Từ ‘Ngọa Hổ Tàng Long’ đến ‘Brokeback Mountain’ và ‘Life of Pi’, sau đây là top 10 dự án màn bạc đáng nhớ dàn dựng bởi ‘vị họa sư tài hoa của ngành nghệ thuật thứ bảy’.
Heath Ledger và Jake Gyllenhaal trong ‘Brokeback Mountain’.
Cách đây đúng 20 năm, ‘Ngọa hổ tàng long’, tựa phim sử thi hành động tráng lệ của Lý An, công chiếu mở màn tại LHP Cannes. Tác phẩm nhanh chóng đạt được những thắng lợi chưa từng có trên thị trường phim quốc tế, và qua đó, ‘kích ngòi’ cho nỗ lực hồi sinh để vươn tầm của điện ảnh châu Á.
Bộ phim chiến thắng 4 giải Oscars. Lý An – người bấy giờ đã được Hollywood biết đến, tiếp tục củng cố vị thế nhà làm phim gốc Á thành công nhất thế giới.
Trên bình diện toàn cầu, ông từng giành tượng vàng Oscars, Baftas, giải Gấu Vàng (LHP Berlin), và Sư tử Vàng (LHP Venice).
Những đề cử phim Lý An đạo diễn, ấn tượng dẫu không nhiều, phản ánh một sự thấu hiểu sắc sảo nét đa dạng văn hóa lẫn quy ước riêng đối với mỗi thể loại điện ảnh.
Suraj Sharma trong vai Pi Patel, trong một cảnh phim ‘Life of Pi’.
Từ trải nghiệm đậm chất tự sự cá nhân xoay quanh những mảnh đời gốc Á nhập cư, đến phiên bản màn ảnh rộng chuyển thể của một số tác phẩm văn học kinh điển phương Tây – vốn ẩn chứa tính xác thật đáng kinh ngạc, Lý An gần như chưa từng khiến người hâm mộ thất vọng suốt 30 năm qua.
10. ‘Hỷ Yến’ (1993)
Đề tài chủ chốt xoay quanh tình yêu bị cấm đoán và đạo làm con được truyền tài đan xen, hài hòa trong tựa phim hài lôi cuốn ‘Hỷ Yến’. Triệu Văn Tuyên (Winston Chao) vào vai một anh chàng đồng tính gốc Đài đang sống tại New York, người chấp nhận kết hôn giả theo ý gia đình, hơn là công khai sống với giới tính thật.
Trên phim, Kim Tố Mai (May Chin), đã thể hiện xuất sắc nhân vật cô dâu giả, một nghệ sĩ nghèo mong muốn có được tấm thẻ xanh sang Mỹ bằng mọi giá.
9. ‘Ride with the Devil’ (1999)
‘Bản sử thi điện ảnh’ hoành tráng tái hiện một chương tăm tối trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Lý An phản ánh chuyện đời thăng trầm của một người nhập cư Hà Lan (Tobey Maguire) đến miền nam nước Mỹ giữa giai đoạn chiến sự căng thẳng, phải đối diện tình cảnh lạc lõng nơi xứ lạ.
Những xung đột phức tạp nơi nội dung đè nặng áp lực cho mạch phim, duy kỹ năng dàn dựng khéo léo cùng một kịch bản được xử lý thấu suốt, trôi chảy đã giúp ‘Ride with the Devil’ ghi dấu ấn khó quên.
8. ‘Hulk’ (2003)
‘Hulk’ có lúc bị xem nhẹ, khi Lý An nỗ lực mang hình tượng ‘Gã khổng lồ xanh phi thường’ lên màn ảnh rộng. Bộ phim lâu nay vẫn bị ‘che lấp’ bởi thành công thương mại vang dội từ thương hiệu Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Thế nhưng tựa phim hành động này đã đem lại một ‘hành trình’ xúc cảm kỳ thú cho người xem. Mặt khác, thủ pháp ‘tách’ cảnh quay vốn gợi nhớ đến những tấm khung ‘chia cảnh’ trên những trang truyện tranh gốc về nhân vật chính ‘Hulk’, đến nay, vẫn được đánh giá là bước tiến mạnh dạn và sáng tạo trong kỷ thuật xử lý hình ảnh. Yếu tố lần nữa khẳng định ‘hoa tay’ cùng đôi mắt dựng phim nhà nghề của Lý An.
7. ‘Sắc, Giới’ (2007)
Lý An nhận giải Sư tử Vàng danh giá tại LHP Venice cho dự án phim chuyển thể đầy hao tốn từ tác phẩm truyện vừa (novella) của nữ văn sĩ Trương Ái Linh.
‘Sắc, Giới’, câu chuyện trinh thám giật gân và gợi cảm, đồng thời trở thành ‘bệ phóng’ sự nghiệp cho nữ chính Thang Duy. Trên phim, cô hóa thân làm một điệp viên, đến Hương Cảng với nhiệm vụ quyến rũ Mr. Yee (Lương Triều Vỹ), một người đàn ông bí ẩn và quyền lực.
6. ‘Ẩm thực nam nữ’ (1994)
Lấy bối cảnh đô thị Đài Bắc hiện đại, phim theo chân ba chị em sống cùng một nhà (Dương Quý Mị, Ngô Thiến Liên và Quy Á Lôi) khi họ chật vật trước những rắc rối công việc, yêu đương, lẫn trách nhiệm đạo hiếu với người cha già (Lang Hùng).
