Giống như Hiền Mai hiếu thảo, dành gần nửa thế kỷ chăm mẹ bệnh nặng, câu chuyện đạo diễn Lô-tô Huỳnh Tuấn Anh chăm mẹ bị ung thư vòm họng cũng trở thành một giai thoại trong giới showbiz. Chỉ khác ở chỗ, bên cạnh lòng hiếu thảo của người con với đấng sinh thành còn có cả bi kịch cay đắng và nghiệt ngã của số phận.
Tuổi thơ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là những tháng năm dài trôi qua trong sự cô độc, nỗi tự ti, xấu hổ, mặc cảm bị bạn bè trêu chọc bởi cuộc hôn nhân tan vỡ của bố mẹ.
Sau khi chia tay, bố mẹ đều có gia đình mới, còn anh lớn lên trong sự vụn vỡ của tâm hồn, sang chấn tâm lý cùng khát vọng về một gia đình bình thường với tất cả sự hờn giận, trách móc.
Cho tới ngày, tử thần tới chấm một chấm định mệnh vào cuộc đời của mẹ anh bằng căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 3, cùng hàng loạt biến chứng từ bệnh tiểu đường, anh muộn màng được ở bên mẹ.
Dẫu dành tất cả tiền bạc tích cóp được suốt nhiều năm với mục đích mua nhà để chữa bệnh cho mẹ thì tử thần vẫn dẫn mẹ đi. 1 năm ngắn ngủi được ở bên mẹ, chăm sóc mẹ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, đau khổ nhất, dằn vặt nhất, ám ảnh nhất mà cả đời này, vị đạo diễn phim Lô-tô không bao giờ quên.
"Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ các con tôi mồ côi"
Huỳnh Tuấn Anh kể: "Ở cuộc hôn nhân thứ hai, cả ba và mẹ tôi đều không có con. Tính ra, từ năm tôi 14 tuổi tới khi mẹ mất, tôi ít được gần mẹ bởi sau khi chia tay ba, mẹ sống ở quê với gia đình mới, tôi theo ba lên Sài Gòn mưu sinh.
Ba tôi làm bảo vệ nên ở công ty, còn tôi được gởi tới ở chung một nhóm sinh viên cùng quê. Tôi tự nộp hồ sơ xin học vào trường phổ thông Marie Curie. Vì không có ai họp phụ huynh, tôi thuê một bác xe ôm vào họp và bị phát hiện... Đó là những ngày tháng cực kỳ cô độc nhưng cũng rèn cho tôi phải biết dựa vào chính mình, không ỷ lại vào người khác.
Trước khi bấm máy phim Lô tô khoảng 10 ngày thì mẹ tôi ở dưới quê lên. Thời điểm ấy, gia đình thứ hai của mẹ cũng đã tan vỡ, mẹ lại ôm một đống nợ nần. Mẹ bị lãng tai. Tôi đưa mẹ đi khám tai mũi họng và phát hiện mẹ bị ung thư vòm họng giai đoạn 3, di căn lên lỗ tai, chèn vào dây thần kinh.
Tôi nhớ như in khoảnh khắc đó, mình như từ trên trời rớt xuống. Bác sĩ chẩn đoán mẹ sẽ sống 5 năm nếu được hoá xạ trị. Tôi không giấu vì cả hai mẹ con cần phải đối diện với sự thật đó và cùng chống chọi.
Biết bệnh của mình, mẹ tôi nói với bác sĩ "tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ các con tôi mồ côi thôi". Đó là câu nói mà cả đời này tôi không bao giờ quên được.
Bước ra khỏi phòng khám, tôi nhờ em trai chở mẹ về, còn mình chạy đi thật xa, tìm 1 quán cà phê thật vắng ngồi khóc, khóc cho hết nước mắt, cho đã rồi về nhà. Bởi tôi biết, mình phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mẹ, mình phải là người bình tĩnh nhất.
Khi trở về nhà, tôi thấy mẹ đang đứng thắp hương trước bàn thờ Phật, vai mẹ rung rung vì khóc. Phải tìm tới tâm linh để xoa dịu sự sợ hãi của mình, tôi biết, mẹ tuyệt vọng và đau khổ. Hình ảnh đó khiến tôi suýt gục ngã nhưng bằng tất cả khả năng, tôi kiềm nước mắt và cảm xúc của mình xuống, bước vào nhà.
Và những ngày tháng sau đó, tôi phải sống theo kiểu không được lo lắng dù lòng mình nát tan. Tôi phải hoàn thành vai diễn đó để mẹ an tâm luôn có mình bên cạnh. Có những đêm, đợi mẹ ngủ yên, tôi mới khóc cho nên lúc mẹ mất, tôi không khóc.
Nhưng thời điểm đó, tôi chuẩn bị làm phim Lô-tô. Cuộc đời luôn đẩy con người vào những sự lựa chọn nghiệt ngã. 1 là ở lại chăm mẹ, 2 là bỏ phim Lô-tô, nghĩa là bỏ cơ hội sự nghiệp.
