Đó là bức tranh sơn dầu mô tả một chiếc tai lơ lửng giữa không trung, gắn với chiếc chuông. Tranh có tên là La leçon de musique được một nhà sưu tập tư nhân Bỉ mua trực tiếp từ họa sĩ René François Ghislain Magritte (René Magritte) và lưu giữ trong gia đình. Tác phẩm này từng được chào bán trong phiên của Sotheby's ở London hồi tháng 2.2002.
Bức tranh thể hiện sự thơ mộng qua tiếng chuông ngân, sự yên tĩnh của thiên nhiên và cả tên tác phẩm.
La leçon de musique được đánh giá là kiệt tác về chủ nghĩa siêu thực của một trong những nghệ sĩ hàng đầu là René Magritte. Tác phẩm ra đời năm 1965, chưa đầy hai năm trước khi nghệ sĩ mất.
René François Ghislain Magritte (1898 - 1967) là họa sĩ người Bỉ. Ông là một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của trào lưu Siêu thực. Ông nổi tiếng với các hình ảnh dí dỏm, kích thích tư duy, mô tả các vật thể bình thường trong một bối cảnh bất thường.
Sự nghiệp của ông, chủ yếu đã được thực hiện tại thủ đô Bruxells. Sau thời gian đầu vẽ theo phong cách Lập thể - Vị lai, từ năm 1926, ông bắt đầu ngả sang xu hướng Siêu thực – do ảnh hưởng của de Chirico, và ngay năm sau ông đã nổi tiếng với tác phẩm Kẻ sát nhân bị đe dọa (L’Assassin menacé) – một tác phẩm phơi bày sự hỗn độn liền kề giữa cái bình thường, cái dị thường – đó cũng là những nét đặc trưng trong các bức tranh của ông trong suốt phần đời còn lại.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Magritte được cho là khi ông đến Paris vào năm 1928 và gia nhập nhóm họa sĩ Siêu thực. Năm 1929, tranh của ông được triển lãm tại Phòng trưng bày Goemans ở Paris cùng với các tên tuổi hàng đầu Picasso, Salvador Dalí, Yves Tanguy... Năm 1930, ông trở về sống tại Brussels, Bỉ và sau đó tổ chức nhiều triển lãm tại New York (Mỹ), London (Anh)...
René Magritte từng nói về các tác phẩm của mình như sau: “Những bức tranh của tôi là những hình ảnh hữu hình nhưng không hề ẩn chứa bất cứ thứ gì; chúng khơi gợi sự bí ẩn và, tất nhiên, khi người ta xem một bức tranh của tôi, họ sẽ tự hỏi ‘Điều đó có nghĩa là gì?’. Nó chẳng ẩn chứa điều gì cả, vì bí ẩn là không có nghĩa, đó là điều không thể nhận biết”. Hệ thống hình ảnh của Magritte luôn mang tính ám ảnh, trở đi trở lại với những bối cảnh tưởng như bình thường mà trái khoáy. Nhiều sự vật, hiện tượng trong các bức tranh của ông hết sức hoang đường và kỳ bí. Một trong những đặc trưng trong tranh của ông là bố cục khác thường của các sự vật, khiến chúng trở nên kỳ cục.
Chẳng hạn như bức Chân dung Edward James mô tả một quý ông đang soi mình trong gương nhưng lại chỉ thấy phần lưng và gáy của chính mình trong đó. Bức tranh Sự tương đồng chọn lọc mô tả một quả trứng bị nhốt trong chiếc lồng chim. Còn trong bức tranh Thính phòng, một quả táo khổng lồ chiếm trọn không gian của cả căn phòng.
Những hình ảnh trong tranh của cố họa sĩ được cho là tạo nguồn cảm hứng cho các sáng tác của giới nghệ sĩ. Trong thập niên 1960, nhiều hình ảnh từ các bức tranh của Magritte đã được sử dụng làm bìa album ca nhạc, ví dụ như bức tranh Thính phòng được ban nhạc Jeff Beck sử dụng làm hình nền cho album Beck-Ola. Paul McCartney, một thành viên của The Beatles, cũng là người hâm mộ Magritte và sở hữu nhiều bức họa của ông nói rằng, họ đã được truyền cảm hứng từ những bức họa của Magritte nên lấy tên "Apple" và hình tượng quả táo làm biểu tượng ban đầu của ban nhạc.
Trong khi một số họa sĩ theo chủ nghĩa Siêu thực và sống cuộc đời phô trương thì họa sĩ Magritte thích sự tồn tại ẩn mình và yên tĩnh của tầng lớp trung lưu, một cuộc sống được biểu tượng hóa bởi những người đàn ông đội mũ quả dưa - hình ảnh thường xuất hiện trong các bức tranh của Magritte.
Hiện tranh của René Magritte được trưng bày tại các bảo tàng nghệ thuật lớn trên thế giới. Năm 2022, bức L'empire des lumières (Đế chế ánh sáng) của ông bán giá 79,6 triệu USD trong phiên của Sotheby's.