GS Nguyễn Lân Dũng: Khởi hành - Sinh viên muốn thành công thì phải rèn luyện đạo đức, tinh thần trách nhiệm

03/04/2021 17:30
GS Nguyễn Lân Dũng: Khởi hành - Sinh viên muốn thành công thì phải rèn luyện đạo đức, tinh thần trách nhiệm

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Nên nhớ tương lai thành hay bại, tươi sáng rạng rỡ hay không là do chính bạn, không do bất kỳ ai khác quyết định.

Giáo sư John Vu (bút danh Nguyên Phong) tên thật là Vũ Văn Du, hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học của Đại học Camegie Mellon (Hoa Kỳ). Ông từng là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Boeing. Ông là tác giả và dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có tác phẩm phóng tác "Hành trình về phương Đông" và các tác phẩm khác như "Ngọc sáng trong hoa sen", "Bên rặng tuyết sơn", "Hoa trôi trên sóng nước", "Minh triết trong đời sống", "Đường mây qua xứ tuyết"…

Cuốn "Khởi hành" (Lời khuyên sinh viên Việt Nam) được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty First News phát hành qua bản dịch của Ngô Trung Việt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng bạn đọc.

Cuốn "Khởi hành" (Lời khuyên sinh viên Việt Nam) của Giáo sư John Vu. (Ảnh: Hatgiongtamhon.vn)

- Thế giới đang chuyển động, thay đổi từng giây. Đừng chủ quan, dậm chân một chỗ… Hãy nên nhớ tương lai thành hay bại, tươi sáng rạng rỡ hay không là do chính bạn, không do bất kỳ ai khác quyết định.

- Với tư cách là một nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa và công nghệ, tôi nhận thấy mọi người thường không ý thức được rằng chúng ta đang có nhiều việc làm tốt, nhưng chưa có lao động lấp đầy.

Ngành Công nghệ thông tin ở nhiều quốc gia hiện đang thiếu hụt một lượng đánh kể các chuyên viên có kỹ năng. Không chỉ thế, hiện còn rất nhiều vị trí khác đang cần tuyển dụng nhưng không được liệt kê trực tuyến, cũng không được quảng cáo trên báo chí.

- Khoảng cách giữa các nhà tuyển dụng và các nhà giáo dục càng ngày càng tăng. Với tư cách là một nhà giáo dục đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng giải pháp để tháo gỡ vấn đề không phải là tạo thêm nhiều việc làm mà là cung cấp sự đào tạo tốt hơn, giúp thanh niên có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một số giáo sư chỉ thích dạy một số lĩnh vực không còn được ứng dụng trong thực tế, vì điều đó giúp họ giữ được việc làm của họ. Trong khi đó, các sinh viên trẻ tuổi lại không biết cách chọn lựa cũng như không có khả năng định hướng quá trình học tập của mình.

- Sinh viên là tương lai của xã hội. Nếu sinh viên không được đào tạo để đáp ứng các nhu cầu và chuyển biến với tốc độ ngày càng cao của xã hội thì mọi thiệt hại chúng ta phải gánh chịu không phải chỉ gói gọn trong một vài thế hệ. Những cố chấp của ngày hôm nay về lâu dài sẽ trở thành hậu quả khó giải quyết của ngày mai.

- Trong một cuộc hành trình, bạn phải biết bạn đang đứng ở đâu và bạn muốn đi về đâu. Bạn phải có kế hoạch giúp bạn xác định phương hướng và suy nghĩ về việc làm sao đi đến đó.

Bạn phải liên tục kiểm tra lộ trình của bản thân và so sánh với kế hoạch ban đầu để kịp điều chỉnh khi bạn lệch khỏi con đường đã định quá xa. Bạn cần biết đích đến của mình, nơi bạn bắt đầu.

Bạn còn cần cả bản đồ và la bàn (kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai) và thường xuyên kiểm tra tiến bộ trong suốt quá trình theo học để chắc chắn rằng sau khi tốt nghiệp đại học bạn sẽ thu được những tri thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng công việc mà bạn chọn. Bạn phải học cách quyết định và tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình.

- Hiện nay người thất nghiệp ngày càng nhiều, cơ hội kiếm được việc làm tốt mà không có bằng đại học thực sự rất ít.

Những trường hợp bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zukerberg đều là trường hợp ngoại lệ và rất hiếm khi xảy ra.

