‘Linh ứng’ - Kỳ 1: Đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi

NGUYỄN MẠNH TUẤN27/01/2022 08:30
‘Linh ứng’ - Kỳ 1: Đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi

Một câu chuyện có thật, về việc vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn nhờ một nhà ngoại cảm chưa quen biết gọi hồn để tìm mộ người anh ruột, liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi.

Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, về việc vợ chồng tôi trong lúc cấp bách đã nhờ một nhà ngoại cảm chưa quen biết gọi hồn để tìm mộ người anh ruột Nguyễn Minh Khôi, hy sinh ngày 12-3-1970, tại Mặt trận miền Đông Nam Bộ sau bốn mươi năm không tìm thấy hài cốt.

LTS: “Linh ứng” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn không nhằm giải thích hiện tượng kỳ bí hay nghiên cứu khoa học về thế giới tâm linh, mà kể lại những sự thật được tác giả chứng kiến thông qua khả năng của một nhà ngoại cảm mà đến giờ, vẫn không thể lý giải nổi bằng những hiểu biết của khoa học. Đó là, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư chỉ thông qua cuộc điện thoại có sự trợ giúp của vong linh liệt sĩ mà có thể nhìn thấy sơ đồ nghĩa trang, chỉ ra chính xác phần mộ của anh Nguyễn Minh Khôi, rồi những phần mộ của người lính Việt Nam Cộng hòa trong rừng cao su dù chưa từng đặt chân đến đó bao giờ.

Tháng Hai năm 2010. Theo đúng hẹn từ trước tại Hà Nam, thầy Lư sẽ báo chúng tôi biết địa điểm an táng hài cốt anh Khôi vào ngày mười lăm tháng Giêng âm lịch bằng điện thoại. Nên ngay từ đầu tháng Giêng, chúng tôi đã thành lập xong một đoàn sẵn sàng lên đường, gồm hai vợ chồng tôi, cô Vân nguyên là giáo viên dạy sử và cậu Hùng, cùng là em vợ tôi. Ngoài ra, tôi rủ thêm chị Chín Nguyện là trưởng phòng kế toán tài vụ cùng Hãng phim Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tôi từng làm việc.

Chín Nguyện dân gốc miền Đông Nam Bộ, hồi chống Mỹ, sống ở nhiều vùng căn cứ trong rừng. Sau chiến tranh, việc tìm hài cốt đồng đội được nhiều cơ quan tiến hành, ban đầu, chị được mời tham gia với tư cách người trong cuộc, nhưng sau, các đoàn tìm kiếm hài cốt, phát hiện ra khả năng đặc biệt của chị là cứ đến gần nơi chôn liệt sĩ, trong bán kính khoảng một ngàn mét, dù không còn dấu vết nào, chị đều đi đúng hướng và chỉ đúng nơi chôn cất.

Tôi gọi điện mời, chị nói: “Tôi chỉ tìm được những người từng chung đơn vị, cùng sống và chiến đấu, chứ không tìm được người lạ”. Tuy nhiên, chị cũng nhận lời “đi cho vui”. Chúng tôi cũng đặt thuê một xe mười hai chỗ ngồi của công ty du lịch Sao Mai quen biết. Người lái xe tên Tý đã đứng tuổi, từng nhiều lần đưa chúng tôi đi xa với nhiều công việc từ Nam ra Bắc…

Đến mười bảy giờ ngày mười bốn tháng Giêng, không thấy thầy Lư liên hệ. Đã một lần thất bại từ thầy ngoại cảm Tư Bông, chúng tôi bắt đầu nghi ngờ. Đúng hai mươi giờ, vào lúc chúng tôi không còn trông đợi, thì thầy Lư gọi điện:

- Hai bác đã chuẩn bị đi tìm liệt sĩ Khôi như tôi hẹn?

Tôi mừng quýnh, nhưng vẫn hỏi: “Tại sao cậu báo muộn?”

- Bác Khôi gọi lúc nào, tôi gọi cho bác lúc đó. Nhưng vẫn trong ngày rằm mà. Sáng mai, đúng chín giờ, hai bác có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ Phước Long. Đồ lễ, nhớ mua đủ những thứ tôi dặn và nhớ tìm người tên Thắng đón ngõ.

