Nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo đã làm nhiều người nghẹn lại vì câu chuyện của phim Vị. Tác phẩm này - từng nhận giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters tại Liên hoan phim Berlin - đã không được cấp phép chiếu ở Việt Nam.
Nỗi đau với chị, với đoàn làm phim vẫn còn đó, trong giọng nói không giấu nổi xúc động của chị tại buổi lấy ý kiến góp ý luật Điện ảnh sửa đổi mang tên Ai góp ý giơ tay lên chiều 26.9. “Thực ra tôi vẫn chưa nguôi. Đến bây giờ đó vẫn là chuyện đau lòng với các nhân nhà làm phim, cũng như tập thể sáng tạo”, Đồng Thị Phương Thảo nói.
Lần đầu tiên lên tiếng về Vị, Thảo cho biết, bộ phim không có một hình ảnh nào thô tục như một số bài báo mô tả. Trong suốt 7 năm, đoàn phim đã nhiều lần mang dự án đó ra quốc tế, được ghi nhận tiềm năng từ các quỹ điện ảnh Pháp, Đức, Thái Lan… “Sau 7 năm thực sự khó khăn chúng tôi đã hoàn thành phim. Sẽ không một ai bỏ 7 năm cuộc đời mình ra để làm phim dung tục. Không một quỹ hay liên hoan phim nào cho tiền để thực hiện bộ phim mà họ biết không có giá trị nghệ thuật”, cô nói.
Chính vì thế, khi phim nhận lệnh cấm, những người làm phim chỉ mong muốn làm sao để phim được xem xét lại, phân cấp độ tuổi, làm sao nó đến được với phân khúc khán giả của nó là các liên hoan phim. Để phim được đi tiếp với khán giả, Phương Thảo nói nghẹn ngào: “Lê Bảo chấp nhận từ bỏ quyền tác giả. Tôi là nhà sản xuất từ bỏ quyền sở hữu phim”.
Cụ thể, cả Lê Bảo và Đồng Thị Phương Thảo đã ký vào văn bản: “Chúng tôi phải ký một văn bản với các công ty đồng sản xuất ở Pháp, Singapore, Đức và Thái Lan. Chúng tôi phải từ bỏ vì đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi. Khi phim không còn là "quốc tịch" Việt Nam nữa, không liên quan đến chúng tôi ở Việt Nam nữa thì nó còn cơ hội sống, cơ hội đi. Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể nghĩ đến. Tôi cũng không biết điều đó ở Việt Nam có được chấp nhận không”.
Về việc từ bỏ quyền tác giả và quyền sở hữu này, luật sư Trần Thị Tám (Công ty luật IPCom) cho biết điều này hoàn toàn được chấp nhận trong cả luật Dân sự lẫn luật Sở hữu trí tuệ. “Quyền sở hữu đó từng tồn tại với tác giả và nhà sản xuất phim Vị. Nhưng bây giờ họ từ bỏ nó. Giống như trong luật thừa kế chẳng hạn, mình được nhận một khoản thừa kế nhưng lại không muốn nhận thì mình từ bỏ quyền đó không nhận”, luật sư Trần Thị Tám cho biết.
Cũng theo luật sư Trần Thị Tám, từ bỏ quyền cũng đồng thời từ bỏ nghĩa vụ luôn. “Từ bỏ như vậy thì đó không còn là phim Việt Nam nữa mà thuộc sở hữu của nước khác, và Việt Nam không có quyền đối với bộ phim”, bà Tám nói.
Đồng Thị Phương Thảo cho biết, khi mình từ bỏ quyền sở hữu, Lê Bảo từ bỏ quyền tác giả, thì công ty của Singapore hiện tại là công ty giữ nhiều quyền nhất với bộ phim. Công ty này là một trong hai công ty đồng sản xuất. Như vậy, hiện tại bộ phim Vị đã không còn quốc tịch Việt Nam, mà mang quốc tịch Singapore.
Mặc dù vậy, Phương Thảo cho biết, cô cùng đoàn phim vẫn mong muốn bộ phim có cơ hội được Hội đồng duyệt phim xem xét lại, để phim vẫn có thể đến với các liên hoan phim với danh nghĩa là một phim Việt Nam.
Tháng 7.2021, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành ký quyết định cấm phổ biến phim Vị vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam bởi trường đoạn nude trực diện quá dài.
Nhận định này của hội đồng duyệt cũng trở thành đề tài thảo luận chiều 26.9. Theo đó, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng thẩm định và cấp phép phổ biến phim, cho rằng với bà cảnh quay đó không có gì là dài, song với người khác lại là vậy. Trong khi đó, luật lại không có quy định cụ thể về việc một cảnh quay nude trực diện kéo dài bao lâu là được phép. Điều này không giống với pháp luật liên quan đến điện ảnh ở nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, chẳng hạn có cả quy định một nụ hôn có thể kéo dài bao lâu.
Trước đó, nhà sản xuất phim Vị cũng bị Thanh tra Bộ VH-TT-DL phạt 35 triệu đồng vì gửi phim dự LHP Berlin khi chưa được phép phổ biến. Quyết định xử phạt được đưa ra sau khi Vị được trao giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters.