Không bao giờ là thất bại: Kỳ nhân khiến báo chí thế giới từng không thể lý giải, gọi là 'vị vua cuối cùng'

09/08/2019 08:00
Không bao giờ là thất bại: Kỳ nhân khiến báo chí thế giới từng không thể lý giải, gọi là 'vị vua cuối cùng'

Đi lên từ hai bàn tay trắng, gây dựng nên tập đoàn Hyundai hùng mạnh góp phần tạo ra kỳ tích kinh tế Hàn Quốc, Chung Ju Yung xứng đáng là mẫu hình "kinh điển" để truyền cảm hứng lập chí vĩ đại, khởi nghiệp kiến quốc cho thế hệ trẻ Việt Nam.

LTS: Là một huyền thoại của nền kinh tế Hàn Quốc, người sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung đã xuất hiện trong rất nhiều sách, báo trên thế giới. Nhưng có lẽ tác phẩm sâu sắc nhất về cuộc đời ông lại chính là cuốn tự truyện "Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách".

Vì thế, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã chọn đây là một trong 5 cuốn sách Nền tảng đổi đời để đem đi trao tặng, mong người Việt - nhất là các bạn trẻ - được đọc, lĩnh hội bài học về tinh thần dám nghĩ lớn, dám làm điều không tưởng, dám thất bại, giữ chữ tín... để góp phần đất nước hùng cường.

Ngày 4.2.1999, Tạp chí The Economist đăng bài viết với tựa đề: "The last emperor" (Vị vua cuối cùng), kèm lời dẫn thể hiện sự kinh ngạc trước hiện tượng khó lý giải bằng các logic kinh tế thông thường: "Đối mặt với đợt suy thoái kinh tế lớn nhất trong vòng 20 năm qua, tất cả các tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc đều sụt giảm tăng trưởng. Tất cả, trừ Hyundai của Chung Ju Yung"!

Đó là năm 1998, khi tổng tài sản của Samsung chỉ tăng một chút quanh mốc 100 tỉ won, LG sụt giảm từ khoảng 60 tỉ won xuống còn hơn 40 tỉ, thì Hyundai từ hơn 80 tỉ won vọt lên gần 120 tỉ won!

Biểu đồ tăng trường của Hyundai so với 2 Tập đoàn gia đình lớn mạnh nhất Hàn Quốc là Samsung và LG. Trong giai đoạn 1996-1998, tốc độ phát triển của Hyndai đứng số 1 Hàn Quốc (theo The Economist).

The Economist gọi Chung Ju Yung là "vị vua cuối cùng" vì thời điểm đó, tuy đã 83 tuổi nhưng ông là người duy nhất còn trực tiếp điều hành tập đoàn do mình sáng lập ra, trong khi 4 "vị vua" khác (là các nhà sáng lập của Samsung, LG, SK và Daewoo) thì 3 vị đã qua đời, vị còn lại đã chuyển giao quyền lực cho người thừa kế. Nhưng The Economist cũng dự liệu, thời gian "trị vì" của Chung Ju Yung chắc cũng không còn bao lâu nữa.

Quả nhiên hơn 2 năm sau, ngày 21.3.2001, Chung Ju Yung qua đời ở tuổi 85. Những tờ báo lớn nhất thế giới đều đưa tin, viết bài. Washington Post dẫn lời người phát ngôn Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Dae Jung nói: "Trong thời gian rất lâu nữa, người Hàn Quốc vẫn sẽ ghi nhớ những cống hiến lớn lao của Chung Ju Yung đối với sự phát của nền kinh tế quốc gia".

The New York Times ghi nhận ngay từ những dòng đầu tiên: "Chung Ju Yung từ người nông dân tay trắng đã sáng lập nên Tập đoàn Hyundai, đế chế kinh tế lớn nhất Hàn Quốc… Hơn bất kỳ người Hàn Quốc nào, ông Chung là biểu tượng cho 'phép màu' của một đất nước đi lên, phát triển vượt bậc từ đống tro tàn của cuộc nội chiến".

