Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương - Thương nhớ mảnh đất Sài Gòn - Gia Định qua từng trang ký ức

Đan Thanh03/05/2025 09:00
Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương - Thương nhớ mảnh đất Sài Gòn - Gia Định qua từng trang ký ức

"Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương" tập hợp những bài viết của nhà báo Cù Mai Công về TP. HCM trong hai thời kỳ: TPHCM trước năm 1975 và Gia Định thời "rừng rậm, đầm lầy", qua đó thủ thỉ với người đọc bằng những ký ức về một vùng đất nhân hậu và thân thương.

Không phải là một bộ sách sử hay hồi ký, “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” của Cù Mai Công là những trang viết chan chứa ký ức về đô thị, về phố phường Sài Gòn - Gia Định xưa cũ, được kể lại bằng chất liệu của một người từng sống, từng đi, từng nhớ. Hai tập sách đưa người đọc theo dòng chảy ký ức từ trung tâm đến ngoại vi, từ những con đường nổi tiếng đến các vùng ven. Đi qua từng nếp nhà, từng góc phố, ta chợt hiểu ký ức về Sài Gòn – Gia Định không nằm đâu xa, mà luôn sống trong lòng người bao thế hệ đã gắn bó và yêu thương mảnh đất này.

Mở đầu tập 1 bằng nhịp sống sôi động ở khu vực Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, chợ Cũ ở trung tâm Sài Gòn, đến “khung trời đại học” Phạm Ngọc Thạch, hồ Con Rùa… tác giả đã vẽ nên khung cảnh sơ khai của thành phố ở những ngày đầu của thế kỷ 20. Không chỉ dừng lại ở đó, Cù Mai Công tiếp tục đưa người đọc khám phá sâu hơn vào lịch sử quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, từ đó lý giải nguyên do vì sao tồn tại những con hẻm chằng chịt, nhà sàn trên các kênh rạch, hay tình trạng ngập nước mỗi khi có mưa lớn… 

Đến tập 2, thành phố thân thuộc được tái hiện lại qua những câu chuyện ít người biết ở chợ Bến Thành, hay những “cung đường vàng” từng là những kênh rạch uốn lượn ngày xưa. Cù Mai Công dành nhiều tâm huyết khắc họa giai đoạn rực rỡ của kiến trúc hiện đại miền Nam qua những câu chuyện có thật được cung cấp từ một văn phòng kiến trúc sư bậc nhất Sài Gòn thuở bấy giờ. Hành trình khám phá của tác giả tiếp tục mở rộng ra vùng ven Ông Tạ - nơi cất giấu nhiều lớp ký ức của những phận người tảo tần và cả những nghệ sĩ vang danh một thời. Đó là những lát cắt vừa riêng tư vừa sâu sắc về con người và thành phố Sài Gòn xưa.

Điều làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của bộ sách chính là văn phong dung dị mà sâu lắng của Cù Mai Công. Không viết như một nhà nghiên cứu, ông chọn cách thủ thỉ với người đọc bằng ký ức – thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng nhưng đủ sức lay động. Mỗi trang viết như một cuộc đối thoại giữa những người bạn cũ, khi chỉ cần nhắc lại một con đường, một món ăn, một mái nhà… là bao kỷ niệm đã ùa về. Đọc “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” để bước chậm lại giữa dòng đời vội vã, để ta kịp giữ lấy những điều xưa cũ làm nên mảnh đất thân thương này.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 03/05/2025