01
Một vị phó giám đốc từng chia sẻ câu chuyện của mình:
Năm 30 tuổi, cô làm việc cho một công ty truyền thông với vai trò phó giám đốc điều hành. Cô chịu trách nhiệm đẩy mạnh mảng quảng cáo và tài trợ cho công ty.
Một lần, cô gặp phải một khách hàng khó tính, đồng thời là khách hàng quan trọng nhất. Để nhận được sự hợp tác của vị khách, cô thường xuyên thức đêm, phấn đấu hoàn thành bản thảo gửi khách hàng một cách hoàn hảo. Nhưng sau khi bản thảo được gửi đi gửi lại nhiều lần nhưng khách hàng vẫn không hài lòng, cô cảm thấy bất bình và tức giận. Trong một cuộc họp với khách hàng, vị giám đốc không kiềm chế được cơn tức giận và cảm giác tủi nhục. Cô đập bàn và hét lên: “Nếu quý vị không hài lòng với chúng tôi thì có thể tìm người khác".
Kết quả là sau khi khách hàng nghe thấy điều này, anh ta ngay lập tức chấm dứt việc hợp tác và đứng dậy rời đi. Sau đó, cấp trên đã gọi vị phó giám đốc lên văn phòng để buộc cô phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Đối phương cho rằng sự “non nớt” của cô đã gây ra tổn thất lớn cho công ty.
Vì một lần lỡ bộc lộ cảm xúc tiêu cực mà vị phó giám đốc không những bị trừ tiền thưởng cuối năm mà còn bị giáng chức, giảm lương.
Trên thực tế, người bình thường như chúng ta thường dễ gặp nhiều khó khăn khác nhau. Đặc biệt là sau tuổi 30, khi áp lực cuộc sống đè nặng, con người dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, khiến tâm trạng trở nên tồi tệ.
Nếu bạn còn luôn để năng lượng tiêu cực chi phối con người thì rất nhanh chóng, bạn sẽ phải trả giá đắt.
Nếu gặp phải một khó khăn nhỏ, bạn sẽ hành động bốc đồng và mù quáng bộc lộ sự bất mãn của mình. Điều đó khiến bạn không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm xung đột trở nên trầm trọng hơn.
Theo thời gian, cuộc sống của bạn sẽ tràn ngập đủ loại rắc rối, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và cản trở con đường tài chính trong tương lai. Cảm xúc không ổn định là trở ngại lớn nhất của người trưởng thành trong việc kiếm tiền.
02
Nhà văn Lý Việt từng có thời gian làm việc vất vả. Anh thường xuyên phải làm thêm đến 2 giờ sáng, mệt mỏi đến mức anh chỉ cần nằm lên giường là đi ngủ luôn mà không kịp tắm. Thế nhưng khi anh vừa chuẩn bị nghỉ ngơi, sếp bất ngờ gửi tin nhắn nói rằng gần đây Lý Việt đã không còn đủ tập trung cho công việc.
Lý Việt rất tức giận và ngay lập tức đứng dậy nhắn tin trả lời sếp. Trong tin nhắn định gửi đi, anh miêu tả hàng ngày bản thân phải vất vả như thế nào, anh đã làm việc chăm chỉ ra sao. Viết xong tin nhắn, anh chợt bình tĩnh lại. Lý Việt bắt đầu tự hỏi: Những lời này nói ra có hiệu quả không? Chúng có thể giúp mình thay đổi tình hình hiện tại không?.
Sau khi suy nghĩ một chút, Lý Nhạc cuối cùng chọn xóa hết tin nhắn. Anh chỉ trả lời sếp đúng 1 câu: “Tôi sẽ sớm sửa đổi". Sau đó, anh bắt đầu suy ngẫm về những vấn đề của mình và tìm cách cải thiện. Chẳng bao lâu sau, anh được sếp đánh giá rất cao trong kỳ họp định kỳ. Không chỉ năng lực chuyên môn mà lương của anh đều tăng gấp đôi.
Trong cuốn sách của mình, nhà kinh doanh Inamori Kazuo từng nói: “Đừng giữ những cảm xúc không cần thiết khi nói đến thành công. Lúc này, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là phải hoàn thành công việc trước tiên".
Cảm xúc là cảm xúc. Hành động mới là thứ khiến bạn đi về phía trước.
Khi trưởng thành, nếu bạn cứ cho mình thêm 1 phút đắm chìm trong vũng lầy cảm xúc là tự bớt đi một phút để giải quyết các vấn đề thực tế. Chỉ bằng cách tự cân bằng cảm xúc cá nhân, loại bỏ sự can thiệp của năng lượng tiêu cực, bạn mới có thể làm tốt công việc và kiếm được nhiều tiền.
03
Ông Trương Nhất Minh, người sáng lập Byte Dance từng nói: “Bất kể bạn làm gì, trạng thái tập trung và hiệu quả nhất là khi bạn không quá phấn khích cũng không quá chán nản.” Những người thành công không phải họ không có cảm xúc. Mà họ hiểu rằng kết quả quan trọng hơn cảm xúc cá nhân.
Tôi từng biết câu chuyện về một anh bạn theo nghề nhiếp ảnh. Thời gian đầu sự nghiệp, đồng lương của anh và các bạn đồng nghiệp rất thấp. Nhiều đồng nghiệp bắt đầu sốt ruột. Họ thường phàn nàn về môi trường lao động, lo lắng về tương lai và bơ phờ khi làm việc.
Nhưng bạn tôi thì khác. Cấp trên giao nhiệm vụ, dù công việc có khó khăn, mệt mỏi đến đâu thì anh cũng không bao giờ phàn nàn mà chỉ làm việc chăm chỉ. Khi bị cấp trên chỉ trích, anh không bao giờ lập tức tranh cãi hay bác bỏ mà có những điều chỉnh kịp thời. Trong khi những người khác đang thở dài thì anh vẫn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Khi đó, nhiều đồng nghiệp còn gọi đùa anh là “người máy vô cảm”.
Sau vài năm như vậy, một số đồng nghiệp không chịu nổi mà bỏ về quê hương. Có một số khác than phiền và chật vật với công việc. Chỉ có người bạn này là một trong số ít hiếm hoi được tăng lương và thăng chức. Dù có làm gì đi chăng nữa, anh ấy vẫn duy trì cảm xúc vô cảm, tập trung vào việc tiến về phía trước. Điều này cho phép anh ấy đạt được một cuộc lội ngược dòng trong cuộc sống.
Tôi rất đồng ý với câu này: Nếu một người không có nhiều cảm xúc lẫn lộn thì sẽ không có điểm yếu nào.
Khi bạn không còn bị điều khiển bởi chuỗi cảm xúc vô nghĩa thì những thất vọng, áp lực của hiện thực sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Càng trưởng thành, bạn càng sống dửng dưng hơn một chút thì càng có thể chịu đựng được mọi sự rèn luyện và đau đớn của cuộc đời. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể chạm tới mức phát triển nhanh nhất và gặt hái được thu nhập cao hơn.
Theo Toutiao