Khung cảnh Seoul những năm 1960.​

Những năm 1950 đầu 1960, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á. Điều kiện thiên nhiên vốn không được ưu ái, khan hiếm tài nguyên, sau 30 năm chịu sự cai trị tàn ác của Phát xít Nhật, kinh tế Hàn Quốc kiệt quệ, đổ nát và càng suy thoái hơn sau 3 năm chiến tranh với Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên chỉ mười mấy năm sau, thế giới đã nhìn thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của quốc gia này và gọi đó là "kỳ tích sông Hán". Trong quá trình đó, Hyundai của Chung Ju Yung đóng vai trò tiên phong, quan trọng nhất. Ngày nay, khi nhắc đến thương hiệu Hyundai, người Việt có lẽ sẽ nghĩ ngay đến những chiếc ô tô với vóc dáng khỏe khoắn, đa dạng mẫu mã; và đánh giá của Forbes (năm 2015) rằng Hyundai là hãng sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới, đứng thứ 64 trong danh sách các thương hiệu giá trị nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế Hyundai từ khi thành lập với sự định hướng, chèo lái của Chung Ju Yung luôn là tập đoàn kinh tế đa ngành, với 3 lĩnh vực chính là xây dựng, đóng tàu và sản xuất ô tô.

Điều khiến Chung Ju Yung càng xứng đáng là một tấm gương, một mẫu hình lớn để nhiều doanh nhân, người trẻ noi theo nằm ở chỗ: ông xuất thân từ gia đình bần nông, 3 đời nghèo khó, suốt cuộc đời chưa từng học tới lớp 6...

Chung Ju Yung chính là minh chứng cho việc: không phải cứ cần có tài sản lớn thì mới trở thành doanh nghiệp lớn; và người không được học bài bản vẫn có thể tạo dựng sự nghiệp lừng lẫy, vươn đến đỉnh cao thành công, đóng góp lớn cho dân tộc và thời đại.

Seoul những năm 1960 (ảnh phải) và Seoul ngày nay (ảnh trái).

Những hình ảnh ở trung tâm Thủ đô Seoul những năm 1960.​

Trong cuốn sách Bộ ba xuất chúng, tác giả Jung Hyunk June mở đầu chương thứ nhất bằng việc đặt tên 9 doanh nhân vĩ đại đại của 3 nền kinh tế lớn bậc nhất cuối thế kỷ 20 cạnh nhau, gồm: Henry Ford, John Davison Rockefeller, Andrew Carnegie (Mỹ); Konosuke Matsúhita, Soichiro Honda, Inamori Kazuo (Nhật); và Chung Ju Yung, Lee Byung-chul, Koo In-hwoi (Hàn Quốc).

Họ đều không có vốn lớn khi khởi nghiệp. Những cuốn sách do nhiều người khác viết về cuộc đời họ thường tô vẽ tất cả như những người có tài năng xuất chúng, được thừa hưởng gen di truyền vượt trội, song đó không phải sự thật. Họ sinh trưởng trong điều kiện bình thường như mọi người, chỉ khác là họ không chấp nhận thực tại, khát khao cháy bỏng để làm giàu, và dám dấn thân.

Richard M. Steers, chuyên gia Quản trị doanh nghiệp, Trường Kinh doanh Lundquist, ĐH Oregan, Mỹ trong cuốn Made in Korea viết: "Hàn Quốc phát triển nhờ những người như Chung Ju Yung và những tập đoàn lớn như Hyundai, còn Hyundai phát triển vì con đường mà Chung Ju Yung đã chọn cũng chính là con đường của Hàn Quốc".

Cùng đất nước trải bao thăng trầm, Chung Ju Yung là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn bậc nhất đối với nền kinh tế Hàn Quốc cuối thế kỷ 20.

Chung Ju Yung (sinh năm 1915 tại Asan thuộc Tongchon) là con cả trong một gia đình bần nông, có 8 người con. Cha ông cũng là con trai trưởng trong gia đình nghèo. Ông nội Chung Ju Yung là giáo viên trường làng nhưng không biết làm nông và tất cả việc sinh kế, kiếm tiền của gia đình đều dồn lên vai cha ông.

