Rao giảng to tát hay bài học từ cảm xúc?
Mới đây, cư dân mạng lan truyền hình ảnh một bài thi ngữ văn với tiêu đề "hãy mô tả người thân trong gia đình"… Ở mục bài làm, tác giả bài văn mô tả chị gái nhưng đến câu thứ 3 thì có pha "quay xe" ngoạn mục khi lệch hẳn sang mô tả tác giả và ý nghĩa bản nhạc "Mang tiền về cho mẹ" đang gây sốt trên mạng xã hội.
Bài văn trên có thể là thật, cũng có thể là trò đùa của một Facebooker nhưng phần nào cho thấy, ý nghĩa của nó đã lan tỏa đến từng ngõ ngách của mạng xã hội- điều mà nhiều bài học giáo dục đạo đức khô cứng về đạo hiếu trong nhà trường lâu nay khó đạt được.
Chia sẻ về điều này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ lâu nay vẫn thể hiện qua các câu nói mang tính hoàn hảo, to lớn, với tính chất lý tưởng hóa mà chưa được cụ thể vào các tình huống đời sống hàng ngày...
Hay nói cách khác, nó mới thỏa mãn nhu cầu nhận thức của chúng ta nhưng lại chưa thực sự chạm vào cảm xúc để chuyển hóa thái độ và hành vi của con người.
Vì thế chuyên gia này cho rằng, bản nhạc trên đây ra đời đúng dịp Tết- sau hai năm khó khăn vì dịch Covid-19 nên mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ, chạm vào cảm xúc của nhiều người.
Thông điệp thực sự "rót mật" vào tai những người làm cha làm mẹ: dẫu những năm khó khăn, các con cũng không quên cha mẹ; dẫu khó khăn, các con vẫn ổn, vẫn kiếm được tiền, mà những đồng tiền đó là tiền sạch.
"Tiền thường đi liền với phiền. Áp lực đồng tiền khiến ta tổn thương sức khỏe tâm thần nhiều nhất, khiến nhiều người vướng vòng lao lý nhất.
Ở đây, nếu tách mang tiền - đừng mang phiền, nó như một lời chúc may mắn, gặp nguy hóa an, gặp dữ hóa lành. Điều này lý giải vì sao bản nhạc trở nên hot và đánh vào giá trị giáo dục nhẹ nhàng theo xu hướng", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Qua câu chuyện này, PGS Thành Nam cũng cho rằng, những bài học về giáo dục tư duy tài chính, giáo dục về tiền, thoạt nghe có thể gây xấu hổ với nhiều người nhưng trên thực tế, nó rất cần thiết và cần phải giáo dục ngay từ trong nhà trường, để các em sau này có thể thành công trong cuộc đời, tạo động lực cho nhiều thanh niên.
"Trong nhà trường, các bài học về giáo dục đạo đức thường được đưa ra như một quy định, mang tính hành chính hay bắt buộc, có tính hoàn hảo quá mức...
Học sinh không thực hiện thì bị phạt hạnh kiểm nên nhiều khi dẫn đến thực hiện đối phó, hình thức, mang tính áp đặt.
Ở đây, việc giáo dục nhẹ nhàng, chạm vào cảm xúc nhiều người nên bài học đạo đức đó có thể lan tỏa và thậm chí có thể biến thành hành động tự giác", TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Đừng để trẻ chỉ có tư tưởng "học thật giỏi"…
Cũng với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội từng đưa ra quan điểm, nên xem môn đạo đức hay giáo dục công dân là môn học mở, không nên quy định cứng như hiện nay,
Hiện nay nhà trường đã làm tốt việc cung cấp kiến thức cho người học, nặng về rao giảng đạo lý như học sinh cần phải làm gì và vì sao cần phải làm điều đó.
Trong khi đó, giáo viên ít quan tâm tới việc, ngoài con đường rao giảng kiến thức còn có con đường nào khác có thể giúp học sinh nhận thức sâu sắc, hiểu và tự nguyện làm theo.
Dưới góc nhìn khác, chia sẻ với chúng tôi, anh "Chánh Văn"- nhà văn Hoàng Anh Tú lại cho rằng, mang tiền về cho mẹ có vui không, hẳn rất vui! Có điều anh cho rằng, không nên coi tiền như thước đo báo hiếu.
Quan điểm mà nhà văn này đưa ra, anh thích những bà mẹ tân tiến. Những bà mẹ đừng coi hy sinh cho con là lẽ sống đời mình. Mẹ hạnh phúc thì con mới hạnh phúc. Đừng nhịn ăn nhịn tiêu để rồi ngất giữa đường, đừng muốn con thành tài mà vay mượn tứ lung tung chỉ để con học trường xịn, trường sang, quần áo đồ hiệu.
Chẳng hạn câu chuyện giới trẻ Singapore đang mang gánh nặng cha mẹ, khi cha mẹ vay mượn ngân hàng cho con cái học trường tốt nhất, để rồi sau này ra trường, chúng lại phải kéo cày trả nợ cho món nợ của cha mẹ.
"Mình không thích những câu chuyện kiểu mẹ bán hết trâu bò, ruộng vườn lo cho con vào đại học. Nhiều người coi đó là hy sinh cho con cái nhưng mình thấy đó là tạo áp lực cho con cái. Biến những đứa trẻ trong đầu chỉ toàn chuyện "học thật giỏi để mai này kiếm tiền nuôi bố mẹ". Chúng sẽ sống cuộc đời trâu cày với gánh nặng cha mẹ trên vai", nhà văn Hoàng Anh Tú nói.