Trong phần trích "Tài sản quý giá nhất của cuộc sống này chính là thời gian" các bạn đã được khám phá nhiều câu chuyện thú vị từ Julian và Tác giả Robin Sharma (nhân vật tôi). Trong phần trích này mời các bạn khám phá tiếp tục câu chuyện về mục đích tối thượng của cuộc đời mỗi người.
“Các nhà hiền triết Sivana không chỉ là những người trẻ trung nhất mà tôi từng gặp”, Julian nhận xét, “mà chắc chắn họ còn là những người tốt bụng nhất.
Yogi Raman kể với tôi rằng lúc còn nhỏ, mỗi đêm trước khi đi ngủ, cha ông sẽ bước vào căn lều phủ đầy hoa hồng của ông và hỏi xem trong ngày hôm đó ông đã làm được những việc tốt gì. Anh tin được không, nếu ông trả lời rằng ông chưa làm được việc tốt nào, thì cha sẽ yêu cầu ông dậy để thực hiện một hành động tử tế nào đó để giúp đỡ người khác rồi mới được phép đi ngủ.”
Julian nói tiếp, “Một trong những yếu tố thiết yếu để sống cuộc sống được khai sáng mà tôi có thể chia sẻ với anh là đến cuối đời, bất luận anh đã gặt hái được gì, có bao nhiêu ngôi nhà nghỉ mát, sở hữu bao nhiêu chiếc xe đắt tiền, thì chất lượng cuộc sống của anh vẫn được quyết định bởi những gì anh đã cống hiến”.
“Điều này có liên quan gì đến những bông hoa hồng màu vàng tươi tắn trong câu chuyện ngụ ngôn của Yogi Raman không?”
“Đương nhiên là có. Những bông hoa sẽ nhắc nhở anh về câu châm ngôn Trung Hoa cổ xưa, ‘Hương hoa luôn còn vương lại trên tay người tặng hoa’. Ý nghĩa của câu châm ngôn này khá rõ ràng: khi anh nỗ lực cải thiện cuộc sống của người khác thì anh cũng gián tiếp nâng tầm cuộc sống của mình. Khi anh để tâm thực hiện những việc tốt ngẫu nhiên mỗi ngày, cuộc sống của chính anh sẽ trở nên phong phú và ý nghĩa hơn. Để nâng giá trị thiêng liêng của mỗi ngày, hãy phụng sự mọi người theo một cách nào đó.”
“Anh đang khuyến khích tôi tham gia hoạt động tình nguyện nào đó, phải không?”
“Đó là một điểm khởi đầu tuyệt vời. Nhưng những gì tôi đang nói có tính triết lý sâu xa hơn nhiều. Ý tôi muốn nói là anh nên có một nhân sinh quan mới về vai trò của mình trên hành tinh này.”
“Tôi lại không theo kịp nữa rồi. Làm ơn giải thích rõ hơn giúp tôi.”
“Nhân sinh quan đơn giản là cách anh nhìn nhận về một tình huống nào đó hoặc về cuộc sống nói chung. Một số người nhìn cuộc đời này như ly nước đã vơi một nửa. Những người lạc quan thì thấy rằng ly nước vẫn còn đầy một nửa. Họ giải thích cùng một tình huống theo những cách khác nhau, bởi vì họ có nhân sinh quan khác nhau. Về cơ bản, nhân sinh quan cũng giống như những lăng kính mà anh đeo vào để nhìn các sự việc trong cuộc sống của mình, cả bên ngoài lẫn bên trong.”
“Vậy khi anh nói tôi nên có một nhân sinh quan mới về mục đích trong cuộc sống, có phải ý anh là tôi nên thay đổi quan điểm của mình?”