Từ khi còn rất trẻ, cha của Chung Ju Yung đã nổi tiếng là người nông dân chăm chỉ, giỏi giang. Một mình gánh trên vai trách nhiệm chăm lo cho cả gia đình, cha ông đã mua đất, xây nhà, dựng vợ, gả chồng cho tất cả 6 người em. Sau này, ông cũng mặc định trách nhiệm ấy thuộc về Chung Ju Yung. Để trang bị cho con kỹ năng trở thành một nông dân xuất sắc, mỗi ngày, cha Chung Ju Yung đều bắt ông ra đồng từ 4 giờ sáng, làm việc quần quật dưới trời nắng đổ lửa, quần áo hòa chung với bùn đất đến tận khi tối mịt mới trở về.

Cuộc sống của người dân Hàn Quốc năm 1960.

Tuổi thơ Chung Ju Yung không được học hành nhiều. 3 năm cấp I, các cuốn sách ông đều đã thuộc lòng, chẳng còn gì để học và đọc. Suốt thời gian ấy, bố mẹ Chung Ju Yung chưa một lần nhắc tới việc học. Đối với họ, chuyện đào tạo ông trở thành người nông dân giỏi quan trọng hơn rất nhiều.

Cả một tuổi thơ chịu đựng gian khổ, trong ký ức của Chung Ju Yung, kỷ niệm hạnh phúc nhất chỉ đơn giản là giữa trưa nóng hầm hập ngồi nghỉ ở bóng cây, đón cơn gió mát rượi hay lúc được ăn cơm với khoai tây trộn và canh bầu đỏ của mẹ. Buổi tối, sau ngày dài làm việc cực khổ, phần thưởng quý của cả nhà là cùng nhau ăn ngô và nghe mẹ kể chuyện cười. Trước đó, suốt thời gian ngoài đồng, âm thanh duy nhất Chung Ju Yung nghe được là tiếng huýt sáo của cha. Cha ông mải làm việc đến nỗi chẳng bao giờ nói chuyện cùng con.

Từ năm 10 tuổi, Chung Ju Yung lao vào làm việc quần quật. Đôi lúc mệt mỏi, ông giả vờ bị ốm để không phải ra đồng thì lập tức bị cha đánh đập. Cha ông làm việc ngày đêm và coi trọng nó đến nỗi khi các con của anh chị em trong gia đình tới chơi, ông cũng kéo chúng ra đồng làm việc đến tối mịt mới về.

Khí hậu ở Asan rất khắc nghiệt, khi hạn hán thì khô cháy nứt nẻ, lúc mưa tới thì cuồng phong, hồng thủy, mùa hè nắng nóng kéo dài, oi bức tràn từ ban đêm sang ban ngày, nhưng đông đến lại phải đối mặt với bão tuyết. Vì điều kiện khó khăn như thế nên mùa màng thường xuyên thất bát, trong 3 năm thì có tới 2 năm mất mùa. Dù ông và cha có làm việc chăm chỉ cách mấy, cả gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh ăn cháo đậu và hạt dẻ sống qua ngày. Đó là lý do vì sao Chung Ju Yung quý những bữa cơm trắng với khoai tây và canh bầu. Trong tiềm thức của ông, nông nghiệp gắn liền với vất vả và nghèo đói. Người quê ông, dù làm việc cực khổ tới chết cũng chẳng thể nào giàu có.

"Chỉ cần mưa đến muộn một chút vào mùa xuân hay cơn mưa đá trong mùa hè là năm đó sẽ mất mùa. Năm nào được mùa cũng chỉ đủ ăn. Người nông dân có làm gãy lưng thì khổ vẫn cứ hoàn khổ", Chung Ju Yung nói.

Căm ghét cuộc sống làm nông nên từ khi còn rất nhỏ, Chung Ju Yung đã ước mơ ngày nào đó nhất định phải thoát khỏi cảnh sống tăm tối này. Khát vọng đó đã khởi đầu cho 4 cuộc chạy trốn, lần đầu là năm Chung Ju Yung 16 tuổi.

