Linh ứng Kỳ 3: Nguyễn Mạnh Tuấn và chuyến đi tìm mộ sau bốn mươi sáu năm

NGUYỄN MẠNH TUẤN29/01/2022 08:30
Linh ứng Kỳ 3: Nguyễn Mạnh Tuấn và chuyến đi tìm mộ sau bốn mươi sáu năm

Khu nghĩa trang nay đã thành rừng cao su, rồi cái miếu làm mốc để đánh dấu chỗ chôn nay không còn, đến ông Tư Bông người tự tay chôn cất cũng mất phương hướng...

Ở tận Hà Nội nhưng Nguyễn Văn Lư hướng dẫn rành rọt: “Nghĩa trang bị san bằng nhưng không hề được bốc hài cốt, nói không còn, thực ra là còn. Cái miếu người ta đã phá đi để làm chuồng bò. Bác đã thấy chuồng bò ở trên bờ suối cạn, ngay cạnh con đường đất đỏ? Miếu tuy mất nhưng nền vẫn còn. Từ cạnh ngang nền ngôi miếu, đi dọc bờ suối vào bên trong ba trăm bước, trên có cây sung, đào sâu xuống ba mươi phân là đến nắp tiểu.”

Ông Tư Bông, người trực tiếp mang 5 bộ hài cốt về chôn, hơi ngẩn ra, rồi xăm xăm đi trở lại chuồng bò. Tiện trong tay có cây xẻng nhỏ, ông đâm mấy nhát xuống góc nền chuồng bò. Góc nền được tô bằng lớp hồ non vỡ ra, lộ bên dưới là mặt của loại gạch cổ mà ngày nay không còn. Ông Tư Bông ngơ ngẩn:

- Ông thầy ngồi tận ngoài Bắc, làm sao biết cái nền miếu có từ những năm 1930, lại nằm dưới chuồng bò? Nếu ông thầy ở đây, tôi phải vái sống ông ấy.

Rồi ông nói tiếp: “Tìm trúng cái nền miếu thì chỗ chôn hài cốt dễ rồi.”

Dứt lời, ông sải bước, vừa đi vừa đếm. Một số người trong chúng tôi cũng vừa đi vừa đếm theo. Đúng hai trăm bước, ông Tư Bông dừng trước một bãi tre gai dài rộng như rừng bao suốt dọc bờ suối cạn: “Chỗ này, chính tôi đã trồng khóm tre, bây giờ nó thành cả bãi thế này. Bứng cả bãi tre khủng này, phải kêu máy xúc. Hay bác thử hỏi thầy ngoại cảm xem ý thầy thế nào?”

Tôi nói: “Thực ra ông thầy bảo, từ nền miếu đi vào trong ba trăm bước, trên bờ suối cạn có một cây sung, mới là chỗ chôn hài cốt.”

Ông Tư Bông nói: “Vô lý. Vô lý. Tôi không nghĩ mình nhớ sai… Nhưng bãi tre này có dọn cũng phải để mai mới kêu được máy xúc. Ông thầy này rõ ràng là thiêng, nên cứ thử theo thầy trước đã.”

Ông chủ động vừa đi vừa đếm bước chân, đến đúng chỗ cây sung thì dừng lại: “Ba trăm bước là chỗ này.”

Một số người nhìn cây sung đường kính thân chừng hai mươi centimét:

- Cây sung non này không thể cùng thời gian chôn hài cốt. Nhiều nhất là mười năm tuổi.

Tôi bảo: “Cậu Lư nói chỉ đào sâu ba mươi phân là thấy nắp tiểu.”

Ông Tư Bông nhìn đám cỏ tranh và cây dại rậm rì từ gốc sung lan khắp bờ suối cạn, nói với đám thanh niên trong xóm đi theo ông: “Mỗi đứa cùng tao thắp một cây nhang, xin phép thần linh và hương hồn năm ông ở đây, rồi hãy phát quang, đào đất.”

Lúc này, cả đoàn đã biết việc khai quật, kéo hết đến chỗ cây sung, đứng vòng trong, vòng ngoài. Nhiều người cũng chắp cây nhang đang cháy giữa hai bàn tay, nhưng nhiều người làm dấu thánh của đạo Thiên Chúa. Một số người thì quỳ phục, ngửa mặt lên trời cầu Thánh Allah. Lúc này tôi mới nhận ra chỉ hơn trăm thân nhân của năm người lính Việt Nam Cộng hòa, đã theo năm dòng đạo. Đương nhiên mỗi dòng đều chỉ tôn thờ một “Thượng đế” của mình. Tôi rất muốn gọi điện thoại hỏi Tiến sĩ Bùi Tiến Quý hoặc cậu Lư, về phát sinh bất ngờ này, có khiến việc gọi hồn không thuận? Nhưng thấy không kịp, nên tôi ghé tai nhà ngoại cảm không chuyên, kiêm “Tổng tư lệnh” Nguyễn Nguyên Bảy:

- Liệu mỗi người cầu một “Thượng đế” thế kia, có dẫn đến sai lạc?

Nguyễn Nguyên Bảy:

- Ông không tin thầy Lư à?

