Lựa chọn tối ưu thứ 3 - Giữa xung đột, làm sao để đôi bên đều chiến thắng?

07/01/2020 09:00
Lựa chọn tối ưu thứ 3 - Giữa xung đột, làm sao để đôi bên đều chiến thắng?

Trong một mâu thuẫn, ai cũng muốn mình chiến thắng. Nhưng tác giả Covey đề xuất giải pháp "lựa chọn thứ 3" để không ai phải từ bỏ, tất cả đều chiến thắng.

Tiến sĩ Stephen R. Covey - một trong 25 người Mỹ có sức ảnh hưởng nhất Mỹ do tạp chí Time bình chọn - đã giúp hàng triệu người thay đổi cuộc sống của họ. Covey biến cái nhìn sâu sắc toàn diện của mình thành cách tiếp cận đột phá, sáng tạo cho việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột. Với Lựa chọn tối ưu thứ 3, không ai phải từ bỏ điều gì cả, mà tất cả đều chiến thắng.

Phương pháp nào để giải quyết xung đột?

Một cuộc chiến bao giờ cũng sục sôi trước câu hỏi bên nào chiến thắng. Có nhiều phương pháp giải quyết xung đột, nhưng hầu hết liên quan đến sự thỏa hiệp - sự thỏa mãn nhưng không vui vẻ.

Một ngày nọ ai đó nói với bạn rằng việc rơi vào hố sâu của cuộc khủng hoảng, mâu thuẫn căng thẳng với cộng sự ở văn phòng, hôn nhân đang trên bờ đổ vỡ, xử lý các vướng mắc của con bạn với nhà trường... Hàng loạt vấn đề rối rắm và nhức nhối này sẽ có một công thức chung để hóa giải, giúp bạn giải quyết ổn thỏa vấn đề. Không gặp chướng ngại vật, không chịu bất kỳ thiệt thòi nào, kể cả bất lợi từ đối phương mang lại thì sẽ thật khó tin.

Tiến sĩ Stephen Richards Covey - cha đẻ của cuốn 7 Thói quen hiệu quả (The 7 Habits of Highly Effective People) được dịch ra 38 thứ tiếng và đứng đầu bảng xếp hạng “Những cuốn sách kinh doanh có sức ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20” - đã hợp tác với Tiến sĩ Breck England cho xuất bản cuốn sách Lựa chọn tối ưu thứ 3 với mong muốn giúp bạn đọc tiếp cận và giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống theo cách hoàn toàn mới và hiệu quả gấp nhiều lần.

Giua xung dot, lam sao de doi ben deu chien thang? hinh anh 1
Sách Lựa chọn tối ưu thứ 3.

Gần 600 trang và 10 chương sách là quá trình bao quát, gói gọn kỹ năng áp dụng để có thể giải quyết vấn đề theo phương pháp “Lựa chọn tối ưu thứ 3” bằng công thức “hợp lực” 4 bước. Lựa chọn tối ưu nơi công sở, trong mâu thuẫn gia đình, ở trường học, đối với luật pháp, trong xã hội, các vấn đề trên thế giới và cuộc đời mỗi người khi tư duy theo Lựa chọn tối ưu thứ 3 sẽ được thiết lập bài bản, khoa học, vượt ra ngoài bi kịch, kiến tạo một tương lai mà tất thảy mọi người đều mơ ước.

Hôm nay chúng ta gặp vô vàn các vấn đề rắc rối, có thể ngày mai chúng ta sẽ đối mặt với những thách thức mới, sau cùng thì tất cả đều là biến thể của một loại nỗi đau. Có người chọn con đường chiến tranh, người chọn đóng vai nạn nhân để chờ đợi sự cứu rỗi từ người khác hay chọn thời gian là liều thuốc lãng quên...