Lần đầu tiên Chung Ju Yung rời bỏ miền quê nghèo khó là năm ông mới 16 tuổi và vừa tốt nghiệp tiểu học được 2 năm. Gom góp 47 chon làm lộ phí, ông và một người bạn nhịn đói để khỏi phải dùng đến số tiền này, đi bộ ròng rã 2 ngày không ngừng nghỉ với mục tiêu đến Chongjin - nơi đang xây dựng nhà máy thép và sân bay, để xin làm công nhân.

Sau quãng đường vất vả, kiệt sức, cả 2 quyết định dừng lại giữa đường và xin vào làm lao động nặng tại công trình xây dựng đường sắt Gowon - Bình Nhưỡng.

Ngày nào cũng vậy, ông và bạn mình thức dậy, ăn cơm rồi đi làm từ tinh mơ đến tối mịt mới về. Dù tiết kiệm hết mức, số tiền dành dụm cũng chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, đó là lần đầu tiên Chung Ju Yung thấy mãn nguyện khi được chiêm ngưỡng thế giới rộng lớn bên ngoài và tự hào vì có thể sống bằng chính sức lực của mình.

Ông từng nghĩ: "Nếu có thể cho mình tiếp tục công việc thì mình có đủ tự tin để khám phá cái thế giới mới mẻ và rộng lớn bao la này". Nhưng chỉ 2 tháng sau, một ngày gần Tết Trung Thu, đôi mắt Chung Ju Yung bỗng nhòa đi khi nhìn thấy cha mình đứng trước mặt. Cuộc đào tẩu thất bại, ông cùng cha phải đi bộ 300 dặm trong suốt 2 ngày để quay về nhà.

Trên quãng đường ấy, kỷ niệm mà Chung Ju Yung nhớ nhất là cha ông đã dừng lại ở một nông trại, mua vài quả táo về làm quà. Dù đi xa đến thế nhưng những trái táo cha ông cầm trên tay cũng chỉ toàn loại dập nát, rơi rụng. Đó có lẽ cũng là những bài học đầy ám ảnh, khắc sâu thêm về hoàn cảnh đói nghèo và sự tiết kiệm trong lòng Chung Ju Yung.

Trở lại làm người nông dân, sau vụ thu hoạch, công việc khá nhàn hạ và một người từng ngắm nghía thế giới bên ngoài như ông lại cảm thấy chán vùng quê nghèo nàn, nuôi lòng quyết tâm bỏ nhà ra đi lần thứ hai.

Lần này, điểm đến của Chung Ju Yung và bạn đồng hành là Thủ đô Seoul. Trên đường đi, vì tin lời sẽ được xin việc của gã đàn ông xa lạ, Chung Ju Yung và bạn bị lừa hết lộ phí. Họ bị đuổi khỏi nhà trọ trong tình cảnh không một xu dính túi. Thế nhưng quyết tâm đến Seoul vẫn thôi thúc cả hai bước tiếp.

Bất chấp cái đói cồn cào, quần áo chưa từng thay giặt, cả hai lên đường và trên hành trình đi qua một con sông, Chung Ju Yung phải dẹp bỏ sĩ diện, qua đò mà không có tiền trả để rồi phải ăn bạt tai, chịu đựng những lời chửi rủa thậm tệ.

Vượt qua bao khó khăn nhưng khi chưa kịp đến Seoul, lúc trú tại nhà một người họ hàng, ông bị tố giác, đưa về nhà chỉ sau 10 ngày "đào tẩu".

Những chuyến đi dù thất bại nhưng đã luôn dạy cho Chung Ju Yung rất nhiều bài học: Bài học về sự cần mẫn, chăm chỉ, về lòng tốt và sự xảo trá của con người, về giá trị đồng tiền và ý thức rằng khi nghèo khó thì phải sống thật tiết kiệm, quản lý chi tiêu từng đồng lẻ, thậm chí trong nhiều hoàn cảnh, vì muốn vươn lên phải dẹp bỏ cả cái tôi kiêu ngạo của mình.

