Hẳn ít ai biết rằng, câu nói trên đã được Chung Ju Yung biến tấu từ câu nói của Napoleon Bonaparte: "Mất tiền là chẳng mất gì cả, mất danh dự là mất nửa cuộc đời; mất niềm tin và nghị lực là mất cả cuộc đời".
Theo The Economist, Chung Ju Yung là "vị vua cuối cùng" của các đế chế kinh tế Chaebol Hàn Quốc cuối thế kỷ 20, nhưng chính ông cũng lại là người hâm mộ vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp. "Chung Ju Yung luôn hào hứng khi kể rằng hình mẫu của mình là Napoleon - người đã truyền cảm hứng cho ông để mở rộng đế chế Hyundai, vượt qua mọi giới hạn" (theo "Vị vua cuối cùng", The Economist)
Quả thực, lật giở lại hành trình cuộc đời của Chung Ju Yung, nhiều thời khắc người ta nhận thấy rõ "chất Napoleon" trong các quyết định lớn lao, mạnh mẽ, mau lẹ, thần tốc của ông. Chỉ khác là, cuộc đời lừng lẫy của Napoleon gắn liền với hai trận đánh lớn, một Austerlitz thắng oai hùng, một Waterloo thua bi tráng, thì Chung Ju Yung tự cho rằng sự nghiệp của mình chỉ là chuỗi nối tiếp những "trận Austerlitz" trên địa hạt kinh tế, không có "Waterloo". Bởi đơn giản, với Chung Ju Yung: Không không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách!
* Nội dung các bài viết được rút từ tự truyện "Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách" của người sáng tập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
Trở lại Seoul sau khi "vinh quy bái tổ" với tư cách người chủ xưởng gạo và tài sản lớn mà cả đời cha mình không bao giờ dám mơ tới, Chung Ju Yung khởi nghiệp ở lĩnh vực khác.
Nhờ uy tín của bản thân, Chung Ju Yung vay được 3.000 won, mua lại một xưởng sửa chữa ô tô. Trong lúc đang làm ăn rất thuận lợi, vì sự bất cẩn của công nhân, xưởng bị thiêu rụi, trong đó có một chiếc xe đắt tiền của khách hàng.
Thất bại, nợ nần chồng chất nhưng Chung Ju Yung không bỏ cuộc. Ông tiếp tục tìm đến người đã cho mình vay tiền, và cũng chính nhờ CHỮ TÍN đã gây dựng được, ông lại vay thêm 3.500 won để tái khởi nghiệp. Ông xây xưởng sửa chữa mới to hơn nằm trên bãi đất trống phía sau phường Sinsol, thuê 50 công nhân.
Mẫu xe Pony cars của Hyundai những năm 1970
Lúc đó, xưởng sửa chữa này không được cấp phép và Chung Ju Yung phải vất vả lắm mới được cảnh sát phường cho làm việc, nhưng chưa thể qua được cửa ải của cảnh sát quận Dongdeamun. Họ dọa đóng cửa xưởng.
Thách thức này làm Chung Ju Yung nhớ đến bài học từ những con rệp. Thời xưa ở nông thôn hay thành thị đều có rất nhiều rệp. Khi tới Incheon xin làm việc ở bến cảng, Chung Ju Yung đã không may thuê trọ phải nơi rệp nhiều vô kể. Để thoát khỏi cảnh ngứa ngáy vì bị rệp cắn thâu đêm, ông đã kê bát nước vào 4 chân giường khiến lũ rệp không thể leo lên. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, lũ rệp đã tìm ra con đường mới là leo lên nóc nhà rồi thả mình rơi xuống đúng người để đốt.
"Lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, toàn tâm toàn ý cố gắng và đạt được mục tiêu mình muốn, còn tôi không phải là người ư?" - Chung Ju Yung nghĩ vậy, và ròng rã suốt một tháng, ngày nào ông cũng đến nhà Trưởng phòng bảo an Condo của Đồn cảnh sát Dongdeamun, trình bày vấn đề, cho đến khi nào giải quyết được mới thôi.
Sự xuất hiện đều đặn, đúng giờ, kiên nhẫn và bền bỉ của chung Ju Yung khiến vị Trưởng phòng cảnh sát phải chịu thua. Cuối cùng, họ cũng đành "làm lơ" để xưởng sửa chữa được hoạt động, và phát đạt tới nỗi áp đảo những cơ sở sửa chữa khác ở Seoul.
