Từ xưa đến nay, "Vạn ác dâm vi thủ, bách hạnh hiếu vi tiên" (Vạn điều ác thì tà dâm là đứng đầu, trăm cái nết thì hiếu kính là trước hết). Hiếu thảo là đức tính tốt đẹp đầu tiên của con người. Từ những em bé nhỏ tuổi, tới người lao động bình thường, hay bậc vua quan trong thiên hạ đều cần phải thực hành chữ Hiếu. Chữ Hiếu không chỉ bó hẹp trong sự yêu thương chăm sóc với cha mẹ ruột thịt, mà còn mở rộng ra trở thành đức Nhân rộng lớn tạo phúc cho hết thảy người trong trời đất.
Ấy thế nhưng, hiện nay, rất nhiều người chẳng còn rung động với "Bách hạnh hiếu vi tiên" nữa. Thi thoảng, dư luận lại sục sôi trước những mẩu tin "như kim châm" về chuyện con cái ngược đãi, bất hiếu với cha mẹ. Chẳng cứ đâu xa, mới đây thôi, cư dân mạng truyền nhau một video ngắn, ghi lại cảnh con cái ngồi chia chác, tính toán ngày công phụng dưỡng mẹ cha già cả, thậm chí thấy cha mẹ tuổi già sức yếu nhớ nhớ quên quên, đầu bù tóc rối mà nỡ ra tay hành hạ, nhiếc móc…, để thấy đau một nỗi: "Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày".
Một điều đáng giận phải thú nhận, xung quanh chúng ta có không ít kẻ bất hiếu với đấng sinh thành. Và, chú ý quan sát, có thể phát hiện ra, cuộc sống của những kẻ bất hiếu này luôn luôn chung một kết cục: tệ hại, lụn bại, nhận quả báo đắng cay. Bởi lẽ, người hiểu đạo Hiếu đều thấm: Hiếu thuận nghĩa là có Hiếu, thì sẽ thuận! Và, có Hiếu mới có được lòng Nhân.
Đạo Hiếu, đạo làm người nhắc nhở: Trời đất là cái rễ của chúng ta, cha mẹ là cái gốc của chúng ta. Làm người không thể mất gốc, uống nước ắt phải biết nhớ nguồn. Có giá trị quan này thì mới mong công chính vô tà, tu dưỡng đạo đức mong ngày càng tinh tấn. Chữ Hiếu, lòng Nhân giúp chúng ta không lạc lối giữa cõi mê, sau trước kiên trì gìn giữ một sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại – tương lai. Trong chốn hồng trần cuồn cuộn, trong những xô bồ của cuộc sống hiện đại đầy rẫy nguy cơ, hiểm hoạ, ai giữ được cho mình chữ Hiếu, chữ Nhân, thì người ấy tất có phúc báo ắp đầy.
Vở kịch "Quan Âm Diệu Thiện" được sân khấu kịch Lệ Ngọc Lấy cảm hứng từ tích dân gian về Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Hương Tích (Hà Nội)
Tự vô thức, thẳm sâu trong sinh mệnh của con người đều có mối liên hệ rất tự nhiên với Thiên thượng, vũ trụ, thần phật – điểm tựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở. Một nén tâm hương, đôi lời cầu nguyện, cùng đức tin vĩnh hằng, chắp tay thành kính trước đức Phật từ bi, cầu mong sau trước một chữ An tự tại, để rồi khi rời cổ tự, lòng ta bình lặng như mặt hồ, trầm ổn thấu suốt đối diện với khắc nghiệt một cách an nhiên và chậm rãi.
Đặc biệt những ngày này, sau một năm dặm dài gian khó, 2020, với biết bao biến động khôn lường của dịch bệnh, tai ương, lũ lụt thiên tai…, lòng người cần lắm một nơi an trú tâm linh để được sống chậm, sống sâu, tìm về khoảng lặng an yên, soi chiếu lại chính mình. Cảm thấu những tâm hồn xáo động, chất chứa nhiều đau khổ, mong cầu thiện lương sau can qua sóng gió, sân khấu kịch Lệ Ngọc cho ra mắt vở kịch mới: Quan Âm Diệu Thiện, như một đoá sen thơm lành ủi an những phận người chìm nổi nhưng kiên cường, nhẫn nại vượt qua bao biến thiên của đời sống.