“Cũng gần như vậy. Để cải thiện chất lượng cuộc sống một cách đáng kể, anh phải phát triển một góc nhìn mới về lý do tồn tại của mình trên trái đất này. Anh phải nhận ra rằng bởi anh đến thế giới này với hai bàn tay trắng, nên anh đã được an bài để ra đi trắng tay. Như vậy, trong trường hợp này chỉ có một lý do đúng đắn nhất cho sự tồn tại của anh.”
“Và lý do đó là...?”
“Sống vì người khác và cống hiến những điều ý nghĩa cho cuộc đời”, Julian đáp. “Tôi không có ý nói rằng anh không thể có những thú vui của riêng mình, hay phải từ bỏ nghề luật và cống hiến cuộc đời cho những người kém may mắn trong xã hội, mặc dù gần đây tôi đã gặp những con người hành động như thế với một sự mãn nguyện tuyệt vời. Thế giới của chúng ta đang đứng giữa một sự thay đổi lớn. Con người đang đổi tiền bạc để nhận lại những giá trị ý nghĩa. Các luật sư từng đánh giá người khác dựa trên kích cỡ túi tiền thì nay đã chuyển sang đánh giá người khác dựa trên sự tận tình của họ với mọi người. Các giáo viên đã vượt ra khỏi giới hạn an toàn trong công việc để vun đắp cho sự phát triển trí tuệ của những đứa trẻ thiếu thốn sống trong những vùng chiến sự. Con người đã nghe thấy lời kêu gọi thống thiết phải thay đổi. Họ nhận ra sự tồn tại của bản thân là vì một mục đích nào đó và ý thức rằng mình đã được trao tặng những món quà đặc biệt để hoàn thành mục đích đó.”
“Thế những món quà đặc biệt đó là gì?”
“Chính là những gì mà tôi đã nói với anh suốt đêm qua: đó là khả năng tư duy phong phú, nguồn năng lượng vô tận, sự sáng tạo vô hạn, tính kỷ luật trong mọi việc và một suối nguồn bình an luôn chảy trong tâm hồn. Vấn đề ở đây đơn giản là chúng ta cần khai mở những tài sản quý giá này và sử dụng chúng vào những điều tốt đẹp chung trong cộng đồng.”
“Tôi vẫn đang lắng nghe đây. Vậy làm thế nào một người có thể thực hiện những điều tốt đẹp đó?”
“Ý tôi đơn giản là anh nên ưu tiên thay đổi thế giới quan của anh, thay vì xem bản thân như một cá thể riêng lẻ, hãy bắt đầu nhìn nhận mình là một phần của tổng thể.”
“Vậy tôi cần phải trở nên tử tế và hoà nhã với mọi người hơn à?”
“Hãy nhận ra rằng việc cao quý nhất mà anh có thể làm là phụng sự mọi người. Các nhà hiền triết phương Đông gọi đây là quá trình "tháo bỏ sự trói buộc của cái tôi", nghĩa là từ bỏ cái tôi cá nhân và bắt đầu tập trung vào một mục đích cao cả hơn. Nó có thể được thể hiện qua việc cống hiến nhiều hơn cho những người xung quanh anh, dù là thời gian hay năng lượng: đây chính là hai nguồn tài nguyên giá trị nhất của anh. Nó có thể là một việc lớn lao như xin nghỉ phép một năm để phục vụ cho người nghèo, hoặc một việc nho nhỏ như nhường đường cho vài xe khác đi qua trước khi giao thông đang ùn tắc. Nghe có vẻ hơi cổ lỗ sĩ, nhưng điều mà tôi đã học được là cuộc sống sẽ phát triển theo một chiều kích kỳ diệu hơn khi anh bắt đầu nỗ lực để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Yogi Raman nói rằng lúc vừa được sinh ra, chúng ta khóc trong khi cả thế giới vui cười. Ông khuyên chúng ta nên sống sao để đến lúc lìa đời, thế giới phải khóc còn chúng ta thì thanh thản mỉm cười.”
Trích "Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari – Hành trình tìm về sức mạnh vô biên"
P.V (Theo First News)