Cách được Chung Ju Yung áp dụng là: sửa nhanh hơn, giữ uy tín tuyệt đối, dù giá cao hơn đối thủ. Chiến thuật này dựa trên phân tích của ông về khách hàng rằng người mua ô tô không quan trọng vấn đề về giá, mà họ cần sớm lấy lại xe, và người sửa chữa phải đáng tin cậy.
Thành công bước đầu này giúp Chung Ju Yung nhận ra sâu sắc rằng: "Một người không tin là có vận xấu thì người đó sẽ không có vận xấu. Tất nhiên là cũng có những điều xảy ra giống như số mệnh, có những lúc thuận buồm xuôi gió thì chắc chắn cũng có lúc vất vả cực nhọc, cũng như đối nghịch với ánh sáng là bóng tối, trời có lúc nắng lúc mưa, có ngày may mắn, có ngày gặp tai ương. Tôi nghĩ mọi thứ đều quân bình, vận may hay rủi đều đến với mọi người đều như nhau".
Trong quan niệm của Chung Ju Yung, "lao động là năng lực mà Thượng đế đã ban phước cho loài người", và vận số chính là lúc thuận lợi thì phải biết nắm bắt và cố gắng, khi gặp xui thì chiến đấu hết mình, khiến vận xấu cũng có thể chuyển thành cơ may.
"Chính nỗ lực của chúng ta mới quyết định đến thành công hay thất bại. Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi có cơ hội lại lười nhác bỏ qua để rồi sống mà chẳng có hút may mắn nào. Với tôi, mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến bài học của con rệp" - Chung Ju Yung.
3 năm miệt mài làm việc ở xưởng sữa chữa ô tô, Chung Ju Yung đã kiếm được khoản tiền lớn, trả hết nợ nần nhưng một lần nữa, cơ ngơi của ông lại bị thâu tóm bởi sắc lệnh của chính quyền. Sau khi khi bị buộc sáp nhập vào công ty sửa chữa Iljin ở Chongro, Chung Ju Yung và những người cộng sự thân thiết đã rút lui. Trong một lần đi sửa xe cho bạn học cấp I, Chung Ju Yung chớp thời cơ, tham gia vận chuyển quặng sắt từ quận Suan thuộc đảo Hwanghe tới trại luyện mỏ cách đó 130 km đường đồi núi.
Kiếm được tiền rồi rút lui đúng thời điểm, năm 1946 Chung Ju Yung thành lập công ty công nghiệp xe hơi và lần đầu tiên, ông sử dụng cái tên Hyundai - có nghĩa là hiện đại. Chung Ju Yung nói, tuy ông xuất thân nông dân lại ít học nhưng "chí hướng của tôi là tiến lên và sống một cuộc sống phát triển trong tương lai".
Hai mẫu xe đầu tiên của Hyundai là Hyundai Pony (1975) - xe màu trắng trong ảnh và Hyundai Exel (1986) - xe màu đỏ
Bây giờ thì Huyndai đã trở thành công ty sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Ở tuổi 50, thời điểm mà các doanh nhân thường không còn hứng thú với những cuộc phiêu lưu mới thì Chung Ju Yung vẫn hừng hực quyết tâm đưa Huyndai trở thành một trong những đại tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc bằng cách đi đầu trong ngành công nghiệp năng.
Bắt đầu lĩnh vực sản xuất ô tô với vai trò là người sửa chữa, Chung Ju Yung còn chưa từng biết phải sản xuất một phụ tùng như thế nào nhưng vẫn dám thành lập và dồn tiền của, công sức cho ước mơ trở thành ông chủ hãng chế tạo xe hơi hàng đầu thế giới. Kể từ năm 1975 (khi Chung Ju Yung 60 tuổi), Hyundai đã cho ra mắt những mẫu xe đầu tiên đầy triển vọng với Hyundai Pony (1975) và Hyundai Excel (1986). Kỳ tích ấy đã khiến cả thế giới phải nhìn Hàn Quốc bằng một con mắt khác.
