Bài viết có tiết lộ nội dung phim.
Sau một tuần ra rạp, Thưa mẹ con đi đã trở thành phim LGBT Việt nhận được nhiều thiện cảm nhất của khán giả từ trước đến nay bất chấp vẫn có không ít khuyết điểm.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh không hề sử dụng cảnh nóng hay các câu chuyện bên lề để thu hút sự chú ý cho đứa con tinh thần của mình. Thay vào đó, Thưa mẹ con đi tập trung khai thác mối quan hệ giữa các thành viên trong đại gia đình của Văn. Nếu nói đây là phim gia đình có yếu tố đồng tính thì cũng hoàn toàn hợp lý.
Nhân vật bà Hạnh do Hồng Đào thủ vai được đánh giá rất cao - Ảnh: CGV
Thông điệp chính của Thưa mẹ con đi là tầm quan trọng của sự chấp thuận từ phụ huynh dành cho con cái LGBT – cụ thể ở đây là bà Hạnh. Cách xử lý cảnh Văn công khai đồng tính của biên kịch cũng rất nhẹ nhàng, tinh tế và bám sát thực tế. Nó không quá bi kịch, mang tính tượng trưng nhưng đủ để khán giả tự vẽ ra một tương lai tươi sáng hơn cho những người trong cuộc.
Bên cạnh đó, hình ảnh người đồng tính trong phim không bị “làm lố” hay “khoe da thịt” quá nhiều dẫn đến ngộ nhận. Văn và Ian giống như những cậu con trai dị tính khác, chỉ có điểm khác biệt duy nhất là thích người cùng giới mà thôi.
Nhờ vào những điều kể trên, Thưa mẹ con đi đã nhanh chóng được nhiều người đồng tính Việt đánh giá là cơ hội tốt để công khai với cha mẹ. Bằng chứng là hình ảnh con dẫn cha/mẹ đi xem phim xuất hiện rất nhiều tại các suất chiếu của Thưa mẹ con đi trong vài ngày gần đây.
L.T.H (28 tuổi) có hoàn cảnh rất giống với Văn. Sinh sống tại Hà Nội, anh là người đồng tính, cháu đích tôn trong một đại gia đình nhưng chưa chính thức công khai với mẹ. “Sau khi xem trailer, tôi đã nhận ra ‘Thưa mẹ con đi’ là một cơ hội quý giá. Cuối tuần trước, trùng hợp cả tôi và mẹ đều nghỉ làm cho nên đã đánh liều hỏi mẹ đi xem. Mẹ đồng ý dù không biết sẽ xem phim gì”, anh chia sẻ với phóng viên báo Một Thế Giới.
“Tôi mừng là phim nhẹ nhàng, không lên gân, không quá bi kịch hay cao trào bị đẩy lên quá mức. Do đó, tôi dễ thở hơn và cảm thấy tự nhiên khi xem. Tôi nắm tay mẹ suốt, và bà cũng dần đoán được ý đồ của tôi. Mẹ đã khóc và tôi thỉnh thoảng lấy khăn giấy lau nước mắt cho bà. Hết phim, tôi không chịu nổi nữa cho nên đã ôm mẹ, khóc thành tiếng và thổ lộ hết tâm tư.
Trong sự bất ngờ của tôi, mẹ đã an ủi tôi và nói: ‘Không sao đâu con, chuyện này bình thường mà’. Tuy nhiên, mẹ hi vọng bản thân sẽ không giống như nhân vật bà Hạnh của Hồng Đào. Không dừng lại ở đó, mẹ còn nhẹ nhàng bảo: ‘Sau này con phải tìm một người bạn để chia sẻ cùng con. Con không được ở một mình con ạ. Nhất định phải sống hạnh phúc’. Tôi đã sững người, khó chấp nhận thứ mà mình đang nhận được. Cảm xúc lâng lâng vì hạnh phúc vẫn còn duy trì tới tận hôm nay.
A L.T.H đã nắm tay mẹ suốt 90 phút phim - Ảnh: NVCC
Tôi thực sự biết ơn đoàn làm phim và nhà sản xuất. Nhiều người nhận xét ‘Thưa mẹ con đi’ không có cao trào hay người mẹ dễ chấp nhận quá. Cá nhân tôi thì cho rằng phim vừa vặn. Cuộc sống thực tế đã có đủ áp lực rồi. Bộ phim mang đến thứ cảm xúc tích cực cùng thông điệp ý nghĩa là quá tốt. Giống như năm ngoái tôi xem ‘Love, Simon’ vậy”, L.T.H chia sẻ.
T.M.H (31 tuổi) – một người đồng tính nam sống tại Sài Gòn – cho biết: “Tôi chưa bao giờ công khai dù mẹ tất nhiên có nghi ngờ do đã qua 30 tuổi mà tôi chưa có lấy một người bạn gái. Sau khi biết ‘Thưa mẹ con đi’ không có cảnh nóng, người đồng tính không bị xây dựng ‘lố’ hay cố tình gây cười, tôi đã quyết định đưa bà đi xem. Tới rạp, tay tôi đầy mồ hôi và phân vân không biết đây có phải là một quyết định đúng đắn hay không. Suốt 90 phút phim, tôi thường xuyên quan sát thái độ của mẹ - một người phụ nữ U60 đang coi phim đồng tính. Bà im lặng, mãi cho đến khi về nhà thì mới bất chợt nói: ‘Mẹ hiểu rồi. Thật ra mẹ biết lâu rồi, chỉ không nói ra thôi. Con cứ sống theo ý mình, miễn đừng hại ai là được. Con hạnh phúc là mẹ vui rồi’. Biết gì không? Với tôi, vậy là quá đủ. Và tôi đã ôm chân mẹ khóc – như những gì Văn đã làm”.
Trên facebook, cũng có nhiều người cho biết họ đã dẫn phụ huynh đi xem Thưa mẹ con đi và kết quả hầu hết đều vượt kỳ vọng.
Ảnh chụp màn hình
Thiết nghĩ, dòng phim LGBT Việt cần thêm những tác phẩm như Thưa mẹ con đi. Bên cạnh tính giải trí, nó còn làm tăng sự hiện diện một cách tính cực của cộng đồng LGBT trên màn ảnh rộng và góp phần khắc hoạ cuộc sống đời thường cũng như tâm tư nguyện vọng của họ.
Thưa mẹ con đi hiện đang được trình chiếu rộng rãi trên toàn quốc.
Mai Thảo