- Không phải không tin, mà vụ tìm hài cốt này, tôi thật sự ú ớ… như lâm vào ma trận.

- Tại vì ông chuyện gì cũng cứ phải giải thích chứng minh rồi mới tin, chứ tôi quá quen với việc nhìn nhận từ niềm tin. Cũng giống như quanh chúng ta, mỗi người một Thượng đế, nhưng mỗi bộ hài cốt được tìm thấy chỉ có của một gia đình, thì họ theo đạo nào cũng có sao đâu. Ở đây có năm bộ hài cốt, người trực tiếp chôn chỉ một nơi, còn ông thầy ngồi ở tận Hà Nam lại chỉ nơi khác. Nhưng trước khi có đáp số, mình nên tin ai? Nhiều người sẽ tin ông Tư Bông vì ông ấy có đủ bằng chứng không thể chối cãi. Còn tôi và nhiều người khác lại tin thầy Lư, chỉ đơn giản ông ấy là thầy có tín nhiệm.

Đám thanh niên trong xóm nhà ông Tư Bông ào ào, cắt chặt đám cây cỏ dại, trong chốc lát đã phát quang diện tích chừng ba chục mét vuông từ cây sung xuống hết bờ suối cạn, rồi dùng cuốc, thuổng xắn xuống đất. Phần trên chừng nửa gang tay nhờ trận mưa đất mềm, có chỗ còn nhão, dễ đào, nhưng xuống sâu hơn, lớp đất đỏ ba-dan bắt đầu rắn như đá.

Người trong đoàn bắt đầu hồi hộp.

Ông Tư Bông lẩm bẩm: “Tôi ngờ ông thầy sai.”

Nguyễn Nguyên Bảy hỏi: “Sao bác lại không tin mình nhớ đúng?”

- Vì ông thầy đã nói đúng cái nền miếu, còn tôi đã từng thấy cái miếu mà lại không biết nó ở đâu… Nhưng giờ, tôi tin chắc năm bộ hài cốt ở bãi tre.

Rồi ông nói với đám thanh niên: “Ông thầy bảo chỉ đào ba mươi centimét, thì đào trước một hố nhỏ, quá ba mươi centimét một chút, không thấy thì về bãi tre cho đỡ mất công.”

Đám thanh niên thấy có lý, liền chỉ để hai người dùng thuổng, xà beng đào trước một hố tròn đường kính chừng bốn mươi centimét. Để đất mềm, một cậu còn múc nước ở vũng đọng dưới suối đổ vào.

Bỗng từ đáy hố phát ra tiếng “cạch”, do lưỡi thuổng xấn vào một vật rắn. Ông Tư Bông reo: “Hình như đụng nắp tiểu.”

Miệng hố được cả đám thanh niên tập trung nhanh chóng khui rộng ra. Năm nắp tiểu sành, nắp nọ cách nắp kia cách nhau ba mươi centimét đúng như cậu Lư nói.

Ông Tư Bông run rẩy: “Chắc chắn tôi không chôn dày thế này.”

Nhưng rồi, ông như bị hút xuống chỗ năm chiếc tiểu. Những thân nhân của bốn người lính Việt Nam Cộng hòa, từ hồi hộp căng thẳng chuyển sang òa khóc, gào thét. Một số người giằng lấy xà beng và thuổng của đám thanh niên, tự cậy nắp tiểu người nhà mình. Có nắp chỉ bẩy nhẹ, bật ra ngay, nhưng cũng có nắp phải mất công… Cuối cùng, các nắp tiểu được mở ra hết. Những gói ni lông bọc hài cốt vẫn còn nguyên hình dáng lúc bọc, nhưng đều bị nuốt vào số đất đổ vào nửa thể tích tiểu, đụng mạnh để nhấc lên là đất mủn ra. Rất may trên các gói ni lông đều buộc sợi dây chuyền lồng theo hai tấm thẻ bài màu nâu xỉn. Cầm tấm thẻ bài lên, kéo theo cả sợi dây dù buộc gói hài cốt, khiến nó có chiều hướng bung ra, nên những người đang xúc động vội vàng phải chùng tay lại.

Ở trên bờ nhiều người nhắc: “Gỡ thẻ bài nhè nhẹ không bung hết hài cốt. May quá, vẫn còn nguyên thẻ bài. Lau sạch đi để biết hài cốt nào của ai?”

Phạm Phú Minh Dân nhảy từ trên bờ xuống, đón miếng thẻ bài từ tay một thanh niên vừa gỡ ở một gói hài cốt trong chiếc tiểu ở giữa, lau vào quần, rồi đọc lớn: “Nguyễn Danh Hùng! Ông nội ơi! Con trai nội đây rồi.”

Nhờ mỗi bộ hài cốt đều buộc theo dây chuyền có hai tấm thẻ bài bằng thép không gỉ, khắc tên, đơn vị, quê quán, nhóm máu mà cả năm gia đình đều nhanh chóng nhận đúng hài cốt người thân của mình, nhưng dù rất ý thức nhẹ tay, nâng niu, tất cả xương đều vụn lẫn một màu nâu đen với đất. Từ năm 1970 đến năm 2016, những bốn mươi sáu năm, gần nửa thế kỷ... 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 27/03/2024