Bà Trương Thị Kim Liên mẹ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh.
Mẹ khóc như một đứa trẻ trong điện thoại
Tôi quyết định nhờ một người em thân thiết đưa mẹ đi hoá xạ trị còn tôi lên xe về quê bấm máy. Lúc đưa ra quyết định đó, trong con người tôi có rất nhiều con người với tỉ tỉ thứ cảm xúc: tàn nhẫn có, quyết liệt có, giằng xé có, cắn rứt có...
Ngày đầu tiên tôi bấm máy phim Lô-tô cũng là ngày đầu tiên mẹ lên bàn mổ bắt đầu liệu trình hoá xạ trị. Tôi ra phim trường mà không có tâm trạng nào cả.
Đó là dấu ấn nghiệt ngã làm cho tôi cắn rứt vô cùng!
Đó là năm tôi lên đỉnh cao sự nghiệp nhưng cũng rớt xuống đáy của sự bất hạnh. Nếu ngày hôm đó, tôi ở lại chăm mẹ thì không có phim Lô tô.
Còn khi đi bấm phim thì nó nhen nhóm lên trong mình một sự tàn nhẫn, ngộ nhỡ mẹ chết trên bàn hoá xạ trị thì sao?
Phim lô tô cho tôi sự nghiệp nhưng cũng là vết tích không bao giờ tôi quên trong cuộc đời này, bởi quyết định đó khiến tôi cắn rứt rất lớn. Và những lúc thành công, nó khiến tôi day dứt: thành công làm gì khi không còn mẹ, thành công làm gì khi thời khắc quan trọng, mình không bên cạnh mẹ được.
Đó là một bi kịch.
Ngay đêm đó, ngay sau lần hoá trị đầu tiên, mẹ gọi điện cho tôi khóc. Mẹ quá đau và không chấp nhận phương pháp điều trị này. Mẹ nói với tôi "mẹ sợ lắm". Lúc đó, tôi cảm giác như mình suýt nữa đã giết mẹ một cách sớm hơn.
Mẹ không hoá trị xạ trị nghĩa là mẹ đã chết một nửa, tôi không thể dứ thêm cây dao cho mẹ chết nữa. Tôi đồng ý ngưng và gọi cho bác sĩ xin lỗi hôm sau không vào. Lúc tôi đồng ý, mẹ khóc như một đứa trẻ trong điện thoại.
Đêm đó, tôi không ngủ được.
Một mình chăm mẹ, từ tắm rửa đến đi cầu...
Mẹ chọn phương pháp thiền, khí công, tức là vái tứ phương. Cả 2 mẹ con đều phải đánh lừa chính mình rằng sẽ có một phương pháp khác thần kỳ hơn để cứu lấy mạng sống.
Và rồi mẹ trở về quê nhà, mẹ ra phim trường coi tôi quay phim và tôi biết đó là những khoảnh khắc không bao giờ trở lại, là những tháng ngày mình sống với cái gì và đối diện với cái gì nhưng tôi chấp nhận và đứng lên vững chãi để đi cùng mẹ hết con đường đó vì nếu không là mình thì không là ai cả.
Khoảng 6 tháng đầu mẹ học thiền và khí công, bệnh có vẻ thuyên giảm. Thực ra, mẹ còn có thể kéo dài được sự sống vì bệnh tiến triển tốt nhưng do không uống thuốc tai biến nên mẹ bị tai biến.
Và khi mẹ ngã xuống thì mọi thứ đều ấp tới. Tôi chứng kiến sự tuột dốc mỗi ngày của mẹ. Từ một người mập mạp, phốp pháp teo dần teo dần.
Từ thấy đường đến không thấy đường, từ nói được đến không nói được, từ ngồi lết vào nhà tắm tới khi không lết đi tắm được nữa.
Đó cũng là lúc tôi nhận ra, cuộc sống là gì, tiền là gì, sức khoẻ là gì. Mua một món ngón mẹ ăn không được. Muốn dắt mẹ đi du lịch cũng không được. Dành cho mẹ bao nhiêu điều tốt đẹp nhất cũng không xài được.
Mẹ bệnh, tôi lấy hết tiền tích cóp được khoảng hơn 1 tỉ để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ cùng mẹ chống chọi lại bệnh tật. Và đó là việc xứng đáng nhất tôi từng làm.
Nhà tôi thuê là lầu 3 ở một chung cư. Lúc mẹ còn chập chững đi được thì dắt, sau mẹ không đi được thì ngày ngày tôi cõng mẹ xuống, đi qua bên kia đường châm cứu.
Tôi không thuê ai hết, một mình chăm mẹ, từ tắm rửa đến đi cầu. Bởi tôi biết chắc chắn mình không còn cơ hội làm điều đó nữa. Nếu mình không cố gắng thì mình sẽ không bao giờ còn làm được nữa. Tôi không cảm thấy mệt vì đó là điều cuối cùng mình có thể làm cho mẹ.
