Đồng thời, tôi cũng gọi điện cho Tiến sĩ Bùi Tiến Quý.
- Tôi có đọc báo và nghe kể về vụ các nhà ngoại cảm chỉ dùng điện thoại từ xa có thể chỉ đúng nơi chôn hài cốt, nhưng chính mình chứng kiến thì vẫn khó tin… Có điều này, tôi muốn tò mò hỏi anh, cậu Lư này đã từng sống hay vào miền Nam nhiều lần?
- Theo tôi biết, chỉ có một lần duy nhất, cậu ấy vào Sóc Trăng khoảng một tuần, dự một đại lễ cầu hồn bên Phật giáo.
- Tôi phải hỏi điều này vì mấy tỉnh miền Đông Nam Bộ, hồi đầu giải phóng khi đi viết về ngành cao su, tôi có thời gian thâm nhập thực tế, nên hiểu biết ít nhiều. Đến hôm nay đi lại thấy quá nhiều thay đổi, chính mình cũng bỡ ngỡ, sao cậu Lư tỏ ra rất rành địa bàn Bình Phước, Phước Long?
- Đấy chính là cái lạ từ những nhà ngoại cảm mà có khi chính họ cũng không giải thích được ở góc độ vật lý.
Nói chuyện với Tiến sĩ Bùi Tiến Quý xong, tôi quay ra cùng mọi người đi thắp nhang cho các ngôi mộ. Ở hàng thứ tư cổng vào, góc xa mảng vuông mộ bên trái đài tưởng niệm, từ hàng đầu vào, giữa ngôi mộ thứ năm và thứ sáu, không hiểu sao, cậu Thắng trong lúc đi qua, đi lại, đụng đổ bình hoa đến ba lần. Lần thứ ba, còn mẻ một miếng nhỏ ở miệng bình. Cô Vân thấy vậy, lớn tiếng mắng Thắng là hậu đậu. Đến chị Chín Nguyện khi thắp nhang ở giữa hàng mộ, lúc đi trở ra, cũng đụng đổ đúng bình hoa này.
Rồi cô Vân do thắp hết nhang, phải đi lại, xin Thắng chia bớt nhang để thắp tiếp chỗ khác, cũng đụng đổ chính bình hoa ấy, phải thốt lên: “Hình như cái bình hoa này có ma?” Nhưng rồi mọi người cũng cho qua vì cùng mải tập trung vào việc thắp nhang cho quá nhiều ngôi mộ, dưới cái nắng gay gắt, ai nấy đều thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại.
Đúng hai giờ chiều, trời đang nắng rực, bỗng mát dịu đột ngột, rồi rộ xuống những hạt mưa rây, điều rất ít có giữa mùa khô ở miền Đông Nam Bộ, tôi gọi điện thoại báo tin cho thầy Lư. Thầy Lư bảo:
- Bây giờ, bác ra cổng, rồi đi từ cổng thẳng hướng về đài tưởng niệm. Đi chậm thôi. Lúc nào tôi bảo dừng thì dừng lại.
Tôi vừa làm theo lời thầy, vừa nghe điện thoại.
- Dừng lại. Phía tay trái, vừa đúng đầu hàng mảng mộ bên trái, đúng không?
- Đúng.
- Tính từ đài tưởng niệm trở ra là đầu hàng cuối của mảng mộ bên trái?
- Đúng.
- Vậy bác đi dọc đến hết hàng mộ này đi.
Tôi cùng cả đoàn đi đến hết hàng mộ thì dừng lại. Lời thầy Lư tiếp tục:
- Hàng này, từ mộ thứ sáu trở đi có mười chín ngôi mộ vô danh.
Tôi ra hiệu cho Hùng đi trở lại, đếm số mộ trên mặt bia đá đen có khắc dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”.
Cậu Hùng nhanh nhảu nghe theo, rồi nói:
- Đúng mười chín.
Thầy Lư nói:
- Hàng thứ hai đi ngược lên, không có mộ vô danh.
Cậu Hùng đi lướt đến tận đầu hàng mộ, rồi quay lại vẫy tay, ý nói đúng. Thầy Lư lại nói:
- Hàng thứ ba, hai mộ vô danh ở đầu và thứ chín. Đúng không?
Tôi nói: Đúng.