Sau chuyến đi ngắn ngủi, điều khiến Chung Ju Yung bất ngờ nhất chính là thái độ nhẫn nại, không hề trách mắng nửa lời của cha ông. Đối với cha ông, Chung Ju Yung chỉ có con đường làm nông dân giỏi mới có thể cưu mang được các em và ông rất vui khi thấy con trai trưởng quay về. Chung Ju Yung cảm thấy vô cùng có lỗi khi đã khiến cha thất vọng. Ông lao vào công việc nhà nông bằng tất cả sự chăm chỉ, mẫn cán nhưng cũng chưa khi nào quên đi ý định rời bỏ mảnh đất gắn liền với đói khổ, cơ cực.

Ý định ấy đã thôi thúc Chung Ju Yung liều lĩnh lấy trộm 70 won tiền bán bỏ của cha mẹ - một số tài sản lớn đối với nhà nông, để bỏ trốn tới Seoul học làm kế toán. Đây là lần thứ ba ông bỏ nhà đi.

Chung Ju Yung học hành hăng say, đọc đi đọc lại những cuốn sách mình có và chính kiến thức học được trong thời gian này đã giúp ích rất nhiều trong chặng đường khởi nghiệp về sau.

Tuy nhiên, "đời sinh viên" của Chung Ju Yung diễn ra quá ngắn ngủi. 2 tháng sau, đôi mắt Chung Ju Yung một lần nữa lại nhòa đi khi thấy cha mình xuất hiện. Lần đầu tiên, ông dứt khoát, mạnh mẽ cãi lời cha, cho rằng bằng giá nào cũng không thể quay về nhà.

Nhưng rồi một lần nữa, ông lại chấp nhận chịu thua trước thái độ nhẫn nại, van vỉ của cha mình. Người cha đã tìm kiếm con mình ở rất nhiều nơi. Khi đoán được con đang đi học ở Seoul, ông đã vừa đi bộ vừa khóc không biết bao nhiêu lần. Những giọt nước mắt của người đàn ông cả đời lam lũ, đã từng nuôi 6 người em nay lại phải nuôi 8 người con cùng câu nói "Bây giờ cha đã già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha chứ, nếu con bỏ mặc thì nhà ta thành bầy ăn mày hết" đã khiến Chung Ju Yung ứa nước mắt, ngậm ngụi từ bỏ giấc mộng làm nhân viên kế toán.

Trở lại cuộc sống người nông dân, Chung Ju Yung gần như biến thành một con người khác. Ông ít nói, thâm trầm hơn và dồn toàn tâm sức vào công việc đồng áng với hy vọng sẽ lo cho các em có cuộc sống êm ấm hơn.

Nhưng đáp lại sự nỗ lực suốt cả một năm trời của Chung Ju Yung là cảnh mùa màng thất bát. Mùa đông năm đó dường như kéo dài bất tận. Cùng với cái lạnh buốt giá của bão tuyết là những cơn đói triền miên. Gia đình Chung Ju Yung chỉ ăn toàn cơm độn khoai tây hay đủ thứ gốc cỏ, vỏ cây khác sống qua ngày. Tình cảnh ấy khiến Chu Ju Yung một lần nữa lóe lên ý nghĩ: Nhất định phải "chạy trốn" khỏi miền quê nghèo đến cùng cực.

Trong những lúc đắn đo giữa một bên là trách nhiệm với gia đình với một bên là khát vọng làm giàu, một bên là ước mơ và một bên là thực tế 3 lần bỏ trốn thất bại, Chung Ju Yung nhớ đến bài học con ếch xanh. "Con ếch còn thành công, mình là con người cơ mà?", Chung Ju Yung tự nhủ.

Chuyện là, có một con ếch xanh muốn nhảy lên cành dương liễu, nhưng vì cành cây cao quá nên nó không chạm được. Không nản chí, ếch xanh cứ nhảy, 10 lần, 20 rồi 30 lần... Và cuối cùng, nó cũng thành công!

Bỏ trốn lần thứ tư, Chung Ju Yung đến Incheon một mình, dù chẳng biết sẽ làm gì ở đó. Sau thời gian làm thuê đủ loại việc, ông quay lại Seoul, xin làm chân sai vặt cho một nhà máy sản xuất nước mắm. Trong quãng thời gian đó, Chung Ju Yung luôn cảm thấy công việc ở xưởng làm mắm tuy đủ sống nhưng không giúp ông phát triển thêm bất cứ kỹ năng nào. Gần 1 năm, Chung Ju Yung vừa làm việc, vừa không ngừng tìm kiếm cơ hội mới và may mắn được cửa hàng gạo Phục Hưng Thương hội nhận vào làm.

