Ai cũng có những ước mơ, hoài bão, muốn có được thành công, hạnh phúc nhưng nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thất vọng, thiếu tự tin… vì trên con đường đi đến thành công có quá nhiều cản trở, chông gai. Vậy nếu biết không bao giờ có thất bại, bạn có sẵn sàng can đảm để hoàn thành những ước mơ, những hoài bão đó không? Và thật sự không có thất bại… trừ khi bạn lựa chọn nó.
Mỗi khi có ý tưởng mới xuất hiện tôi rất sung sướng, hạnh phúc đến mất ngủ khi nghĩ đến những hoa quả của nó, và tôi cũng bắt tay vào hành động nhưng sau vài lần thất bại tôi đã bỏ cuộc, những nhiệt thành, hào hứng lúc ý tưởng mới nảy mầm giờ đây đã bị những thấy bại ấy giết chết và tôi đã… bỏ cuộc.
Tôi đã nghĩ cuộc đời mình thật thảm hại, suốt hơn 20 năm qua mà chưa làm được cái gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, môi trường xung quanh tôi quá khó khăn nên tôi không vượt qua được, và luôn luôn hỏi tại sao nó lại xảy ra với mình? Và cái ngày mà tôi nhận ra rằng mình rất may mắn, những khó khăn mà bản thân gặp phải còn quá nhẹ nhàng và mình có nhiều lợi thế hơn nhiều so với Chung Ju Yung, đó là ngày tôi đọc được “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách của Chung Ju Yung”.
Chung Ju Yung được sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó làng Asan, huyện Tongchon, Hàn quốc. Cuộc sống nhà nông rất khó khăn, làm lụng vất vả vẫn không đủ ăn, chính cuộc sống đói nghèo đã thúc đẩy ông bỏ nhà ra đi để tìm kiếm tương lai tươi sáng hơn.
Tôi rất thích cách dùng từ của ông “cũng là chuột, nhưng chuột ở nhà vệ sinh thì ăn phân, còn chuột ở nhà kho thì ăn gạo”, vì thế ông đã bỏ nhà lên Seoul để học tập và tìm kiếm thành công, ông có 3 lần bỏ nhà ra đi nhưng cả ba lần đều thất bại và phải quay về nhà.
Vậy mà những thất bại đó vẫn không đánh gục được chàng trai trẻ đầy tham vọng Chung Ju Yung, một lần nữa ông cất bước ra khỏi làng Asan và lên Seoul, trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách ở mảnh đất Seoul, Chung Ju Yung từ một kẻ không xu dính túi đã trở thành chủ nhân của xưởng gạo khi mới 22 tuổi. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ ông chuyển qua nghề kinh doanh dịch vụ và sửa chữa ô tô, nhưng sau một thời gian thì bị phá sản.
Những khó khăn như thế dường như không đánh ngã ông được, ông tiếp tục đứng dậy, ông đã dùng kinh nghiệm, vốn sống và sự uy tín của mình tiếp tục kinh doanh và chinh phục thị trường xe hơi Seoul, và ngày 25/5/1947 công ty Hyundai ra đời, sau đó ông còn mở rộng sang lĩnh vực xây dụng nhà ở, cầu đường và đóng tàu.
Cũng như tất cả mọi người trên đường đi đến thành công luôn gặp những cản trở, nhưng khác với mọi người là Chung Ju Yung đã can đảm, mạnh mẽ bước qua những “viên đá” ấy, ngã bao nhiêu lần ông đứng dậy bấy nhiêu lần.
Đọc tự truyện Chung Ju Yung tôi thấy niềm khát khao đi ra khỏi cái nghèo, cái đói để đến với sự giàu có trong ông rất mãnh liệt, đặc biệt là tinh thần ham học của ông, dù phải trộm tiền để đi học, đọc sách, cái bụng trống rỗng nhưng ông không chịu chấp nhận cái đầu trống rỗng.
Giờ mỗi khi khó khăn tôi lại liên tưởng hình ảnh con ếch xanh và những con rệp giúp Chung Ju Yung có những hoa trái ngọt ngào ấy. Con ếch xanh muốn nhảy lên cành liễu, nhưng vì cành liễu quá cao nên nó không chạm được và thất bại. Nhưng ếch xanh không nản chí, nó tiếp tục nhảy mười lần, hai mươi lần, ba mươi lần và nó đã thành công.
Vì rệp leo lên bàn phá giấc ngủ của ông, nên ông đã lấy bát đổ đầy nước rồi kê vào bốn chân bàn, nhưng sau thời gian nó vẫn leo lên bàn và tiếp tục làm phiền ông. Làm sao con rệp leo lên được ư? Nó đã toàn tâm, toàn ý kiên trì, nổ lực hết sức để vượt qua trở ngại bát nước để đạt mục tiêu của mình. Con ếch xanh còn thành công được, con rệp còn biết nỗ lực như thế để đạt được mục tiêu, chẳng lẽ mình không làm được ư, mình là con người mà.
Con người khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng thường nói những lời tuyệt vọng như “không còn đường nào khác” hoặc là “không còn cách nào khác”. Nhưng thật ra không phải vậy, vì không tìm kiếm nên mới không thấy có đường khác mà thôi. Vì không nổ lực tối đa như con ếch xanh hay những con rệp nên không thấy phương pháp nào khác.
Tôi rất thích con người, tính cách của Chung Ju Yung đặc biệt là tình thương gia đình của ông, khó khăn lắm mới trộm được 70 won của cha để lên Seoul học nhưng khi thấy những giọt nước mắt của cha, ông đã bỏ đi sự bướng bỉnh của mình và theo cha trở về nhà. Sau khi thành công có mọi thứ, cuộc sống của ông vẫn rất giản dị, và tình thương yêu gia đình, quê hương trong ông lại lớn hơn.
Từ một cậu bé nông dân tay trắng và không biết gì về doanh nghiệp, trải qua bao nhiêu thất bại rất cay đẳng thời trai trẻ, vượt qua những khó khăn, đương đầu với thử thách, biến điều không thể thành hiện thực, Chung Ju Yung đã dựng lên vương quốc Hyundai hùng mạnh, trở thành một trong những doanh nhân đáng nể nhất lịch sử doanh nghiệp châu Á. Ý chí tiến thủ và niềm tin chính là chìa khóa để làm nên những kì tích đó.
Chính những nổ lực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định đến việc thành công hay thất bại mà thôi. Nỗ lực đó thể hiện ở chỗ gặp dịp tốt không bỏ lỡ và gặp khó khăn thì không xem đó là rủi ro mà cố gắng vượt lên để tiến bước.
“Nếu trở thành nô lệ của lối suy nghĩ cũ thì sẽ không có tính thích ứng. Suy nghĩ theo sách cũng là một cạm bẫy. Con người tài giỏi phải biết vượt qua được cạm bẫy một cách trí tuệ”.
khong-bao-gio.jpg |
Sách: không bao giờ là thất bại! tất cả chỉ là thử thách - Tác giả: Chung Ju Yung.
Người dịch : Lê Huy Khoa