Tất cả thành công này đều bắt nguồn từ chất liệu đầu tiên, đó là lòng tin và tinh thần không ngại thử thách, không sợ thất bại, giống như cách mà ông đã học chở gạo trên chiếc xe đạp cũ giữa trời mưa tầm tã, trên con đường sình lầy bùn đất lúc mới chỉ 18 tuổi.
Một năm sau khi thành lập công ty Hyundai, Chung Ju Jung lấn sân từ một người quản lý kiêm sửa chữa ô tô sang lĩnh vực xây dựng cơ bản. Bắt đầu từ việc xây dựng các công trình cho quân đội Mỹ, Hyundai đã kiếm được số tiền lớn.
Tuy nhiên, Chung Ju Yung là người nắm bắt rất nhạy bén tình hình thời cuộc. Năm 1953, Hiệp định đình chiến giữa Triều Tiên - Hàn Quốc được ký kết, quân đội Mỹ cũng rút sang Nhật Bản. Cảm thấy không thể dựa mãi vào các công trình xây dựng phục vụ quân đội Mỹ, Chung Ju Yung chuyển hướng sang các công trình phục hồi của nhà nước. Đặc biệt phải kể đến dự án phục hồi cầu Koriong.
Sau khi dự án này khởi công chưa bao lâu thì lệnh đổi tiền khẩn cấp được ban hành, từ 100 won chỉ còn đổi được 1 hwan, giá vật tư leo thang chóng mặt, kinh tế Hàn Quốc khá hỗn loạn. Do không lường trước được biến động lớn như vậy trong nền kinh tế, Hyundai lỗ nghiêm trọng với dự án cầu Koriong. Nhưng hãy xem Chung Ju Yung đã chèo lái con thuyền Hyundai vượt qua khó khăn này như thế nào!
Cầu Koriong là công trình lớn nhất của Chính phủ Hàn Quốc thời điểm đó, với thời gian hoàn thành dự kiến 24 tháng. Đây là một thách thức quá lớn, và tuy gọi là dự án "phục hồi" nhưng chẳng khác nào xây mới, do cây cầu đã bị tàn phá nghiêm trọng trong chiến tranh. Thêm nữa, địa hình sông Nakdong khá phức tạp, mùa hè cát dồn lên, nước cạn nhưng khi đông tới thì sâu gấp mấy lần. Chưa kể toàn bộ công trình chỉ có một chiếc cần cẩu 29 tấn, một xe trộn bê tông và một máy bơm.
Khởi công hơn một năm mà Hyundai chưa đóng được một chiếc chân cầu nào! Toàn bộ tiền kiếm được từ các công trình xây dựng cho quân đội Mỹ đã "nướng" hết vào công trình cầu Koriong. Tài chính công ty lao đao, ngay đến cả tiền học phí cho em trai đang đi học tại Mỹ, Chung Ju Yung cũng chẳng có để gửi.
Thời điểm đó, nếu công trình càng kéo dài, Hyundai sẽ càng lỗ nặng nề hơn nên Chung Ju Yung hầu như ngày nào cũng đến công trường đốc thúc mọi người làm việc hết công suất. Công nhân thậm chí còn gọi ông là "hổ", và cứ mỗi buổi chiều, họ đều hỏi nhau: "Hổ đã tới chưa"?
Có lần, vì quát một nhân viên, ông khiến người đó sợ hãi tới nỗi bỏ chạy quên cả gác ống nghe. Chung Ju Yung nói rằng, dù có phải thua lỗ, phá sản hay làm việc cực khổ cỡ nào thì cũng nhất định phải hoàn thành công trình này để giữ gìn cho bằng được thứ tài sản quý giá nhất, đó là CHỮ TÍN.
Công trình vẫn kết thúc muộn 2 tháng, Hyundai lỗ 65.000.000 hwan trong khi số tiền hợp đồng Chính phủ chi trả chỉ có 54.780.000 hwan. Để cứu công ty xây dựng đang trên đà phá sản, tất cả anh chị em trong gia đình Chung Ju Yung đồng lòng bán toàn bộ nhà cửa, tài sản giá trị để bổ sung vốn. Câu chuyện này khiến người ta phải cảm động vì tinh thần làm việc quật cường, ý chí sắt đá và sự đồng lòng cao độ của những người đi cùng ông. Nhưng sau dự án ấy, Chung Ju Yung đã có được thứ mà tiền bạc không thể mua nổi, là CHỮ TÍN. Chính phủ tin vào tâm huyết và khả năng của Hyundai, và điều này mở đường cho một loạt dự án tiếp theo của tập đoàn.