Và những lúc tắm rửa cho mẹ, tôi cảm giác như ngày xưa mình còn bé, ị dầm, tè bậy, mẹ chăm cho mình vậy. Tôi không để bất cứ ai làm việc đó vì tôi biết khoảng thời gian đó sẽ trôi đi luôn không trở lại, như chuyến đi không bao giờ khứ hồi.
Huỳnh Tuấn Anh chăm mẹ trong những ngày tháng cuối cùng của mẹ tại một căn chung cư ở quận 8.
"Gần chết, mẹ vẫn lo tôi ra đời bị người ta ăn hiếp..."
Có những đêm, mẹ bảo tôi "con ngủ đi, mẹ không sao hết" nhưng khi tắt đèn, nhìn qua giường mẹ, tôi thấy mẹ mở mắt rất to nhìn lên trần nhà. Đó là lúc mẹ biết mẹ sẽ chết. Đó là khoảnh khắc cực kỳ cô đơn và sự cô đơn đó mình không thể san sẻ được.
Mẹ bảo "mẹ không sợ chết, mẹ chỉ sợ chết đi, biết kiếp nào mới được gặp lại các con". Đó là lời vĩnh biệt khi mẹ con tôi còn đang ở cạnh bên nhau.
Thời điểm mẹ tôi nửa tỉnh nửa mê, bị những cơn đau hành hạ, trong lúc sảng mẹ vẫn nói "con ra đường có ai ăn hiếp không". Đó cũng là thời điểm tôi gặp rất nhiều biến cố trong công việc.
Tôi năn nỉ người ta trả nốt tiền lương làm phim cho mình để lo thuốc thang cho mẹ nhưng họ không trả. Khi mẹ mất rồi, họ mới trả tiền cho tôi, nó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nếu lúc đó, tôi được trả tiền, dù không nhiều thì mẹ vẫn có thể sống ít nhất 2 tháng nữa.
Vì tôi hết tiền nên mẹ mới chết. Tôi không còn tiền nên mẹ phải ngưng thuốc. Trong khi người ta đang nợ tiền mình thì mình không có tiền để chích thuốc giảm đau cho mẹ, bất lực nhìn mẹ quằn quại trên giường, đó là nỗi đau khổ tột cùng của người con mà cả đời này ám ảnh tôi.
Họ đẩy tôi vào những thứ như vậy nhưng tôi không oán giận. Tôi cám ơn họ đã tạo cho tôi nghịch cảnh để mình trưởng thành hơn.
Nhưng tôi cũng không bao giờ quên tình huống đó, không bao giờ quên những con người đó. Bởi nếu lời van xin của tôi được lắng nghe, được đáp lại thì ít nhất mẹ tôi vẫn có thể sống.
Tôi nhớ như in khoảnh khắc mẹ trút hơi thở cuối cùng, tôi đang casting phim. Bởi không còn cách nào khác, muốn có tiền thì phải làm phim tiếp. Ngày cast thứ hai, tôi quá mệt nên thuê 1 chị chăm mẹ. Đang cast thì chị ấy gọi điện bảo "mẹ kỳ lắm, về nhà đi". Tôi chạy về thì mẹ thoi thóp, không biết gì nữa.
Lúc đó tôi không khóc vì tôi đã biết điều này trước sau gì cũng đến. Đưa mẹ lên xe cứu thương, ngồi 6 tiếng từ Sài Gòn về quê, người mẹ cứng đơ, anh em tôi và chị người làm vừa niệm Phật vừa bóp chân tay cho mẹ mềm ra. Tôi gọi điện về nhà lo đất, hòm, mọi thứ. Cũng chính tôi là người đi đào huyệt và liệm mẹ.
Lòng hiếu thảo của con cái dường như luôn đến từ nghịch cảnh...
Tôi không biết đó là cái gì nhưng tất cả những giờ khắc quan trọng ấy đều rơi vào khoảnh khắc sự nghiệp của tôi. Tôi không biết liệu đó có phải là đánh đổi không nhưng đó đều là nút thắt là ngã rẽ làm cho mình rất nhiều tổn thương.
Phim Lô tô khởi quay, khởi chiếu, nhận rất nhiều tiếng vang và mẹ tôi bệnh là hai con đường song song. Một con đường vinh quang và một con đường đi đến đáy của sự đau khổ.
Sau tất cả, cái chết của mẹ đã để lại cho tôi một bài học để tôi sống khác đi, không phải lao đi tất cả vì tiền. Không có tiền, mẹ tôi chết nhưng có tiền, cũng không níu kéo được sự sống của mẹ. Cả đời mẹ tôi không oán giận ai, cho tới lúc chết vẫn lo cho con, đó là bài học về tình thương mà mẹ để lại".
Theo Tri Thức Trẻ