Xin lưu ý rằng Steve Jobs, người sáng lập ra thương hiệu Apple đã phải thuê người thay ông quản lý công ty. Ông tin họ nhưng họ đã sa thải Steve Jobs và tổ kỹ thuật, chiếm hết tiền bạc rồi bỏ mặc cho Apple phá sản.

- Một nhân viên có bằng đại học thu nhập trung bình nhiều hơn một nhân viên không có bằng cấp tới 60%.

Hơn nữa, những dữ liệu thống kê còn cho thấy những người có bằng cấp thường khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn và nói chung là hạnh phúc hơn những người không có bằng cấp.

- Vào đại học hay không là quyết định của bạn, tùy thuộc vào khả năng và mong đợi, tùy thuộc vào động cơ và quyết tâm của mỗi người.

Nếu bạn không thể tự mình xác định rằng bản thân có gì, muốn trở thành người như thế nào và sẽ phát triển ra sao thì không có bất cứ sự giáo dục nào có thể giúp bạn thành công trong thế giới này.

- Đại học là một cuộc hành trình. Trong cuộc hành trình này, bạn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và trở ngại. Nếu bạn có thể vượt qua chúng và kiên định giữ vững những mục tiêu bản thân đã đề ra, bạn sẽ càng ngày càng tiến xa hơn, thậm chí còn có thể xa hơn những gì bạn nghĩ.

- Đại học cũng là một giấc mơ. Mơ có tri thức tốt, khiến cho gia đình tự hào. Mơ có nghề nghiệp tốt, đạt tới địa vị nào đó trong lĩnh vực bạn chọn. Giấc mơ có thể tạo nên sự khác biệt. Giấc mơ cũng có thể tiếp lửa, nâng đỡ và hỗ trợ những người xung quanh bạn. Hãy nhớ, chính bạn là người sẽ biến giấc mơ của mình thành sự thật.

- Ngày nay bằng đại học không còn là tấm giấy thông hành giúp sinh viên ra trường đảm bảo có việc làm. Đặc biệt với bối cảnh xã hội, môi trường kinh tế - chính trị liên tục biến đổi và thị trường thay đổi nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây.

- Bạn không nên chọn bất cứ chuyên ngành nào với lý do “vì bố mẹ muốn mình chọn như vậy”. Bạn không nên chọn bất cứ lĩnh vực học tập nào với lý do “vì bạn bè mình cũng chọn như vậy”. Bạn không nên chọn bất cứ lĩnh vực học tập nào với lý do “vì mình không biết cần học điều gì”. Nếu bạn không thích cái gì đó, bạn sẽ không đi được xa.

- Từ năm 2010 cho tới năm 2020, mức lương cao nhất và việc làm tốt nhất thuộc về các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Trong khu vực Khoa học có y, dược, chăm sóc sức khỏe. Trong khu vực Công nghệ có công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano. Trong khu vực Kỹ thuật có kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu. Trong Toán học có kế toán, thống kê và toán học ứng dụng.

- Bạn không nên chọn một nghề đặc biệt nào đó khi nghề này không có tương lai và không có việc làm. Trong thế giới cạnh tranh nơi chúng ta đang sống, sinh viên cần cân nhắc tới cuộc sống thực tế của bản thân sau khi tốt nghiệp.

- Trở thành sinh viên đại học bạn có tương lai rộng mở nhưng bạn chỉ có khoảng 4 năm để biến giấc mơ tương lai trở thành hiện thực. Bạn chỉ có 4 năm để chuẩn bị và xây dựng nghề nghiệp trong suốt quãng đời còn lại. Cho nên bạn cần coi trọng khoảng thời gian này thay vì để mọi thứ trôi qua vô ích.

- Điều đầu tiên sinh viên phải làm là tổ chức thời gian biểu lịch học. Để chuẩn bị cho 1 giờ lên lớp bạn phải dành ít nhất 2 giờ tự học tại nhà và ít nhất 1 giờ học nhóm cùng bạn bè.

- Điều thứ hai là tuân thủ chương trình môn học một cách cẩn thận. Nếu bạn chủ động lên kế hoạch học tập và tuân thủ kế hoạch này bạn sẽ không bao giờ phải học nhồi nhét trước mỗi kỳ thi. Hãy tạo thói quen đến lớp sớm và chuẩn bị các câu hỏi về những vấn đề bạn không hiểu.