Chung Ju Yung viết trong tự truyện: "Sách "Thái Căn Đàn" có câu "Đắc ý chi thời, bình sinh thất ý chi phi", nghĩa là con người khi thành công thì cái rễ của thất bại lại nảy mầm. Lần này tôi thất bại nhưng lần sau, họa sẽ thành phúc".
Suy nghĩ của Chung Ju Yung đã chứng tỏ sự đúng đắn khi không lâu sau, Hyundai thành công rực rỡ với công trình xây dựng cầu sông Hàn, thu lãi 40%, trở thành một trong 6 công ty lớn nhất Hàn Quốc lúc bấy giờ.
Trong hành trình vươn lên dẫn đầu ngành xây dựng Hàn Quốc, Hyundai không ngừng học hỏi, ngay cả người đứng đầu là Chung Ju Yung cũng luôn tâm niệm: "Bất sỉ hạ vấn", có nghĩa là không có gì xấu hổ khi học hỏi những người trẻ hơn, có địa vị thấp hơn mình".
Hyundai đã xây dựng thành công nhà máy chế tạo xi măng Danyang, tự sáng tạo, mày mò làm các loại thiết bị công nghiệp nặng như máy máy trộn bê tông loại lớn, máy san nền kiểu rung, xe vận chuyển xi măng... Mặc dù thua lỗ từ công trình cầu Koriong khiến Hyundai phải mất 20 năm mới trả hết nợ nhưng trong suốt quá trình ấy, công ty vẫn không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh hơn.
Trong album lần lượt theo thứ tự từ trái qua phải, từ trên xuống dưới gồm: Diện mạo sông Nakdong ngày nay (nguồn Wikipedia); Đường sắt Bắc Iraq do Hyundai xây dựng, Cầu Penang Malaysia - Cây cầu được xây dựng bởi các kỹ sư Hyundai Engineering & Construction. Đây là cây cầu dây văng dài nhất ở Phương Đông thời điểm đó - nguồn http://encykorea.aks.ac.kr.
Nhận thấy không thể tiêp tục phát triển nếu chỉ dừng lại ở quy mô trong nước, năm 1965, Hyundai tiến ra thị trường nước ngoài với công trình đầu tiên tại Thái Lan, tiếp sau đó là nhiều dự án nạo vét cảng, sông, xây khu đô thị tại miền Nam Việt Nam, nạo vét cảng của Úc, xây dựng cầu trong vùng núi ở môi trường âm 40 độ C tại Nhật Bản, trạm phát điện thủy lực dưới đất ở Papua New Guinea...
Ấn tượng nhất là dự án Cảng Dubai, một cuộc chiến thực sự về đấu thầu, trước nhiều đối thủ sừng sỏ, mang lại hợp đồng khổng lồ, góp phần quan trọng cứu nguy cho nền kinh tế lạm phát của Hàn Quốc vào năm 1975.
Mùa thu năm đó, Vương quốc Ả Rập Saudi tổ chức đầu thầu công trình xây dựng Cảng công nghiệp Dubai. Đây là công trình xây dựng lớn nhất trong lịch sử của ngành này ở thế kỷ 20, là dự án mà mấy trăm năm qua mới có một lần.
Tổng kinh phí dự kiến 930 triệu USD, tương đương 460 tỉ won trong năm 1976 - thời điểm mà toàn bộ ngân sách Hàn Quốc mới chỉ bằng nửa số tiền này!
Tương xứng với con số khổng lồ là độ phức tạp, hoành tráng của công trình khi đòi hỏi phải xây cả trên cạn lẫn dưới nước, đảm bảo cho 4 chiếc tàu chở dầu loại 500.000 tấn có thể cập cùng lúc, vận chuyển, lắp đặt và lót đá từ độ sâu 30m của nước biển...
Việc tuyển chọn nhà thầu diễn ra khá bí mật và thị trường xây dựng Trung Đông lúc bấy giờ vẫn còn là nơi độc quyền của các quốc gia phát triển châu Âu. Nhưng ngay khi biết thông tin, Chung Ju Yung đã hạ quyết tâm nhất định sẽ phải có được công trình này.