Bắt đầu từ công việc vận chuyển gạo, dọn dẹp cửa hàng, sắp xếp sổ sách, Chung Ju Yung đã luôn nhận được sự tín nhiệm của ông chủ. Nhờ sự chăm chỉ, thật thà cùng tinh thần cầu thị, chẳng bao lâu, Chung Ju Yung đã gây dựng được một thứ rất đáng quý với mọi người xung quanh, đó là sự tin cậy.

Khi mới vào làm việc được 4 ngày, chủ cửa hàng giao cho ông việc chở gạo và một thúng đậu về nhà cho vợ mình. Dù chưa quen đi xe đạp nhưng Chung Ju Yung vẫn nhận lời. Không may hôm đó trời mưa, xe nghiêng bên nọ, nghiêng bên kia và cuối cùng thì bao gạo đã rơi xuống đường dính đầy bùn đất, còn thúng đậu cũng lẫn toàn đất cát đen thui.

Nhưng bất ngờ là bà chủ không tức giận mà còn cảm ơn vì sự nỗ lực của Chung Ju Yung. Sau lần đó, ngày nào ông cũng thức khuya, dậy sớm, có hôm trắng đêm để học chở gạo. Sự cần cù ấy đã khiến ông chủ cảm động và đánh giá rất cao. Chung Ju Yung là người duy nhất chở được 2 bao gạo cùng lúc và luôn dậy sớm, dọn dẹp cửa hàng thật ngăn nắp.

3 năm sau, lần đầu tiên sau khi bỏ trốn thành công và không bị cha phát hiện như 3 lần trước, ông tự hào viết thư về cho gia đình. Mức thu nhập 20 bao gạo 1 năm của ông là điều quá sức tưởng tượng với cha mình. Trong lá thư hồi đáp, cha ông chỉ nói ngắn gọn: "Vậy là con đã trưởng thành rồi, còn việc nào vui hơn việc này nữa!"

4 năm sau khi Chung Ju Yung làm việc ở cửa hàng gạo, một ngày bất ngờ, người chủ quyết định nhượng lại nó cho ông, để trở về Mãn Châu. Khách hàng của tiệm gạo rất nhiều, xưởng gạo cũng tín nhiệm Chung Ju Yung, nên cho phép nhập gạo đến cuối tháng mới tính tiền. Ở tuổi 22, Chung Ju Yung đã trở thành ông chủ, kiếm được nhiều tiền chính là nhờ CHỮ TÍN.

Nhưng cuộc đời của Chung Ju Yung quả là chuỗi dài thử thách. 2 năm sau khi tiếp quản cửa hàng gạo, chỉ với một sắc lệnh khống chế và trực tiếp phân phát gạo của Phủ Tổng đốc do tình hình chiến tranh, cửa hàng của ông phải đóng cửa.

Đó là một cú sốc rất lớn đối với Chung Ju Yung, nhưng câu chuyện về cửa hàng gạo đã dạy cho ông một bài học vô giá: Giữ được CHỮ TÍN ắt sẽ có thành công. Cuộc đời đầy hiển hách sau này của ông, nhất là ở những lúc bên bờ phá sản, đã chứng minh bài học đó là vô cùng đúng đắn.

Với suy nghĩ lạc quan như vậy, Chung Ju Yung vui vẻ vinh quy về làng, mua thêm cho bố mẹ 660m2 đất, biếu cha một khoản tiền làm vốn rồi lấy vợ. Đầu năm sau, ông quay lại Seoul và tiếp tục hành trình khởi nghiệp. Cái tên Hyundai xuất hiện trong giai đoạn này.

6 năm sau lần bỏ trốn thứ 4, Chung Ju Yung "vinh quy về làng" và quyết định lấy vợ. Bà Byun Joong-seok là người đã đồng hành cùng ông qua bao sóng gió, cho đến khi đầu bạc răng long.

* Nội dung bài viết được rút từ tự truyện "Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách" của người sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung, và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025