- Trong thị trường việc làm hiện tại, tri thức chuyên môn rất quan trọng, nhưng các kỹ năng mềm khác như trao đổi nhóm, lãnh đạo và tri thức tổng quan về doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Để thành công sinh viên còn cần tự rèn luyện đạo đức và phẩm chất cá nhân, siêng năng và có tinh thần trách nhiệm. Nếu hệ thống giáo dục không dạy điều đó cho bạn thì bạn phải tự mình đầu tư cho bản thân.

- Sinh viên có động cơ học tập thường học hành chăm chỉ và luôn nỗ lực học nhiều nhất có thể được. Sinh viên thiếu động cơ học tập thường bị nhấn chìm bởi bài tập trên lớp và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của trường đại học. Khi không có động cơ học tập sinh viên dễ dàng bị xao nhãng và tốn nhiều thời gian vô ích vào các hoạt động giải trí thay vì học tập.

- Hãy nghĩ về điểm mạnh của bạn, khát vọng của bạn, ước mơ của bạn rồi tự mình cam kết theo đuổi nó. Viết ra mục đích nghề nghiệp của bận. Lập kế hoạch và từng bước cụ thể để đạt được mục đích đã đề ra. Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và không ngừng nỗ lực để đạt được điều bản thân mong muốn. Cuộc đời của bạn nằm trong tay bạn.

- Để thiết lập mục đích học tập, sinh viên cần phải thực hiện các bước sau đây:

* Hình thành mục đích nghề nghiệp.

* Nghiên cứu và tìm hiểu về nghề nghiệp đã chọn.

* Quyết định nghề nghiệp bản thân muốn theo đuổi trong tương lai.

* Lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai.

* Thực hiện kế hoạch nghề nghiệp tương lai.

- Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần có thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết mới có thể đảm bảo tìm được việc làm và thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.- Tốt nghiệp đại học mới chỉ là thời điểm để bắt đầu. Kiến thức bạn học được ở trường là lý thuyết. Chỉ khi bạn áp dụng kiến thức đó vào công việc thực tế bạn mới có thể phát triển các kỹ năng. Các kỹ năng này mới là vốn liếng quan trọng trong suốt cuộc đời bạn.

- Kỹ năng mềm là các kỹ năng liên quan đến con người như kỹ năng trao đổi, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề…

- Người có kỹ năng chuyên môn cao có thể vượt qua các vấn đề kỹ thuật và làm cho dự án thành công nhưng họ không thể vượt qua các vấn đề liên quan đến con người trong trường hợp dự án bị quản lý kém.

Nếu người quản lý ước lượng thiếu thời gian, mọi người sẽ thiếu thời gian để hoàn thành tốt công việc.

Nếu người quản lý không biết cách quản lý nhân sự sẽ xảy ra xung đột nội bộ. Nếu người quản lý không đối xử công bằng, nhóm sẽ rơi vào trạng thái bất bình…

- Một số kỹ năng quan trọng trong trường đại học: Kỹ năng trao đổi (Nghe, Nói, Ngôn ngữ cơ thể, Trình bày); Kỹ năng học theo nhóm; Kỹ năng ngoại ngữ, Kỹ năng tư duy phê phán.

- Một số kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc: Kỹ năng trao đổi trong công việc; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng giải quyết xung đột; Kỹ năng liên tục học tập và cập nhật kiến thức mới; Kỹ năng đọc và thu thập thông tin.

- Phương pháp học tập tích cực đòi hỏi sinh viên chịu trách nhiệm về việc học của mình. Tranh luận cũng là một phương pháp học tích cực. Nên dùng nhóm câu hỏi Who? What? Where? When? Why? Và How? (bằng cách nào).

- Để có thể cải thiện kỹ năng đọc và hiệu quả học, cần loại bỏ mọi thứ có thể khiến bạn sao nhãng và ngắt quãng quá trình học của mình.

Để học tốt hơn sinh viên cần có khu vực dành riêng cho học tập. Sinh viên phải lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho từng lần học. Nên ghi chú những điều quan trọng cần phải nhớ vào một quyển sổ và thường xuyên mang theo người. Cần lưu ý nghỉ ngơi đều đặn để giữ cho tâm trí luôn minh mẫn và tỉnh táo.