Động thái đầu tiên của ông là đặt cọc 20 triệu USD, chỉ để có được một tấm vé dự thầu.
Hành trình để đấu thầu thành công đại dự án đồ sộ này quả là kỉ niệm khó quên nhất trong cuộc đời Chung Ju Yung. Suốt thời gian chuẩn bị kế hoạch, ông cùng 3 người cộng sự ngồi lì trong phòng, bát đũa ăn xong chất đầy nhà vệ sinh, quên cả việc tắm gội, thay quần áo khiến căn phòng bốc mùi nồng nặc.
Sau khi lên kế hoạch tỉ mỉ với bản tài liệu dài gần 100 trang, Chung Ju Yung quyết định cắt giảm 25% chi phí dự toán, đưa con số chào thầu xuống còn 870 triệu USD - một mức giá thấp kỷ lục để đảm bảo không còn đối thủ nào có thể ứng thầu thấp hơn. Chung Ju Yung cho rằng, mức giá quá rẻ đó có thể gây rủi ro, nhưng nếu người Hàn Quốc ra nước ngoài làm việc và đem tiền về thì tiền họ làm ra cũng là tiền của đất nước. Nếu Hyundai có thể hoàn thành đại công trình này, uy tín và tên tuổi của họ trên thị trường xây dựng quốc tế sẽ bước lên một tầm cao mới.
Cảng Dubai ngày nay - một trong những địa điểm đáng đến nhất ở Dubai
Năm đó, người được cử vào phòng tham gia đấu thầu là Phó Giám đốc công ty xây dựng Hyundai Chon Kap Won. Sau vòng gọi thầu trong phòng họp kín, Chon Kap Won trở ra bằng thái độ không mấy hài lòng dù chưa biết kết quả.
Chung Ju Yung đã đoán được điều gì xảy ra và quả nhiên, Chon Kap Won không hạ giá thầu như chỉ thị của ông. Vì quá trung thành với công ty, vị Phó giám đốc khăng khăng giữ lại mức giá cũ đã bàn bạc là 931.140.000 USD. Ông cảm thấy, nếu cắt giảm 25% chi phí theo lời Chung Ju Yung thì quá bất công cho công nhân và những người lao động ở Hyundai. Biết được điều ấy, dù cảm động vì tấm lòng của Chon Kap Won nhưng Chung Ju Yung đã vô cùng thất vọng và nghĩ, có lẽ ông sẽ vuột mất một cơ hội vô cùng quý giá, cả đời chưa chắc có lần thứ hai.
Chon Kap Won lúc đó đã sợ Chung Ju Yung nổi giận đến nỗi không dám đến gần mà chỉ đứng xa và đi lòng vòng. Ông ta thậm chí còn nói nếu thất bại, có lẽ chỉ còn nước nhảy xuống biển làm "ma vùng Vịnh".
3 giờ chiều, Chung Ju Yung cử người khác là Chong Mun Do vào nghe kết quả. Lúc này, Chon Kap Won không thể kiềm chế được sự tò mò nên đã lẻn vào trong nghe lén. Khi trở ra, gương mặt ông ta trắng bệch do loáng thoáng nghe được kết quả trúng thầu là 944.400.000 USD của công ty Brown and Lute của Mỹ.
Chon Kap Won đau lòng đến nỗi đã cùng một người cộng sự khác kéo nhau ra gốc cây, khóc như 2 đứa trẻ. Họ công nhận với nhau rằng Chung Ju Yung có tầm nhìn chẳng khác gì "quỷ thần" và vô cùng tiếc nuối đã bỏ lỡ cơ hội kiếm được số tiền khổng lồ về cho đất nước Hàn Quốc.
Mọi chuyện tưởng như đổ bể thì bất ngờ Chong Mun Do bước ra từ phòng họp với thái độ vô cùng phấn khích, giơ ngón tay ám chỉ họ đã thắng. Thì ra giá thầu của công ty Mỹ là giá được giới hạn của công trình bến đậu tàu chở dầu biển. Nó được coi như không có giá trị.
