Charlie Chaplin gắn liền với hình ảnh người đàn ông với bộ ria mép và bộ quần áo xấu xí xuất hiện trong hàng chục bộ phim câm, vướng vào những câu chuyện vụn vặt pha trộn giữa lãng mạn và sự hài hước.
Chỉ cần nhìn thấy chiếc mũ quả dưa, đôi mắt đen xì, chiếc áo khoác ôm sát, những chiếc áo rộng thùng thình, cây gậy và bộ ria mép, bạn đã có thể biết rằng mình vừa gặp vua hề Charlie Chaplin.
Người đàn ông nhỏ bé này có ảnh hưởng không thể so sánh với thế giới hài kịch hay ngành công nghiệp giải trí Hollywood. Không chỉ là một diễn viên tài năng mà Charlie Chaplin còn trở thành là một đạo diễn, nhà sản xuất và nhà soạn nhạc phi thường. Ông là một trong những người sáng lập studio United Artists.
Một tuổi thơ bất hạnh và khó khăn
Charlie Chaplin sinh năm 1889 tại Nam London (Anh). Tuổi thơ, ông lớn lên trong các nhà kho ở London và biểu diễn trên các sân khấu tạp kỹ khi còn nhỏ.
Cuộc sống đói nghèo, khốn khổ và thiếu thốn gắn liền với tuổi thơ của Charlie Chaplin. Cha mẹ ông sớm chia tay khi Charlie còn nhỏ. Cha ông chết vì nghiện rượu ở tuổi 38 còn mẹ ông bị tống vào trại thương điên trong 18 năm.
Charlie Chaplin lớn lên không có sự dạy bảo, nương tựa, chăm sóc của bố mẹ. Mới 7 tuổi, cậu bé Charlie Chaplin đã phải ở trong trại cứu tế và một năm sau đó, cậu bị chuyển tới trường dành cho trẻ vô gia cư. Năm 9 tuổi, Charlie Chaplin ngủ vạ vật trên các con phố ở Nam London.
Cuộc đời của Charlie đã rẽ sang một hướng khác khi ông nhận được vai diễn một người hầu nhỏ tuổi trong gánh hát chuyên diễn vở Sherlock Holmes.
Dù vai diễn rất nhỏ nhưng Charlie đã tìm cách thu hút sự chú ý của khán giả. Một nhà phê bình đã nhận xét: "Cậu ấy thành công trong việc biến vai một người hầu nhỏ tuổi thành nhân vật được khán giả ưa thích".
Năm 14 tuổi, ông đã bộc lộ những tố chất của người nghệ sĩ và tham vọng trở thành một nghệ sĩ vĩ đại. Ông chỉ trích những thành viên trong gánh hát nhỏ, khiến họ nổi giận nhưng Charlie không từ bỏ bởi ông khát khao đạt tới sự hoàn mỹ. Những điệu bộ gây hài trên sân khấu của Charlie khiến khán giả bật cười một cách dễ dàng như vô tình trượt ngã, hay tụt quần một cách tự nhiên.
Khát khao chinh phục nước Mỹ và trở thành nghệ sĩ nổi tiếng
Năm 1910, ông bày tỏ tham vọng phát triển sự nghiệp của mình bằng cách đặt chân tới nước Mỹ khi là thành viên của một gánh hát mang tên The Karno Co.
Ông lọt vào mắt xanh của những người đang tìm kiếm tài năng của tập đoàn New York Motion Picture Co. Năm 1913, ông ký hợp đồng với công ty điện ảnh Keystone Film Co. và nhận mức lương 150 USD một tuần.
Khi tới Mỹ, ông đã hét lớn với công chúng: "Nước Mỹ, ta đang tới để chinh phục ngươi. Mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em sẽ nhắc tới tên ta - Charles Spencer Chaplin!".
Charlie đã không sai, tới năm 1914, ông thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên mang tên Making a Living và thành công rực rỡ, khiến cả nước Mỹ phải biết tới tên mình. Với bộ râu đặc trưng, Charlie vào vai một tên lừa đảo quyến rũ có tên là Edgar English.