- Đồ lễ, chúng tôi mua đủ rồi, nhưng… Chú Thắng là con cậu ruột tôi ở Hà Nội, đang bị tai biến mạch máu não không thể đi được.

- Tôi chỉ nói lại lời bác Khôi, sau này việc thuận hay không cũng từ bác ấy. Hai bác nhớ có mặt đúng giờ. - Dứt lời, thầy Lư cúp máy luôn.

Chúng tôi vừa rất mừng, nhưng cũng vừa băn khoăn: Tại sao lại là Phước Long? Suốt gần hai tháng hồi trước Tết, vợ chồng tôi đi khắp nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhưng không lên Phước Long vì theo nhiều cựu binh được chúng tôi hỏi thì trọng điểm giao tranh ác liệt nhất ở biên giới Campuchia - Việt Nam, năm 1970, là Tây Ninh và mấy tỉnh lân cận, trong khi Phước Long lại dịch rất xa lên phía Bắc, giáp Tây Nguyên… Việc nữa khiến chúng tôi lấn cấn vẫn là người đón ngõ tên Thắng theo thầy Lư dặn, không cách nào đáp ứng, vì chúng tôi không biết Thắng là ai…

Đúng lúc đó, điện thoại di động của vợ tôi reo. Người gọi điện là Tý, lái xe của công ty du lịch Sao Mai: “Em phải gọi điện gấp để xin lỗi cô vì ngày mai, công ty có việc cần đi, nên em rất tiếc không đi được với cô chú. Em sẽ cử một cậu khác đi thay em, cô chú thông cảm...”

Vì đi xa, lại lên vùng đất lạ, cần lái xe quen biết, thông thổ như Tý, giờ anh ta lại thay bằng người lạ, chưa kể phải thay lái xe vào phút cuối cùng cũng là điềm xui, nên chúng tôi bỏ luôn ý định thuê xe Sao Mai. Khi nói điều này với Hùng, cậu giải quyết rất nhanh: “Nếu vậy, lấy xe bên công ty em, để thằng Thắng lái.”

Thắng là em ruột kế Hùng, nhiều năm lái xe ở ngoài Bắc, mới nghỉ hưu mấy năm nay, hiện ở gần nhà tôi. Chúng tôi cùng giật mình: Cuối cùng người đón ngõ đưa chúng tôi đi Phước Long vẫn là Thắng như cậu Lư nói, chỉ có điều Thắng này không mảy may liên quan gì đến anh Khôi.

Gần 9 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đến bùng binh Thành phố Đồng Xoài, Tỉnh Bình Phước, cách Sài Gòn cỡ một trăm ba mươi kilômét. Cậu Thắng lần đầu tiên đi đường này, không rõ thiếu tin tưởng ở bản đồ định vị hay do quá cẩn thận, vẫn dừng xe bên đường, hỏi một ông lớn tuổi chạy xe ôm, đang ngồi trên xe chờ khách ngay lề hè:

- Bác làm ơn cho hỏi nghĩa trang liệt sĩ Phước Long đi hướng nào?

Người được hỏi rất kiệm lời: “Đi thẳng.”

Theo tay chỉ của ông, chúng tôi chạy thêm năm cây số, nhưng nơi đến, nằm bên phải đường lại là một nghĩa trang hoành tráng, với tấm biển lớn “Nghĩa Trang Liệt Sĩ Đồng Xoài” chạy suốt chiều ngang phía trên hai trụ cổng bê tông. Thắng xuống xe, hỏi người quản trang:

- Tại sao chúng tôi hỏi thăm, người ta lại nói đây là nghĩa trang Phước Long?