Ống kính máy quay của Lý An có sự ưu ái đặc biệt dành cho những món ăn truyền thông Á Đông, trong một bộ phim ngợi ca vẻ đẹp ẩm thực. Bên cạnh đó là câu chuyện muôn thuở về sự đối nghịch nơi tư duy tân – cổ, tuy nhiên, ở đây không chỉ nhằm để lại tiếng cười. Theo cách đáng ngạc nhiên, ‘Ẩm Thực Nam Nữ’ là một trong những tác phẩm giản đơn mà xuất sắc nhất Lý An từng thực hiện.
5. ‘Sense and Sensibility’ (1995)
Nữ diễn viên, biên kịch Emma Thompson đã có chiến thắng lịch sử tại Oscars, khi cô giành tượng vàng ở hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất, với dự án phim tiếng Anh đầu tiên do Lý An đạo diễn. Đến nay, ‘Sense and Sensibility’ vẫn được xem như phiên bản chuyển thể hoàn thiện và lôi cuốn nhất từ cuốn tiểu thuyết đầu tay nổi tiếng của Jane Austen.
Tái dựng phong cách làm phim ‘có một không hai’ của hãng Merchant Ivory (nơi từng tạo tiếng vang với nhiều tác phẩm chuyển thể chất lượng), câu chuyện về 3 phụ nữ trẻ nghèo túng theo đuổi mục tiêu tìm kiếm tấm chồng tốt đẹp để đảm bảo cuộc sống tương lai, được phác họa không thể duyên dáng hơn trên màn ảnh.
4. ‘Life of Pi’ (2012)
Lý An mang về giải thưởng Oscar thứ hai trong vai trò đạo diễn nhờ dự án phim ngụ ngôn kỳ ảo cuốn hút ‘Life of Pi’. Tác phẩm được quay bằng kỹ thuật 3D, kết hợp cùng những thủ pháp xử lý hình ảnh tân tiến nhất lúc bấy giờ.
Cuốn tiểu thuyết tưởng như không thể dựng thành phim của Yann Martel, kể về một cậu bé người Ấn (Suraij Sharma) trôi dạt trên chiếc thuyền nhỏ cùng một chú hổ Bengal, sau cùng lại tạo nên trải nghiệm nghe nhìn choáng ngợp, đầy mê hoặc nhưng vẫn đậm chất nhân văn.
‘Life of Pi’ đồng thời có sự góp mặt của tài tử tài năng vừa qua đời Irrfan Khan, trong vai diễn tiếng Anh đáng nhớ nhất của anh.
3. ‘Ngọa hổ tàng long’ (2000)
Từ hiệu ứng thiết kế sản xuất đẹp mãn nhãn đến những pha giao đấu ‘nghẹt thở’ không thể rời mắt dàn dựng bởi chuyên gia chỉ đạo võ thuật lão luyện Viên Hòa Bình, ‘Ngọa Hổ Tàn Long’, đến tận ngày nay, trên nhiều phương diện, chính là bộ phim đặc sắc nhất làm nên dấu ấn Lý An.
Duy nhất đôi nét ‘khúc khuỷu’ có phần thừa thải trong màn ba của mạch phim, khiến nó không thể đạt đến cảm nhận hoàn mỹ tổng thể. Tuy nhiên, tuyệt tác điện ảnh được Lý An dành tặng cố đạo diễn kỳ cựu của dòng phim hành động Hoa ngữ Hồ Kim Thuyên (King Hu), trong suốt 20 năm qua, vẫn được nhắc nhớ như một ‘biên niên sử’ nghệ thuật đáng trân trọng.
2. ‘The Ice Storm’ (1997)
Sắc bén ở khía cạnh nội dung, kết hợp cùng chủ ý dựng phim mang tính quan sát và suy ngẫm đặc trưng của Lý An, dường như không có bất kì điểm yếu nào ở dự án chính kịch ‘gây lạnh gáy’ lấy bối cảnh tại New England (Mỹ) thập niên 1970.
Khi một gia đình trung lưu hội ngộ cho dịp lễ Tạ ơn, cũng là lúc triều đại tổng thống Nixon sụp đổ. Người lớn và trẻ nhỏ cố gắng ở cạnh nhau, tìm kiếm những kết nối nhân sinh đúng nghĩa, trong khi bên ngoài, một ‘cơn bão’ lớn đang đe dọa nhấn chìm tất cả.
1. ‘Brokeback Mountain’ (2005)
Heath Ledger và Jake Gyllenhaal đã có vai diễn đỉnh cao sự nghiệp, khi hóa thân vào 2 chàng cao bồi đồng tính, làm công việc chăn cừu tại vùng quê hoang dã Wyoming.
Vụt mất tượng vàng Oscars một cách đáng tiếc, thời điểm sự kiện này vẫn chưa thật sự ‘bật đèn xanh’ cho dòng phim LGBT, ‘Brokeback Mountain’ vẫn giúp Lý An thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Mối tình truyền cảm, đầy ám ảnh và nghẹn ngào chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên xuất bản năm 1997 của Annie Proulx, đồng thời ‘đánh dấu’ vị thế đỉnh cao trong sự nghiệp làm phim của ‘vị họa sư’ tài hoa đã ‘vẽ’ nên vô số thước phim rung động kinh điển.
‘Brokeback Mountain’, bên cạnh đó, luôn được xem như một trong những câu chuyện tình đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh.
Như Ý (theo SCMP)