Năm 1914, nhân vật "Little Tramp" (Kẻ lang thang nhỏ bé) của Charlie Chaplin lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim Kid Auto Races At Venice. Trong phim, nhân vật của Charlie Chaplin là một khán giả vô tình làm gián đoạn cuộc đua xe và bộ phim được quay tại một cuộc đua thực sự, với các diễn viên ứng biến dựa trên hoàn cảnh quay thực tế.
Chỉ trong một năm ngắn ngủi khi còn làm việc tại công ty điện ảnh Keystone Film Co., Charlie Chaplin đã phát triển nhân vật "Kẻ lang thang bé nhỏ" của mình thành một nhân vật đặc trưng trong 35 bộ phim hài ngắn.
Charlie từng giải thích lý do ông lựa chọn bộ trang phục trên phim: "Tôi muốn mọi thứ có tính đối lập: Chiếc quần rộng thùng thình, chiếc áo khoác ngắn cũn và ôm sát, một chiếc mũ bé nhỏ và một đôi giày to bản".
Sau khi các vai diễn của ông trở nên ăn khách tại nước Mỹ, ông mong muốn trở thành đạo diễn. Trong các phim ngắn mà Charlie Chaplin thực hiện vào năm 1914, bộ phim Twenty Minutes of Love là tác phẩm đầu tiên mà ông thử sức với vai trò đạo diễn.
Vào năm 1915, Charlie Chaplin đã trở nên vô cùng nổi tiếng khi những con búp bê, mũ, tất, bộ bài và kẹo cao su mang hình ông và chúng được bán khắp thế giới. Các cuốn truyện tranh thi nhau viết về ông. Thậm chí, người ta còn nói rằng, từ tiếng Anh duy nhất mà nhiều người sống ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ biết là "Charlee!" để mô tả mức độ nổi tiếng của vua hề.
Tới năm 26 tuổi, Charlie Chaplin trở thành nghệ sĩ có thu nhập cao nhất thế giới khi được trả mức lương 670.000 USD một năm cùng công ty điện ảnh Mutual Film.
Bộ phim cuối cùng làm về nhân vật "Người lang thang bé nhỏ" của Charlie Chaplin là Modern Times vào năm 1936. Bộ phim thuộc thể loại hài nói về cuộc đời của hàng triệu người thất nghiệp đối mặt với tình trạng không việc làm, không tài sản suốt cuộc Đại khủng hoảng.
Charlie Chaplin từng đóng vai một trùm phát xít và một thợ cắt tóc người Do Thái trong phim hài The Great Dictator. Diễn xuất của Charlie xuất sắc tới mức ông được đề cử Oscar dành cho Diễn viên chính hay nhất và Phim hay nhất.
Kết thúc bộ phim, Charlie Chaplin phát biểu: "Chúng ta muốn sống vì hạnh phúc của người khác, chứ không phải vì sự khổ đau. Chúng ta không muốn đón nhận sự thù ghét và khinh miệt người khác. Sự hiểu biết khiến chúng ta trở nên cay độc. Sự khôn ngoan làm chúng ta cứng rắn và tàn nhẫn. Chúng ta suy tính quá nhiều và cảm nhận quá ít".
Cuộc sống cá nhân đầy biến động và khó lường
Charlie có một cuộc sống cá nhân đầy biến động. Ông kết hôn tới 4 lần. Hai trong số bốn người vợ của "vua hài" chỉ mới 16 tuổi khi kết hôn với họ. Việc giải quyết ly hôn của Charlie cũng rất tốn kém vào thời điểm đó, và ngôi sao từng có thời điểm phải rời Mỹ tới sống tại Thụy Sỹ.
Vợ đầu của ông ly hôn vì Charlie quá tàn bạo. Ông kết hôn với người vợ thứ hai, một cô gái 16 tuổi khác, vì cô đã lỡ mang thai. Charlie Chaplin từng gây sốc khi nói với cô nên nhảy khỏi chuyến tàu đưa họ đi hưởng tuần trăng mật để tự sát, giải thoát nỗi khổ đau của chính mình.