Bằng cách này hay cách khác thì những hậu quả tất yếu luôn xảy ra. Do đó, giải quyết vấn đề khó khăn nhất bằng cách thay đổi triệt để cách nghĩ của mình đã được Stephen Richards Covey và Breck England chỉ ra một cách cụ thể theo công thức cùng những ví dụ sinh động, thiết thực qua cuốn sách Lựa chọn tối ưu thứ 3.

Tác giả ví rằng quá trình đọc cuốn sách là bạn đọc đang đứng ở giao điểm giữa quá khứ (cho dù nó từng ra sao) và tương lai (mà cho đến bây giờ bạn cũng chưa một lần dám tưởng tượng). “Bạn sẽ phát hiện ra một khả năng thay đổi tuyệt vời trong chính con người mình. Bạn sẽ suy nghĩ về các vấn đề của bản thân theo một cách hoàn toàn mới. Bạn sẽ phát triển khả năng phản xạ tốt - điều giúp bạn vượt những chướng ngại vật mà người khác cho rằng chẳng thể nào vượt qua", sách viết.

Công thức bốn bước để hợp lực hiệu quả

Giáo sư Covey lại một lần nữa thành công khi đưa ra công thức bốn bước để hợp lực, nếu hiểu và nắm bắt rõ, chúng ta có thể áp dụng cho mọi vấn đề, tất cả sân chơi kể cả lĩnh vực mang tầm vóc vĩ mô như thương trường hoặc chính trị.

Nó bao gồm: Đặt câu hỏi theo Lựa chọn tối ưu thứ 3, Xác định các tiêu chí thành công; Tạo ra các Lựa chọn tối ưu thứ 3 và cuối cùng Đi đến hợp lực. Chúng ta nhận kết quả dựa trên những gì mình làm. Trong khi đó, những gì chúng ta làm phụ thuộc vào điều ta nghĩ về thế giới xung quanh. Do đó, chỉ khi tôi nhìn nhận chính mình, tôi nhìn nhận bạn, tôi cố gắng thấu hiểu bạn thì chúng ta mới có thể cùng nhau hợp lực.

Giua xung dot, lam sao de doi ben deu chien thang? hinh anh 2
 

Một nhân viên muốn được hưởng mức lương cao hơn. Tất nhiên, giám đốc có thể đồng ý chấp thuận hoặc không, anh nhân viên sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nhưng người giám đốc đã khiến nhân viên bất ngờ khi chọn giải pháp “Lựa chọn tối ưu thứ 3”.

Thay vì mặc cả qua lại mức lương mà nhân viên đang hưởng, giám đốc hỏi về những gì nhân viên đang làm, những gì cấp dưới của mình đang nghĩ và những gì nhân viên học được trong vài tháng rồi làm việc ở công ty.

Kết quả cuối cùng là một hoạt động kinh doanh mới và một đối tác - nhân viên có thể gia tăng giá trị của mình, đóng góp công sức cho công ty mỗi năm. Lựa chọn của người sếp thông thái theo tư duy “Lựa chọn tối ưu thứ 3” đã nhìn nhận đúng khả năng về một tình thế mà cả hai bên đều được hưởng lợi.

Warren Bennis, tác giả cuốn hồi ký Still Surprised đã nhận định về Lựa chọn tối ưu thứ 3: “Trong cuốn sách này, Covey đã vượt ra khỏi lĩnh vực quen thuộc để đạt tới tầm vóc phổ quát và sáng chế ra một loại ‘vắc-xin xã hội’ hướng tới việc giải quyết những vấn đề nhức nhối đang tồn tại không chỉ trong đời sống cá nhân mà còn trong cả những hội đoàn và tổ chức chúng ta đang sống và làm việc".

Như một triết lý sâu sắc, Lựa chọn tối ưu thứ 3 xứng đáng là giải pháp thuyết phục tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề thách thức trong thời đại, không cần tranh chấp và xung đột, mọi khó khăn đều được giải quyết thỏa đáng để tất cả các bên đều chiến thắng.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025