Ảnh: FTMVO
Bộ ảnh “Tôi là người chuyển giới nam” do FTM Vietnam Organization (FTMVO) thực hiện. Đây là một nhóm chuyên nghiên cứu và phát triển nhu cầu của cộng đồng chuyển giới nam tại Việt Nam với mạng lưới cộng tác viên lên đến gần 5.000 người rải rác ở nhiều tỉnh thành.
Theo ekip thực hiện, dự án lần này nhằm “giới thiệu đến mọi người những gương mặt, hình ảnh của những cá nhân là người chuyển giới nam, từ đó nâng cao được sự hiện diện cũng như nhận thức đúng hơn về cộng đồng này”. Các gương mặt góp mặt trong bộ ảnh đều là những cá nhân nổi bật của cộng đồng chuyển giới nam.
Báo Một Thế Giới đã có trao đổi với anh Thiên Ân – sáng lập viên của FTMVO và là người chuyển giới nam – xoay quanh bộ ảnh.
Anh Thiên Ân
Ý tưởng cho bộ ảnh bắt nguồn từ đâu?
Tôi đã thấy rất nhiều bạn chuyển giới nam không được xem là một người con trai, vẫn bị coi như các bạn nữ cá tính hoặc đồng tính nữ. Một ngày nọ, khi đang lướt facebook, tôi nhìn thấy một trang giới thiệu về một bộ ảnh thể hiện sự đa dạng của nhóm người chuyển giới nữ. Điều này đã thúc đẩy tôi thực hiện một dự án tương tự.
Thông điệp của bộ ảnh là gì?
Tôi mong khán giả và xã hội sẽ có một cái nhìn mới hơn, toàn diện và đúng hơn về người chuyển giới nam, rằng họ cũng đa dạng về hình dáng và màu sắc, tương tự như đàn ông dị tính. Có người tóc dài, tóc ngắn, cao, thấp và dù thế nào thì họ cũng là một người chuyển giới nam, một người đàn ông. Đồng thời, tôi cũng mong các bạn chuyển giới nam khác tìm được chính mình và không còn cảm thấy cô độc, lẻ loi nữa.
Nhiều người còn hay lầm tưởng người chuyển giới nam là đã phải qua can thiệp y tế, trông thật “men lỳ” và to con. Thế nhưng trong thực tế, khi bạn sinh ra là nữ, bạn nghĩ mình nam thì bạn đã là chuyển giới nam và cũng là một đứa con trai rồi. Vẻ bề ngoài đôi khi không quyết định được con người bạn, mà chính bản thân bạn mới quyết định điều đó.
Ekip đã mất bao lâu để thực hiện bộ ảnh?
Một tháng. Chúng tôi đã đi tìm những nhân vật đa dạng mà hầu hết bị xã hội cho rằng là “chưa đủ để được gọi là chuyển giới nam”.
Ví dụ như câu chuyện của Ngọc, chưa có điều kiện để có thể cắt tóc ngắn và có ngoại hình như mong muốn, bạn vẫn khẳng định mình là một người đàn ông, vì đàn ông tóc dài thì cũng chẳng sao. Hay câu chuyện của Quỳnh, một người đã U50, đến tận bây giờ mới tìm thấy cộng đồng của mình sau bao năm cô đơn. Bạn Minh Khang lại là một nhân vật đặc biệt, khiến bộ phim “Người đàn ông có bầu” năm xưa trở thành hiện thực. Do vợ không thể có con, nên Minh Khang đã mang thai để có thể có cho gia đình nhỏ bé của mình một thành viên mới. Anh đã khẳng định rằng, mang thai không chỉ là việc cho người phụ nữ, vì nếu mình có thể mang thai cho vợ mình đỡ cực, thì tại sao lại không?
Anh cho rằng người chuyển giới nam tại Việt Nam hiện nay đã có được những quyền họ cần hay chưa?
Tôi cho rằng sự hiện diện của người chuyển giới nam vẫn chưa nhiều và họ cũng không được thừa nhận đúng đắn. Họ thường bị ghép chúng với đồng tính nữ, nhất là khi trên truyền thông, báo chí hay truyền hình.
Giống người chuyển giới nữ, chuyển giới nam cũng có nhu cầu can thiệp y tế, quyền được đối xử công bằng trong công sở, quyền được khám bệnh chữa bệnh, chưa kể đến với nhóm đã sử dụng hormones, họ luôn gặp khó khăn do giấy tờ khác ngoại hình, khó có thể xin việc, đi qua hải quan vẫn hay bị giữ lại hoặc gặp khó trong việc giao dịch ngân hàng, bị từ chối khi cấp cứu hoặc sử dụng dịch vụ riêng biệt như phụ khoa.
Các bạn đã phẫu thuật thì bị gặp khó khăn trong quá trình hậu phẫu như nhiễm trùng, tháo chỉ, vệ sinh… Do bộ luật dân sự đã thông qua điều 37 sửa đổi nhưng vẫn chưa thông qua luật chuyển đổi giới tính để hỗ trợ cho người chuyển giới, gần đây cũng có rất nhiều phòng khám thẩm mỹ lợi dụng cộng đồng để quảng bá dịch vụ cho vay nặng lãi để phẫu thuật, không đảm bảo về mặt luật pháp và chất lượng dịch vụ cho cộng đồng.
Người chuyển giới nam nói riêng và người chuyển giới nói chung luôn cần luật chuyển đổi giới tính được ban hành càng sớm càng tốt, để có thể có quyền và bảo vệ cho cộng đồng người chuyển giới.
Theo anh, một người chuyển giới nam tại Việt Nam phải chịu đựng những khó khăn và thử thách nào?
Khó khăn lớn nhất mà người chuyển giới nam phải chịu vẫn là sự kì thị đến từ gia đình. Vẫn còn có nhiều hình thức bạo lực diễn ra như ép cưới, nhốt, hay thậm chí xâm hại chỉ để con “trở về bình thường”. Người chuyển giới nam nhất là với những bạn chưa can thiệp y tế, đôi lúc còn hay bị người ngoài quấy rối và không được xem như một người đàn ông. Đặc biệt là khi các bạn mong muốn lập gia đình với người mình yêu thương, các bạn hay thường bị từ chối bởi gia đình của người yêu, hoặc chính người yêu lựa chọn bỏ các bạn để kết hôn với một người đàn ông khác để “ổn định” hơn.
Người chuyển giới nam còn bị chính cộng đồng LGBTIQ kì thị, phân biệt đối xử và xem họ như những “người đồng tính nữ làm màu”, khiến họ đôi lúc cảm thấy cô độc, lẻ loi và không biết tìm sự hỗ trợ cho cộng đồng ở đâu.
Anh có ý định triển lãm bộ ảnh không?
Tôi mong muốn sẽ lưu trữ bộ ảnh và sử dụng nó ở nhiều dịp khác nhau, nhất là ở các sự kiện dành cho cộng đồng LGBTIQ, nếu có kinh phí chắc chắn chúng tôi sẽ triển lãm bộ ảnh này, cùng sự tham gia của các nhân vật trong bộ ảnh.
Cám ơn anh rất nhiều!
Mai Thảo