Hyundai đấu thầu vào cảng công nghiệp Dubai với 4 phần bằng mức giá thấp xuất sắc, trong khi tất cả các tài liệu đều thuyết phục. Đặc biệt, phía chính quyền đánh giá cao khả năng thi công nhanh, rút ngắn 8 tháng, khiến toàn công trình chỉ còn thời gian hoàn công 44 tháng mà không đòi hỏi thêm bất cứ điều kiện gì.
Khỏi phải nói Chung Ju Yung đã vui đến cỡ nào nhưng có lẽ, người mừng nhất sau vòng đấu thầu chính là Chon Kap Won. Với thắng lợi này, viên "tì tướng" chẳng những không phải làm "ma vùng Vịnh", được "chủ tướng" Chung Ju Yung thưởng tiền, mà còn đem lại cho Hàn Quốc thêm 60 triệu USD quý giá.
Cùng với dự án cảng Dubai, Hyundai đã giúp Hàn Quốc vượt thoát khỏi mối nguy khan hiếm ngoại hối bởi vào năm 1975, quốc gia này phải đối mặt với nạn lạm phát và tình hình không trả nổi nợ nước ngoài. Sự cống hiến không mệt mỏi của những doanh nghiệp hàng đầu như Hyundai với những con người tận tụy là Chung Ju Yung, Chon Kap Won đã góp phần không nhỏ giúp vực dậy cả một nền kinh tế quốc gia.
Song song với việc tiến ra thế giới, Hyundai vẫn nỗ lực với các công trình trong nước, đặc biệt là các dự án lớn nhằm tái thiết đất nước. Những công trình như đập đa năng trên sông Soyang, xây dựng cảng chắn sóng ở phía vùng biển Tây Nam đất nước, ngăn biển để có thêm đất đai màu mỡ... đã đem đến vô vàn thách thức nhưng bằng tinh thần làm việc không mệt mỏi của những con người Hàn Quốc kiên cường, tất cả các dự án đều đã thành công.
Trong tất cả các công trình xây dựng, dù ở trong hay ngoài nước, Hyundai luôn đặt CHỮ TÍN lên hàng đầu, nỗ lực làm ra những sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất và nhanh nhất. Một trong những công trình giá rẻ đáng nể ấy chính là đường cao tốc Seoul - Busan, dự án khổng lồ mà cho đến nay vẫn khiến cả thế giới phải thán phục, gọi đó là huyền thoại xa lộ giá rẻ nhất hành tinh.
Chung Ju Yung: "Ngày hôm nay nếu không làm các công việc mà các nước công nghiệp phát triển chưa làm, làm những việc mà các nước phát triển không đủ năng lực, tìm thị trường mà các nước tiên tiến chưa đặt chân tới thì ngành công nghiệp Hàn Quốc chẳng còn gì để làm".
Năm 1967, Tổng thống Park Chung Hee quyết định cho xây đường cao tốc Seoul - Busan và xem đây là một trong những kế hoạch khai thác đất đai nằm trong đại kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 2 của Hàn Quốc.
Lúc đó, công trình này được xem là dự án khổng lồ đầy thách thức tại Hàn Quốc. Kinh phí dự toán là 43 tỉ won, một số tiền rất lớn nhưng lại không thể vay nợ ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, nếu so với quãng đường cần làm thì vẫn là thách thức. Để có lãi, Chung Ju Yung cho rằng phải đẩy nhanh tốc độ thi công bằng cách cơ giới hóa công trình. Ông đã đầu tư 8 triệu USD cho trang bị máy móc và gần như, không một đêm nào ngủ nổi vì dành gần hết 24 giờ cho công việc.
Sau nhiều vất vả, hy sinh cả máu và nước mắt, ngày 7.7.1970 - một tháng trước thời hạn, toàn bộ đường cao tốc Seoul-Busan hoàn tất. Xa lộ này trở thành công trình công cộng lớn nhất kể từ thời lập quốc Triều Tiên từ 5.000 năm trước
Mọi việc khá thuận lợi ngoại trừ công trình ở đường hầm Tangche ở Okchon. Công nhân làm việc hăng say đến nỗi cả tháng không về nhà, khi nắng lên thì biết đó là mùa hè mà lúc lạnh thì nghĩa là mùa đông. Tuy nhiên, địa hình ở đây rất nguy hiểm, có những dãy núi dài 4km chắn ngang đường mà công nhân phải đào hầm xuyên qua. Núi đá không cứng do toàn đá vụn hợp thành nên khi đào được chừng 20m về phía thung lũng Tangche thì bỗng tường đất đổ sập xuống khiến 3 công nhân thiệt mạng và 1 người khác bị thương. Từ đó về sau, các tai nạn sập hầm cứ liên tục xảy ra, tiến độ công trình kéo dài, có ngày chỉ đào được 30cm đường hầm.
