Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, làm giàu không xấu, nhưng mỗi người cần biết rằng mình làm giàu vì mình muốn hạnh phúc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch Tổ đình Từ Hiếu (Huế) ở tuổi 96, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người trên toàn thế giới.
Là một trong những bậc thầy tâm linh có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới, ông đã để lại nhiều lời khuyên hữu ích dành cho các Phật tử và cả những người bình thường. Không chỉ dành cả cuộc đời để giúp con người thoát khỏi khổ đau, ông còn nỗ lực để đưa nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời, ngay cả ở nơi khốc liệt như thương trường.
Năm 2007, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có buổi nói chuyện với các doanh nhân tại TP. HCM. Có người hỏi ông: "Sự cạnh tranh gay gắt trong giới kinh doanh khiến người ta ví thương trường như chiến trường. Doanh nhân phải làm gì để có thể giữ được tính thiện và sống đúng theo Ngũ giới trong một môi trường kinh doanh đầy khốc liệt?".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng hạnh phúc và sự thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở lợi nhuận, mà còn ở tình thương và hạnh phúc của từng cá nhân trong doanh nghiệp đó. Để chứng minh, ông lấy ví dụ từ Top 100 công ty tốt nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn mỗi năm.
"Khi nghiên cứu thì người ta thấy rõ điểm chung của tất cả 100 doanh nghiệp đó là họ biết lo lắng và chăm sóc cho những người làm trong doanh nghiệp như trong một gia đình. Trong những doanh nghiệp ấy có yếu tố của tình thương, yếu tố của trách nhiệm và yếu tố của tình huynh đệ", thiền sư Thích Nhất Hạnh nói.
Theo thiền sư, tình thương là nền tảng để mỗi người tuân thủ Ngũ giới, trong đó có giới bảo vệ sự sống.
"Có tình thương trong doanh nghiệp thì thế nào mình cũng tránh được hành động hủy hoại môi trường và hủy hoại sinh mạng của những loài khác", ông cho biết.
"Khi ý thức được rằng tuy đang có lợi nhuận nhưng mình đang sát sinh quá nhiều, thì tâm mình không an. Nếu tiếp tục như vậy thì cái không an của tâm sẽ càng ngày càng lớn lên và một ngày nào đó, sẽ đánh mất hạnh phúc hoàn toàn."
Thiền sư khuyên các doanh nhân nên can đảm để thay đổi, thực tập "chánh mạng" trong công việc. Chánh mạng được hiểu là nghề nghiệp sinh sống chân chính, không tàn hại môi trường hay hủy hoại sinh mạng của các loài khác.
"Trong thương trường có sự tranh đấu, hình như là đó là sự tranh đấu không nương tay, không có tình thương. Nhưng mục đích của mình là gì? Mục đích của mình là hạnh phúc chứ không phải chỉ thành công về hình thức", thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích.
"Mình có thể có rất nhiều tiền, có rất nhiều quyền lực, nhưng mà mình có thể đau khổ vô cùng. Cho nên mình phải xét lại điều này. Mục đích của mình là có hạnh phúc, hạnh phúc cho bản thân, và hạnh phúc cho những người thương. Mình biết rằng tình thương là yếu tố căn bản của hạnh phúc đó."
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dặn mọi người đừng để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy tranh đoạt không nể nang, mà phải lấy tình thương làm gốc rễ. Ông coi những người chỉ biết chạy theo tiền tài và uy quyền là những người không có hạnh phúc, và cách duy nhất để giúp họ thấy điều đó là qua đời sống của chính mình.
Tăng đoàn Làng Mai hướng dẫn thiền hành cho các doanh nhân tại Salesforce
Khi quản lý một doanh nghiệp, người lãnh đạo luôn phải hướng tới tương lai và đặt nhiều tham vọng, để không bị tụt hậu so với đối thủ. Đôi lúc, điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc an trú trong giây phút hiện tại.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng làm giàu không phải chuyện xấu, nhưng phải biết mình muốn giàu vì mình muốn hạnh phúc.
"Nếu giàu mà không có hạnh phúc thì giàu để làm gì?", ông nói. "Khi mình hạnh phúc rồi thì tiền bạc đó sẽ tạo thêm hạnh phúc cho những người xung quanh mình. Khi xung quanh mình người ta hạnh phúc thì hạnh phúc của mình cũng tăng lên."
Lo lắng và sợ hãi quá mức về tương lai là một trong những nhược điểm của con người. Theo thiền sư, làm như vậy chỉ phí hoài năng lượng và thời gian của bản thân, khiến tương lai thêm mờ mịt. Tương lai được xây dựng từ hiện tại, hiện tại được bồi đắp từ quá khứ. Chỉ cần quản lý hiện tại bằng tất cả khả năng là mình đã làm tất cả mọi cái cho tương lai.
"Vấn đề không phải là lo lắng, sợ hãi cho tương lai mà là ngồi thật vững trong hiện tại để nếu cần thì thiết kế cho tương lai. Trở về với giây phút hiện tại, mình chăm sóc được thân và tâm của mình", ông diễn giải.
"Có những căng thẳng, đau nhức trong thân. Nếu mình cứ tiếp tục sống như lâu nay thì những căng thẳng, những đau nhức đó càng ngày càng bị dồn nén và nó sẽ sinh ra đủ thứ bệnh."
"Khi trong tâm có căng thẳng và bực bội thì những tư tưởng, lời nói, cử chỉ và hành động của mình sẽ trở nên bạo động. Điều này tạo ra nhiều đổ vỡ trong bản thân, trong gia đình và trong doanh nghiệp của mình."
(Nguồn: Làng Mai)
Trí thức trẻ