Người quản trang giải thích:

- Ngày trước, đây gọi là Phước Long nhưng đổi thành Đồng Xoài lâu rồi, mà những người từ các tỉnh miền Bắc vào vẫn nhầm với tên cũ. Do đa số người tìm đều là thân nhân liệt sĩ nên người ta đồn sự nhầm lẫn này do vong hồn các liệt sĩ muốn thử lòng người thân, vì để họ tha phương lưu lạc mấy chục năm mới chịu đi tìm. Nhưng cũng có người, từ sự nhầm lẫn này, do vong báo, lại tìm trúng hài cốt liệt sĩ ở đây, nên họ nói, chính quyền đặt tên sai chứ họ không sai.

Lúc này đã chín giờ, đúng lời hẹn của thầy Lư. Và thực sự, chúng tôi đang đứng ở nghĩa trang Đồng Xoài, với băn khoăn: Lẽ nào tên Phước Long là của riêng thế giới tâm linh? Tôi bấm điện thoại di động gọi thầy Lư: “Chúng tôi đã đến nghĩa trang liệt sĩ Phước Long đúng giờ, theo hướng dẫn của bản đồ định vị, nhưng lại là nghĩa trang liệt sĩ Đồng Xoài.”

Thầy Lư nói: “Không phải chỗ hai bác đang đứng, mà đi tiếp hơn bốn chục cây số nữa. Còn một nghĩa trang Phước Long khác.”

Thắng tiếp tục cho xe đi. Vừa đi, vừa hỏi thăm người bên đường, vì không còn tín nhiệm sự hướng dẫn của bản đồ định vị. Đến thị trấn Phước Bình, rẽ phải chừng hai cây số, tính từ bùng binh ngã tư Quốc lộ 13 và Thành phố Đồng Xoài, chúng tôi đã đi thêm bốn mươi ba kilômét. Mặt tiền bên phải đường hiện ra một nghĩa trang lớn, với tường lửng hơn một mét, bên trên rào bằng chấn song sắt, có đầu hoa văn nhọn, chạy dài hàng trăm mét dọc theo đường lớn. Cổng nghĩa trang được xây đơn giản nhưng đồ sộ. Bên trên, suốt chiều ngang trụ cổng tam quan là tấm biển lớn: Nghĩa Trang Liệt Sĩ Phước Long.

Nhưng đã chín giờ bốn mươi phút. Trời đang giữa trưa. Nắng hun nóng nền đất đỏ ba-dan, lại thiếu gió, tạo ra bầu không khí khô gắt, rất khó chịu.

Chúng tôi thận trọng dừng xe bên ngoài, rồi gọi điện thoại cho thầy Lư. Giọng thầy Lư đều đều:

- Chính là nghĩa trang này. Cho xe vào, đặt lễ lên đài tưởng niệm, thắp nhang, khấn xin Trời, Phật và hương hồn các liệt sĩ phù hộ, rồi gọi điện… À… Xin lỗi! Do hai bác sai hẹn gần một giờ, trời lại đang nắng chói, mọi vật đều mờ nhòa, khó nhìn nhận, nên để đến hai giờ chiều, khi trời mát và có mưa, bác lại gọi điện cho tôi.

Chị Chín Nguyện nói nhỏ với tôi:

- Nói với ông ấy, ở xứ này bốn giờ chiều vẫn chưa hết nắng gắt, và đang giữa mùa khô, không thể có mưa. Tôi chưa kịp nói, phía thầy Lư đã có tín hiệu tắt máy, đành an ủi Chín Nguyện:

- Miền Bắc bây giờ vẫn đang lạnh và mưa phùn, nên cậu ta tưởng miền Nam cũng vậy… Không sao đâu. Đến hai giờ, trời đất vẫn loãng nhòa, cậu ta sẽ hẹn trễ hơn, mình càng nhiều thời gian.

Ngồi trên xe nhìn vào nghĩa trang rộng mênh mông, chỉ thấy vài người đi thăm mộ, mấy người đang cắt cỏ, còn phía bên phải cổng là dãy nhà ngói cấp bốn, có lẽ dành cho những người quản lý nghĩa trang, nơi tiếp khách hoặc nhà kho, không có một bóng người.

Linh ứng kỳ 2: Hai vợ chồng anh Minh Khôi đang đứng cạnh mộ

Linh ứng - Nguyễn Mạnh Tuấn


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024