- Phương pháp học tập đa phương tiện:

* Học bằng cách đọc: Phần lớn sinh viên thành công thường là những người thích đọc và biết cách lọc ra những ý quan trọng từ văn bản.

* Học bằng cách viết tay: Có thể vừa lắng nghe bài giảng vừa ghi chú những điều quan trọng vào tài liệu, sau đó dùng để ôn tập.

* Học bằng cách đặt câu hỏi: Tự đặt câu hỏi giúp sinh viên cảm thấy tò mò và dẫn tới nhu cầu cần tìm hiểu.

* Học theo nhóm: Giúp các thành viên cập nhật kiến thức mới nhanh hơn. Học hiệu quả hơn.

- Nhận ra thất bại là một phần của quá trình học tập. Để cảm giác thất bại hủy hoại bản thân hay biến chúng thành động lực vượt qua thử thách chính là chọn lựa của riêng bạn.

- Các kỹ năng mà người tốt nghiệp cần phải có: Năng lực giải quyết vấn đề; Khả năng công tác; Tư duy phê phán; Kỹ năng trao đổi; Kỹ năng thuyết phục.

- Với sinh viên có ý định học thêm văn bằng đào tạo sau đại học: Cần đọc thông tin thật cẩn thận trước khi trường bắt đầu nhận đơn xin học. Nên nhờ giáo sư kiểm định nội dung đơn và cho lời khuyên. Có thể sẽ phải viết đi viết lại nhiều lần.

Cần giải thích rõ sự nghiệp mà bạn muốn gây dựng, kiểu công việc mà bạn muốn theo đuổi.

Với sinh viên nước ngoài các trường thường đòi hỏi tổng điểm TOEFL iBT cần đạt từ 95 điểm trở lên (trong đó không có thành phần nào nhỏ hơn 23) hay tổng điểm IELTS cần đạt ít nhất 7,5 điểm.

- Với sinh viên có ý định đi du học: Đừng sợ người khác phán xét hay cười khi bạn nói tiếng Anh sai. Cần tự tạo cho mình thêm nhiều cơ hội để cải thiện khả năng nói tiếng Anh. Kỹ năng đọc cũng rất quan trọng.

Tại Mỹ, trước khi lên lớp bạn phải đọc tài liệu và nắm bắt các ý quan trọng. Khi lên lớp, hãy cố gắng lắng nghe các câu hỏi, ghi chú những ý quan trọng.

Đừng cố ghi nhớ thông tin mà hãy tập trung tìm hiểu ý tưởng cũng như cách áp dụng chúng vào thực tế. Học mà không hiểu, không biết thực hành điều bạn đã học thì không phải là học. Ghi nhớ hay thuộc lòng không phải là học.

- Ngày mai giáo dục sẽ trở thành việc tự học suốt đời. Ngày mai sinh viên sẽ cần phải học thêm từ các nguồn tri thức khác, thông qua các công cụ trực tuyến. Giáo dục của ngày mai là quá trình thu thập và không ngừng rèn luyện những kỹ năng mang tính ứng dụng.

- Dựa trên các thông tin thu thập được, sinh viên phải tìm hiểu thị trường lao dộng để nhận diện các cơ hội tương lai phù hợp với tình hình hiện tại, lưu ý cân nhắc ưu điểm và nhược điểm cho từng lựa chọn. Cần phải học cách cân bằng giữa điều họ thích với nhu cầu của thị trường lao động.

- Phần lớn các công việc liên quan đến công nghệ thông tin đều yêu cần các kỹ năng liên quan đến con người. Phụ nữ có ưu thế trời sinh trong việc này.

Đây là lý do tại sao nữ bao giờ cũng quản lý dự án tốt hơn nam. Không có sự khác biệt nào giữa đàn ông và phụ nữ trong việc theo đuổi tri thức kỹ thuật/công nghệ.

- Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối với nhau và mọi công ty đều cần được kết nối với mạng lưới chung nếu họ muốn cạnh tranh và tồn tại. Công nghệ đã thay đổi cách doanh nghiệp vận hành.

Khi công nghệ thay đổi, nhiều cơ hội sẽ được mở ra cho các nhà doanh nghiệp, những người có thể nhận diện và tận dụng ưu thế của công nghệ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng


Gửi bình luận
(0) Bình luận