hậu Giang (TP.Cần Thơ hiện nay). Các con ông hiện cũng tham gia biểu diễn xiếc và ảo thuật.
“Tôi xin cảm ơn lãnh đạo, anh em nghệ sĩ và khán giả trong toàn quốc đã ủng hộ, thương mến trong thời gian qua. Mong muốn của tôi là lớp trẻ sẽ mang xiếc - ảo thuật Việt Nam đi xa hơn, ra nước ngoài nhiều hơn, điều mà thế hệ chúng tôi chưa làm được”, nghệ sĩ Trần Định cho biết.
Theo ông, trong các bộ môn nghệ thuật, thì xiếc - ảo thuật được coi là vất vả nhất. “Đơn cử, là vấn đề tai nạn nghề nghiệp, vì chúng tôi phải tập luyện và biểu diễn với dao, chông, mũi tên, độ cao... và chỉ cần sơ ý thì chấn thương ngay.
Ví dụ, màn biểu diễn đu bay, do thiếu thốn về dụng cụ nên anh em trong đoàn phải biểu diễn mà không có lưới hứng, phải tính toán làm sao để từ chỗ chiếc đu này phải nắm bằng được chiếc đu kia, tuột tay là rớt xuống chấn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi gặp những chấn thương nhỏ hàng ngày, lâu lâu thì gãy tay, gãy chân...”, ông nói.
Tính đến nay, ông đã dàn dựng hàng trăm tiết mục xiếc - ảo thuật để biểu diễn và chỉ dạy lại cho con cháu, cho học trò, không hề giấu nghề. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn hiện nay là lớp trẻ ít đam mê lĩnh vực này. “Tôi lo lắng nhất là việc làm sao đào tạo lớp trẻ theo nghề có đam mê, có hoài bão.
Cũng khó khăn như một số bộ môn nghệ thuật khác, xiếc - ảo thuật hiện tại có rất ít nơi đào tạo bài bản và chủ yếu là anh em tự học. Nhiều em có năng khiếu rất tốt cũng chỉ biết mở Youtube lên học theo các tiết mục nước ngoài, hoặc đến các đoàn xin học việc, đạo cụ thì mày mò mua trên mạng hoặc tự làm…”, ông cho biết.
Hiện, ông vẫn nhận dạy học trò thường xuyên với mong muốn truyền nghề cho những người đi sau. Và năm trước, ông đã về Cần Thơ mở quán ăn Cô Ba Còi tại cồn Khương, để kiếm thêm thu nhập, yên tâm theo đuổi nghề nghiệp mà mình đam mê.
Nguyễn Hồ