Người vợ thứ ba của ông là nữ diễn viên Paulette Goddard. Hai người kết hôn vào năm 1936. Họ gặp nhau và yêu nhau khi cùng tham gia bộ phim nổi tiếng Modern Times của ông. Khi đó, Paulette mới 22 tuổi.
Họ giữ bí mật về cuộc hôn nhân của họ và mãi tới năm 1940, Charlie mới giới thiệu người vợ thứ ba này với công chúng. Song, chỉ 2 năm sau đó, họ ly hôn mà không có con chung.
Cuộc hôn nhân thứ tư của "Vua hề Sác Lô" diễn ra vào năm 1943. Vợ thứ tư của ông là Oona O'Neill khi ông 54 tuổi còn vợ mới 18 tuổi. Cuộc hôn nhân này khiến cha ruột của Oona O'Neill nổi giận và cắt đứt quan hệ với con gái tới cuối đời. Cặp đôi có 8 người con chung, trong đó, cô con gái Geraldine Chaplin của họ trở thành diễn viên nổi tiếng.
Charlie Chaplin là một nghệ sĩ xuất sắc, một thiên tài sáng tạo nhưng cũng là một người nổi tiếng gây tranh cãi. Huyền thoại điện ảnh hầu như không bao giờ sống tại nhà và đắm chìm trong những vai diễn bởi nếu không diễn xuất, ông không có điểm tựa và trở nên lạc lối.
Con cái của Charlie Chaplin cũng thừa nhận sợ gặp ông vì chúng bị ông phạt nếu chỉ phạm một trong rất nhiều quy định ông đặt ra. Chúng không được phép xem TV và bộ phim duy nhất chúng được xem tại nhà chính là các tác phẩm nghệ thuật của ông.
Năm 1943, Charlie Chaplin bị nữ diễn viên Joan Barry kiện ra tòa vì không làm tròn trách nhiệm của người cha với con chung của hai người. Joan cho rằng, Charlie là cha của con cô.
Kết quả xét nghiệm ADN chứng minh rằng, họ không có quan hệ huyết thống, nhưng tòa vẫn yêu cầu Charlie phải chu cấp cho Joan 75 USD một tuần tới khi con của cô tròn 21 tuổi. Vụ việc đã làm ảnh hưởng tới danh tiếng của vua hề.
Trong mắt những đồng nghiệp, Charlie Chaplin là một người khó gần bởi ông luôn đòi hỏi đối phương phải thật xuất sắc và xem tất cả đều kém cỏi. Trong các phim làm cuối đời, ông cấm việc quay cận cảnh vào các diễn viên phụ bởi việc này sẽ khiến khán giả ít chú ý tới hoạt động diễn xuất của ông.
Ngôi sao Hollywood - Marlon Brando, người từng cộng tác với Chaplin trong phim A Countess From Hong Kong, gọi ông là "con người tàn nhẫn, đáng sợ và có thể là người ác độc nhất tôi từng gặp".
Năm 1952, ông về London, Anh và không thể quay lại Mỹ. Vua hề chuyển tới sống tại Thụy Sỹ. 10 năm sau, ông trở lại Mỹ để nhận giải thưởng Thành tựu tại lễ trao giải Oscar và khán giả đã dành cho ông một tràng pháo tay kéo dài gần 12 phút đồng hồ.
Charlie Chaplin mất tại Thụy Sỹ vào năm 1977 sau vài năm đổ bệnh. Ông được chôn cất tại Thụy Sỹ.
Cuộc sống của "Vua hề Sác lô" vừa có những khoảnh khắc huy hoàng, vừa có những biến động và cả những bất hạnh. Chính cuộc sống khó khăn và cô độc thời thơ ấu đã ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống khi trưởng thành của huyền thoại điện ảnh.
Mi Vân
Theo The Newyorker