Vào một ngày đẹp trời tại vùng Kanto-Nhật Bản, một bà mẹ ngoài 30 tuổi đang cho một đứa trẻ ăn quà vặt. Cậu bé này chẳng phải con chị nhưng vẫn được đối xử tử tế vì chắc cũng là con của hàng xóm trong vùng hoặc nằm trong nhóm bạn của con chị. Thỉnh thoảng cậu đến nhà ăn tối với gia đình và thậm chí ngủ lại qua đêm.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là cậu bé chẳng phải bạn của con chị, cũng chẳng thân quen nhưng vẫn thường hay đến nhà chị chơi cùng những đứa trẻ khác một cách thường xuyên. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi người phụ nữ này nói chuyện với con mình về cậu bé đó.
Trên thực tế, tình trạng những đứa trẻ lạ mặt đi lang thang vào nhà mọi người chơi ở Nhật Bản đang ngày càng tăng. Tính tự lập được giáo dục cho lũ trẻ cùng sự an toàn, ý thức cao trong xã hội khiến trẻ em Nhật Bản khá tự chủ dù không có bố mẹ đi kèm. Chúng tự đi đến trường, lễ phép và tuân thủ những quy định trong xã hội một cách chặt chẽ. Dẫu vậy, chính điều này lại đang tạo nên một thế hệ những đứa trẻ bị bỏ rơi, hay còn gọi là "Hochigo".
Với công việc và cuộc sống bận rộn, cha mẹ đi làm cả ngày và tối muộn mới về cùng văn hóa "làm việc đến chết", rất nhiều trẻ em Nhật Bản phải tự lập trong cuộc sống từ sớm. Hệ quả là chúng thường lang thang trên đường phố hoặc qua các nhà hàng xóm trong vùng để chơi mà không có ai kèm cặp.
Mặc dù chưa có một số liệu chính thức về những Hochigo này nhưng giới truyền thông Nhật cho biết số lượng trẻ lang thang tự chơi đang ngày càng tăng kể từ sau năm 2010. Cuộc khủng hoảng kinh tế và giảm tốc tăng trưởng dường như đã tác động mạnh không chỉ đến người lớn mà còn trẻ em. Trong khi các bậc phụ huynh tích cực làm việc để hồi phục lại nền kinh tế Nhật thì trẻ em lại đang bị bỏ rơi dần.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh Nhật Bản bày tỏ sự phẫn nộ trên các trang mạng xã hội, những nhóm thảo luận và truyền thông về những trường hợp các em nhỏ bị bỏ quên không chăm sóc phải lang thang sang các nhà khác chơi như vậy.
Một số chuyên gia Nhật khá lo ngại về vấn đề an toàn của trẻ nhỏ dù xã hội nước này nổi tiếng về vấn đề an ninh, ý thức. Dẫu vậy, những lo lắng này khó thực hiện khi nhiều bậc phụ huynh chỉ đơn giản cho rằng họ để con mình tự chơi, thực hiện tính tự lập hoặc đơn giản là cho chúng sự tự do.
Từ lâu, nền văn hóa Nhật Bản đã chấp nhận việc những bạn trẻ con tự chăm sóc cho nhau với tính tự lập cao. Những đứa trẻ tầm 6-7 tuổi tại Nhật đã có thể tự đi đến trường, tự lên xe buýt hoặc tàu điện ngầm một mình, điều mà trẻ em nhiều nước khó làm được.
Những kẻ lang thang "nhí"
Quay trở lại người mẹ xin được giấu tên ở trên, chị cho biết gia đình bắt đầu có nhiều trẻ em đến chơi sau khi con chị mang những nhóm bạn cùng trường khác nhau về nhà sau giờ học. Cậu bé Hichogo mà chị biết đến vốn trông lớn tuổi hơn một chút so với con chị nhưng chị tưởng rằng chúng đều là những người bạn chơi cùng nhau nên chẳng quan tâm mấy.
Kể từ đó, cậu bé Hochigo bắt đầu thường xuyên đến nhà chị chơi hơn và ngày càng bạo dạn hơn, thậm chí lấy đồ ăn trong tủ lạnh mà không cần xin phép hoặc ở lại đến tối muộn. Bắt đầu nghi ngờ, chị hỏi con mình và nhận được câu trả lời rằng con chị chẳng hề quen biết cậu bé này.
Sau khi nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, chị mới biết cậu bé này học trên con chị 2 lớp. Mặc dù sau đó cậu không đến nhà chị chơi nữa nhưng vẫn lang thang quanh khu vực một mình.
Nguồn ảnh; The Atlantic
Một người phụ nữ ở Yokohama, gần thủ đô Tokyo cho biết việc các bậc phụ huynh thường đi sớm về muộn và không giữ mối liên hệ tình cảm với con cái có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, từ sức khỏe vật chất, tinh thần cho đến rủi ro nguy hiểm đến tính mạng.
Vài vụ bắt cóc đã diễn ra như ở Osaka khi một người đàn ông mang bé gái 12 tuổi về nhà mình hay thậm chí một bé gái 15 tuổi tự nguyện đến sống ở nhà một người đàn ông khác ở Oyama trong 6 tháng mà gia đình chẳng biết gì.
Số liệu của Bộ giáo dục Nhật Bản cho thấy đã có ít nhất 700 nhóm trên toàn quốc được xây dựng nhằm chia sẻ những thông tin với bậc phụ huynh về những đứa con của mình, về cách đối xử cũng như giáo dục chúng trước thực trạng ngày càng nhiều đứa bé bị bỏ bê.
Giáo sư Noa Fukaya của trường đại học Shoin University cho biết rất nhiều cha mẹ không quan tâm hoặc không biết cách nào là tốt nhất để giáo dục con mình.Đây là hiện trạng thực tế sau hàng thập niên giảm tốc kinh tế và tỷ lệ sinh thấp khiến người lớn ngày càng ít quan tâm đến con mình.
Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh ngày nay gặp áp lực về công việc và tình hình tài chính, họ không có sự trợ giúp của ông bà hay xã hội để san sẻ gánh nặng con cái nên chúng thường bị bỏ phó mặc cho nhà trường và xã hội.
*Nguồn: The Japan Today
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị