Hikikomori: Trào lưu sống "ẩn sĩ" của người Nhật và chuyện những người đứng bên lề xã hội

06/06/2019 09:00
Hikikomori: Trào lưu sống "ẩn sĩ" của người Nhật và chuyện những người đứng bên lề xã hội

Từ hikikomori trong tiếng Nhật có nghĩa là "tự rút lui và nghỉ ngơi". Thuật ngữ này được bác sĩ tâm thần Tamaki Saito đưa ra vào những năm 1990 để mô tả những người trẻ tuổi chán nản với cuộc sống xã hội và muốn rút lui về cuộc sống "ẩn dật", không bon chen.

Hikikomori là gì?

Theo Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hikikomori là một khái niệm chỉ những người ở trong nhà ít nhất là 6 tháng liên tục, không đi học hay đi làm, hiếm khi tương tác với những người khác, thậm chí là người trong gia đình. Thuật ngữ này được bác sĩ tâm thần Tamaki Saito đưa ra vào những năm 1990 để mô tả những người trẻ tuổi chán nản với cuộc sống xã hội và muốn rút lui về cuộc sống "ẩn dật", không bon chen. Từ hikikomori trong tiếng Nhật có nghĩa là "tự rút lui và nghỉ ngơi". 

Đây được gọi là một "thế hệ lạc lối", những người chỉ sống quanh quẩn trong 4 bức tường, không giao du với ai, cũng không đi làm kiếm tiền hay thậm chí là kết hôn, sinh đẻ.

Nhiều người cho rằng hikikomori là những người trẻ lười biếng, có vấn đề về nhân cách, chỉ thích ru rú ở trong phòng. Nhưng thực tế là độ tuổi của những hikikomori có thể lên đến 35, và là những người thông minh, có năng lực và có công ăn việc làm ổn định.

Vào tháng 12/2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát đầu tiên về những người trong độ tuổi 40-64 và kết quả được công bố vào tháng 3 cho thấy có khoảng 613.000 người thuộc nhóm tuổi này là hikokimori. Điều này vượt quá cả con số của những người trẻ trong độ tuổi từ 15-39 trong một cuộc khảo sát năm 2015 là 541.000 người.

Theo khảo sát, 46,7 % số hikikomori được khảo sát cho biết họ đã từ chối giao tiếp trong ít nhất 7 năm và 34,1% trường hợp cho biết họ được cha mẹ hỗ trợ tài chính. Bộ trường Bộ Phúc lợi Takumi Nemoto cho rằng đây là một hiện tượng mới, tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng kết quả khảo sát chỉ đơn thuần là đưa những vấn đề đã tồn tại ra ánh sáng.

Hikikomori: Trào lưu sống như ẩn sĩ của người Nhật và câu chuyện ít ai biết về những người đứng bên lề xã hội - Ảnh 1.

Nhà báo Masaki Ikegami, người đã viết về hikikomori trong suốt 20 năm qua

Nhà báo Masaki Ikegami, người đã viết về hikikomori trong suốt 20 năm qua, nói rằng cấu trúc xã hội Nhật Bản đã khiến cho mọi người khó có thể quay lại cuộc sống bình thường. Ông cho rằng, phần lớn hikikomori là những người gặp khó khăn trong cuộc sống và gặp phải những chấn thương nặng nề về tinh thần trong các mối quan hệ cá nhân.

Những trường hợp khác có thể là gặp phải những trải nghiệm tồi tệ ở trường, hoặc trải qua thảm họa, tai nạn, bệnh tật. Theo ông, có nhiều lý do khác nhau, và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi.

Những hệ lụy của hikikomori

Hikikomori dường như là một đề tài cấm kị trong cuộc sống của người Nhật. Chưa kể, đây còn được coi là xuất phát của những hành vi phạm tội trong những năm 1990. Có một vài vụ phạm tội được ghi nhận là xuất phát từ các hikikomori.

Năm 2000, một hikikomori đã chạy trốn khỏi bệnh viện tâm thần, cướp một xe buýt và giết chết một hành khách. Một hikikomori khác vì nghiện xem phim khiêu dâm đã lên kế hoạch hãm hiếp 4 đứa trẻ vị thành niên. Tiếp theo là một vụ bê bối của chàng trai 24 tuổi đã bắt cóc một cô gái 17 tuổi và suốt 4 tháng trời rọ mõm nạn nhân.

Những vụ phạm tội kinh hoàng diễn ra với tần suất liên tục khiến nhiều người Nhật cảm thấy e ngại về các hikikomori. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đa số hikikomori không phải là người có khả năng làm hại người khác, trừ bản thân.

Những câu chuyện của hikikomori đang tái hòa nhập xã hội

Yamase sống ở phường Shinagawa, Tokyo với mẹ của anh, bà Kazuko, người đã nuôi nấng anh sau khi bố mẹ anh ly dị lúc 10 tuổi. Yamase mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), khiến anh khó có thể tự chăm sóc được bản thân.

