Nếu Rùa và Thỏ tái đấu, Rùa vẫn có thể là người thắng cuộc, tại sao?

08/06/2019 08:30
Nếu Rùa và Thỏ tái đấu, Rùa vẫn có thể là người thắng cuộc, tại sao?

Câu chuyện thành công giữa thị trường cạnh tranh không còn là vấn đề coi thường đối thủ hay lơ là ham chơi nữa, chính vì vậy, cho dù chạy đua một lần nữa, Thỏ vẫn là người thua cuộc.

Nguyên tắc 1. Kẻ mạnh là kẻ sống sót

Trong sa mạc có mẹ cáo nuôi sống đàn con. Khi đám cáo nhỏ lớn dần và có thể tự mình săn mồi, cáo mẹ đã đuổi hết chúng đi. Các chú cáo nhỏ lưu luyến không muốn rời mẹ nhưng mẹ cáo kiên quyết vừa cắn vừa đuổi. Đặc biệt, trong số chúng có một chú cáo con bị chột mắt. Tuy vậy, mẹ cáo không giúp đỡ hay thương tiếc nó chút nào.

Không ai có thể nuôi mình cả đời, vì thế, giống như những chú cáo con, chúng buộc phải trưởng thành và lớn lên từng ngày, học cách tự lập nuôi sống bản thân. Chỉ có độc lập nuôi dưỡng tinh thần tự chịu trách nhiệm cho bản thân mới là con đường duy nhất để chúng ta dần rèn luyện bản lĩnh.

Thương trường cũng giống như thiên nhiên vậy, lựa chọn quyết định số mạng, và kẻ mạnh mới là kẻ sống sót.

Nguyên tắc 2. Chạy nhanh không bằng chạy đúng đường

Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn Rùa, Thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua.

Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, giành chiến thắng. Khi Thỏ giật mình tỉnh giấc thì nhận ra rằng nó đã bị thua.

 Nếu Rùa và Thỏ tái đấu, Rùa vẫn có thể là người thắng cuộc, tại sao?: Câu trả lời là 1 trong 4 nguyên tắc không thể thiếu nếu muốn GIÀU BỀN VỮNG - Ảnh 1.

Nhưng nếu câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm thì sao? Thua cuộc một cách nhục nhã ê chề, Thỏ vô cùng thất vọng và nó cố suy nghĩ, nhận ra rằng mình đã thua chỉ vì quá bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì Rùa không thể nào có thể hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý.

Lần này, Thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch, bỏ xa Rùa đến mấy dặm đường. Chú Rùa vừa chậm rãi bò về đích, vừa tự nhủ trong đầu: "Lần này mình thua chắc rồi."

Tuy nhiên, mãi tới tận vạch đích, Rùa nhìn lên nhưng lại không thấy bóng Thỏ đâu. Và nó vẫn là người chiến thắng một lần nữa. Hóa ra, Thỏ quá háo thắng nên chạy vội đến nỗi không kịp nhìn đường, rẽ sai hướng đi rất xa mới kịp nhận ra để vòng lại thì đã không còn kịp nữa rồi.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc vạch ra một tuyến đường chính xác với chiến lược đúng đắn trong quá trình phát triển và quản lý. Giữa con người ở thế kỷ hiện đại này, khả năng cạnh tranh của chúng ta ở đâu đều phụ thuộc hết vào quá trình định vị chiến lược từ đầu.

Nguyên tắc 3: Tôn trọng khoảng cách tâm lý

Trong rừng sâu nọ, có một bầy nhím đang run cầm cập vì lạnh. Để chống rét, chúng muốn sát lại gần nhau chia sẻ hơi ấm nhưng lại bị những chiếc gai sắc nhọn cản lại. Bị giằng xé giữa cái lạnh và sự đau đớn, những con nhím dần nhận ra rằng nếu gần nhau quá thì những chiếc gai nhọn sẽ làm chúng tổn thương, còn nếu xa quá thì chúng sẽ chết trong giá rét của hơi lạnh. Vì thế, bầy nhím dần tìm được một khoảng cách thích hợp để vừa có thể sưởi ấm cho nhau mà không bị những cái gai của con khác đâm vào mình. Vấn đề nằm ở đây chính là "khoảng cách".

Câu chuyện về bầy nhím chính là ví dụ điển hình của "hiệu ứng khoảng cách tâm lý" trong giao tiếp giữa các cá nhân. Đặt vào bất cứ trường hợp nào, dù là trong đời sống vợ chồng, bạn bè với nhau, hay tại nơi công sở, giữa cấp trên và cấp dưới, chúng ta cũng nên duy trì một khoảng cách thích hợp cho người khác và cho chính mình, vừa tạo cảm giác an toàn cho đối phương, vừa là cách giữ vững vị thế của mình.

 Nếu Rùa và Thỏ tái đấu, Rùa vẫn có thể là người thắng cuộc, tại sao?: Câu trả lời là 1 trong 4 nguyên tắc không thể thiếu nếu muốn GIÀU BỀN VỮNG - Ảnh 2.

Nguyên tắc 4: Nguyên tắc "lò nóng"

Nguyên tắc "lò nóng" thể hiện 3 tính cần có khi quản lý doanh nghiệp:

1. Một chiếc lò nóng rực sẽ hiện ánh hồng, không cần chạm tay vào thử cũng biết nó bỏng cỡ nào - Đây là tính "Cảnh báo". Một nhà lãnh đạo tốt cho doanh nghiệp phải luôn giáo dục cấp dưới về các quy tắc để cảnh cáo hoặc khuyên răn các hành vi vi phạm, nếu không, họ sẽ bị trừng phạt.

2. Mỗi ​​khi chạm vào bếp nóng, chắc chắn bạn sẽ bị bỏng - Đây là tính "Bất di bất dịch". Nói cách khác, chỉ cần có người vi phạm các quy tắc của đơn vị thì người đó nhất định phải bị trừng phạt. Hình phạt phải được thực hiện ngay sau khi hành vi sai phạm xảy ra để đạt được mục đích sửa chữa và thay đổi lỗi lầm kịp thời.

3. Bất kể ai chạm vào lò nóng đều bị bỏng tay - Đây là tính "Công bằng".

Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 08/12/2024