Để động viên công nhân, Chung Ju Yung quyết định tăng lương lên gắp đôi nhưng vẫn khan hiếm nhân lực. Mọi người đồn nhau chuyện oan hồn báo oán khiến lao động khắp công trường đều sợ hãi. Ngay cả máy móc được đầu tư bằng số tiền khổng lồ nhưng cứ đưa vào sử dụng chẳng bao lâu thì hỏng hóc. Hyundai đã huy động tới hơn 600 thiết bị công nghiệp nặng và rất nhiều xe tải lớn nhưng vẫn không ăn nhằm gì. Toàn bộ công trình khởi công 2 tháng thì đình trệ trong khi thời gian hoàn công chỉ còn vỏn vẹn 6 tháng.
2 tháng trước ngày hoàn công, dự án vẫn còn 350m phải đào hầm, Hyundai rơi vào tình trạng khẩn cấp. Tổng thống Park Chung Hee - người từng rất tin tưởng Chung Ju Yung - cũng phải nổi giận khi số tai nạn đã lên tới 13 vụ. Báo chí, truyền thông bủa vây dồn áp lực.
Trước tình hình đó, Chung Ju Yung quyết định bỏ qua lợi nhuận, bằng mọi cách phải cứu lấy danh dự của Hyundai. Ông chỉ thị cho nhà máy xi măng Danyang, khi đó chưa thể sản xuất xi măng cứng, lập tức làm ra loại xi măng có khả năng đông cứng nhanh gấp 10 lần xi măng thông thường.
Từ cách đây khoảng 20 năm, chỉ một ngành xây dựng của Hyundai thôi cũng có thể giao dịch được với 20 ngân hàng lớn trong thị trường tiền tệ quốc tế. Không cần giấy bảo lãnh của chính phủ, không cần thế chấp, chỉ cần một lời hứa sẽ chi trả của công ty xây dựng Hyundai cũng có thể mượn được 2-3 tỉ USD (một số tiền rất lớn vào thời điểm đó).
Với sự đầu tư này, Hyundai xác định chịu lỗ nhưng họ vẫn cố gắng làm việc bằng tất cả khả năng có thể. Tổ lái xe đã vận chuyển xi măng từ nhà máy Danyang, băng 200km đến công trường xuyên ngày đêm để giúp người công nhân có thể cố định đường hầm nhanh, tránh sạt lở.
Cuối cùng, Hyundai đã hoàn công trước 1 tháng. Năm 1969, 11 tháng sau ngày khởi công, công trình đường cao tốc Seoul - Busan đã hoàn tất với tổng chiều dài 428 km. Trong đó, Hyundai đảm nhận 105 km từ Seoul tới Busan và 28 km từ Deajon tới Okchon, tức 2/5 tổng công trình.
Bằng tất cả sự nhiệt huyết của những người công nhân lao động quên mình, sau đại dự án này, Hyundai là doanh nghiệp duy nhất trong số 17 công ty xây dựng ứng thầu không bị thua lỗ. Đường cao tốc Seoul - Busan, xa lộ được xây đắp với mức giá rẻ nhất hành tinh sau đó đã khiến nhiều công ty lỗ nặng đến mức gặp nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, khi con đường này khai thông, đúng như như tính toán của Tổng thống Park, nó đã giúp nền kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc.
Bốn "trận đánh" oai hùng nêu trên vẫn là chưa đủ nói hết tầm vóc sự nghiệp Chung Ju Yung, vì còn rất nhiều dự án lớn khác ông đã chèo lái Hyundai theo đúng tinh thần "Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách". Trong đó, "trận đánh thứ năm" sẽ được chúng tôi sẽ kể ở bài tiếp sau...
Ý chí vĩ đại tạo nên dân tộc vĩ đại!
PV