Lấy cảm hứng từ tích dân gian về Đức Phật Hương Tích Quán Thế Âm Bồ Tát, vở kịch "Quan Âm Diệu Thiện" kể lại hành trình vượt mọi thử thách, cám dỗ của công chúa Diệu Thiện - con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương. Thấu tỏ lầm than của muôn dân, thấy rõ những lỗi lầm của vua cha, công chúa Diệu Thiện quyết tâm rũ bỏ mọi vinh hoa phú quý, từ chối lấy chồng nối ngôi vua, chọn quy y nơi cửa Phật nhằm giúp đỡ chúng sinh. Những lát cắt đắt giá trên con đường hướng Phật của công chúa Ba: cảm thấu khổ sở, lầm than của người dân trong cõi nhân gian bát nháo, chứng kiến nỗi thống khổ của những kẻ bị đày ở nơi âm tào địa phủ cùng bao hình phạt khắc nghiệt mang tính "quả báo" mà họ đã gây ra ở chốn trần gian…, được sân khấu Lệ Ngọc mô phỏng sáng tạo với những màn trình diễn nghệ thuật hình thể mang tính tả chân giàu cảm xúc cùng "bản cáo trạng" thấm thía khiến người xem "nổi da gà" bất giác nhìn ngược vào sâu tâm thức của mình. Chưa bao giờ những thái cực đúng – sai, thiện – ác được diễn tả song hành trần trụi, sinh động, sâu sắc trên sân khấu kịch đến thế!
Với thủ pháp ước lệ, lời thoại súc tích, gần gũi, uyển chuyển lồng ghép chuyện đời, chuyện đạo, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng bậc thầy, đặc biệt diễn xuất của dàn diễn viên thực lực: NSND Lệ Ngọc (vai công chúa Diệu Thiện), Văn Hải (vai vua Trang Vương), Hương Thuỷ (vai hoàng hậu), Thanh Bình (vai thái giám)…, vở kịch "Quan Âm Diệu Thiện" kí thác trọn vẹn và cảm động hành trình tu hành, cứu khổ, cứu nạn của công chúa Diệu Thiện, dựng lên bức tranh đối lập sáng – tối, cái ác, lòng tham – tấm lòng từ bi, hỉ xả, vẹn tròn đạo Hiếu, lòng Nhân.
Chính nhờ chữ "Nhân" - cốt lõi cho mọi giá trị tốt đẹp đạo làm người, Công Chúa Ba đã vượt được can qua, khổ nạn để phổ độ chúng sinh; nhờ chữ "Hiếu" - lòng hiếu kính của đạo làm con, hy sinh cả mắt và tay của mình để cứu đấng sinh thành, cuối cùng độ được vua cha, để người ngộ ra và một lòng hướng Phật, chuộc lại những lỗi lầm trước đây của mình. Cuối cùng, Công Chúa Ba được nhập niết bàn, sắc phong Quan Thế Âm Bồ Tát, tương truyền ngày nay thờ tại chùa Hương (quần thể danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội): "Rằng trong cõi nước Nam ta/ Chùa Hương có đức Phật Bà Quan Âm". Triết lý của nhà Phật, huyền tích Phật bà được sân khấu hoá không hề giáo điều, nặng nề, trái lại trở nên lấp lánh, nhuần nhị dưới ánh xạ của nghệ thuật.
Nếu để ý một chút, giữa bộn bề tất bật của cuộc sống mưu sinh hôm nay, những ngôi cổ tự lại văng vẳng tiếng người khấn vái, trầm mặc tiếng kinh cầu, những lời thuyết giảng về chữ Hiếu, chữ Nhân và đạo làm người. Dù quay cuồng trong bóng tối u minh, có lẽ người với người cũng chỉ cần nâng niu trao tặng, nhắn gửi nhau gìn giữ cái gốc làm người, sống vẹn chữ "Hiếu" với đấng sinh thành, trọn chữ "Nhân" với người thân và cộng đồng, một lòng hướng Phật, giữ tâm thiện lương… ắt chúng ta sẽ tìm được an yên giữa dòng đời vạn biến.
Dẫu có đôi khi lòng ta lung lạc, biết rõ "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", những mong giữa gió dập mưa vùi, giữa những cám dỗ hiểm hoạ của lợi ích, vật chất, lòng tham…, mỗi người giữ được sự trầm tĩnh, sáng suốt giữ gìn cái gốc làm người, nuôi dưỡng sự bình an tự tâm. Như ai đó từng nói rằng, không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn người biết sống. Tâm bình thế giới bình. Khi tâm an vui, thì bình yên cũng theo đó mà nương tựa, tỏa lan, trổ mầm, cũng có nghĩa chữ Hiếu, đức Nhân được nhân rộng trong thế giới đại đồng tràn đầy tình yêu thương và lòng bác ái.
Đó cũng chính là thông điệp nhân văn, sâu sắc mà sân khấu Lệ Ngọc truyền tải tới Phật tử nói riêng và khán giả yêu kịch nói chung thông qua vở kịch Quan Âm Diệu Thiện, đang đến với khán giả TP.HCM trong tháng 12 này.
Theo Trí Thức Trẻ