Dưới đây là câu chuyện của Julian luật sư kể về tài sản quý giá nhất của cuộc sống này về việc rèn luyện sức mạnh bản thân - những bài học thực tế giúp tác giả Robin Sharma (nhân vật tôi) trở thành người mạnh mẽ nhất.
“Anh có biết điều buồn cười của cuộc sống này là gì không?”, Julian hỏi tôi.
“Anh nói tôi biết đi.”
“Đến lúc mà đa số mọi người tìm ra điều họ thật sự muốn có và cách để đạt được nó thì thường đã quá muộn rồi. Câu nói ‘Giá như tuổi trẻ có thể biết, giá như tuổi già có thể làm’ quả rất đúng.”
“Có phải đó là ý nghĩa của chiếc đồng hồ bấm giờ trong câu chuyện ngụ ngôn của Yogi Raman không?”
“Làm sao tôi có thể quên được kia chứ”, tôi cười đáp lời.
Giờ thì tôi đã nhận ra câu chuyện ngụ ngôn huyền bí của Yogi Raman chính là một chuỗi những hình tượng dễ nhớ được tạo ra nhằm truyền đạt cho Julian về các yếu tố trong triết lý cổ xưa để có một cuộc sống được khai sáng. Tôi nói cho Julian nghe về phát hiện của mình.
“Anh nói gần đúng đấy. Phương pháp giảng dạy từ vị thầy thông thái của tôi thoạt đầu nghe có vẻ lạ lùng, và tôi đã phải nỗ lực để hiểu được tầm quan trọng của câu chuyện ấy hệt như anh đã tự hỏi tôi đang nói gì khi lần đầu tôi chia sẻ nó với anh. Nhưng tôi phải nói với anh điều này John à, tất cả bảy yếu tố trong câu chuyện, từ khu vườn, võ sĩ sumo gần như khỏa thân, những bông hoa hồng vàng, cho đến con đường trải kim cương – biểu tượng mà tôi sẽ nói đến ngay thôi – đều là những lời nhắc nhở quan trọng về những tri thức mà tôi đã học ở Sivana. Khu vườn giúp tôi tập trung vào những ý nghĩ khơi nguồn cảm hứng, anh chàng võ sĩ sumo giúp tôi tập trung vào việc không ngừng khám phá bản thân, còn sợi dây cáp màu hồng nhắc tôi về những điều tuyệt vời của sức mạnh ý chí. Ngày nào tôi cũng suy nghĩ về câu chuyện ngụ ngôn này và ngẫm nghĩ những nguyên tắc mà Yogi Raman đã truyền dạy.
“Vậy chính xác thì chiếc đồng hồ bấm giờ bằng vàng sáng loáng ấy đại diện cho điều gì?”
“Nó tượng trưng cho tài sản quan trọng nhất của chúng ta – thời gian.”
“Thế còn suy nghĩ tích cực, việc thiết lập mục tiêu và làm chủ bản thân thì sao?”
“Tất cả những điều đó đều vô nghĩa nếu không có thời gian. Khoảng sáu tháng sau khi tĩnh tâm trong khu rừng ở Sivana – ngôi nhà tạm trú của tôi – một trong những nhà hiền triết đã đến thăm căn lều hoa hồng trong lúc tôi đang học. Tên cô ấy là Divea. Cô là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần với mái tóc đen nhánh dài tới thắt lưng. Bằng giọng nói dịu dàng và ngọt ngào, cô chia sẻ với tôi rằng cô là người trẻ tuổi nhất trong tất cả các nhà hiền triết sinh sống ở vùng núi hẻo lánh này. Cô đến gặp tôi theo sự chỉ đạo của Yogi Raman, người đã nói với cô rằng tôi là vị đệ tử giỏi nhất mà ông từng có.
Diave nói, 'Có thể chính những nỗi đau mà anh phải chịu đựng trong cuộc sống trước đây đã giúp anh trân trọng những tri thức của chúng tôi với một trái tim rộng mở. Là người trẻ tuổi nhất trong cộng đồng này, tôi đã được yêu cầu mang đến cho anh một món quà. Món quà này đến từ tất cả các nhà hiền triết ở đây, và chúng tôi tặng nó như một biểu tượng của sự tôn trọng dành cho anh, người đã đi một chặng đường rất xa để đến học hỏi triết lý sống của chúng tôi. Anh không hề phán xét hay cười nhạo truyền thống của chúng tôi. Vì vậy, mặc dù anh đã quyết định sẽ rời đi trong vài tuần nữa, chúng tôi vẫn xem anh như một thành viên trong đại gia đình này. Chưa có người ngoài nào được nhận món quà mà tôi sắp trao cho anh’.”
“Món quà ấy là gì vậy?”, tôi nôn nóng hỏi.
“Divea lấy ra một vật từ trong chiếc túi bằng vải thô của cô và đưa nó cho tôi. Món quà được gói trong một loại giấy thơm mà tôi không bao giờ nghĩ mình có thể thấy ở nơi xa xôi hẻo lánh ấy. Đó là một chiếc đồng hồ cát cỡ nhỏ được làm từ thủy tinh và một mảnh gỗ đàn hương. Divea còn nói rằng mỗi nhà hiền triết đều từng được nhận dụng cụ này khi còn nhỏ. ‘Mặc dù chúng tôi chẳng có tài sản gì và sống hết sức giản dị, thuần khiết, chúng tôi vẫn rất trân trọng thời gian và ý thức rằng nó đang trôi qua. Những chiếc đồng hồ cát bé nhỏ này là lời nhắc nhở về sự chết, cũng như tầm quan trọng của việc sống những ngày trọn vẹn và hiệu quả trên con đường tiến đến mục đích đời mình’.”
“Hóa ra những tu sĩ trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn vẫn quan tâm đến thời gian kia à?”
“Tất cả họ đều hiểu tầm quan trọng của thời gian. Mỗi người trong số họ đã phát triển được thứ mà tôi gọi là ‘ý thức về thời gian’. Anh thấy đó, tôi đã học được rằng thời gian trôi qua kẽ tay chúng ta như những hạt cát, không bao giờ quay trở lại. Những ai sử dụng thời gian một cách khôn ngoan ngay từ khi còn trẻ sẽ được hưởng cuộc sống giàu có, phong phú và mãn nguyện. Những người chưa biết về nguyên tắc ‘làm chủ thời gian là làm chủ được cuộc đời’ sẽ không bao giờ nhận ra tiềm năng to lớn trong con người họ. Thời gian chính là vị thần công lý vĩ đại. Bất luận chúng ta thuộc tầng lớp nào trong xã hội, dù sống ở Texas hay Tokyo, chúng ta cũng đều có hai mươi bốn giờ trong một ngày như nhau. Điều tạo nên sự khác biệt giữa những người có cuộc sống phi thường và những người có cuộc sống bình thường chính là cách họ sử dụng khoảng thời gian ấy.”
Trích" Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari – Hành trình tìm về sức mạnh vô biên"