Trailer phim "Những người khốn khổ"
Những người khốn khổ chính là bộ phim đầu tiên mà Tom Hooper làm đạo diễn kể từ sau chiến thắng giòn giã của vị đạo diễn người Anh tại lễ trao giải Oscar với The King's Speech vào năm 2010.
Bộ phim do William Nicholson viết kịch bản và được chuyển thể từ vở nhạc kịch cùng tên, vốn dựa trên bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Pháp Victor Hugo.
Đã có tới 60 phiên bản chuyển thể Những người khốn khổ trên màn ảnh. Riêng phiên bản nhạc kịch tiếng Anh của Herbert Kretzmer thậm chí còn trở thành vở nhạc kịch được công diễn "dài hơi" thứ ba trong lịch sử Broadway.
Chìa khóa làm nên thành công của Những người khốn khổ, ở tất cả các phiên bản từ tiểu thuyết, nhạc kịch, cho tới điện ảnh, chính là việc tác phẩm này đã phản ánh thành công những khao khát cháy bỏng của con người. Những người khốn khổ không chỉ khơi gợi mà còn chạm tới những khao khát tình yêu, tự do, sự cứu chuộc, công lý và cả tha thứ.
Đây chính là lý do khiến cho tác phẩm luôn có một lượng khán giả lớn trên toàn thế giới sẵn sàng theo dõi và sát cánh cùng nhân vật chính Jean Valjean trong cuộc hành trình bi thương nhưng đầy nhân văn. Và từng con tim thổn thức vẫn sẽ rung động, ngây ngất như thuở ban đầu, dẫu cho họ đã theo dõi đến biết bao phiên bản của Những người khốn khổ.
Trong nhiều năm qua, đã có không ít nhà phê bình coi Những người khốn khổ của Victor Hugo thuộc thể loại tình cảm ủy mị. Khá thú vị là vào đầu thế kỷ 18, đây có thể được xem như là một thuật ngữ tích cực, biểu thị cảm giác tinh tế, đặc trưng cho một tác phẩm.
Tuy nhiên, về sau những câu chuyện "tình cảm ủy mị" thường mang hàm ý chê bai vì chính nội dung quá đa sầu, đa cảm. Và quả thực, Những người khốn khổ giàu tình cảm đến mức dạt dào. Nhưng chừng đó hoàn toàn là chưa đủ để nói về cơn "bão lòng" mà tác phẩm này có thể tạo nên cho mỗi khán giả dõi theo nó.
Nhà văn Robertson Davies từng thừa nhận chuyện bản thân đã bật khóc trước đoạn kết The Mill on The Floss của Những người khốn khổ. Để rồi sau khi dành thời gian suy xét sâu sắc những cảm xúc diễn ra bên trong tâm hồn, Robertson Davies đã đi đến kết luận rằng mình vừa trải qua một "cơn bão" trong trái tim do ảnh hưởng khơi gợi của một cuốn tiểu thuyết vĩ đại.
Do đó, cảm nhận về Những người khốn khổ thực chất là một công việc nội tâm, nhiều hơn ngoại hiện. Và trong quá trình khám phá tâm tư, tình cảm này, chúng ta có thể tập trung vào những ý tưởng, giá trị mà Những người khốn khổ mang đến, thông qua hình tượng nhân vật chính Jean Valjean (Hugh Jackman thủ vai).
Jean Valjean là một tù nhân đã thụ án 19 năm ở Pháp. Trong đó, Jean Valjean bị án tù 10 năm chỉ vì ăn trộm ổ bánh mì cho người em gái đang dần chết đói cùng gia đình và 9 năm tù nữa vì nhiều lần cố vượt ngục.
Đến với Jean Valjean, khán giả đến với một thế giới bất công, nơi người nghèo, người vô tội bị cầm tù vì… một cái bánh mì. Và ngay cả khi được tạm tha bổng thì quá khứ tù tội vẫn mãi mãi kết án một con người rơi vào cảnh bị ruồng bỏ, thất nghiệp.
Fantine (Anne Hathaway thủ vai) lại là một nạn nhân khác của xã hội bi kịch. Bị nhấn chìm trong cảnh nghèo khó, Fantine buộc phải bán tóc rồi trở thành gái mại dâm để có tiền chăm lo cho cô con gái nhỏ Cosette.
Trước tình cảnh thảm thương của Fantine, Jean Valjean đã hứa sẽ bảo vệ Cosette như chính con gái ruột của mình. Jean Valjean là một món quà tuyệt vời mà Fantine nhận được trước lúc lìa đời, là sự cảm thông, vị tha và cứu rỗi màu nhiệm sau chót. Để rồi khi ước nguyện của trái tim được hoàn thành, cuối cùng thì Fantine đã có thể bình yên giã biệt một kiếp người khốn khổ.
Dung Nhi
Theo TS