Hikikomori: Trào lưu sống như ẩn sĩ của người Nhật và câu chuyện ít ai biết về những người đứng bên lề xã hội - Ảnh 2.

Kenji Yamase, 50 tuổi, độc thân và sống cùng cha mẹ.

Yamase là một trong số hàng ngàn hikikomori ở độ tuổi 50, độc thân và sống cùng cha mẹ. Điều này đang mang đến cho Nhật Bản một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào gây ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội của đất nước này.

Yamase nói rằng: "Mẹ tôi nói rằng bà không còn cách nào khác ngoài việc chăm sóc tôi, nhưng giờ bà đã già và bà khó có thể di chuyển nhanh nhẹn như trước. Tôi cảm thấy có lỗi với mẹ, tôi gây nhiều rắc rối cho bà ấy. Tôi đang ở độ tuổi mà tôi phải tự chăm sóc bản thân nhưng cho đến giờ bà ấy vẫn phải chăm sóc tôi."

Yamase đã phải vật lộn trong quãng thời gian đi học của mình. Anh liên tục bỏ lỡ những cơ hội và khi tìm được một công việc, anh lại không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao và cuối cùng phải nghỉ việc. Sau đó anh dành 2-3 năm ở trong căn phòng của mình mà không tiếp xúc với ai.

Anh chia sẻ rằng: "Tôi sẽ đọc sách hoặc ngủ, thế nhưng tôi cảm thấy không vui chút nào. Tôi luôn cảm thấy lo lắng nhưng lại sợ phải quay lại xã hội và trở lại với công việc. Tôi muốn tránh xa những áp lực. Tôi không thích ở nhà nhưng ở nhà vẫn tốt hơn là phải đi làm. Nếu bạn hỏi tại sao tôi không tìm kiếm một công việc mới, thì đó là vì tôi nghĩ tôi sẽ lại thất bại. Tôi nghĩ rằng, dù tôi có cố gắng thế nào, mọi thứ sẽ diễn ra theo cùng một cách."

Cảm giác thất bại và xấu hổ là cảm giác phổ biến của các hikikomori trong mọi lứa tuổi

Naohiro Kimura là một học sinh xuất sắc, thông minh đến từ tỉnh Ibaraki. Sau khi tốt nghiệp trường trung học, Naohiro muốn theo học trường luật nhưng cha anh lại từ chối các khoản viện trợ. Vì thế, anh tự nhốt mình trong phòng và tự học 10 giờ mỗi ngày.

Hikikomori: Trào lưu sống như ẩn sĩ của người Nhật và câu chuyện ít ai biết về những người đứng bên lề xã hội - Ảnh 3.

Naohiro Kimura | ANDREW MCKIRDY

Dần dần, không có giao tiếp xã hội, Naohiro thấy mình đã cắt đứt với thế giới bên ngoài. Tinh thần của anh bắt đầu trở nên tiêu cực và đến cuối cùng thì anh không thể nào tập trung vào việc học được nữa. Thay vào đó, anh nhìn chằm chằm vào màn hình TV khoảng 10 giờ mỗi ngày và chỉ rời khỏi nhà vào ban đêm khi anh chắc chắn rằng mình sẽ không chạm mặt bất cứ ai.

Naohiro Kimura đã là hikikomori trong 10 năm và hiện tại đã 35 tuổi. Anh nói rằng: "Tôi nghĩ rằng tôi đã thất bại. Nếu bạn tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản nhưng sau đó không kiếm được việc làm, mọi người đều nhìn bạn như thể là bạn đang mải chơi. Bởi vậy, tôi đã rất xấu hổ và tôi không muốn ai nhìn thấy mình nữa. Bất cứ khi nào tôi thấy một người mặc com-lê, tôi lại cảm thấy mình là một mớ rắc rối. Tôi ghét nhìn thấy người khác làm việc, bởi tôi sẽ bắt đầu so sánh bản thân mình với họ. Nó khiến tôi cảm thấy đau khổ và xấu hổ."

Kimura nói rằng anh không coi mình là một hikikomori bởi anh thường xuyên ra ngoài để dắt chó đi dạo. Hình ảnh đặc trưng của một hikikomori là một người không bao giờ rời khỏi phòng của họ, nhưng trên thực tế, đó chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong rất nhiều hikikomori.

Naohiro Kimura nói rằng: "Hikikomori là những người không làm việc, vì vậy, bản thân họ nghĩ rằng mọi người sẽ chỉ trích họ và coi họ là đồ vô dụng. Họ cũng nghĩ rằng những người xung quanh sẽ bắt đầu "lên lớp" họ, vì vậy họ tránh những nơi mà có thể sẽ phải tiếp xúc với những người đó. Hikikomori có thể sẽ đến thư viện, vào một cửa hàng tiện lợi hoặc đến một nhà ga xe lửa, những nơi mà họ không biết ai hoặc không ai bắt chuyện với họ. Thậm chí, một số người sẽ thích đến những cửa hàng tiện lợi có nhân viên là người nước ngoài hơn."