- Hàng thứ tư. Hai mộ đầu có tên, kế đến bốn mộ vô danh. Mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi là thứ ba trong số mộ vô danh. Đó… bác Khôi đang đứng ngay cạnh mộ, cách xa chục mét có cả người vợ y tá tên là Minh… Tôi có dặn khi hóa vàng nhớ mua bộ đồ phụ nữ cho bác Minh?
Vợ tôi nói:
- Thưa, chúng tôi có mua.
- Tại sao thiếu đôi giày?
- Thưa! Ở chợ Sài Gòn không có giày của nữ, lúc lên đây, ở chợ, cũng không có, nên chúng tôi mua đôi dép cao gót.
Thầy Lư phàn nàn:
- Đi ở rừng làm sao dùng dép cao gót? Bây giờ, bác Minh đã đứng cạnh bác Khôi. Bác hỏi người tên Thắng có nhìn thấy không?
Cô Vân và chị Chín Nguyện cùng nói: “Thấy hai cái bóng lờ mờ.”
Cậu Thắng nói: “Có một người đàn ông, một người đàn bà, nhưng chỉ thoáng qua thôi.”
Vợ chồng tôi và cậu Hùng tuyệt nhiên không thấy bất cứ hiện tượng khác thường nào. Nhưng chúng tôi cùng sởn cả da gà khi ngôi mộ này chính là ngôi thứ năm từ ngoài vào, chiếc bình sứ cắm hoa giấy, bị bể một miếng nhỏ ở miệng đặt khoảng giữa mộ thứ năm và thứ sáu, vẫn ở chỗ lúc sáng chia nhau đi thắp nhang tất cả các ngôi mộ khắp nghĩa trang, ba lần Thắng đụng đổ, còn cô Vân và chị Chín Nguyện, mỗi người đụng đổ một lần. Giờ chỉ có ba người đụng bình hoa nhìn thấy hồn.
Tôi rất muốn hỏi: Tại sao không phải vợ chồng tôi mà là cậu Thắng, sau đó, là cô Vân và chị Chín Nguyện nhìn thấy anh Khôi? Nhưng do quá xúc động và mải cố tìm hình ảnh anh Khôi, nên chưa kịp hỏi, thầy Lư đã nói:
- Bác Khôi có nói đến một người tên Hùng mà bác Tuấn biết, cũng đang ở Phước Long. Chi tiết này, tôi nghe không rõ lắm. Bác Tuấn thử nhớ hoặc tìm hiểu thêm người tên Hùng này là ai? Còn việc tìm bác Khôi của tôi đến đây là xong.
Dứt lời, thầy cúp máy một cách lạnh lùng. Tôi bấm máy gọi lại thầy để hỏi rõ thêm về người tên Hùng, và nói lời cảm ơn, cùng việc hậu tạ, nhưng trước sau, máy phía thầy Lư chỉ có một tín hiệu bận. Tôi bần thần, trong họ hàng ruột thịt nhà vợ chồng tôi, có mấy người tên Hùng, nhưng người tên Hùng đang ở Phước Long như cậu Lư nói thì chắc chắn không có ai, nên có thể coi như thêm một sự “sai số” thỉnh thoảng vẫn có ở nhà ngoại cảm, như Tiến sĩ Bùi Tiến Quý từng giải thích.
Vợ tôi nói:
- Chi tiết cậu Thắng, cô Vân và chị Chín Nguyện nhìn thấy hai hồn, chứng tỏ cậu Lư nói chị Minh y tá có quan hệ với anh Khôi là đúng. Mình chỉ nên đánh dấu hỏi ở chỗ, theo cậu Lư, họ là vợ chồng, trong khi anh Khôi chưa có vợ. Còn vụ cậu Lư nhắc anh nhớ một người tên Hùng, mình cũng quan tâm ở mức như trường hợp cậu ấy nói về chị Minh. Điều quan trọng nhất ở đây là mình đã tìm thấy anh Khôi.
Ròng rã hơn bốn mươi năm, rốt cuộc chúng tôi cũng đã tìm thấy anh. Vợ tôi xúc động đến bật khóc, còn tôi, bồi hồi như đã trút được phần nào gánh nặng đeo mang mấy mươi năm trời, tôi làm thinh, chìm trong vô vàn cảm xúc.
>> Linh ứng Kỳ 3: Nguyễn Mạnh Tuấn và chuyến đi tìm mộ sau bốn mươi sáu năm
NGUYỄN MẠNH TUẤN