Hikikomori: Trào lưu sống như ẩn sĩ của người Nhật và câu chuyện ít ai biết về những người đứng bên lề xã hội - Ảnh 4.

Giáo sư Saito của Đại học Tsukiba, chuyên gia hàng đầu trong vấn đề xa lánh xã hội nói rằng, cảm giác xấu hổ đó có thể ảnh hưởng đến gia đình của một hikikomori. Ông nói: "Tại Nhật, mọi người thường có xu hướng do dự trước khi làm bất kì điều gì thu hút sự chú ý của người khác. Khi mọi người nhận ra rằng họ đã trở thành hikikomori, họ biết rằng xã hội sẽ không quan tâm đến họ và điều đó khiến họ sợ. Gia đình cũng nghĩ như vậy, khi bố mẹ nhận ra con mình không ra khỏi nhà và không làm việc, họ sẽ cố gắng giấu chúng càng kĩ càng tốt." 

Ông Saito cũng nói thêm rằng, những mối quan hệ xấu trong gia đình thường là nguyên nhân sâu xa của việc xa lánh xã hội và một hikikomori khó có thể thoát khỏi vấn đề của mình nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Trong trường hợp của Kimura, anh đã trở nên không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và thường xuyên cãi vã với cha mẹ. Cuối cùng, cha mẹ anh đã phải gọi đến nhà hai nhân viên cảnh sát và hai nhân viên y tế. Kimura cảm thấy tức giận vì bố mẹ anh đối xử với anh như một tên tội phạm, nhưng sau đó anh đã miễn cưỡng đồng ý gặp bác sĩ tâm thần. Cuối cùng anh nhận ra rằng anh thực sự là một hikikomori.

Kimura và cha mẹ anh đã cùng tham gia điều trị tâm lý trong 6 tháng tiếp theo. Sau đó, anh bắt đầu thực hiện những bước để tái hòa nhập cộng đồng. 3 năm sau, Kimura tự mô tả mình là một người vẫn đang phục hồi. Anh vẫn mong muốn được tiếp tục học luật nhưng hiện tại anh đang làm việc bán thời gian với tư cách là một nhiếp ảnh gia và cũng tạo ra một kênh có tên là Hikikomori Shimbun, là nơi thay mặt những hikikomori nói lên tiếng nói của họ. Theo kinh nghiệm của bản thân, Kimura đã bắt đầu một cuộc biểu tình chống lại việc sử dụng vũ lực để đưa hikikomori ra khỏi phòng của họ.

Hikikomori: Trào lưu sống như ẩn sĩ của người Nhật và câu chuyện ít ai biết về những người đứng bên lề xã hội - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Hiện tại, có một nhóm người sử dụng vũ lực để đưa những hikikomori thoát khỏi tình trạng hiện tại. Nhóm này tin rằng thay vì đối thoại cởi mở, sự ép buộc là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề xa lánh xã hội.

Tuy nhiên, ông Saito cũng cho rằng xã hội hiện đã có một cái nhìn từ bi hơn về hikikomori. Tháng 4 vừa qua, Chính quyền Thủ đô Tokyo đã chuyển các dịch vụ hỗ trợ hikikomori sang Bộ Y tế và Phúc lợi. Trước đó, các vấn đề về hikikomori được coi là vấn đề của tội phạm vị thành niên.

Trong vài năm qua, Kimura và Yamase đã thiết lập được những liên kết quan trọng để hỗ trợ những hikikomori trở lại với cộng đồng. Cả hai đều cảm thấy rằng sự hiểu biết công khai về hikikomori là rất quan trọng để cải thiện tình hình chung. Tuy vậy, với rất nhiều định kiến và quan niệm sai lầm đã tồn tại trong nhiều năm qua, việc khiến mọi người lắng nghe và thấu hiểu là một việc làm khó khăn.

Kimura nói rằng: "Nhiều người nghĩ rằng hikikomori là một mối nguy hiểm. Hikikomori đã được liên kết với tội phạm thông qua những vụ án. Hikikomori tương đương với tội phạm. Tôi không nghĩ rằng mọi người nhận ra một hikikomori là người không tiếp xúc với xã hội và con người. Họ có thể ra ngoài, nhưng chính sự thiếu đi tương tác giữa các mối quan hệ đã khiến họ trở thành hikikomori. Mọi người nghĩ rằng hikikomori có một cuộc sống đơn giản, rằng họ chỉ việc thư giãn và nghỉ ngơi, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, nó là một điều vô cùng kinh khủng."

HELINO

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024